Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Giáo dục là lựa chọn của người tu sĩ...

HT. Thiện Tâm: Giáo dục là lựa chọn của người tu sĩ Phật giáo – Bài 2

110

HT Thích Thiện Tâm đã bác ý kiến của tác giả Minh Thạnh trong loạt bài về giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội, trong đó thúc đẩy người tu sĩ Phật giáo chọn lựa hướng đi giáo dục. Hòa thượng cho rằng, hễ đi tu theo Phật giáo, người tu sĩ Phật giáo đã nhận lấy trách nhiệm giáo dục, đã lựa chọn, đã xác định con đường giáo dục. Cho nên, không nên đặt ra vấn đề lựa chọn nữa, mà vấn đề là người tu sĩ Phật giáo phải thực hiện trách nhiệm giáo dục của mình như thế nào. Bài phỏng vấn này thực hiện theo lý lịch khoa học của hòa thượng, với hơn 40 năm dành cho ngành giáo dục.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch hòa thượng, với lý lịch khoa học công bố cùng luận án tiến sĩ, hòa thượng đã chọn Đại học Sư phạm Sài Gòn (tốt nghiệp năm 1978) là ngưỡng cửa bước vào ngành giáo dục. Vậy xin hòa thượng cho biết về sự lựa chọn này?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Quan niệm khác với đạo hữu trong việc đạo hữu thúc đẩy tăng ni lựa chọn ngành giáo dục, tôi thì cho rằng, HỄ ĐI TU PHẬT GIÁO LÀ ĐÃ CHỌN NGÀNH GIÁO DỤC. Vấn đề là ở chỗ người tu sĩ Phật giáo hoạt động trong ngành giáo dục như thế nào thôi. Không có vấn đề lựa chọn ở đây, mà chỉ có vấn đề chất lượng hoạt động giáo dục mà thôi.

Phật giáo Nguyên thủy gọi người tu sĩ Phật giáo là sư, Phật giáo Bắc tông gọi là thầy, cô. Sư hay thầy, cô đều là người nhận lãnh trách nhiệm giáo dục.

Trong đạo Phật Nguyên thủy, đức Phật không phải là một vị thần linh, tạo hóa, mà là một vị thầy (đạo sư), có thể là vị thầy tối cao, thầy của muôn loài. Những người đi tu theo con đường của ngài đều là thầy, với mục tiêu là giáo hóa chúng sinh. Như vậy, hễ xuất gia theo Phật là đã chọn con đường giáo dục.

Khi đó, chỉ nên thấy ở người tu sĩ làm được tốt hay chưa tốt trách nhiệm của một nhà giáo dục. Vì vậy, chúng ta nên đặt lại vấn đề, là người tu sĩ Phật giáo nhận thức thế nào về trách nhiệm giáo dục của mình, để thực hiện tốt công việc này.

Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Bắc tông, rất phổ biến từ “đạo tràng”. “Tràng” tức là trường, gọi bằng một âm khác. Mà trường, tràng học, tràng thi… là cơ sở giáo dục.

Tôi thống nhất với đạo hữu về tình trạng xa rời mục tiêu giáo dục của Phật giáo Việt Nam, nhưng theo tôi, tôi có cách nhìn nhận khác về giải pháp. Không phải lựa chọn theo hướng đi giáo dục, tức là không phải tìm một hướng giải quyết mới, bên ngoài đạo Phật, mà hướng giải quyết đã có từ chính bên trong đạo Phật, chỉ cần nhận thức lại, tìm về những giá trị chân chính của đạo Phật và thực hiện tốt, là đã trên đường giải quyết.

Xin nhấn mạnh không phải là tìm cầu cái mới bên ngoài. Đạo Phật vẫn thường nói như thế trong từ “quy nguyên”.

Tôi từ khi xuất gia vào năm 6 tuổi (1953) đã được thầy tổ giáo huấn trách nhiệm sau này sẽ là một vị sư – một nhà giáo dục. Vì vậy, việc lựa chọn Đại học Sư phạm là việc đương nhiên, cũng không có sự băn khoăn lựa chọn.

Tôi không nghĩ là để làm tốt công việc giáo dục thì buộc phải học trường sư phạm, phải qua đào tạo sư phạm. Nhưng trường sư phạm là một môi trường tốt để đào tạo người làm công việc giáo dục.

