Đêm qua tôi không ngủ để ngẫm lại chia sẻ của người học trò tuổi 20 có tâm rộng lớn, có hành động cụ thể, có mong muốn khát khao giúp đời, giúp người. Tôi nằm và thiền nhớ…. để nhớ lại tâm sự của trò Việt Anh “Xin gửi cho những nơi tôi đi qua một chút hơi ấm, trong những ngày giá rét, một chén cơm trắng không vơi trong những tháng không phải ngày mùa. Gửi cho em thơ manh áo ấm, dù cũ, rách chỉ, sờn vai. Cho em thơ được tới trường…Gửi những điều tốt lành nhất dành cho những đứa trẻ vùng cao thơ ngây trên đất nước này”.
Việt Anh mới tuổi 20. Việt Anh còn quá bé tuổi so với tôi. Việt Anh đã bên tôi, bên CLB yêu sách Thái Hà cả một tối, đến giờ sửu, quá nửa đêm để bàn về ngày lên đường với chiếc xe đạp và một mình rong ruổi mang yêu thương đến cho trẻ em vùng cao, vùng xa ở miền núi phía bắc.
Sau những chuyến đi khám phá núi rừng phía Bắc, cậu bé Việt Anh không chỉ ấn tưởng bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vỹ và những nét đẹp văn hóa độc đáo đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cậu thanh niên tuổi 20 này bao lần nghẹn ngào khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ vùng cao lấm lem, nhem nhuốc. Những đứa trẻ đi chân đất giữa cái rét mùa đông, phong phanh trong tiết trời dưới 10 độ, ăn ngô, khoai thay cơm gạo. Thay vì đến trường, lũ trẻ này lên nương, lên rẫy phụ cha mẹ. Những đứa trẻ ấy sống trong điều kiện thiếu thốn, lớn lên như cây ngô mọc từ kẽ đá. Việt Anh giật mình: Khác những đứa trẻ ở nơi em đang sinh sống, ăn những món đầy đủ chất dinh dưỡng, áo quần mới, học trường tốt… trẻ em ở đây thế này ư…. Vẫn là con người! Vẫn là một kiếp người…
Việt Anh trăn trở, rằng phải làm gì, cần có hành động gì gấp, ngay lập tức. Đâu cứ chỉ ngồi nghĩ, nằm thương. Nhanh một ngày, các em bớt khổ thêm 1 chút. Các em cần chúng sinh khắp nơi lắm. Trẻ em ở bất cứ nơi đâu đều đáng được dành cho những điều tốt đẹp nhất cơ mà.
Việt Anh lan tỏa trăn trở đến mấy chục thành viên CLB yêu sách Thái Hà suốt đêm qua rằng những đứa trẻ vùng cao kia thực sự cần một vòng tay, ôm lấy chúng. Chúng cần gạo cho bữa cơm những tháng không phải ngày mùa. Chúng cần sách vở để tới trường. Thêm quần áo ấm để mặc, dù là quần áo cũ đã rách chỉ, sờn vai. Cần được những người lớn ở đâu đó trên đất nước này nhớ đến và dang rộng vòng tay ôm lấy.
Vậy thì còn chần chừ gì nữa. Việt Anh quyết định vác xe đạp lên mà đi. Vác lên vai khi ở đâu mà không thể đạp được. Đạp ở đâu mà đường vẫn tốt, xe vẫn ổn. Đạp xe để kêu gọi hơn 90 triệu dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở khắp năm châu chung tay góp sức giúp trẻ em vùng núi phía Bắc nghèo bớt khổ, quá khó khăn bớt đi phần nào thiếu thốn.
Đêm qua, Việt Anh tâm sự với chúng tôi rằng “Nhưng không phải ai cũng từng được tận mắt chứng kiến những nồi ngô thay cơm, những đứa trẻ đi chân đất trong cái lạnh xuống tới vài độ C… Em đã vài lần may mắn được sống cùng người dân tộc thiểu số, chơi đùa cùng những đứa trẻ thơ ngây ấy. Và rồi, khi em trở về với cuộc sống hiện tại, những cái lạnh bất chợt và sự đua đòi vô lý của những đứa trẻ với cha mẹ mình mà em gặp trên đường làm lòng em thắt lại, nghẹn ngào khi nhớ tới các em – những đứa trẻ vùng cao tội nghiệp. Nơi mà chúng chỉ khao khát được ăn no và mặc ấm. Đòi hỏi được cắp sách đến trường thay vì lên nương rẫy. Thương lắm thầy Hùng ơi.”
