Loạt bài về vấn đề trên sẽ chỉ kết thúc khi đã chấm dứt tình trạng xâm phạm sự toàn vẹn và chính xác của kinh Phật.
Ở mỗi bài viết cùng đề tài, chúng tôi đều nhắc lại nguyên tắc căn bản về việc tôn trọng sự toàn vẹn và chính xác của kinh Phật, không thể làm điều chuyện không nói có, chuyện có nói không đối với lời nói, điều thực hành và chế đặt của Đức Phật, chuyện làm mà đức Phật coi là “đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh đau khổ cho chư Thiên và loài người”, chuyện làm mà Đức Phật coi là “những tỷ kheo ấy tạo điều vô phước và khiến cho diệu pháp biến mất” (Phẩm Phi Pháp – Tăng chi bộ kinh).
Căn cứ vào bài kinh trên trong Tăng chi bộ kinh, chúng tôi coi việc bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của kinh Phật, “nêu rõ phi pháp là phi pháp” sẽ đúng như kinh nói là “tạo phước đức và an trú diệu pháp này”. Đó là động lực để chúng tôi dồn sức, nỗ lực cho loạt bài này.
Trong bài dưới đây, chúng ta sẽ thấy việc bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của kinh điển, trong trọng lời Phật viết ra cũng phù hợp với nguyên tắc chung trong việc tôn trọng tác giả, tác phẩm trong khoa ngữ văn. Nguyên tắc cơ bản này đã được truyền đạt đến học sinh từ tiểu học và được nhắc lại bằng nhiều hình thức ở trung học.
Vì được đào tạo để dạy trung học, chúng tôi xem xét việc giáo dục học sinh tôn trọng tác giả tác phẩm từ những năm đầu cấp trung học.
Với mục tiêu giáo dục học sinh tôn trọng tác phẩm văn học, và qua đó tôn trọng tác giả, trong chương trình văn lớp 6 những năm 1980 vẫn duy trì 2 phương thức là chính tả và học thuộc lòng một số tác phẩm giảng văn.
Yêu cầu cụ thể phục vụ cho mục tiêu trên là học sinh, qua bài viết chính tả tác phẩm đã học, phải thể hiện tuyệt đối chính xác tác phẩm đã học. Yêu cầu cụ thể của bài học thuộc lòng tác phẩm cũng không khác: Qua kiểm tra miệng, học sinh phải thể hiện bằng lời đọc một cách chính xác từ ngữ của tác phẩm yêu cầu học thuộc, thể hiện qua chính xác bằng lời đọc các dấu ngắt câu, xuống dòng nếu có.
Mọi trường hợp do không nhớ bài hay kỹ năng chính tả kém mà thể hiện sai, thiếu chính xác đều không được chấp nhận, bị phạt trừ điểm kiểm tra.
Học sinh được yêu cầu nếu không viết được hay không nhớ thì tuyệt đối không được đón mò, đọc mò, viết mò, tự sáng tác thêm vào mà thực chất là xâm phạm đến sự chính xác, toàn vẹn của tác phẩm, đi tới có thể sửa đổi văn bản bằng sự suy diễn chủ quan, cá nhân.
Lỗi học sinh tự ý sửa đổi từ ngữ trong tác phẩm phải học thuộc lòng thể hiện qua kiểm tra viết, kiểm tra miệng được giảng viên giáo học pháp yêu cầu bắt lỗi ở mức cao nhất có thể. Cũng vậy, đối với bài viết chính tả.
Giáo viên các lớp trung học đầu cấp xem điều này là quan trọng, vì e giáo viên dạy trung học các lớp trên trách học sinh đã không được giáo dục ý thức tôn trọng tác phẩm, tác giả ở những lớp đầu cấp.
Thực ra, việc giáo dục học sinh tôn trọng tác phẩm văn học đã bắt đầu ngay từ tiểu học. Không một thầy cô nào chấp nhận học sinh tự ý thay đổi văn bản tác phẩm được học bằng suy diễn cá nhân. Việc này tất nhiên gồm cả nghiêm cấm tự ý lược bỏ, rút ngắn tác phẩm.
Qua nội dung trên, chúng ta muốn nhấn mạnh, xét từ góc độ giáo dục, học sinh đến đầu cấp trung học đã được dạy kỹ là phải có ý thức tôn trọng người sáng tác, tôn trọng tác phẩm, không được sửa, đổi, thêm, bớt, rút ngắn, hay xáo trộn văn bản.
Nếu để cho những lỗi như vậy xảy ra, thì ở trung học cơ sở được coi là “lỗi ý thức”, không còn là lỗi kỹ thuật như ở tiểu học nữa (!).
Tiếc rằng hiện nay, “lỗi ý thức” vốn không được phép phạm ở đầu cấp trung học, nay lại diễn ra ở hoạt động xuất bản kinh Phật và phạm một cách có hệ thống, lặp lại ở nhiều chỗ, là việc tùy tiện sửa, đổi, thêm bớt, thay tựa, xáo trộn văn bản, ngụy tạo kinh mới.
Tất nhiên, để tránh không phạm lỗi, ý thức về tôn trọng tác phẩm, tác giả, ý thức ngữ văn học đã được giáo dục và yêu cầu phải có từ năm lớp 6, cần được nhắc lại.
Nhất là đối với những tác phẩm lớn, kinh điển, của bậc vĩ nhân, là Đức Phật.
MT
(1) Riêng việc học thuộc lòng tác phẩm thơ còn được yêu cầu trong suốt quá trình học dù là lớp cuối cấp, và ngay cả ở đại học khoa ngữ văn, để dẫn chứng, với tiêu chí tất nhiên là chính xác tuyệt đối.
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.