Trang chủ Quốc tế Phật giáo Hàn Quốc trong khó khăn

Phật giáo Hàn Quốc trong khó khăn

127

1.    Dẫn nhập

Chúng ta từ lâu nay đã nghe đến diễn tiến thiểu số hóa Phật giáo Hàn Quốc.

Việc có một vị tổng thống mới được giới thiệu bề ngoài là không tôn giáo, nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh đến truyền thống gia đình Phật giáo, bà Phác Cận Huệ, đã khiến cho tình hình cải đạo tại Hàn Quốc có vẻ bớt nóng, vấn đề Phật giáo Hàn Quốc thiểu số hóa ít được đề cập.

Tuy nhiên, tháng 9/2014, 2 sự kiện:

–    Cuộc đón tiếp biển người đối với cuộc tông du của Giáo hoàng đến Hàn Quốc.

–    Sau đó là Hội nghị Liên tôn thế giới hoàng tráng với cuộc tập họp 70 ngàn người được tổ chức dưới tư tưởng Ky tô cải đạo “are one” (hiệp làm một, nên một), “theo ý thượng đế”, có tính chất loại trừ Phật giáo.

Đã cho thấy một cục diện mới của tôn giáo ở Hàn Quốc. Trong đó, Phật giáo Hàn Quốc rõ ràng là lép vế ở vị trí tôn giáo thiểu số.

Diện mạo tôn giáo ở Hàn Quốc đã định hình rõ nét diện mạo Ky tô giáo là tôn giáo chính. Các con số lạc quan của đạo Ca tô La Mã về sự gia tăng đáng kể số lượng tín đồ trước chuyến tông du của Giáo hoàng Phanxico đã góp thêm vào việc khắc họa diện mạo như thế trên truyền thông.

Vì vậy, có lẽ bạn đọc chúng ta trở lại quan tâm nhiều hơn đến Phật giáo Hàn Quốc.

Dưới đây chúng tôi giới thiệu một tài liệu tôn giáo học liên hệ đến Phật giáo Hàn Quốc.

2.    Tên  tư liệu: Chính sách tôn giáo của Việt Nam trong bối cảnh khu vực (Qua so sánh với Hàn Quốc)

2.1. Tác giả: Nguyễn Quang Hưng, Giáo sư, Tiến sĩ, khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

2.2. Xuất xứ: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 07 (133), 2014, trang 21-35.

3. Giới thiệu sơ nét:

Qua việc so sánh với hoạt động tôn giáo Hàn Quốc, bài viết cho chúng ta thấy một số vấn đề và khó khăn của Phật giáo Hàn Quốc.

Các số liệu thống kê trong tư liệu tương đối cũ, nhưng bên cạnh đó lại có một số thông tin và bàn luận đáng quan tâm.

Quan hệ giữa Phật giáo với chính quyền giữ một vai trò quan trọng. Phật giáo Hàn Quốc gặp phải vấn đề do những tín đồ cải đạo sang các tôn giáo từ những năm 1980, có lúc đi đến quyết liệt, căng thẳng, có bắt giam tu sĩ Phật giáo và có tự thiêu phản đối.

Chúng ta có thể hình dung những nhà lãnh đạo Hàn Quốc cải đạo đã lại góp phần vào việc cải đạo tín đồ Phật giáo Hàn Quốc, tạo nên nhiều khó khăn cho Phật giáo Hàn Quốc.

Vì vậy, qua trường hợp Phật giáo Hàn Quốc, bị cải đạo không những là mất đi một số lượng tín đồ, mà còn là gia tăng lực lượng cải đạo, là làm cho hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo ngày càng mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh hơn quá trình thiểu số hóa.

Tuy mang danh là nhà nước pháp quyền thế tục theo kiểu phương Tây, nhưng yếu tố tôn giáo trong chính quyền Hàn Quốc rất rõ, nhất là tôn giáo của vị tổng thống.

