Trong mục tiêu yêu cầu phải có giáo dục trường lớp, có thể thấy đàng sau đó thấp thoáng những yêu cầu không phải giáo dục, thực chất là yêu cầu về một dạng hoạt động tôn giáo, về mục tiêu truyền đạo, mục tiêu bất động sản…
Trong bài phỏng vấn này, chúng ta sẽ tiếp tục xin ý kiến Hòa thượng Thích Thiện Tâm theo hướng tìm hiểu trên về giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội.
Do Hòa thượng Thích Thiện Tâm lưu ý những ý kiến trao đổi là từ vị trí một chuyên gia nghiên cứu giáo dục học, không phải là ý kiến của một nhà lãnh đạo tôn giáo, hay một tu sĩ Phật giáo, chúng tôi trước hết đã nêu câu hỏi với Hòa thượng Thích Thiện Tâm về vấn đề này.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng, xin HT có thể giải thích cho chúng con vì sao HT luôn luôn lưu ý những ý kiến của HT trong suốt loạt bài phỏng vấn là ý kiến của một chuyên gia nghiên cứu giáo dục học, không phải là ý kiến của một nhà lãnh đạo tôn giáo. Sẽ có gì khác biệt ở đây và tại sao chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ thuần túy tôn giáo?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Đúng như thực tế, đây là cuộc trao đổi ý kiến về một góc của hiện trạng giáo dục ở Việt Nam của 2 người đều được đào tạo về khoa học giáo dục. Chúng ta đã cùng tìm hiểu vấn đề từ những kiến thức về giáo dục học. Chúng ta thấy được mối liên hệ với tôn giáo của giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội, nhưng trước tiên không từ lợi ích tôn giáo, mà từ lợi ích của hoạt động giáo dục nói chung như vấn đề sẽ được thảo luận trong bài này đây.
Xuất phát điểm thực tế của chúng ta là như vậy, và thầy cũng muốn giữ cuộc nói chuyện của chúng ta ở điểm nhìn đó, nên thầy luôn nhắc đạo hữu về điểm nhìn của một chuyên gia nghiên cứu giáo dục.
Thầy cũng muốn tìm hiểu vấn đề một cách thật khách quan và điều đó chỉ có ở một cuộc trao đổi ý kiến trên cương vị một người làm khoa học, không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo. Vì nhìn từ một tôn giáo nào đó, chúng ta đương nhiên sẽ do lợi ích chủ quan của tôn giáo mà có sự ràng buộc. Đó là điều chúng ta nên hạn chế.
Nếu có cổ võ cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo, thầy cũng không từ quyền lợi chủ quan của Phật giáo, mà từ lợi ích cao nhất của nền giáo dục đất nước ta, thấy cần có sự hài hòa trong hoạt động giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội, thấy cần huy động sự đóng góp từ Phật giáo. Mục tiêu của thầy trước hết là đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, lợi ích cho Phật giáo chỉ đứng ở vị trí thứ hai, vì vậy, điểm nhìn một chuyên gia giáo dục là điều duy nhất thích hợp.
Xác định loạt bài về giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội là cuộc trao đổi ý kiến của 2 người cùng ngành học giáo dục, chúng ta sẽ thoải mái hơn so với việc nếu đưa vào yếu tố tôn giáo. Tất nhiên là chúng ta cũng không thể không tìm hiểu yếu tố tôn giáo, nhưng nội dung sẽ mềm dẻo hơn nếu nhìn từ khoa học giáo dục. Điều đó cũng cho phép chúng ta mở rộng hơn rất nhiều nội dung của các cuộc nói chuyện, nếu so với việc đứng ở vị trí tôn giáo mà bàn luận.
Từ tinh thần như vậy mà trên quyển luận án thầy tặng đạo hữu chỉ có thế danh, dù phía sau những trang giấy là tâm từ bi cứu khổ của một nhà sư.
