Từ thuở sơ khai, xã hội Ấn Độ hình thành và phát triển cùng với sự phân tầng giai cấp khắc nghiệt. Các giai cấp cao (gồm Brahmins và Kshatriyas) chiếm hết mọi đặc quyền, trong khi đó các giai cấp dưới (đặc biệt là Tiện dân – Dalits) sống mà hầu như không có quyền làm người, không dám nhận bản thân là một con người tử tế.
Trải qua nhiều đời như thế, những con người tội nghiệp này chỉ biết vâng phục mà không bao giờ biết đòi hỏi quyền tự do, bình đẳng, quyền được tôn trọng đúng nghĩa một kiếp người.
Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, đức Phật đã thị hiện vào xứ Ấn Độ để làm công cuộc giải phóng con người, giải phóng giai cấp, đem lại tự do và bình đẳng cho bao tâm hồn khát khao chờ đợi. Sự xuất hiện của đức Phật như thổi vào tầng lớp Tiện dân một sức sống mới, làm dấy lên làn sóng đấu tranh giai cấp đã từ lâu bị dìm sâu dưới dáy bùn xã hội.
Từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII, đạo quân Hồi giáo tiến vào Ấn Độ, gieo cảnh lầm than và hủy diệt dị giáo. Phật giáo Ấn Độ gặp pháp nạn và hầu như bị tuyệt diệt cho đến năm 1891, Ngài Anagarika Dharmapala – một nhà Phật học Tích Lan – đến thành lập hội Maha Bodhi Society (Đại Bồ Đề) và chấn hưng trở lại. Pháp nạn Phật giáo khiến cho Tiện dân Ấn Độ mất đi điểm tựa tinh thần, trong khi đó Ấn Độ giáo ra sức củng cố thế lực thống trị và kỳ thị giai cấp.
Trong bối cảnh đó, B. R. Ambedkar đã xuất hiện như một cứu tinh cho Tiện dân Ấn Độ, mang Phật giáo trở lại quê nhà và làm sống lại dòng máu khát vọng tự do bình đẳng trong huyết quản của người dân nghèo khắp xứ Ấn.
Sinh ra là một Tiện dân theo Ấn giáo xứ Ratnagiri thuộc tiểu bang Maharashtra, Ambedkar đã đấu tranh vất vả để theo đuổi sự nghiệp tri thức với khát vọng dùng tri thức xóa đi những bất công trong xã hội. Trong xã hội Ấn Độ, Tiện dân bị xúc phạm nghiêm trọng. Có rất nhiều quy định mà nếu người chưa từng biết đến đất nước Ấn Độ sẽ phải tức tối khi nghe đến, chẳng hạn Tiện dân không được lấy nước từ giếng mà những người bà la môn dùng, không được đụng đến dù chỉ là chiếc bóng của người bà la môn, không được tham dự một số thánh lễ … Nếu vi phạm, Tiện dân có thể bị đánh đập, sỉ nhục, thậm chí bị giết chết. Bộ luật Manu đầy dẫy những bất công như thế và là bộ luật Ấn giáo cổ nhất thống trị mọi hoạt động xã hội Ấn Độ.
Từ “Tiện dân” (Untouchable = không thể chạm đến theo nghĩa xấu) đã nói lên sự sỉ nhục đó. Nó còn có một số từ tương tợ khác như: Adi-Dravida (chỉ người bản địa nguyên thủy, người Ấn gốc), Depressed caste (giai cấp bị áp bức), External caste (ngoài 4 giai cấp), Harijan (từ này do Mahatma Gandhi gọi, nghĩa đen là những đứa con của Thượng đế, từ này có lúc được dùng với nghĩa tốt nhưng cũng có lúc chỉ sự miệt thị và ruồng bỏ), Panchama (từ này Tiện dân dùng để tự gọi mình, nghĩa là giai cấp thứ 5), Pariah (người Anh dùng chủ yếu để đề cập đến nhóm Tiện dân Tamil Nadu), Scheduled Caste (từ này được nói trại từ bản danh sách những giai cấp bị thiệt thòi nhất của chính phủ).