Vì vậy, tuy nhìn nhận bản chất vấn đề có khác, nhưng tôi vẫn đồng ý với đạo hữu là tăng ni nên qua trường sư phạm.

Giáo dục là một khoa học và ngày càng phát triển. Có được đào tạo sư phạm và được kịp thời cập nhật bước tiến khoa học giáo dục, người tu sĩ Phật giáo mới có điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục của mình, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc hóa độ chúng sinh.

Khi thi vào Đại học Sư phạm Sài Gòn, ngành Anh văn tôi tự nhủ mình có thể học Phật suốt đời, học ở nhiều nguồn, nhất là từ thầy tổ và sách vở. Nhưng để học kỹ năng sư phạm hiện đại thì trước mắt chỉ trong những năm đại học sư phạm. Sư phạm và Anh văn là những công cụ tốt để học tập và truyền bá Phật pháp. Anh văn là kiến thức bắt buộc nếu đi du học Phật học ở Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện… Còn kỹ năng sư phạm thì cần thiết cho cuộc đời hóa độ của mình. Vì vậy, bây giờ, có được làm lại, thì tôi vẫn chọn ngành Anh văn sư phạm.

Học Đại học Sư phạm tôi càng nhận thức rõ giá trị của kỹ năng và khoa học giáo dục đối với việc truyền bá Phật pháp, giác tha và giáo hóa nhân sinh. Những năm sau 1975, cơ hội du học Phật học không có, nên tôi vẫn ấp ủ nâng cao trình độ sư phạm của mình. Thập niên 1990, khi hoạt động giáo dục đã có nhiều cởi mở, phải lựa chọn giữa du học Phật ở Ấn Độ và học lên về giáo dục học, tôi đã chọn học cao học giáo dục trong nước và nhận bằng thạc sĩ vào năm 2000.

Tôi lựa chọn như vậy vì thấy du học Ấn Độ đã thành một xu hướng, số tu sĩ Phật giáo Việt Nam có học vấn trên đại học sẽ nhiều lên, nhưng theo đó sẽ là sự mất quân bình, giảm thiểu người được đào tạo ở bậc cao các ngành học khác, nhất là giáo dục học. Vì vậy, tôi quyết tâm theo đuổi con đường giáo dục học.

CS MT: Kính bạch Hòa thượng, luận án tiến sĩ giáo dục học của Hòa thượng bảo vệ năm 2007 tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mà con đã được Hòa thượng tặng một bản có nhan đề “Giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ đường phố trong điều kiện hiện nay”. Xin hỏi tại sao hòa thượng chọn đề tài này, khi có vẻ nó quá xa với Phật giáo?

HT TTT: Mới nghe qua tên luận án thì tưởng có vẻ như vậy. Nhưng thầy đã đi đến lựa chọn đề tài trên trong tâm nguyện của người Phật giáo.

Mục tiêu của đạo Phật là cứu khổ, ban vui. Trong khi trẻ đường phố là thành phần chịu nhiều đau khổ. Chăm sóc giáo dục cho đối tượng này là biện pháp bố thí hiệu quả, thiết thực. Vì trẻ đường phố nếu có được ăn no, mặc ấm, mà thiếu chăm sóc giáo dục thì vẫn là hết sức thiệt thòi. Do đó, thầy luôn suy nghĩ về chăm sóc giáo dục như là một phương thức bố thí cho trẻ bất hạnh.

Chăm sóc giáo dục trẻ đường phố là một hướng chăm sóc giáo dục thiết yếu. Nghiên cứu về nó, người tu Phật cũng sẽ có những hiểu biết chung về chăm sóc giáo dục, nâng cao năng lực và hiệu quả chăm sóc giáo dục, thuận lợi hơn trong việc tổ chức chăm sóc giáo dục đối với mọi đối tượng. Thầy xem nghiên cứu chăm sóc giáo dục đối với trẻ đường phố là việc bố thí, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật. Nhưng đồng thời qua đó, có thể nâng cao hiểu biết và kỹ năng giáo dục của chính mình, để tiến hành ngày càng tốt hơn hoạt động chăm sóc giáo dục của tăng già Phật giáo đối với mọi thành phần trong xã hội.

Vì đây là một luận án khoa học giáo dục, thầy cố tránh đưa vào đó những nội dung Phật học. Nhưng con có thể đọc thấy sau các nhận định, quan điểm, đề xuất, giải pháp là tinh thần từ bi của đạo Phật.