Tư liệu cũng ghi nhận ưu thế của phương Tây trong hoạt động từ thiện cũng là một yếu tố thúc đẩy việc cải đạo, tức thiểu số hóa Phật giáo.

Tư liệu cũng cho phép các tôn giáo phương Tây ở Hàn Quốc quan tâm nhiều đến việc làm chính trị, tham gia một cách phức tạp vào đời sống chính trị ở nước này. Qua đó, có thể thấy rằng Phật giáo Hàn Quốc không phải là đối thủ của các tôn giáo khác, quá trình gặm nhắm Phật giáo Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục là điều không thể tránh khỏi.

Tư liệu cũng đưa ra nhận xét “Sự gia tăng tín đồ Công giáo, nhất là Tin lành từ sau Chiến tranh Triều Tiên góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa, đưa Hàn Quốc thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong số các con rồng, đứng thứ tư của châu Á và thứ 12 của thế giới”.

Điều này theo chúng tôi là rất đáng lo ngại cho Phật giáo, không chỉ Hàn Quốc, mà là Phật giáo các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nếu ở Hàn Quốc, quá trình cải đạo sang Tin lành và Ca tô La Mã tức cũng là quá trình thiểu số hóa tín đồ Phật giáo lại có vai trò, tác động tích cực như vậy, thì trong sự phát triển, hiện đại hóa nói chung, phải chăng sẽ phát sinh nhu cầu loại trừ Phật giáo, cải đạo Phật tử sang các tôn giáo phương Tây.

Quá trình như thế liệu có diễn ra ở Việt Nam?

Nếu có, Phật giáo Việt Nam cần làm gì để đối phó, biến Phật giáo thành nhân tố tích cực trong hiện đại hóa đất nước, không để rơi vào tình trạng bị loại trừ, bị bỏ lại bên con đường hiện đại hóa. Đây thực sự là một vấn đề lớn cần được nghiên cứu tiếp tục.

4.    Giới thiệu trích dẫn:

“Tuy vậy, quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức tôn giáo ở Hàn Quốc từ sau 1945, nhất là từ sau Chiến tranh Triều Tiên, không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Việc tổng thống Hàn Quốc là người thuộc tôn giáo nào đóng vai trò quan trọng trong chính sách của chính phủ.

Chẳng hạn, Park Chung-hee là người cảm tình với Phật giáo đã tạo nhiều điều kiện cho sự phát triển của Phật giáo. “Việc nghiên cứu chính sách nhà nước bảo hộ Phật giáo đặc biệt được chú trọng trong những năm 1970 đương nhiên bởi tình hình chính trị khi đó. Dưới thời độc tài Park Chung-hee, cách diễn giải lịch sử theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa được khuyến khích. Hơn nữa, ý tưởng về sự bảo hộ của nhà nước gắn liền với tính quân phiệt để chống lại sự đe dọa của Bắc Hàn (Triều Tiên-TG).

Bản thân Park Chung-hee là người sùng Phật giáo đã ủng hộ việc tu bổ nhiều chùa chiền cũng như bắt các nhà sư trẻ đi lính, bởi điều đó phù hợp với tinh thần Phật giáo được nhà nước bảo hộ (State-Protection Buddhism). Tất cả những học giả bị lôi cuốn bởi xu thế trên bắt đầu chú trọng tới nghiên cứu sứ mệnh lịch sử của Phật giáo trong việc bảo vệ dân tộc”.

Trong những năm 1980, dưới đời của tổng thống là người Ki tô giáo, Phật giáo lại không được ưu ái như dưới thời Park Chung-hee nữa. Dưới thời Chun Doo-hwan, người theo Trưởng lão (Presbyterian), một hệ phái chính của Tin Lành ở Hàn Quốc, xảy ra xung khắc giữa Giáo hội Phật giáo với chính quyền quân sự. Năm 1980, một Phật tử thuộc Dòng Chogye đã tự thiêu tại chùa Hungryun ở Kyongju để phản đối chính sách của chính quyền đối với Tăng già. Chính quyền vin cớ này gia tăng sự kiểm soát đối với Phật tử, nhất là đối với Dòng Chogye.

