Trang chủ Tết Việt Phong tục Tản mạn Tết Huế xưa

Tản mạn Tết Huế xưa

132

Bà mẹ Huế lo toan cho gia đình ăn tết  từ tháng 9 âm lịch, đầu tiên là món rượu bách nhật mà dân gian thường gọi là rượu nếp , nguyên vật liệu đơn giản , không đắt tiền nhưng phải khéo léo  tính toán thời gian , từ lúc bắt đầu cất cho đến lúc rượu lên men đến độ ngon ngọt tròn chẳng 100 ngày, vị rượu đằm nhẹ nhưng ngấm say nên người ta thường ví ly rượu nếp như tình yêu của thiếu nữ Huế , dịu dàng mà nồng thắm.


Thường vào độ cuối đông, xen lẫn giữa những cơn mưa lê thê, thi thoảng cũng có một vài ngày  hanh nắng ngắn ngủi  đủ cho mẹ vội vàng gọt tỉa đu đủ, cà rốt, kiệu, hành phơi khô  làm dưa món, nếu được nắng sẽ có một thẩu dưa món thơm phứt, trắng phau trông rất hấp dẫn, nếu lỡ như trời thất thường  nũng nịu đang nắng chợt mưa thì  đám con gái trong nhà  nhanh nhẹn giúp mẹ quạt than hong sậy  khô dòn cho đẹp màu ngon miệng , có cả dưa món chay mời ông bà thời trong ngày mồng một, đây là món căn cơ của ngày tết, không hẵn là món ngon tuyệt nhưng nếu thiếu vắng sẽ là một sự sơ suất lớn của ngày xuân  đầm ấm.


Không khí tết rộn rã thật sự đến với mọi nhà sau đêm 23 tháng chạp – tiễn đưa ông táo về trời. Cả nhà cùng tíu tít, mỗi người mỗi việc, những việc dành riêng cho phe nam giới thường vất vả, cần phải có sức vóc – như quét  vôi, kê dọn tủ bàn, chăm sóc cây cối… phái mạnh mà ! công việc của phụ nữ nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi sự khéo tay, sự chịu thương chịu khó và lòng ham mê sáng tạo, là sự hào hứng và nhộn nhịp, thu hút mọi người trong nhà quan tâm: cả nhà cùng  vui vẻ tự nguyện tham gia làm bánh mứt, chỉ đạo và bếp trưởng vẫn là mẹ, chị em gái trổ tài nữ công gia chánh và lũ con trai xúm xít hít hà xuýt xoa bởi mùi thơm của những chảo mứt làm náo nứt lòng, một tí mứt rẻo, vài lát mứt lỡ tay bị gãy vụn… chao ôi là ngon! trẻ con cứ lân la nịnh nọt xin mẹ một ít để sáng mai đến lớp khoe và ăn vụng với bạn bè trong giờ học, lệ thường cái dấm  dúi, cái ít ỏi hiếm hoi luôn mang đến sự thú vị và hương vị tuyệt vời. Mứt tết Huế lại vô cùng phong phú nên mỗi ngày bạn bè lại được dịp kháo nhau, khoe tài nhà mình… vị thơm cay của mứt gừng đầy ấn tượng, chua chua ngọt ngọt của mứt me, cam quật làm trẻ con mãi thòm thèm, cái beo béo của mứt dừa  mứt khoai, mứt bí … luôn khoái khẩu mọi người.


Trong gió chiều thoang thoảng mùi thơm của bánh thuẩn từ bếp nhà láng giềng đủ để làm ngơ ngẩn bao người, tiếng bà con lối xóm gọi nhau i ới mượn cái nọ, xem cái kia thân thiết  rộn ràng – một mai trong ký ức ai đó luôn vấn vương đến một mùi hương, giọng nói lạ mà quen, quen mà lạ của một thời, của một người  thương mến  rất gần đã xa.


Mâm ngũ quả chất đầy trái cây tươi roi rói, đủ màu sắc và đủ chủng loại mang  nhiều ý nghĩa tốt đẹp về một năm mới hứa hẹn  ăn nên làm ra , phát tài phát lộc luôn được đặt ở gian thờ tổ tiên càng tăng thêm phần trân trọng ngày tết.


Phụ nữ Huế  hiếm khi chọn mua bánh mứt tết ở chợ, nhà nghèo làm theo kiểu nhà nghèo, ít vị, rẻ tiền, nhà khá giả sang trọng thì bánh mứt đủ chủng loại hơn  và mọi người dù ở địa vị,  hoàn cảnh nào họ đều có sở thích và thói quen tự chế biến cho riêng gia đình mình các loại bánh mứt tết  – do vậy mà cùng với một loại mứt mỗi nhà có mỗi hương vị riêng, bí quyết nghệ thuật riêng. Ai cũng gói ghém bánh trái, chăm chút làm mứt món với tất cả sự đam mê, sự nâng niu bởi ngoài ý nghĩa thiêng liêng để dâng cúng tổ tiên đất trời, chiêu đãi khách khứa bẹn bè nhân năm mới còn là dịp để khoe tài nữ công gia chánh một cách tế nhị và kín đáo nhất. Các bà mẹ chồng thích chọn con dâu tương lai tiêu chuẩn ưu ái đầu tiên là sự tài hoa bếp núc mà.


