Người xưa đã có biết bao bài thơ và cả những bức họa tuyệt tác về hoa, chứng tỏ người xưa cũng rất uyên thâm, tinh tế trong nghệ thuật chơi hoa, nói theo Thiệu Ưng: thưởng hoa. Theo tiền nhân, hoa có gần như quanh năm, nhưng thường mỗi loài hoa lại sinh trưởng, nói cách khác: thăng hoa theo những “tiết” khác nhau.
Mỗi năm có nhiều “tiết”, mỗi “tiết” là 15 ngày. Mỗi “tiết” lại có ba “hầu”, mỗi “hầu” có một ngọn gió riêng hợp với một loài hoa nhất định. Thí dụ “tiết” tiểu hàn (dịp Tết Nguyên đán) là “nhất hầu”, thích hợp cho hoa mai. Còn nhị hầu thưởng hoa trà, tam hầu thưởng thủy tiên… Hoa đào cũng nở vào dịp Nguyên đán, được thưởng ngoạn từ Tết đến Tiết kinh trập (cuối tháng ba âm lịch).
Ở Việt Nam, hoa đào chỉ có nhiều ở miền bắc với thời tiết lạnh. Mai có cả hai miền; bạch mai ở miền bắc, hoàng mai ở miền nam. Tình yêu và triết lý về hoa của tổ tiên ta đã thể hiện rất sâu đậm trên các bức tranh tứ bình. Ðó là bộ tranh treo tường với bốn chiếc treo theo hình dọc, mỗi chiếc mang một loài hoa tượng trưng cho một mùa trong năm: mai, liên (sen), cúc, trúc (có người thường nhầm là: mai, lan, cúc, trúc. Lan trong câu lan vương giả chi hương: hương lan đầy chất vương giả, là chuyện khác không phải là liên (sen) trong bộ tứ bình của ta).
Mai nở vào mùa xuân, tràn đầy sinh khí. Mai sinh trưởng, phát triển trong “hầu” đầu tiên của năm mới, nên tượng trưng cho sự sinh thành, sáng tạo, cho sự tươi sáng và hy vọng. Nó còn mang theo khát vọng của con người về phồn vinh rực rỡ…
Liên (sen) nở vào mùa hạ tràn đầy sức sống. “Xuân sinh, hạ trưởng” (mùa xuân sinh ra, còn trưởng thành thì vào mùa hạ). Sen (liên) không những tiêu biểu cho sự trưởng thành, phát triển, mà theo ý niệm của tiền nhân ta còn tượng trưng cho sự thanh cao. Mọc từ trong bùn mà sen vẫn vô cùng trong trắng, tinh khiết. Sen (liên) còn được cổ nhân ta coi là tượng trưng cho lòng nhân ái và cái phúc nữa (hạnh phúc, phúc đức). Có lẽ cũng vì vậy mà sen gắn liền với hình tượng của Ðức Phật.
Và khi thu tới, cúc bừng nở trên hầu khắp thế gian này. Ðã có không biết bao nhiêu loài cúc với sắc mầu khác nhau tính từ đông sang tây. Nhưng dường như ở đâu cũng vậy, nhất là ở phương Ðông, người ta coi cúc tượng trưng cho tuổi thọ, cho cả lòng chung thủy, chỉ nhân cách người quân tử. Ngoài ra, cũng theo triết lý phương Ðông, cúc còn mang một khí sắc gì đó như sự cao ngạo thầm kín, thậm chí như có phong vị ẩn dật, dù sắc mầu của nó có loại cũng rất đằm thắm, thậm chí rực rỡ không kém gì các loài hoa thiên về phô sắc.
Và mùa đông, có một loài hoa tiêu biểu theo quan niệm nhân sinh và triết học của người Việt Nam cũng như phương Ðông nói chung: cây trúc, được coi là hoa của mùa đông. Nhưng tại sao lại không phải là một thứ cây khác, mà lại là trúc? Phải chăng người xưa ý niệm rằng trúc thay cho hoa với những đốt thẳng gọi là “tiết”. Từ “tiết” ấy như gắn liền với tiết tháo, lòng ngay thẳng, khảng khái, trung trinh…
Người xưa đã nhìn những đốt trúc (tiết) thành những bông hoa kể ra cũng thật là kỳ thú, sâu sắc và cả lãng mạn biết bao nhiêu! Tôi từng được nghe gia nghiêm, một nhà nho nghiêm túc, nói cho nghe từ tuổi ấu thơ “trúc là hoa của một trong tứ thời”. Vậy “trúc là hoa của thời”. Hồi ấy nghe nhưng chưa hiểu nổi, bây giờ mới vỡ vạc được ra…
Như thế đấy, bốn bức tứ bình cổ điển, thường thấy xuất hiện nhiều nhất vào các dịp đầu xuân, thể hiện bốn loài hoa tiêu biểu cho “tứ thời”, chẳng phải chỉ là những bức họa có ý nghĩa trang trí đơn thuần và tùy tiện, mà chúng còn mang theo cả tư tưởng, triết lý nhân sinh của tổ tiên ta.
Tết Mậu Tý đã về. Xin chúc các bạn chọn được những bó hoa, những gốc mai, cành đào, những chậu cúc… đẹp nhất, tươi thắm nhất, và có “hồn” nhất, chứ không cần phải to nhất và đắt tiền nhất mà lại vô hồn.