CS MT: Kính bạch HT, với cái nhìn giáo dục học, thì quả thật giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội là vô cùng phức tạp, với lợi ích tôn giáo và công cụ giáo dục đan xen nhau. Nếu tìm hiểu sâu vấn đề theo hướng này, thì ngoài việc chỉ ra tôn giáo có lựa chọn giáo dục trường lớp, giáo dục từ xa, còn có những lựa chọn nào khác?
HT TTT: Đến đây thì chúng ta phân biệt giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy.
Giáo dục, với nghĩa rộng nhất của nó, là hoạt động để hình thành nhân cách, nâng cao hiểu biết, diễn ra thường xuyên, khắp mọi lúc, mọi nơi.
Vì vậy, nếu coi việc hiện nay, nhà nước chỉ cho phép tôn giáo thành lập điều hành một số loại hình trường lớp, cấp học là hạn chế hoạt động giáo dục tôn giáo là không hoàn toàn đúng. Chỉ có giới hạn ở lãnh vực giáo dục chính quy mà thôi, còn giáo dục không chính quy thì muôn hình vạn trạng. Nếu phía tôn giáo thật sự có nhu cầu cao trong hoạt động giáo dục, không làm không được, thì không cứ gì phải đòi cho bằng được giáo dục chính quy, mà thực ra không gian làm giáo dục không chính quy, trong đó có loại hình giáo dục từ xa mà chúng ta đã tìm hiểu, là một không gian mênh mông, dành cho các tôn giáo rất nhiều tự do.
Chỉ là cuộc gặp giữa một nhóm bạn trẻ với tu sĩ là tôn giáo đã có thể tổ chức hoạt động giáo dục không chính quy. Khóa tu dành cho thanh thiếu niên của Phật giáo là một dạng hoạt động giáo dục không chính quy.
Hiểu giáo dục là phải có trường lớp, sách giáo khoa, thầy trò gặp nhau trong hoạt động dạy học, có khóa học, có cấp bằng là hiểu giáo dục một cách phiến diện. Nhưng có thể lý giải là người ta cố ý hiểu như vậy để yêu cầu tôn giáo phải có giáo dục chính quy. Chưa yêu cầu được thì cho rằng giáo dục tôn giáo bị hạn chế, đâu phải vậy!
Tuy nhiên, cần thừa nhận giáo dục chính quy có ưu thế đặc biệt, nên tôn giáo yêu cầu phải được có, và mọi việc đang diễn ra theo xu hướng này.
CS MT: Kính bạch HT, vậy thế nào là giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, nếu vận dụng kiến thức giáo dục học để định nghĩa?
HT TTT: Định nghĩa như dưới đây có thể coi là tương đối hoàn chỉnh về giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy. Đây là định nghĩa của GS Nguyễn Cảnh Toàn – Lê Hải Yến, xuất xứ gốc từ công trình “Đề tài NCKH B-2004-CTGD-06”:
“1. Giáo dục chính quy: Giáo dục chính quy (GDCQ) là hình thức giáo dục thỏa mãn cả ba điều kiện sau đây:
a. Chương trình học là một chương trình cơ bản dài hạn, có hệ thống, không chỉ nhằm cung cấp cho người học những kiến thức, những kỹ năng cần dùng trước mắt mà còn nhằm cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng, những phương pháp tư duy, những phẩm chất cơ bản tạo cho họ một tiềm năng phát triển lâu dài lên những trình độ cao hơn.
