Tôi tìm một vài người bạn nghiên cứu về tôn giáo học để nêu câu hỏi.
Một người bạn vốn theo đạo Ca tô La Mã, sau khi xem bài viết nêu rõ quan điểm và việc sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa kinh Phật, xáo trộn tạo kinh mới như đã làm, đã cười khó hiểu, nói “chuyện không lạ, “Indian””.
Khi đó tôi hiểu là anh ta nói việc làm mang tính chất Ấn Độ, vì đạo Phật khởi nguyên từ Ấn Độ, kinh Phật được kết tập ở Ấn Độ và khi đó đã có tranh luận về dị biệt trong kinh điển.
Về câu hỏi đạo Ca tô La Mã có việc sửa, đổi, thêm, bớt, cắt nối tạo kinh mới theo ý kiến chủ quan của một tu sĩ nào đó không, thì anh này trả lời “tuyệt đối không”.
“Ai làm việc đó sẽ có tôi rất nặng”.
Theo anh này, kinh điển và giáo lý đạo Ca tô La Mã được tổ chức xuất bản với tinh thần đặc biệt thận trọng, chịu trách nhiệm thường là một tập thể được phân công chính thức, thường là những cơ quan chức năng của tòa thánh.
Sau đó phải được thẩm duyệt “Imprimatur”, do hàng giáo phẩm cao cấp là các vị giám mục chịu trách nhiệm. Việc thẩm duyệt này phải được tiến hành đối với từng đợt xuất bản, không phải cứ đã duyệt thì lấy phép đó mà in nhiều lần.
Điều được nhấn mạnh, là ngay cả đối với sách giáo lý cũng buộc như thế, không phải riêng gì Kinh Thánh.
Anh đưa cho tôi xem quyển “Tóm lược học thuyết xã hội của Công giáo”. Quyển sách giáo lý này được Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình chủ biên. Bản dịch ghi tên tập thể: “Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Bác ái Xã hội”. Sách này được Chủ tích Ủy ban Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam là Giám mục Phao lô Nguyễn Thanh Hoan “Imprimi protest” và được Giám mục Phao lô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam “Imprimatur”. Tên gọi các hình thức thẩm duyệt kể trên có tính quy ước, là một thủ tục, nên giữ nguyên không dịch.
Sách giáo lý có thể sửa đổi thêm bớt, nhưng phải đươc chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, thông qua những cuộc đại hội quan trọng của Giáo hội, riêng bản dịch cũng qua thủ tục thẩm duyệt, đặc biệt là Imprimatur. Còn Kinh Thánh thì tuyệt đối không có việc đó.
Theo câu trả lời, ngay cả việc trích dẫn Kinh Thánh thì cũng phải dẫn nguyên văn, lời dẫn trực tiếp, trong ngoặc kép, không được dùng lời dẫn gián tiếp, kể lại theo ý mình.
Khi trích dẫn Kinh Thánh dĩ nhiên là bản đã “Imprimatur” thì bắt buộc phải dẫn xuất xứ trong ngoặc đơn phía sau, không được nói chung chung là “Đức Ky tô nói”, “Đức Ky tô viết”, hay “Đức Ki tô phán”. Việc dẫn xuất xứ bắt buộc có 3 thành phần: sách trong Kinh Thánh, đoạn trong sách, và câu trong đoạn.
Ví dụ “Mt 5,17”, chỉ rõ dẫn từ sách Tin Mừng theo Thánh Mathêô, đoạn 5, câu 17.
Khi dẫn Kinh Thánh thì phải dẫn tối thiểu là đơn vị câu, không được dẫn bộ phận rồi đặt dấu ba chấm, có thể xảy ra việc “đoạn văn thủ nghĩa”.
Cũng được giải thích thêm, là một số giáo phái Tin Lành còn nghiêm nhặt ở chỗ Kinh Thánh khi tái bản, phải y mẫu trình bày và hình thức văn bản với bản đã thẩm duyệt sử dụng. Tức là khi mục sư hướng dẫn số trang, thì tất cả bản Kinh Thánh dùng trong buổi lễ đều được lật đúng y trang đó, và vị trí câu kinh cần tìm ở tất cả các bản Kinh Thánh đều y hệt nhau.
