Xin trả lời như sau:
1. Cần phân biệt 2 việc làm khác hẳn nhau:
– Dịch kinh Phật bằng lời văn dài hơn, có nhiều từ hơn so với bản dịch cũ, như thay vì dịch một từ bằng một từ thì dịch bằng cụm từ.
– Với việc cố ý sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn, ngụy tạo kinh mới.
Trường hợp dịch kinh Phật bằng lời văn dài hơn bản dịch cũ thì không có gì lạ, miễn làm sao làm rõ ý nghĩa kinh trong bản dịch và trung thành với nguyên bản, là có thể chấp nhận được.
2. Không thể chấp nhận việc tự ý sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn, làm những việc làm biến dạng nguyên bản kinh dưới mọi hình thức, ngụy tạo kinh mới
2.1 Đối với hoạt động giáo dục, đây là việc không tôn trọng tác phẩm, tác giả, một nội dung đã được chú ý giáo dục học sinh từ cấp tiểu học và trung học cơ sở (chúng tôi đã có bài phân tích). Có thể coi đây là lỗi không được giáo dục đến nơi đến chốn ở môn ngữ văn (Tiếng Việt và Văn học).
2.2 Đối với hoạt động dịch thuật và truyền bá kinh điển tôn giáo thì việc làm này có thể coi là bất kính, phạm lỗi với vị giáo chủ, không văn minh, có thể bị nói là “Indian” (xem bài viết liên hệ của tôi đã công bố).
– Đối với học thuật thì đây là việc làm phi học thuật, trái với những nguyên tắc học thuật căn bản, nếu nhẹ thì là việc làm cho quê mùa, thiếu hiểu biết (xem bài viết liên hệ của tôi sẽ đăng tải).
– Đối với pháp luật, thì đây là việc làm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể bị khởi tố và bị kết án phạm tôi, bị buộc chấm dứt hành động vi phạm pháp luật và bị xử lý khác theo pháp luật (xem bài viết liên hệ của tôi đã đăng tải).
– Đối với nghi lễ tôn giáo, việc tự ý sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa trong văn kinh nghi lễ là một việc làm cấm kỵ, không theo đúng những giáo huấn tôn giáo đã có truyền thống chung, là một dạng không tuân thủ giáo dục tôn giáo (xem bài viết liên hệ của tôi sẽ đăng tải).
– Đối với quan hệ xã hội, tùy tiện sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn, ngụy tạo lời nói của người khác chen lời của mình vào mà không nói rõ, dù chỉ là đối với một người bình thường, không phải là một bậc vĩ nhân, một tác giả lớn, thì đó là việc làm bất lịch sự không văn hóa, cần phải được uốn nắn để chấm dứt.
Chất vấn một việc làm, mà có yếu tố tội phạm như thế, là điều đương nhiên phải làm.
Theo kinh Phật, bảo vệ Pháp bảo, bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của kinh Phật là một việc làm công đức hộ pháp.
Theo lẽ thường phát hiện tri hô, chặn đứng một việc làm được xếp vào tội phạm như thế là hành động đạo nghĩa. Dù là ăn cắp văn của người khác làm văn mình, hay viết chen văn mình vào văn người khác, tự ý sửa, đổi, thêm, bớt văn người khác theo ý mình, xáo trộn tác phẩm người khác đều là “đạo văn”, mà hành vi “đạo” ở đây có nghĩa trộm cắp, như trong trộm đạo.
Ở nước ta, đạo văn đã dần dần bị coi là nghiêm trọng, khi bị phát hiện thì chịu sự phê phán, lên án, chỉ trích, khinh miệt, bị xử lý hoặc người đạo văn tự xử lý (đã có trường hợp bị cách chức, thu hồi học vị, học hàm, hay tự từ nhiệm, thôi việc).
Phật giáo là tôn giáo nghiêm cấm việc trộm cắp, đề cao giới “đạo”, giới “vọng”, đương nhiên không chấp nhận việc đạo văn, chuyện không nói có, chuyện có nói không, biến dài thành ngắn, biến ngắn thành dài, làm ít thành nhiều, làm nhiều thành ít, chen lời mình vào làm lời Phật để tín đồ trì giữ, đọc tụng.
Việc đạo văn khác hẳn với việc dịch văn, mà mọi người, nếu có khả năng, đều có thể thực hiện.
Đây cũng là việc phân biệt dịch và phóng tác mà tôi đã phân tích rõ trong một bài viết. Phóng tác thì cần ghi rõ tên người phóng tác, là tác giả. Phóng tác mà gọi là dịch thì rõ ràng là phạm giới “đạo”, giới “vọng” (nói không đúng sự thật).
Vài lời chia sẻ cùng bạn đọc Liên Hoa. Mong được cùng nhau đối thoại vì sự toàn vẹn và chính xác của Pháp bảo.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.