Sau đây, những chương trình học như vậy sẽ gọi là những chương trình cơ bản. Những chương trình không thỏa mãn điều kiện trên sẽ gọi là các chương trình thiết thực.
b. Hình thức học là hình thức tập trung người học thành từng lớp, có một hay nhiều giáo viên phụ trách giảng dạy, hướng dẫn thực hành, nghiên cứu. Có học trong lớp (nội khóa) và học ngoài đời (ngoại khóa).
c. Giờ giấc học tập phần lớn là ở trong giờ hành chính.
a. Giáo dục không chính quy: Mọi hình thức tổ chức giáo dục không thỏa mãn đầy đủ cả ba điều kiện a, b, c nói trên đều gọi là giáo dục không chính quy (GDKCQ), gồm có:
b. Giáo dục từ xa (GDTXa) là hình thức tổ chức học trong đó thầy và trò không giáp mặt nhau mà trao đổi thông tin qua các phương tiện trung gian từ tài liệu in cho đến các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại.
Chương trình học từ xa có thể là cơ bản mà cũng có thể là thiết thực. Trong GDKCQ thì GDTXa là quan trọng nhất vì nó khắc phục được “khoảng cách không gian” giữa thầy và trò làm cho thầy và trò xa mấy cũng tiến hành dạy và học được, đỡ được việc đi lại, xây trường sở, lo nội trú cho người học. Với các phương tiện thông tin hiện đại thì nó khắc phục luôn cả “khoảng cách thời gian” và cả “khoảng cách tâm lý” giữa những người cùng học nhưng tuổi tác khác nhau, cương vị khác nhau vì ai ở nhà nấy mà học.
c. Giáo dục ngoài giờ (GDNG) (thường là ban đêm hoặc vào những ngày nghỉ). Trước khi có GDTX thì đây là hình thức học chủ yếu cho người đang làm việc ở các cơ quan nhà nước hay các xí nghiệp.
d. Các hình thức tổ chức học linh hoạt khác cho những người lao động tự do, cho nông dân là những người không làm việc theo giờ giấc hành chính, ví như các hình thức học tập ở các trung tâm học tập cộng đồng hiện nay.
e. Hình thức tự học (TH) theo một chương trình cơ bản hay thiết thực do các cá nhân người học tự tổ chức lấy dựa vào sách, tài liệu, truyền thanh, truyền hình, mạng. Nếu việc tự học này có được sự hướng dẫn (không trực tiếp mà qua phương tiện) của một thầy ở xa, thì đó là tự học có hướng dẫn tức là học từ xa. Tuy phân chia ra như vậy, vẫn có sự đan xen giữa các hình thức giáo dục. Trong GDCQ, ngoài giờ hoc trên lớp, thầy và trò cũng không gặp nhau; những giờ nội khóa thì tiến hành trên lớp còn các giờ ngoại khóa thường là tiến hành ngoài lớp. Trong GDTX cũng có những đợt tập trung ngắn hạn, ở đó thầy và trò giáp mặt nhau. Vì vậy, phân biệt ra GDCQ và GDKCQ chỉ là tương đối.
3. Giáo dục phi chính quy (GDPCQ): Trong cuộc sống, mỗi con người đều nhận được những bài học chính diện hay phản diện khi cọ xát với thực tiễn, mà bản thân không lường trước, không có kế hoạch trước. Ví dụ, đó là cách học trong câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Sự giáo dục chợt đến, không định trước đó gọi là giáo dục phi chính quy. Nó đan xen vào GDCQ và GDKCQ. Chẳng hạn, một học sinh, ngoài bài vở trên lớp đọc một quyển tiểu thuyết hay trong đó nhân vật là một học sinh nghèo nhưng học rất tốt và đã trở thành nhân tài, thì cũng cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh mới để quyết chí học tập theo gương nhân vật tiểu thuyết. Như sau này ta sẽ thấy, nhờ có GDPCQ mà người học thực hiện được khẩu hiệu: “Học mọi lúc, học mọi nơi, học mọi người, học trong mọi hoàn cảnh, học bằng mọi cách và qua mọi nội dung dù xa hay gần với chuyên môn của mình (sáu mọi)”.