Như vậy, nguyên bản kinh điển trong các giáo phái trong đạo Ky tô được tôn trọng triệt để, cực kỳ nghiêm ngặt. Không thể xảy ra chuyện một cá nhân nào đó muốn sửa là sửa, muốm thêm là thêm, muốn bớt là bớt.
Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao việc nêu quan điểm sửa kinh và tiến hành sửa kinh thực tế trong đạo Phật lại được họ cho là “không lạ”.
Kỹ thuật chú thích xuất xứ Kinh Thánh khi trích dẫn đôi khi tôi cũng thấy ở một vài tài liệu Phật giáo Nguyên thủy, viết hay dịch từ tiếng Anh, nhưng chỉ dùng cho 5 bộ kinh Nikaya, với dấu ngoặc đơn tên kinh viết tắt theo tiếng Anh, và theo đó là các con số chỉ dẫn vị trí. Trong khi các tu sĩ Phật giáo nói chung thường có thói quen chỉ dẫn là trong kinh có nói, dùng lời dẫn gián tiếp kể lại kinh theo ý mình. Dĩ nhiên, dùng lời dẫn gián tiếp thì không dùng ngoặc kép, về từ ngữ so với nguyên văn có thể sửa, đổi, thêm, bớt.
Đối với đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo, tôi hỏi một người khá am hiểu về 2 tôn giáo này, đồng thời kể lại nội dung lời giải đáp về đạo Ca tô La Mã đối với kinh sách.
Câu trả lời là ở Phật giáo Hòa Hảo không có việc sửa, đổi, thêm, bớt hay xáo trộn sấm giảng của của Đức Huỳnh Giáo chủ. Tuy nhiên, do một bộ phận sấm giảng lưu hành truyền khẩu theo kiểu folklore, nên có thể có những dị bản. Còn đối với văn bản được xuất bản thì việc tôn trọng tuyệt đối là điều đương nhiên.
Đạo Cao Đài có Thánh ngôn hợp tuyển tập họp từ cơ bút. Về sau có chuyện ngụy tạo cơ bút và một số bài thi cho là cũng từ cơ bút. Nhưng có sự rõ ràng và không có việc cố ý sửa, đổi, thêm, bớt đối với bộ phận thánh ngôn hiệp tuyển giai đoạn khai đạo.
Người thứ hai trao đổi ý kiến với tôi cho rằng đối với từ “Indian” mà tôi kể lại có thể có nhiều nghĩa và có thể có nghĩa tiêu cực. “Indian” có nghĩa là mang tính Ấn Độ, nhưng cũng có nghĩa là mang tính thổ dân da đỏ. Trong một số phim cao bồi Mỹ chiếu ở Sài Gòn trước 1975, “Indian” dùng để gọi thổ dân da đỏ, cũng như tính chất thổ dân da đỏ, mà thời đó được gọi là “mọi da đỏ”.
Tôi cay đắng trước sự kinh miệt Phật giáo có thể này, dù đây chỉ là một giả định, một trong nhiều cách hiểu, một trong nhiều suy diễn.
Mà thôi, cứ chọn cách hiểu tốt đẹp cho người, đừng chấp.
Nhưng dẫu sao, tôi vẫn tự ngượng khi nghĩ đến cách cứ vẫn dẫn kinh theo kiểu kể lại của riêng cá nhân thường có ở tu sĩ Phật giáo, mà đôi khi biến bài kinh thành một câu chuyện khác xa nguyên bản, cũng không hề có lấy một chú thích, mà chỉ có cụm từ “trong kinh có nói”, “trong kinh có kể”,… Việc này không chỉ có ở băng giảng của các hòa thượng mà phổ biến trong các bài thuyết pháp in báo. Có phải khi tìm hiểu đạo Phật, người ta đã quen cái kiểu không dẫn văn kinh trong ngoặc kép, không chú thích rõ xuất xứ tùy tiện sửa đổi, nên khi đọc bài viết nói về quan điểm thay tựa, sửa, đổi, thêm, bớt xáo trộn Kinh Phật, thì nhận xét rằng “chuyện không lạ, “Indian””?.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.