Những ngày tủi nhục vì bị kỳ thị khinh rẻ ở quê nhà cũng như ở các trường học càng nuôi chí người thanh niên Ambedkar thông minh và nhiệt huyết này. Sau khi hoàn tất chương trình học ở Mỹ và Anh về, với cương vị một Tiến sỹ tài năng, ông được đề cử vào nhiều chức vụ trong chính phủ cũng như giáo dục. Năm 1947, Ấn Độ độc lập, thủ tướng đầu tiên của Ấn độ Jawaharlal Nehru đề cử ông làm trong Uỷ Ban Lập Pháp và sau đó trở thành Bộ trưởng bộ Tư pháp.
Ở cương vị của mình, Ambedkar đã xóa bỏ nhiều điều bất công trong bộ luật Manu, một bộ luật từng trói buộc thân phận nô lệ của Tiện dân trong nhiều thế kỷ qua. Năm 1949, ông đệ trình lên Tổng Thống Ấn Độ bản dự thảo Hiến Pháp do ông lãnh đạo xây dựng. Bản hiến pháp này được chấp thuận và chính thức áp dụng ngày 26 tháng 01 năm 1950.
Dù đã thành công rực rỡ trên con đường chính trị, nhưng Ambedkar vẫn không quên những Tiện dân quanh mình, không quên thân phận hạ đẳng mà xã hội giai cấp Ấn Độ đã gán cho mình. Ông ra sức hoạt động để đòi quyền lợi cho tầng lớp Tiện dân, thành lập đảng Lao Động và nhiều hội khác để giúp đỡ mọi người. Ngày 13-10-1935, tại hội nghị cho những Tiện dân ở Yeola do ông tổ chức, ông đã tuyên bố rằng: “dù sinh ra là một người Ấn giáo, nhưng ông sẽ không chết mà vẫn là một người Ấn giáo”.
Mọi người từ nhiều tôn giáo và giai cấp đã tiếp xúc với ông. Nhiều hội nghị được tổ chức để thảo luận vấn đề tôn giáo của Tiện dân, những lợi ích và khó khăn của việc cải đạo. Ngày 22-05-1936, một Hội nghị các tôn giáo đã được tổ chức tại Lucknow, đại biểu của nhiều tôn giáo như Hồi, Gia tô, Sikh và Phật giáo đều muốn lôi kéo Tiện dân về phía mình. Hôm ấy Ambedkar không tham dự nhưng Đại Đức Lokanatha đã đến viếng thăm ông, ông rất ngưỡng mộ Phật giáo và bày tỏ ý muốn tất cả Tiện dân đều được cải đạo theo Phật giáo.
Nhiều năm qua, ông đã nghĩ về Karl Marx và cuộc đấu tranh giai cấp của những người Cộng sản, nhưng ông không đi theo con đường đó. Ông cũng không theo con đường bất bạo động của Gandhi. Trong niềm thiết tha tự do, ông suy tư về đức Phật, và ông chọn đức Phật làm ngọn đèn dẫn đường cho tiến trình tìm cầu tự do và bình đẳng cho giai cấp mình.
Ông nhận thấy rằng, con đường duy nhất đem lại tự do và bình đẳng cho Tiện dân chính là cải đạo theo Phật giáo. Ấn giáo chưa bao giờ nhìn nhận họ như những con người đúng nghĩa, nhưng với Phật giáo, họ sẽ trở thành huynh đệ của mọi người. Họ háo hức mong được thấy niềm vui ấy.