4. Giáo dục liên tục: Mỗi con người ngày nay sau GDCQ đều phải học suốt đời nghĩa là phải được giáo dục liên tục (GDLT).
5. Giáo dục tại chức (GDTC): Giáo dục mà đối tượng là những người đang tại chức (bằng một hay nhiều hình thức thích hợp).”
Định nghĩa trên có thể được bổ sung về việc cấp bằng, trong đó giáo dục chính quy được cấp văn bằng chính quy, còn lại, có loại hình giáo dục được cấp bằng, có loại hình không. Văn bằng giáo dục chính quy được coi là giá trị nhất, và đơn vị có thẩm quyền cấp được coi là có “quyền lực giáo dục”.
Khi thảo luận đến đây, thì chúng ta đã thấy sự lựa chọn của giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội có rất nhiều, không phải riêng gì chỉ giáo dục từ xa. Tôn giáo, cho đến nay trên thực tế, dù không được phép điều hành giáo dục chính quy, nhưng vẫn có thể tổ chức rất nhiều loại hoạt động giáo dục.
CS MT: Kính bạch HT, như thế thì cứ gì phải yêu cầu cho được việc sở hữu hệ thống giáo dục chính quy?
HT TTT: Đi sâu vào vấn đề thì phức tạp lắm. Bước đầu, có thể kể đến những lý do như giáo dục chính quy:
– Là công cụ tốt cho việc truyền đạo, vì có yếu tố tập trung cao, quản lý học sinh chặt chẽ, giờ giấc theo giờ hành chính, thầy (trong giáo dục tôn giáo là tu sĩ) giáp mặt trò (là đối tượng truyền đạo) với thời lượng nhiều nhất.
– Là phương thức giáo dục thuận lợi để mang đến kết quả tốt nhất.
– Đã là phương thức giáo dục mà một số tôn giáo đã tổ chức thành khuôn mẫu, bài bản có kinh nghiệm điều hành, cứ theo mô hình đã có mà áp dụng.
– Là phương thức giáo dục mà xã hội chấp nhận là quan trọng nhất và có thể chỉ tiêu nhiều nhất. Do đó, trong giáo dục chính quy tư thục có thể thu được học phí cao, lợi nhuận tối đa.
– Văn bằng giáo dục chính quy được coi là giá trị hơn cả.
Tất cả những ưu thế trên: quản lý tập trung sinh viên học sinh; nhiều thuận lợi để có chất lượng cao quan hệ thầy trò trực tiếp thường xuyên, tính chất hành chính, có thể có lợi nhuận tối đa, có quyền được cấp bằng có giá trị cao đã dẫn đến quyền lực giáo dục. Quyền lực này đem lại sức mạnh và vị thế cho tôn giáo. Vì vậy, nên có tôn giáo yêu cầu phải sở hữu bằng được hệ thống giáo dục chính quy, nhất là hướng về bậc đại học.
Phương thức giáo dục không chính quy không đáp ứng được yêu cầu trên đối với tôn giáo nắm hệ thống giáo dục. Vì thế, dù có thể tổ chức rất nhiều hoạt động giáo dục không chính quy, nhưng mục tiêu của tôn giáo, xét từ lợi ích, phải là giáo dục chính quy. Đến đây, chúng ta hiểu vì sao, có tôn giáo kiên trì mục tiêu được phép mở trường đại học tư thục. Có trong tay đại học tư thục, quy mô hoạt động, tác động đối với xã hội, lợi ích, vị thế của tôn giáo sẽ hoàn toàn khác trước.
Phật giáo Việt Nam cần sớm nhận thức như thế về giáo dục hướng ra xã hội (được hiểu là giáo dục chính quy) để kịp thời tham gia, giữ gìn vị thế của mình, giữ được ảnh hưởng đối với xã hội trong hoàn cảnh bức tranh tôn giáo có chuyển biến quan trọng.
CS MT: Xin thành kính cảm ơn HT về cuộc phỏng vấn. Kính chúc HT thân tâm thường an lạc.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.