Ở đây, khoan vội nói tới tinh thần nhập thế Phật giáo, mà dù tu xuất thế hay nhập thế, gặp khổ vẫn phải cứu. Mình không có tiền bạc, quyền hạn, thì mình cứu khổ bằng việc nghiên cứu, ghi nhận hiện trạng, đề ra giải pháp, theo dõi việc triển khai giải pháp chăm sóc giáo dục trong thực tế.

Nhưng thầy không thấy công việc nghiên cứu chăm sóc giáo dục là cứu khổ, ban ơn, mà lại thấy từ đó cơ hội để nâng cao kiến thức và năng lực chăm sóc giáo dục của mình, tạo thuận lợi cho thầy học tập và thực hiện sứ mạng chăm sóc giáo dục. Hơn nữa, nó còn giúp mình có được văn bằng tiến sĩ.

CS MT: Kính bạch Hòa thượng, học Đại học Sư phạm Anh văn, rồi bảo vệ luận văn tiến sĩ giáo dục học, con đường thế học như vậy có ảnh hưởng gì đến con đường tu học của hòa thượng?

HT TTT: Cho tôi hỏi lại đạo hữu Minh Thạnh. Tôi thấy đạo hữu qua nhiều ngành thế học, bây giờ đạo hữu viết bài cho các trang Phật giáo, đề cập đến nhiều vấn đề: từ ngữ văn, truyền thông, đến giáo dục, rồi cả điện ảnh, phê bình phim. Đạo hữu thấy có ảnh hưởng hay không, nếu có là tốt hay xấu, nên có hay không nên có? Nếu không có trình độ thế học, đạo hữu có khả năng viết bài nhanh, tương đối đào sâu, nêu nhiều đề xuất như thế không?

Đó là đạo hữu chỉ học những ngành thế học và ảnh hưởng của nó đối với hoạt động phụng sự đạo pháp đã là việc tất nhiên. Tôi không nghĩ là những người không học qua về ngữ văn lại có thể viết những bài viết Phật học mạch lạc, trôi chảy súc tích. Nếu không qua trường lớp chính quy, thì ắt cũng phải nỗ lực tự học. Vì nếu không học gì cả, thì kỹ năng lấy đâu ra để diễn đạt?

Trở lại trường hợp giáo dục học, tôi không coi đó là thế học hoàn toàn. Đó là khoa học công cụ của Phật học. Giáo dục gắn liền với hoằng pháp, vì vậy, trau dồi kỹ năng giáo dục học chính là trau dồi kỹ năng hoằng pháp.

Nghiên cứu học tập giáo dục học không phải là hoàn toàn thế học. Bốn mươi năm hành đạo của tôi là bốn mươi năm ứng dụng các kỹ năng giáo dục học vào hoạt động hoằng pháp.

Phật pháp bất ly thế gian pháp. Không có gì hoàn toàn là thế pháp, cũng như không có gì hoàn toàn là Phật pháp. Chúng ta thường nghĩ bố thí là giá trị Phật giáo. Nhưng cả nhân loại, kể cả những người không theo đạo Phật vẫn đang bố thí đấy chứ.

Cũng vậy, chăm sóc giáo dục không phải hoàn toàn là thế pháp. Đối lập hoàn toàn thế pháp với đạo pháp là một việc không hiểu trọn vẹn Phật giáo. Phật dạy “Trong các pháp, tâm là chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả”. Vì vậy, quan trọng là xuất phát điểm từ tâm của ta, không kể là người đó đang làm cái gì.

Tôi biết đạo hữu có học ngành sân khấu điện ảnh. Nếu ai đó nghĩ rằng học ngành đó thì hoàn toàn đối kháng với đạo Phật là sai lầm. Sân khấu điện ảnh không chỉ là nhảy nhót, múa hát, đờn kèn, đấu súng, rượt đuổi… Trong khi đó, đạo hữu lại có bài viết truyền bá đạo Phật ở Hoa Kỳ bằng điện ảnh, bài nhận xét yếu tố Phật giáo trong một số bộ phim, gồm cả phim xã hội đen.

Vì vậy, kiến thức không quyết định đạo nghiệp của chúng ta, mà chính đạo nghiệp của chính ta quyết định kiến thức. Tôi mong quý tăng ni nghĩ như vậy. Tôi học sư phạm không để đi dạy kiếm tiền mà trên hết để ứng dụng trong hoằng pháp.