Tuy từ đáy sâu của nạn kỳ thị đẳng cấp và ruồng bỏ của xã hội, Ambedkar đến với Phật giáo không phải theo lối mê tín trông chờ vào sự cứu rỗi hay được hưởng ân huệ mà bằng vào sự phân tích lý tính và niềm cảm phục sâu xa đối với những phẩm hạnh cao đẹp. Trong một bài báo có tên The Buddha and the Future of His Religion (Đức Phật và tương lai của Phật giáo), ông viết:
“Không thể đem mỗi tôn giáo khác ra đối chiếu với Phật giáo một cách cặn kẽ. Những gì tôi có thể làm là tóm tắt kết luận của tôi. Tôi cho rằng:
i) Xã hội muốn thịnh vượng cần phải có sự xử phạt của pháp luật, hoặc là sự xử phạt của đạo đức. Nếu thiếu cả hai, chắc chắn xã hội sẽ đi đến mục nát.
ii) Tôn giáo như đã được định nghĩa từ đầu phải phù hợp với khoa học. Nếu không phù hợp với khoa học, nhất định tôn giáo sẽ không còn được kính trọng và do đó sẽ trở thành đối tượng của sự nhạo báng, rồi từ đó không chỉ đánh mất tác dụng làm nguyên tắc sống chủ đạo mà sau cùng có thể tan rã và sụp đổ. Nói cách khác, nếu làm đúng chức năng, tôn giáo phải phù hợp với lý tính, và lý tính này cũng chỉ là một tên khác của khoa học.
iii) Là một chuẩn tắc về đạo đức xã hội, tôn giáo phải thừa nhận những nguyên tắc căn bản về tự do, bình đẳng và tình bác ái. Nếu không thừa nhận ba nguyên lý sinh hoạt xã hội căn bản này, tôn giáo sẽ bị khai tử.
iv) Tôn giáo không cần phải đề cao hay thánh hóa sự nghèo nàn. Người ta giàu sang và từ bỏ sự giàu sang ấy thì có thể có được niềm an lạc, nhưng sự nghèo nàn thì có thể không bao giờ. Bảo nghèo nàn là một niềm an lạc chính là xuyên tạc tôn giáo, là khiến cho thói hư tật xấu và tội ác tồn tại lâu dài, là chấp thuận biến trần gian thành chốn địa ngục sống.
Tôn giáo nào trong những tôn giáo hiện tại có thể đáp ứng được những yêu cầu ấy? Theo chỗ tôi biết, chỉ có Phật giáo. Hay nói khác hơn, Phật giáo là tôn giáo duy nhất mà thế giới cần đến.”
Đúng vậy, nạn nhân của một xã hội kỳ thị giai cấp có thể tìm đâu được mối cảm thông và lòng nhân hậu ngoài Phật giáo, bởi vì, như chính Ambedkar đã công nhận: “Phật giáo như đại hải, ở đó không có sự phân biệt cao thấp. Đương thời, Đức Phật với tấm lòng từ bi đã làm rung động trái tim của những con người thuộc giai cấp bị ruồng bỏ và chỉ cho họ con đường sáng.”
Ambedkar nhận thấy rằng: “ngày nay Ấn giáo đã mục nát tận gốc rễ, vì thế chúng ta phải đi theo một tôn giáo tốt hơn, Phật giáo là con đường thích hợp nhất”.
Niềm mong ước của tầng lớp Tiện dân đã trở thành hiện thực. Sau khi xuất bản một loạt sách báo nói về Phật giáo, Ambedkar đã vận động và tổ chức một sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử Tiện dân, đó là Đại lễ Quy y Phật giáo cho hơn 500.000 Tiện dân ngày 14 tháng 10 năm 1956 ở Nagpur bang Maharashtra. Đây thực sự là một sự kiện mang tính lịch sử, bởi thực chất, đó là một cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp. Một sự kiện khiến cho nhiều người dân Ấn bàng hoàng sửng sốt và cũng không kém phần phẫn nộ!
Bản thân Ambedkar bao nhiêu năm qua đã tìm hiểu và ngưỡng mộ Phật giáo nhưng hôm nay mới chính thức trở thành một Phật tử. Đứng trước hơn 500.000 Tiện dân chuẩn bị đổi đạo và rất nhiều quan khách từ các tôn giáo khác và chính phủ, ông dõng dạc đọc: “Buddham Saranam Gacchami, Dhammam Saranam Gacchami, Sangham Saranam Gacchami” (Tôi đến nương tựa nơi đức Phật, tôi đến nương tựa nơi Pháp, tôi đến nương tựa nơi Tăng) và thọ nhận 5 giới từ vị tỳ kheo Bhadant U Chandramani. Sau đó, ông hướng dẫn mọi người làm lễ quy y.