Ngày 30/10/1980, chính quyền điều động cảnh sát tới bao vây những ngôi chùa chính trong nước, kể cả chùa Chogye ở Seoul để truy lùng “những phần tử chống lại chính quyền”. Nhiều người bị bắt giam bởi những chứng cứ không rõ ràng, đôi khi bị quy chụp là thân cộng sản.

Đặc biệt năm 1986, các nhà sư Dòng Chogye tham gia vào cuộc nổi dậy của số đông dân chúng chống lại chính quyền diễn ra tại chùa Harin. Các nhà sư tỏ thái độ phản đối biện pháp kiểm soát gắt gao của chính quyền đối với đất đai chùa chiền dựa trên luật năm 1961. Sau đó, nhiều nhà sư bị cảnh sát bắt giam.

Dưới thời Tổng thống Kim Young-sam, quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc cũng không lấy gì tốt đẹp. Bản thân Kim Young-sam là người Ki tô giáo, không có nhiều thiện cảm với các tôn giáo khác. Thêm vào đó, chính quyền can thiệp vào những xung đột trong nội bộ Dòng Chogye, dẫn tới việc nhiều Phật tử hoài nghi động cơ của chính quyền trong việc này. “Tuy vậy, chính quyền vẫn tìm cách giảm thiểu sự căng thẳng bởi thách đố với cộng đồng Phật tử Hàn Quốc một cách công khai thì chẳng khác nào một sự tự sát chính trị. Ở Hàn Quốc hiện đại, không dễ gì có thể dùng vũ lực để buộc các nhóm đối lập phải im lặng như đã từng có thời như vậy”.

Thực tế những phong trào dân chủ phản đối chính quyền quân sự những năm 1980, trong đó nhiều Phật tử tham gia một cách tích cực, đã đóng một vai trò không nhỏ dẫn tới các cuộc bầu cử dân chủ sau này. Cũng cần khẳng định, tuy quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo với chính quyền ở Hàn Quốc thăng trầm tùy thuộc từng thời kỳ, xảy ra xung đột ở một mức độ nhất định, nhưng nhìn chung, chính quyền không cấm đoán tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Tới cuối những năm 1980, Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc có hệ thống truyền hình riêng, đài phát thanh riêng, giúp cho việc truyền giáo cũng như duy trì ảnh hưởng trên toàn quốc.

Điều dễ nhận thấy, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Phật giáo Hàn Quốc không có được điều kiện thuận lợi như Ki tô giáo. Về phương diện chính quyền, ngoại trừ Park Chung-hee là người theo Phật giáo, ủng hộ nhiệt thành Phật giáo, các đời tổng thống khác hầu hết là người Ki tô giáo, ít thiện cảm với Phật giáo. Từ sau Chiến tranh Triều Tiên, quan hệ Mỹ-Hàn cũng như sự ủng hộ nhiệt thành của thế giới phương Tây, nên đa phần các tổ chức từ thiện, cứu trợ nạn nhân chiến tranh là các tổ chức Ki tô giáo.

Với ưu thế về quan hệ quốc tế, trao đổi văn hóa – giáo dục, Ki tô giáo càng có điều kiện trong việc truyền giáo. “Trong khi đó, Phật giáo phải để tâm sức giải quyết hậu quả của cả một thế hệ các nhà sư, các nhà tu hành lấy vợ và có quan điểm thân Nhật (hệ quả của thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên – TG), không còn thời gian cho việc tham gia vào các vấn đề xã hội và kiện toàn hệ thống. Hoàn toàn thiếu một cơ cấu vững mạnh. Chả có đồng phục, chả có quy chế dành riêng cho cuộc sống tu hành và y phục cho sư sãi.

