Lòng phố thoáng rộng lát bằng những viên đá hộc nguyên khối để khoảng bảy hay mười thớt ngựa song song chạy mà không vướng. Chiều Xuân nắng nhạt phây phẩy gió, các bà mệnh phụ, các cô tiểu thư lộp cộp đi kiệu tới một hàng xôi chè nào đó, một hàng bánh trôi bánh chay nào đó, vén rèm lụa mỏng sai gia nhân bưng bát, đứng ngay ngoài cửa quán mà ăn quà. Cứ đọc “Thượng kinh ký sự” của Lãn Ông Lê Hữu Trác. Cứ đọc “Vũ trung tùy bút” của Phạm Ðình Hổ thì thấy rằng cái cảnh ấy không hề là hiếm.
Theo xô đẩy sắp xếp của lịch sử, quà rong chủ yếu là do những người sống ở ngoại ô, cửa ô gồng gánh những thức tinh hoa nhất của vùng mình đem vào nội ô để bán. Tất nhiên cũng có những thứ quà, thường là đồ ngọt, do chính dân sở tại gốc gác lâu đời ở ba mươi sáu phố phường làm ra. Gần đây có vài hội thảo sôi nổi cãi nhau rằng, phở bò, một đặc sản quà mang thương hiệu rất Hà Nội đã xuất xứ từ tận Nam Ðịnh. Chẳng biết nữa. Chỉ biết nếu là thật thì cái ông cái bà ở thành Nam ấy, phải có thâm niên vất vả đến làu thuộc từng cái hõm ổ gà, từng cái vết nứt viên gạch của cái đất sành điệu kinh kỳ có quá đông người “thực tri kỳ vị”.
Về chủng loại thì quà rong có nhiều thứ lắm, kể cả những tay kiệt xuất ẩm thực cỡ Vũ Bằng, Thạch Lam cũng khó mà đếm xuể. Quà phở này, quà bún này rồi mỳ rồi miến món khô món nước, hàng chục loại xôi, hàng trăm loại bánh. Với người thích ăn quà thì không có khái niệm quà sáng, quà trưa, quà chiều, quà tối, ngoài hai bữa cơm chính, tất thẩy đều là quà vặt. Thích ăn vặt đương nhiên là truyền thống cổ kính rất đặc trưng của đông đảo thị dân. Trừ những kẻ quá cao đạo, còn ra sĩ nông công thương già trẻ gái trai luôn sẵn sàng tinh thần lung tung ăn quà bất chấp không gian bất chấp thời gian.
Chính vì thế, quà Hà Nội ngon nhất lạ nhất vẫn phải là hàng rong. Một cặp quang gánh (ví như bún phở miến…). Một cái thùng gỗ (ví như tào phớ, bánh bao…). Vài ba cái mẹt (ví như xôi hoặc bánh cuốn…). “Rong” không có nghĩa là lang thang vô định ở thì ăn xổi mà ngầm chứa ý xộc xệch phóng túng đẫm đầy tinh thần vô chiêu vô pháp, giống hệt kiếm đạo của những tay kiếm sĩ đã quen lăn lộn trăm trận giang hồ. Những hàng quà rong khét tiếng của ngày nay đều đồn trú tại một cứ điểm cố định và luôn có cảnh quan quái dị phi thường.
Chẳng hạn như gánh phở gà ở giữa phố Hàng Hòm. Hoặc như gánh bún riêu buổi sáng ở vỉa ngã tư Quang Trung – Hai Bà Trưng. Hoặc như hàng mỳ vằn thắn bán đêm góc phía rẽ đi Hàng Cá, nó tấp nập lẳng lặng ẩn vào một cửa đền cổ rêu phong bảo thủ như chính khẩu vị của một tay chơi già dặn gốc Hàng Ðào.
Những hàng quà cực ngon hầu hết đều nằm trên phong phanh vỉa hè. Khoảng dăm bảy năm lại đây theo đà văn minh đô thị, vỉa hè thanh thoát dần. Cái hay cái lợi là hiển nhiên, nhưng hồn cốt nhiều hàng quà rong vốn mỏng manh ngon tuyệt đã sâu xa thất truyền. Cố dầy dặn níu giữ truyền thống, nhiều quán hàng đành tụt một nửa vào nhà, thỉnh thoảng nhung nhớ bằng cách mệt mỏi chờm ra sát rìa đường. Kiểu dáng “đờ mi” này hôm nay là đang phổ cập, tiêu biểu đáng kể nhất là hàng bún chân giò dọc mùng lâu la ngon đến rụng răng ở góc Thuốc Bắc – Hàng Cân.
A dua theo thời đại, quà rong Hà Nội thời nay ngày càng vắng thiếu tinh tế. Cái điêu luyện hào sảng phố phường ngấm ngầm bị rơi rụng thành trơ trọc hợm hĩnh. Các hàng quà chui dần vào các nhà hàng sáng choang cửa kính máy lạnh hoặc vớt vát giả trang theo kiểu xô bồ quang gánh vớ vẩn quê mùa. Một bát bún một bát phở sẽ nhạt đi sẽ loãng ra trong cái lộn nhộn của những cô những cậu ngu ngơ ngoại tỉnh tinh tươm đồng phục. Cầm lòng vậy đành lòng vậy. Cũng như Hà Nội bây giờ không còn phố cổ mà chỉ còn phố nhớ.
Hà Nội sắp chẵn nghìn năm tuổi và những người thích quà vặt đành nuối tiếc ăn rong các món của chính mình bằng ký ức.