Bằng lời thệ quy y này, Ambedkar đã mang Phật giáo trở lại quê hương, trở lại xứ sở đã sản sinh ra chính nó sau bao nhiêu năm vắng bóng, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của lịch sử và Phật giáo Ấn Độ. Cuộc đổi đạo này đã phát khởi một phong trào Phật giáo được mọi người biết đến với tên gọi “Ambedkar(ite) Buddhism” (Phật giáo Ambedkar).
Hai ngày sau đại lễ quy y ấy, Ambedkar tổ chức một lễ quy y và thọ pháp tập thể khác cho các tín hữu của ông, bao gồm tam quy ngũ giới và 22 lời nguyện. Đây là một nét đặc thù của Phật giáo Ambedkar. 22 lời nguyện:
1. Tôi sẽ không tin vào Phạm thiên, Vishnu và Shiva; và cũng không phụng thờ họ.
2. Tôi sẽ không tin vào Rama và Krishna, những người được cho là hóa thân của Thượng đế; và cũng không phụng thờ họ.
3. Tôi sẽ không tin vào Gauri, Ganapati và những vị thần nam nữ khác của người Ấn giáo; và cũng không phụng thờ họ.
4. Tôi sẽ không tin vào thuyết hóa thân của Thượng đế.
5. Tôi không tin và sẽ không tin rằng đức Phật là hóa thân của thần Vishnu. Tôi tin rằng đó chỉ là sự tuyên truyền quái gở và sai lạc.
6. Tôi sẽ không thực hành lệ Shraddha (tín thành), cũng không cúng Pind-dan (cúng cơm cho người chết).
7. Tôi sẽ không vi phạm những nguyên tắc và lời dạy của đức Phật.
8. Tôi sẽ không để cho những người Bà la môn chủ trì bất kỳ buổi lễ nào.
9. Tôi đặt niềm tin vào quyền bình đẳng của con người.
10. Tôi sẽ nỗ lực để đạt được sự bình đẳng.
11. Tôi sẽ sống theo Bát Thánh Đạo của đức Phật.
12. Tôi sẽ thực hành 10 ba la mật mà đức Phật đã dạy.
13. Tôi sẽ thương yêu tất cả chúng sinh và bảo vệ họ.
14. Tôi sẽ không trộm cắp
15. Tôi sẽ không nói dối
16. Tôi sẽ không phạm các tội tà dâm
17. Tôi sẽ không dùng các chất gây say như rượu, ma túy …
18. Tôi sẽ tinh tiến thực hành Bát Thánh Đạo và thực tập từ bi mỗi ngày.
19. Tôi từ bỏ Ấn giáo – một tôn giáo gây thương tổn đến lòng nhân đạo và cản trở sự tiến bộ và phát triển của nhân loại bởi vì nó đặt nền tảng trên sự bất bình đẳng – và chọn Phật giáo làm tôn giáo của mình.
20. Tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng Chánh pháp của đức Phật là tôn giáo đúng đắn duy nhất.
21. Tôi tin rằng tôi sẽ được tái sanh.
22. Tôi kính cẩn tuyên bố và xác định rằng từ nay về sau tôi sẽ sống theo những nguyên lý và lời dạy của đức Phật và Chính pháp của Ngài.
Là một giai cấp khác biệt đã từng chịu nhiều tủi nhục trong mấy chục thế kỷ qua nay bỏ đạo lâu đời của mình để theo Phật giáo, lại được hướng dẫn bởi một con người thông thái và từng du học ở những nền văn minh tiên tiến nên Phật giáo của Tiện dân có những nét đặc thù. Theo Gail Omvedt, đó là một kiểu Đạo Giác Ngộ hiện đại mang tính thực tiễn trong khuôn khổ Phật giáo, không chấp nhận toàn bộ kinh điển của Nguyên thủy, Đại thừa, hay Kim cương thừa (Omvedt, Gail. Buddhism in India : Challenging Brahmanism and Caste).