Như trên đã nói, Hàn Quốc là quốc gia đa tôn giáo và là nhà nước thế tục. Tuy nhiên, việc tổng thống Hàn Quốc và các thành viên nội các của ông theo tôn giáo nào đóng vai trò không nhỏ trong việc hoạch định quan hệ của chính quyền Lee Seung-man đã tiến hành cải cách ruộng đất với hệ quả là thu hẹp đất đai kéo theo đó là cơ sở vật chất và nguồn tài chính của chùa chiền. Mặc dù chính quyền trợ giúp tài chính nếu các tự viện phát triển đất đai của họ thành đất của các công viên quốc gia, nhưng những phụ cấp đó của nhà nước không bù đắp được sự thiếu hụt về tài chính. Sự khốn khó về tài chính càng lộ rõ khi các tự viện có nhu cầu tu bổ những công trình bị hư hại trong Chiến tranh Triều Tiên.

Tuy thực hiện luật phân ly, tách Nhà nước và Giáo hội, nhưng quan hệ giữa thế quyền và thần quyền ở Hàn Quốc khá phức tạp. Giáo hội không hoàn toàn đứng ngoài đời sống chính trị. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo ở Hàn Quốc, nhất là các giáo hội Ki tô giáo, đều có quan điểm chống cộng sản triệt để. Yếu tố tôn giáo của các chính trị gia đóng vai trò quan trọng tới lập trường của các giáo hội. Lee Seung-man là người theo Tin lành. Giữa hai cộng đồng Công giáo và Tin lành ở Hàn Quốc quan hệ khá bằng hữu.

Giáo hội Công giáo chỉ tham dự một cách gián tiếp những hoạt động phản đối chính quyền Lee Seung-man vào giai đoạn cuối của chế độ này với việc ủng hộ nhà dân chủ Công giáo Chang Myon, trong thời kỳ tồn tại ngắn ngủi của chính quyền này (12/8/1960-16/5/1961). Giáo hội Công giáo im lặng đối với cuộc đảo chính quân sự của Park Chung-hee năm đó. Từ cuối những năm 1950, Giáo hội mới tỏ ra bất bình với Lee Seung-man, Giám mục Ro ủng hộ Chang Myon vào Quốc hội. Cũng thời gian này, 40 người Công giáo khác gia nhập Đảng Dân chủ (Democratic Party). Chang Myon là một ứng cử viên sáng giá của Giáo hội đã trúng cử làm Phó Tổng thống trong kỳ bầu cử năm 1956. Từ đây, Giám mục Ro ngày càng ủng hộ Chang Myon và không ủng hộ Lee Seung-man.

Lẽ dĩ nhiên không nên đánh giá một chiều vai trò của tôn giáo trong sự phát triển xã hội. Sự gia tăng của tín đồ Công giáo, nhất là Tin Lành, từ sau Chiến tranh Triều Tiên góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa, đưa Hàn Quốc thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong số các con rồng, đứng thứ tư của châu Á và thứ 12 của thế giới. Bên cạnh thành tựu đó, xã hội Hàn Quốc hiện đang có xung đột giữa các giá trị Khổng giáo truyền thống và các giá trị Ki tô giáo hiện đại. “Không phải là Đạo giáo đang thể hiện là nỗi thách thức lớn nhất đối với ảnh hưởng của Nho giáo hiện nay (…) Sự đe dọa lớn nhất đối với các giá trị Khổng giáo truyền thống là sự nhập khẩu tôn giáo gần đây nhất: Ki tô giáo (…). Ki tô giáo đang làm thay đổi cách thức suy nghĩ của người Hàn Quốc về tôn giáo và trong quá trình đó làm thay đổi quan niệm của họ về các tập tục. Lực lượng thay đổi lớn nhất hiện nay là cộng đồng tín đồ Tin lành.

Người Hàn Quốc hy vọng, xã hội của họ sẽ có cơ chế tự điều chỉnh để nhựng xung đột giá trị trên đây vẫn trong tầm kiểm soát và không dẫn tới những hệ lụy nặng nề.”

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.