Tại sao người Việt có thói quen nói “ăn Tết” chứ không phải chơi Tết hay đón Tết? Sau một hồi mày mò tìm lời giải không có kết quả, tôi mang nỗi niềm đặt lên bàn làm việc bề bộn của một nhà nghiên cứu sử học. Sửa cặp kính cận dày cộm, nhà sử học thủng thẳng: “Ngày xưa đói nghèo, trông đến Tết để được ăn ngon mặc đẹp.
Tết truyền thống của người Việt là sự mưu cầu được tống cái khó khăn, nghèo khó đi để đón sự giàu có, thừa ăn thừa mặc về. Và “ăn Tết” đã diễn tả đúng tâm lý lịch sử của thời thiếu ăn thiếu mặc. Tuy nhiên, ngày nay, 2 chữ này được dùng chỉ là thói quen, hoặc sự tôn trọng truyền thống”.
Nghe kể chuyện ngày xưa
Miên man với lời giải thích của nhà sử học đáng kính, tôi lạc vào khu rừng bán thực phẩm phục vụ Tết lúc nào không hay. Dân Sài Gòn ăn Tết không cầu kỳ như Hà Nội. Mâm cỗ mời ông bà về ăn Tết cũng không bày biện nhiều món như ở Huế. Người Sài Gòn ăn Tết bằng bành tét, phong phú thức ăn từ thượng vàng đến hạ cám. Và ngày nay, người Sài Gòn ăn Tết bằng cách đi du lịch.
Tết ông Táo. Theo truyền thống, trưa 23 tháng Chạp, nhiều gia đình đã sắm lễ đưa ông Táo về trời, trình Ngọc Hoàng cách ăn cốt ở của gia chủ tại trần gian. Chiều 30 Tết, người ta lại lục đục sắm lễ bàn thờ mời ông Táo về. Trong tâm tưởng của người Việt, Tết cổ truyền với những phong tục truyền thống vẫn là một điều gì đó thiêng liêng và đáng được trân trọng.
Ngày 30 Tết. Các gia đình truyền thống ở nông thôn bắt đầu dựng cây nêu trừ tịch. Với người Việt, bữa cơm cúng ông bà cuối năm rất được coi trọng. Đó không chỉ đơn thuần là mâm lễ cúng mời ông bà (người âm) về ăn Tết với gia đình mà còn là thời điểm để cả gia đình (người dương) sum họp.
Sau lễ cúng giao thừa, người Hà Nội có thói quen tràn ra đường, đi chùa hái lộc, chúc Tết ngay trong đêm và về nhà vào sáng sớm mồng 1. Giới trẻ Sài Gòn vài năm sau này cũng có thói quen đi chùa hái lộc. Tất nhiên, ý nghĩa những cuộc đi của 2 miền khác nhau.
Tại cố đô Huế, người dân không có thói quen ở ngoài đường sau giờ khắc giao thừa. Theo quan niệm của các cụ, nếu không về nhà trước giao thừa, cả năm chỉ biết lông bông ngoài đường, không dành nhiều thời gian cho gia đình… Nên nếu có việc ra khỏi nhà vào đêm cuối năm, những đứa con ngoan (dù đã trưởng thành) cũng cố gắng chạy về nhà để đón giao thừa tại gia. Truyền thống này ngày nay đã phai dần, song nhiều gia đình vẫn giữ như một thói quen hơn là điều bắt buộc. Và cách cảm về một không khí Tết nặng ghi lễ cũng ngày càng nhạt dần.
Ăn Tết
Xưa. Chiều 27 Tết. Nhiều nhà đã lục đục hái lau lá chuối, lá dong gói bánh. Nghèo thì dăm ba lon nếp, khá hơn một chút trên chục lon. Cảnh thức đêm ngoài vườn trong cái rét ngọt cuối đông trông nồi bánh nghi ngút khói thơm lừng mùi lá, nếp, đậu xanh những hương vị ngọt ngào của đồng quên… đã trở thành kỷ niệm đẹp, khó quên trong tâm khảm nhiều người.
Tết của những năm trước và sau 1980 chỉ là nồi bánh chưng, vài ba lạng thịt mỡ. Còn hạt dưa, mứt bánh thì nhà có nhà không. Cái nghèo khó bao trùm cả ba miền.
Những năm 90, giới trẻ, chủ yếu nữ giới có phong trào ngâm các loại trái cây với đường để tạo thành loại thức uống lên men mời bạn bạn bè. Ngày đó, vài thùng bia để sẵn trong nhà mời khách 3 ngày Tết là quá xa xỉ. Song, dăm năm trở lại đây, một gia đình có mức sống tầm tầm cũng thừa sức rinh đôi ba thùng bia chất ở góc nhà. Ăn Tết thời nay đã khác xưa.
Ở xứ lạnh, cái rét cắt gia của mùa đông nhiều khi chưa kịp ra đi để nhường chỗ cho nắng ấm của mùa xuân. Chính vì thế, ở miền Bắc và Trung, ta dễ cảm nhận không khí Tết với chút se lạnh, âm ấm của buổi giao mùa… hơn ở miền Nam. Có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Sài Gòn thìch uống bia hơn là những loại rượu có rồng độ cồn cao.
