Trang chủ Tin tức Hà Nội: Giọt Hồng Báo Ân lần thứ III năm 2014

Hà Nội: Giọt Hồng Báo Ân lần thứ III năm 2014

72

Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Báo ân” năm 2014 này được đặt dưới sự chứng minh của ĐĐ. Thích Tâm Thuần- Phó trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Hà Nội, ĐĐ. Thích Tỉnh Thiền- Phó trụ trì TV, ĐĐ. Thích Trúc Thái Phước- Giáo thọ sư TV, đồng thời, pháp hội đã nhận được sự quan tâm của bà Trần Thị Vân Anh – Phó Bí thư Quận ủy Long Biên; bà Nguyễn Thị Nhung – Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Vận động HMTN, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ quận Long Biên; ông Nguyễn Quốc Toản – Chủ tịch UBND phường Cự Khối. 

 

Tham gia Pháp hội “ Giọt Hồng Báo Ân- Máu Báo Hiếu”, toàn thể đại chúng đã được nghe Thượng Tọa Trụ Trì Thiền viện thuyết giảng về Ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ; đạo làm con và ý nghĩa Báo ân với việc hiến tặng máu. Thầy nói: Đức Phật có dạy: “Trong cuộc sống này, một người biết ban cho sẽ có ba hạnh phúc. Ba hạnh phúc ấy là gì? Trước khi bố thí tâm người ấy cảm thấy hạnh phúc. Trong khi bố thí, tâm người ấy cảm thấy an lạc. Và sau khi bố thí tâm người ấy cảm thấy rất hân hoan. Bố thí nghĩa là cho một cách rộng rãi. Cho một cách rộng rãi có hai nghĩa: một là, cho tất cả mọi thứ, đến tất cả mọi người; và hai là, cho với cả tấm lòng rộng rãi, không kỳ thị, gọi là bất kỳ phân biệt”. Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau chia sẻ những giọt máu hồng nhân ái bằng cả cái tâm của mình, để nhiều hơn nữa những gia đình được đoàn viên trong những ngày Vu Lan đặc biệt này…”.

 

( ĐĐ. Thích Tâm Thuần- Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc cùng Bà Nguyễn Thị Nhung – Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Vận động HMTN, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ quận Long Biên thăm, động viên Thanh niên, Phật tử đang hiến tặng máu trong Pháp hội “Giọt Hồng Báo Ân 2014”)

Chúng ta có thể hiểu thêm về việc Hiến máu như sau:

Hiến máu hay cho máu là một hành động trong Phật giáo gọi là “Bố thí máu”. Đây là cách nội thí dễ làm nhất, không tốn đồng xu nào mà công đức vô lượng, vì nó cứu sống mạng người, và người cho máu cũng không sụt mất ký lô nào, chỉ sau vài giờ là lượng máu trong người được tái thiết trở lại. Ngoài ra, người cho máu còn được cơ sở y tế báo cáo tự động, miễn phí về sự thử nghiệm máu.

Trong Kinh 42 chương, đức Phật dạy “đãi 100 người ác ăn không bằng đãi một người thiện ăn. Đãi 1000 người thiện ăn, không bằng đãi một người trì ngũ giới ăn. Đãi 10.000 người trì ngũ giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu đà hoàn ăn…” đoạn kinh này cho ta thấy công đức của sự bố thí nhiều hay ít tùy thuộc vào đối tượng. Nếu đối tượng bố thí là người đạo đức, tu hành, có trình độ tiến hóa cao thì công đức bố thí càng tăng trưởng.

Có nhiều người thích làm việc phóng sinh như thả tôm, cá, chim, giun, dế, v.v… Đây là một việc rất tốt, cứu mạng nhiều chúng sinh nhỏ bé sắp bị giết. Nhưng không bằng so với công đức của sự bố thí máu, bởi vì phóng sinh thuộc ngoại thí, trong khi cho máu thuộc về nội thí. Cứu mạng 1000 con cá không bằng cứu mạng một người, vì con người là loài tiến hóa và có khả năng tu hành giải thoát nhiều hơn các loài thú khác. Như vậy thì cứu sống 1000 tôm cá không bằng cứu sống một mạng người.

Và thực tế, trong suốt cuộc sống của chúng ta  đã chứng kiến hoặc bản thân ta đã phải vào bệnh viện và nằm trên bàn mổ, phải cần máu của những người khác để bổ sung cho chúng ta khi ở trên bàn mổ..

Vậy tại sao, mình biết thụ nhận của người thì sao lại không biết bố thí cho người?

 

Với tất cả những ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến máu cứu người trong Pháp hội “ Giọt Hồng Báo Ân” nên Bà Trần Thị Vân Anh – Phó Bí thư quận ủy đã là người hiến máu đầu tiên trong Pháp Hội và có đôi lời tâm sự chia sẻ với chúng tôi: “Tôi đã hiến máu 10 lần, nhưng đây là lần hiến máu đặc biệt nhất, hiến máu nơi cửa Phật. Tôi rất vui mừng khi ngày hôm nay có rất đông người tham dự và cùng nhau chung sức góp những giọt máu hồng của mình để cứu sống nhiều người bệnh. Tôi cầu mong mình và những người đến tham dự ngày hội luôn có sức khỏe tốt để làm nhiều việc thiện nguyện, để tiếp tục đồng hành với phong trào hiến máu nhân đạo cao đẹp này…”.


Chị Hoàng Thanh Hương (Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi đã đi hiến máu nhiều lần, nhưng lần này có cảm giác rất vui và hạnh phúc vì được hiến máu nơi đất Phật, tôi thấy tâm mình thư thái hơn, nhẹ nhàng hơn. Tôi muốn cho các con mình thấy những tấm gương biết sống vì người khác, qua đó rèn luyện cho các cháu những đức tính tốt”.

Những giọt máu hồng an toàn được hiến tặng nơi cửa Phật tại Pháp hội “Giọt hồng báo ân 2014” tiếp tục chứa đựng ở bên trong đó biết bao yêu thương để gửi tới những con người đang cần máu, mong rằng sự sống sẽ hồi sinh, các thành viên đang trị bệnh sớm được đoàn tụ cùng gia đình.