Trang chủ Diễn đàn Chất vấn TT. Nhật Từ về việc không dùng bản dịch Kinh...

Chất vấn TT. Nhật Từ về việc không dùng bản dịch Kinh của HT. Minh Châu

104

1. Vấn đề

Bài viết chất vấn này được gợi ý từ bài “Nhân đọc bài “Chất vấn TT Nhật Từ về việc tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của tác giả Minh Chiếu.

Chúng tôi nêu câu hỏi, không đề quyết một điều gì hết, trên tinh thần người chưa biết hỏi người tỏ ra đã biết, tín đồ hỏi tu sĩ, bạn đọc hỏi tác giả, kính mong được trả lời trong khuôn khổ vấn đáp học thuật và xin không suy diễn ra ngoài những điều đã được xác định ở trên.

Bài viết của tác giả Minh Chiếu nói rằng “Anh MT nghiên cứu không đến nơi đến chốn”. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình tuyệt đối đúng, luôn luôn đúng, và vẫn nghĩ là cần phải lắng nghe.

Vì vậy xin nêu câu hỏi và mong được trả lời, chứ không dám “múa rìu qua mắt thợ”.

2. Dẫn vào câu chất vấn

Qua việc TT Thích Nhật Từ bỏ từ nguyên gốc tên nhân vật Angulimala thay vào bằng tên Vòng Hoa Tay Người, bỏ tên kinh gốc trong Trung bộ kinh là “Kinh Angulimala”, thay vào bằng trên “Kinh Chuyển hóa nghiệp chướng” trong “Kinh Phật cho người tại gia”, chúng tôi nêu câu hỏi, người soạn dịch không trả lời, mà thay vào đó tác giả Minh Chiếu dù là không nắm vững ngữ pháp tiếng Việt qua việc đối lập “biệt hiệu” với “danh từ riêng” (lỗi ở cấp trên tiểu học), đã đưa ra các giải thích bằng cách phân tích cấu tạo từ tiếng Pali.

Lời giải thích này đương nhiên đưa chúng tôi đến câu hỏi, tại sao cho tới khi thượng tọa Nhật Từ bỏ từ nguyên gốc trong kinh Phật và thay bằng từ Vòng Hoa Tay Người, thì dịch giả tiền bối, Hòa thượng Thích Minh Châu, lại đã không làm như TT Thích Nhật Từ. Bản dịch trước đó đều trung thành với danh từ riêng nguyên gốc trong kinh Phật. Không lẽ nào quý liệt vị dịch giả tiền bối trong đó có Hòa thượng Thích Minh Châu, không biết đến cách cấu tạo từ Pali như tác giả Minh Chiếu đã nêu, để làm như TT Thích Nhật Từ, loại hẳn một danh từ riêng trong kinh Phật và thay vào đó bằng một cụm từ có nghĩa và như tác giả Minh Chiếu cũng thừa nhận là có thể có rất nhiều cụm từ tương tự.

Bản dịch phổ thông được lưu hành ở nhiều địa chỉ trên mạng được chú thích dịch giả là Hòa thượng Thích Minh Châu, cũng không có từ “khủng bố”, từ mà qua cách diễn đạt của tác giả Minh Chiếu, người đọc hiểu là do TT Thích Nhật Từ viết thêm vô.

Bản dịch mà bây giờ có người nói rõ của TT Thích Nhật Từ rất khác với bản của HT Thích Minh Châu.

Phần chú thích kinh Angulimala bị đổi tên không nói rõ xuất xứ mà dịch giả căn cứ vào đó.

Nhưng ở phần lớn các kinh Nguyên thủy khác, thì chú thích rõ là dịch lại từ bản tiếng Anh của Hội Thánh điển Pali (Pali Text Society). Đối với thượng tọa Nhật Từ bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu không phải là bản sử dụng, mà trở thành bản để tham khảo.

Bản dịch các kinh Phật giáo Nguyên thủy của Hòa thượng Thích Minh Châu là bản dịch từ văn bản gốc tiếng Pali, đương nhiên là có sự bảo đảm tối đa về sự chính xác.