Để chuẩn bị ăn Tết thời nay, người Sài Gòn thường có thói quen kho nồi thịt với trứng và nấu một nồi canh khổ qua nhồi thịt để ăn dần trong ba ngày Tết. Trong khi đó, dân Hà Thành lại thích giò chả hơn. Họ nấu một nồi măng với giò để ăn Tết. Người Huế lại không có thói quen nấu dự trữ thức ăn nhưng lại thích thịt bò dầm nước tương, thêm dăm ba xâu nem tré nổi tiếng của địa phương làm thức nhắm.
Siêu thị và chợ là nơi cung cấp phần lớn các loại thực phẩm ngày Tết: từ bánh cổ truyền như bánh tét, bánh chưng cho đến các thùng kẹo ngoại, cao cấp, Người thành phố ngày nay không còn thói quen làm bánh ăn Tết nữa, mà thay vào đó là mua sắm ăn Tết. Âu cũng là điều dễ hiểu. Khó khăn về không gian buộc người ta phải từ bỏ (hoặc kìm hãm) niềm vui lãng mạn một thời vậy.
Không chỉ vấn đề ẩm thực, người Việt còn ăn Tết bằng hoa. Nếu kể đến loài hoa chủ lực dành cho ngày Tết phải kể đến đào và mai. Người Hà Nội phải sắm bằng được một cành đào để trưng trong ba ngày Tết, dù giá mỗi cành có thể lên bạc triệu vào những năm đào mất mùa. Người miền Nam và Trung thích trưng mai hơn. Giá mai cũng ngày càng tăng bởi phong trào bứng nguyên cây đi bán ở nhiều cùng quên đang nở rộ.
Sau đào và mai, vạn thọ, lay ơn và cúc là các loại hoa được cả dân 3 miền ưa thích. Tuy nhiên, trong cái sung túc thời nay, người Sài Gòn và Hà Nội sành chơi đã tìm đến các loài hoa cao cấp hơn như lily, lan ngoại. Người Huế đặc biệt thích lủng lẳng với nhánh lan rừng chưa kịp trổ hoa trước hiên nhà.
Ngoài hoa, quả là món quan trọng không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Mâm ngũ quả được người miền Nam chú trọng với 5 loại trái: cầu-sung-dừa-đủ-xoài. Với cách phát âm của miền Nam được hiểu thành: cầu sung (túc) vừa đủ xài. Và mọi người nghiễm nhiên chấp nhận điều đó như một nét văn hóa.
Cũng liên quan đến lỗi phát âm, người miền Nam không bao giờ trưng chuối vào ngày Tết, bởi theo họ, chuối có nghĩa là “chúi nhủi” cả năm, không cất mặt lên được. Tuy nhiên, người miền Trung và Bắc lại tìm bằng được một nải chuối có quả no tròn, cân xứng, đẹp mắt để chưng ở gian nhà chính như chứng tỏ sự thịnh vượng, sung túc, đề huề.
Và chơi Tết
Cụm từ chơi Tết theo đúng nghĩa “Tết Holiday” đang được các gia đình trẻ áp dụng triệt để. Dăm năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam bắt đầu hình thành thói quen đón xuân bằng những tour du lịch dài ngày.
Ngày xưa, người Việt rất kiêng cữ khi đóng cửa nhà vào 3 ngày Tết. Ở các vùng quê, đây là điều cấm kỵ. Năm mới đã không mở toang cửa đón lộc thì thôi, sao lại đóng cửa then cài? Tuy nhiên, với dân thành phố, điều này hoàn toàn trái ngược. Dân thành phố đi chơi Tết nhưng tâm trạng thì đề phòng kẻ gian nên nhà cửa luôn trong tình trạng rào dậu. Nay, khi các gia đình trẻ quyết định phá cách bằng việc khóa nhà đi du lịch, những lo ngại về đóng cửa then cài cũng dần dần được bỏ đi.
Về món quà biếu Tết trong 30 năm qua cũng có những thay đổi lớn. Quà tặng là những chai rượu nội và những gói mứt bánh nội cho sếp nay đã lỗi thời. Rượu ngoại, bánh ngoại, hoặc bèo nhất là vài thùng bia chở đến tận nhà người mình muốn tặng mới là hợp mốt.
Người miền Trung nay cũng không thua dân Sài thành, Hà thành trong việc vung tay cho khoản quà cáp. Những mòn quà tặng nhau ngày càng giá trị hơn, song, tình cảm gói ghém bên trong bao nhiêu thì người viết bài này không dám chắc. Xa xỉ hơn khi mua quà, chứ không phải vì tình nghĩa. Chỉ duy món ăn chơi này, với những ai coi trọng văn hóa Tết đã là một điều khó chịu.
Không phải sự lược bỏ nào cũng được chấp nhận. Tuy nhiên, những thay đổi trong tư duy chơi Tết, đón Tết chứ không phải ăn Tết đang được nhiều người khuyến khích và áp dụng. Còn rất nhiều chuyện bàn về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại giữa một cái Tết Việt đúng nghĩa với… Thế nhưng, tiếng nhạc xuân ở nhà bên đã cất lên rộn rã quá: “Tết tết tết tết đến rồi”.