Hầu hết những Phật tử Tiện dân Ấn Độ chấp nhận hình thức Phật giáo chiết trung: chủ yếu dựa trên Theravada (Nguyên thủy) cộng thêm một số ảnh hưởng từ Đại thừa và Kim cang thừa. Ở một số lĩnh vực, họ giải thích Phật giáo theo lối riêng. Họ chú trọng vai trò cải cách chính trị và xã hội của đức Phật hơn là vị trí lãnh đạo tôn giáo của Ngài.
Sau cuộc cải đạo của Ambedkar, hàng nghìn người từ nhiều giai cấp khác nhau cũng lần lượt cải đạo theo Phật giáo, mặc dù cái chết đột ngột của ông cũng đã làm chững lại phần nào phong trào Phật giáo Tiện dân. Đã có những cuộc cải đạo tập thể như sau:
Năm 1957, Lucknow: Pragyanand – người Sri Lanka – tổ chức lễ cải đạo cho khoảng 15.000 người ở Lucknow (Maren Bellwinkel-Schempp, Roots of Ambedkar Buddhism in Kanpur).
Năm 2001, New Delhi: Vào ngày 4 tháng 11, nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo Phật giáo Tiện dân Udit Raj tổ chức lễ cải đạo tập thể ở New Delhi, cuộc cải đạo này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía chính phủ (Buddhism Today).
Năm 2006, Hyderabad: Ngày 14 tháng 11, Nhật báo Anh The Guardian đã tường thuật một cuộc cải đạo theo Phật giáo tập thể ở Hyderabad thủ phủ của bang Andhra Pradesh nhân ngày kỷ niệm 50 năm cuộc cải đạo lịch sử đầu tiên.
Năm 2006, Gulbarga: Cũng nhân ngày kỷ niệm cuộc cải đạo đầu tiên, hàng trăm người bỏ Ấn giáo theo Phật giáo tại Gulburga (bang Karnataka) (The Times Of India).
Năm 2006, New Delhi: Ngày 17-10, www.buddhistchannel.tv đưa tin Mayawati – thủ lãnh đảng Bahujan Samaj – tuyên bố rằng bà và những người ủng hộ bà sẽ cải đạo theo Phật giáo.
Năm 2007, Mumbai: Vào ngày 27 tháng 5, khoảng chục ngàn Tiện dân từ Maharashtra quy tụ về trường đua Mahalakshmi ở Mumbai để cải đạo đồng thời đánh dấu sự kiện cải đạo của Ambedkar. Sự kiện này do lãnh tụ của đảng Cộng Hòa Ấn, ông Ramdas Athvale, tổ chức. Số người cải đạo thực chất không rõ bao nhiêu (Khaleej Times Online).
Những nỗ lực của Ambedkar đã mang lại kết quả to lớn cho Phật giáo Ấn Độ, tuy không được rực rỡ như xưa nhưng lượng Phật tử ngày càng tăng thêm rõ rệt. Năm 1891, Ambedkar sinh ra đời, cũng là năm ngài Anagarika Dharmapala đến Ấn Độ xậy dựng lại cơ sở Phật giáo đầu tiên, số lượng Phật tử ước chừng khoảng 50.000 người. Thế nhưng năm 2001, con số ấy đã lên tới 7.950.000, riêng tại quê hương ông có đến 5.830.000 người.
Với phong trào Phật giáo Tiện dân do Ambedkar chủ xướng, Phật giáo đã thực sự sống lại trên mảnh đất xưa để thực hiện sứ mạng của nó, đó là đem lại quyền tự do và bình đẳng cho những thân phận bị áp bức, đem lại con đường giác ngộ chân chánh cho những ai muốn tìm cầu. Ambedkar xứng đáng được vinh danh như một lãnh tụ đấu tranh vì tự do và bình đẳng, và là tấm gương cho Phật tử đời sau noi theo. Dù sinh ra trong tầng lớp Tiện dân, nhưng sự sinh ra ấy không cản bước con người trở nên tôn quý.
Đà Nẵng, 06/01/2008