Tôi học Anh văn mà chưa từng dùng nó để đọc tiểu thuyết, mà dùng để đọc sách Phật Tích Lan, Miến Điện. Ảnh hưởng của kiến thức đối với việc tu hành là đương nhiên, vấn đề là ở tâm đạo. Nếu có tâm đạo, đó sẽ là ảnh hưởng tích cực. Nếu không có tâm đạo, thì không có yếu tố Phật giáo, có thể có những ảnh hưởng không có lợi cho đạo Phật.

CSMT: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng nói sâu hơn về giáo dục học như một công cụ hoằng pháp?

HT TTT: Đây là một câu chuyện dài mà chúng ta sẽ trao đổi trong loạt bài hỏi đáp. Điều tôi đặt ra để bạn đọc suy nghĩ, là ứng dụng những kiến thức giáo dục học hiện đại để hoằng pháp, để tu học là chúng ta đã góp phần tạo nên một đạo Phật ngang tầm với thời đại. Tôi không dùng cụm từ hiện đại hóa Phật giáo, mà đề nghị cụm từ “cập nhật hóa Phật giáo”. Hiện đại là một giai đoạn phát triển của loài người, mà hiện nay, chúng ta đang vượt qua, với khái niệm hậu hiện đại. Còn cập nhật hóa là việc liên tục làm cho phù hợp với thời đại.

Giáo dục học đương đại cung cấp cho chúng ta những cái nhìn mới mẻ, những khám phá mới đặc sắc về hoạt động hoằng pháp của đạo Phật. Ngược lại, Phật giáo cũng có thể tìm thấy từ giáo dục học những phương tiện, phương pháp hoằng hóa mới, phù hợp với thời đại, mang lại nhiều kết quả hơn.

Phật giáo là một tôn giáo cởi mở, linh hoạt, do vậy việc phù hợp, tương thích, dễ dàng tiếp nhận những thành tựu của khoa học hiện đại là một ưu thế của đạo Phật. Hãy thấy rõ ưu thế đó của đạo Phật, vận dụng một cách tối ưu vào đạo Phật, đưa đạo Phật trở thành một tôn giáo phát triển ngang tầm với thời đại, kịp thời sử dụng những thành tựu của khoa học hiện đại, trong đó có giáo dục học, phục vụ mục tiêu hoằng pháp hóa đạo. Một đạo Phật đi ngược lại với những kiến thức thành tựu của thời đại không thể là một đạo Phật phát triển hưng thịnh, mà ngược lại, sẽ đi vào ngõ cụt của mê tín, cúng bái, u mê.

Trí tuệ của đạo Phật không phải là một trí tuệ tự phong, tự xưng, khoe khoang ở đầu môi chót lưỡi, mà là một bản chất của đạo Phật, trong đó có khả năng tiếp nhận, khai thác, sử dụng những thành quả của khoa học hiện đại, trong đó có giáo dục học, một khoa học rất gần gũi với Phật giáo.

Tôi nghĩ là trường hợp của tôi có thể là trường hợp để tăng ni Phật tử tham khảo trên bước đường tu học.

Không ít người vẫn nghĩ, rằng hễ tu theo đạo Phật Nguyên thủy, thì phải xa lánh cuộc đời, cách ly với mọi thứ đời sống, chuyên tâm tu học. Chỉ có Phật giáo phát triển thì mới thích ứng với thời đại, mới “hiện đại hóa”, mới nhập thế.

Tôi đã chọn con đường học ngành sư phạm, nghiên cứu khoa học giáo dục, trở thành một chuyên gia về tâm lý giáo dục (tôi là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam). Sự lựa chọn đó chẳng những không mâu thuẫn với việc tu học theo đạo Phật Nguyên thủy, mà còn giúp ích rất nhiều cho tôi trong bước đường tu học và hoằng hóa.

Sắp tới, Phật giáo Việt Nam có thể phải đối mặt với những vấn đề mới trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, tôi nghĩ rằng, với tư cách là một chuyên gia về khoa học giáo dục, tôi sẽ có thể có những đóng góp hữu hiệu trong việc xây dựng ngôi nhà giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam.

Các tăng ni, nếu xét thấy có khả năng và sở thích, hãy cứ mạnh dạn theo học ngành sư phạm, chắc chắn là không vô ích.

CS MT: Xin thành kính cảm ơn Hòa thượng về cuộc phỏng vấn.


MT