Với những khát khao của tuổi trẻ, 08 giờ sáng thứ 5 ngày 15/08, Việt Anh chính thức hành động rất cụ thể mong mang lại lợi ích thiết thực nhất cho các em. Cậu thanh niên nhỏ nhắn nhưng năng động và quyết tâm này thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt qua 63 tỉnh thành trong 6 tháng. Mỗi vòng quay của bánh xe là một lời kêu gọi mọi người cùng giang rộng vòng tay giúp đỡ cho những đứa trẻ vùng cao phía Bắc. Cậu học trò (mà không, Việt Anh phải là thầy của tôi chứ!) rất hy vọng mình sẽ trở thành cầu nối đưa những người có tâm, có tâm từ tâm đến gần hơn những tâm hồn bé bỏng và tội nghiệp này. Tâm từ tâm mà. Tâm từ tâm thật rồi.
Trước khi rời căn hộ bé xíu của tôi, Việt Anh tâm sự “Con nghĩ mình chỉ là một cá nhân bé nhỏ, để kêu gọi được mọi người nhớ tới những đứa trẻ là một việc tương đối khó khăn. Nhưng con nghĩ sự chân thành sẽ là con đường ngắn nhất để đến trái tim của mọi người. Và chỉ có hành động mới tìm ra cách để thực hiện mong ước ấy. Vì thế con quyết định đi một chuyến. Con thường mơ về một thế giới đại đồng của Dế Mèn, con hy vọng một ngày nó trở thành sự thực.
Tôi mở mắt ra và vào mạng. Đã có tin của Việt Anh “Buổi tối hôm qua với con vô cùng đặc biệt Thầy ạ. Con mong là sau chuyến đi này được tham gia cùng Thầy và các anh chị em thật nhiều buổi như thế nữa ^^. … Chỉ là một đứa con trai mới lớn thử thách bản thân và làm một điều gì ý nghĩa, có ích cho cộng đồng. Các chuyến đi trước con cứ lẳng lặng làm, con nghĩ rằng cứ làm rồi sẽ tìm được sự đồng cảm ở đâu đó…. Hôm qua con vui lắm khi Thầy lo lắng cho con khi con đi một mình, chưa chuẩn bị kĩ. Tính con có cái tật đấy xấu, con cứ muốn dồn mình vào thế khó, mãi không sửa được Thầy ạ. Con nghĩ rằng khi vào tình thế khó thì mình sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn. Về chuyện kinh nghiệm thì Thầy đừng lo cho con Thầy ạ, con cũng từng đi một vài chuyến xa. Con chân thành với núi rừng phía Bắc, hy vọng rằng núi rừng phía Bắc cũng thương yêu con ^^. ”
Tôi ngồi gõ máy tính để viết bài mà muốn khóc. Ôi Việt Anh. Con đạp xe khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với mong muốn gây quỹ mua sách vở và quần áo ấm cho trẻ em nghèo vùng núi phía Bắc. Số tiền mà Việt Anh ước mong gây quỹ tối thiểu là 50.000.000VNĐ. Toàn bộ số tiền sẽ được quy đổi thành những bộ quần áo ấm và sách vở mới, để dành tặng tận tay cho 300 trẻ em nghèo ở xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu mừng xuân 2015. Ôi, Việt Anh ơi, con mang theo có 1 triệu đồng theo người thì liệu nhỡ dọc đường không ai cho ăn nhờ ngủ đợ thì làm sao… nhỡ chiếc xe kia đang trên núi, giữa rừng bị hư thị sao.
Mục đích của cậu học trò của tôi thật cao cả. thử thác cả em thật lớn, ít nhất là quá lớn đối với tôi, một ông CEO từng trải khắp năm châu.
Bồ Tát là người thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác. Việt Anh đang có tâm và những hành động cụ thể cứu giúp chúng sinh, lãnh mọi rủi ro và khó khăn.
Con đường tu học của Bồ Tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ đề và giữ Bồ tát hạnh. Việt Anh có tâm này, hạnh này thật rồi. Em là Bồ Tát hiện thân thật rồi.
Bồ Tát không hẳn chỉ là những vị Bồ Tát thần thông quảng đại ẩn hiện khắp nơi trên cõi cao vời, mà còn là những người có tấm lòng độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời thực tế này. Việt Anh – cậu học trò mặt còn non búng ra sữa yêu quý của tôi – là một vị Bồ Tát hiện hinh. Em là hình ảnh rất đep của đạo Phật, rất gần gũi, rất thực tế và sống động.
Bồ Tát thường bao nhiêu tuổi nhỉ… Thường tôi nghĩ phải là một vị lớn tuổi. Nhưng không, tâm Bồ Tát của Việt Anh rất lớn, hành động Bồ Tát của Việt Anh cũng lớn trong khi em còn rất nhỏ… Em mới tuổi hai mươi.
Thông tin ngày khởi hành 15/8 tới đây: Thời gian khởi hành 08h08′ ngày 15/8 tại lăng Bác. Trước khi khởi hành, thầy trò chúng tôi và những người bạn sẽ gặp nhau lúc 7h tại quán cafe TO.N, 59 Lê Hồng Phong, Điện Biên, Ba Đình. Thân mời tất cả cùng bên Việt Anh.
TS Nguyễn Mạnh Hùng CEO Thái Hà Books