Dịch kinh Pali ngoài việc am hiểu tiếng Pali, còn có yêu cầu về đạo hạnh và học vấn uyên thâm, mà thiết tưởng đến nay không ai có thể qua Hòa thượng Thích Minh Châu.

Bản dịch kinh Pali của Hòa thượng Thích Minh Châu đã qua thử thách thời gian, được toàn thể giới học thuật Phật giáo trong và ngoài nước công nhận giá trị.

Cách làm của Hòa thượng trong việc cố gắng giữ y nguyên danh từ riêng, thí dụ, giữ nguyên tựa kinh Angulimala, đã được thừa nhận của giới học thuật Phật giáo, là trở về nguyên bản như kim khẩu Phật thuyết ở mức cao nhất có thể, và có giá trị về mặt phương pháp mẫu.

Trong khi đó, điều đã rõ là dịch thuật nếu không có thể căn cứ vào nguyên tắc ngôn ngữ gốc, mà chỉ dịch qua một bản dịch chắc chắn không thể đảm bảo chất lượng dịch. Trong hoàn cảnh hoàn toàn không có khả năng dịch từ từ nguyên tác ngôn ngữ gốc, thì mới dịch lại qua bản dịch đã dịch như một việc chẳng đặng đừng. Chẳng hạn, đó là trường hợp ở Sài Gòn trước năm 1975 vì không có người biết tiếng Nga, nên bạn đọc phải đọc Tolstoy từ bản dịch dựa vào bản tiếng Pháp. Khi đã có bản dịch từ nguyên tác tiếng Nga, đương nhiên bản dịch qua trung gian tiếng Pháp mất giá trị.

Nay, dịch kinh Pali. Mà bỏ bản dịch từ nguyên tác Pali, dùng bản tiếng Anh, theo “Kinh Phật cho người tại gia”, như TT Thích Nhật Từ đã làm là vì sao?

3. Câu chất vấn được gởi đến: TT Thích Nhật Từ, với tư cách là người soạn dịch “Kinh Phật cho người tại gia”.

4. Nội dung câu hỏi

4.1 Phương pháp xử lý danh từ riêng trong kinh Angulimala do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch và trong kinh Angulimala tự ý đổi tên thành “Kinh chuyển hóa nghiệp chướng” do TT Nhật Từ soạn dịch là 2 sự lựa chọn khác biệt nhau trong việc soạn dịch kinh Phật. Vậy kính đề nghị TT Nhật Từ giải thích chi tiết về sự lựa chọn của mình, nói rõ cơ sở để đi tới sự lựa chọn đó.

4.2 Vì sao TT không chọn sử dụng bản dịch kinh từ nguyên bản Pali của Hòa thượng Thích Minh Châu mà lại chọn phương án dịch từ bản dịch tiếng Anh, như một số chú thích trong phần Phụ lục 1 Kinh Phật cho người tại gia. TT nghĩ sao về việc dịch lại kinh Pali nhưng qua trung gian bản dịch một ngôn ngữ khác. Đây cũng là một sự lựa chọn, kính đề nghị được giải thích.

4.3 TT có đồng ý với cách giải thích của tác giả Minh Chiếu về việc loại bỏ danh từ riêng Angulimala bên trong bản dịch và thay vào bằng danh từ riêng Vòng Hoa Tay Người? Còn việc loại danh từ riêng Angulimala ra khỏi tên kinh Trung bộ thứ 86, TT giải thích ra sao? Tại sao cùng loại bỏ từ Angulimala mà có những thay thế khác ở tựa kinh và trong bài kinh?

4.4 Chúng tôi với tư cách bạn đọc đề nghị TT quay về với phương pháp cũng như bản dịch của HT Thích Minh Châu khi soạn dịch kinh Pali dựa vào làm kinh tụng. TT nghĩ sao về đề nghị này từ bạn đọc?

4.5 Kính đề nghị chính TT tự giải thích chi tiết việc thêm từ “khủng bố” vào bản dịch của mình, mà khi xem lại bản dịch của HT Thích Minh Châu là không hề có? TT quan niệm như thế nào về việc thêm những nội dung hiện đại vào kinh Phật?

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.