Hầu như mọi người đều có thú vui đi chợ tết, người có nhiệm vụ đã đành, lắm kẻ hăng hái bởi thích ngắm nhìn khung cảnh sinh hoạt và tự thưởng thức hương vị ngày xuân của riêng mình, cả nam lẫn nữ cứ  chu du hết hàng mứt này sang tiệm bánh nọ, chợ hoa luôn đông khách, bao nhiêu kỳ hoa dị thảo – những loài hoa trong thơ văn cổ – những loài hoa tân kỳ với vô số làn hương: hương mai vàng thắm thiết làm mê mẩm hồn người, hương hoa hồng ngào ngạt, hoa cúc, hoa lan, hoa cẩm chướng dịu dàng …. rất nhiều người đã bị vẻ đẹp rực rỡ của hoa tết hút hồn níu chân. Thiên hạ cứ thoải mái chiêm ngưỡng hàng hoá tết và thầm ngắm  nhìn nhau … chẳng biết những lần “đi thâm nhập thực tế ” như vậy họ có suy gẫm được triết lý gì, tích luỹ được kinh nghiệm nào, có ai cảm thấy xúc động vì sự quyến rũ của cảnh và người ngày xuân?


Cho đến  ngày 27  âm lịch, bếp tết bắt đầu khẩn trương từ bình minh cho đến tận hoàng hôn,  suốt ngày hết phố đến chợ, chuẩn bị thịt để gói chả, làm nem, tré, thực đơn ngày tết luôn được các bà nội trợ nhắc nhở đến vấn đề dinh dưỡng hợp lý khi chọn lựa thực phẩm  nêm nấu, chú ý đến an toàn thực phẩm,  bảo ban con cháu quan tâm đến món ăn ngon lành bởi ngon được tạo ra do nghệ thuật nấu nướng, lành là bảo đảm vệ sinh sạch sẽ để những ngày tết mọi người trong gia đình và khách khứa không bị ốm đau hay ngộ độc vì thức ăn. Bởi quá đảm đang và khéo tay, hay lo xa nên chỉ ba ngày tết mà các mẹ sắm sanh đủ thứ, nhiều món có khi dùng đến cuối tháng giêng hẵn còn phủ phê.


Ngày 30 tết là ngày bận rộn nhất, từ sáng tinh mơ chợ đã tấp nập người mua bán  bởi ai cũng muốn chọn được của ngon vật lạ tươi tốt để làm mâm cơm thịnh soạn cúng đón ông bà. Không khí chiều 30  thật vô cùng trang trọng, mùi trầm  nhang nghi ngút trên bàn thờ, hương thơm hoa trái toả ngát khắp vườn nhà khiến lòng ai cũng lâng lâng một cảm giác khó tả, dường như có điều gì huyền bí giữa cõi âm – dương đang hiện hữu  không những trong lòng ta mà còn ở khắp mọi vật xung quanh đang tồn tại mỏng manh , cả những điều không nói nên lời trong tâm thức và  vô thức, vừa dễ hiểu giản đơn vừa thâm trầm  sâu sắc … Thói quen vô cùng đáng yêu của nhiều nam thanh nữ tú là có cảm hứng chiều cuối năm  thích tản bộ một mình thanh tịnh để tìm  dư hương ngày cũ và tìm lại chính mình trên các nẻo đường thân quen.


Ðể tăng thêm phần ý nghĩa đậm dà của việc đón giao thừa nên bánh tét, bánh chưng thường được mỗi nhà gói và nấu vào đêm cuối cùng của năm cũ, cả nhà quây quần  trên chiếc chiếu bày biện đầy đủ: lá, nếp, đậu, thịt mỡ, lạt buột… mỗi người mỗi tay, mỗi việc chính, phụ … rất vui vẻ, hạt nếp trắng ngần, đậu xanh vàng rực, thịt mỡ, hành, tiêu thơm lừng, dù chưa nấu chín, chưa được ăn chỉ mới thoáng nhìn đã thấy rất ngon lành.


Trên thế gian này có lẻ không có gì hơn nét đẹp của hình ảnh đêm cuối năm, bên bếp lửa hồng tí tách, đôi má cô gái ửng hồng như e ấp thẹn thùng và  trong đôi mắt đỏ cay vì khói đang ẩn kín điều diệu kỳ riêng tư. Và cũng không  gì thi vị hơn, đêm giao thừa  ngồi canh nồi bánh tét, nhìn ánh lửa bập bùng mà thả hồn theo nhớ nhung, hồi tưởng, mộng mơ.


Cúng giao thừa là giây phút thiêng liêng nhất của đất trời và của hồn người, trong mùi trầm hương thơm ngát, lòng ai cũng  ngậm ngùi bâng khuâng luyến tiếc như muốn níu kéo cái đã qua sắp mất sẽ không bao giờ tìm lại được, song cũng rộn lên niềm hân hoan rộn ràng đón chào niềm vui năm mới. Tống cựu nghinh tân –  trong tâm tưởng người vô tình vô tâm cũng thoáng chút buồn vui vu vơ lạ kỳ.


Và ba ngày tết, xúng xính quần áo mới,  tràn đầy  niềm vui đầm ấm gia đình – trời đất đã ban cho con người nguồn hạnh phúc vô bờ – một mùa xuân thần tiên.






Bai viet xuan Mau Ti - click here to read