Trang chủ Văn học Hồn của cây

Hồn của cây

95

Cũng không phải vì cây gợi hình ảnh cháy rừng, cháy thành phố, dám đe doạ cháy luôn cả kinh đô “Hồ Ly Vút” của thế giới điện ảnh.


Tôi nghĩ đến cây vì… làm sao tôi không nghĩ đến cây được? Có cái gì thân thuộc với con người bằng cây? Cây mận trong vườn tôi đang trụi không còn một lá. Mới tháng trước nó còn vàng ối, thả lá vàng tô điểm cho đám cỏ xanh. Trước đó nữa, nó cho trái ngọt. Và trước đó nữa, hoa trắng nở rực cành. Xuân, hạ, thu, đông, có cái gì quan trọng hơn thế trong năm?


Sống với người, cây có linh hồn: tôi biết điều đó từ nhỏ. Cây biết nói chuyện với chim, biết hát với gió, biết mơ mộng với trăng, biết cãi nhau với bão, và biết doạ tôi lúc đêm khuya. Cây biết xoã tóc bên hồ làm người thất tình. Cây biết làm liều đìu hiu chịu tang với mùa thu. Tôi đã từng thấy người ta buộc khăn tang cho cây trong vườn khi gia chủ chết. Và có cây nhớ chủ, chết theo.


Cây thân thuộc với con người như thế nên con người đem luôn cây vào cổ tích. Ngửa mặt lên trời, cây đa nằm trọn lòng mặt trăng. Cây biết khóc là chuyện trẻ con chúng tôi học từ lúc nhỏ.


Sách lớp ba của chúng tôi kể: Nhà kia, cha mẹ vừa mất, anh em đã chia ngay gia tài, cái gì cũng chia, bàn nhau chia luôn cả cây cổ thụ trong sân. Cây chứng kiến cảnh gia đình ly tán, buồn quá, chỉ trong một đêm cành khô lá rũ. Anh em tỉnh ngộ: cây kia còn có tình, sao chúng ta nỡ để mất nhau?


Cây có linh hồn, cây có cổ tích, cây là bạn của người, cây biết khóc… chừng đó đủ cho tôi nhìn cây để thấy “biến cố nổi bật nhất trên thế giới trong năm”. Tôi sẽ kể về ba cây, ba chuyện của năm 2007, trong đó cây đều buồn, đều chứng kiến nỗi khổ của con người, nạn nhân của áp bức, của chủ nghĩa.


Chuyện thứ nhất là cây hồ đào trước nhà Ann Frank.


Ann Frank là cô gái 13 tuổi sống chui trong hai năm ròng trên gác thượng một căn nhà ở Amsterdam để trốn lính Quốc xã lùng nã người Do Thái. Nhật ký mà cô để lại trước khi bị bắt và chết đã làm xúc động cả một thế hệ. Cây hồ đào lực lưỡng ấy vẫn còn ngự trị cho đến nay trước nhà cũ của cô gái.


Vươn cao trước cửa, cây ấy là người bạn duy nhất của cô ở thế giới bên ngoài, trải lòng đón nhận những tưởng tượng, mộng mơ của một tâm hồn thơ ngây. Trong nhật ký đề ngày 23-2-1944, cô viết: “Chúng tôi cùng ngắm màu xanh tuyệt diệu của bầu trời, ngắm cây hồ đào rụng hết lá, từng giọt nước nhỏ long lanh ánh nắng trên cành, ngắm mấy con hải âu và chim chóc cánh trắng như bạc liệng trong nắng, tất cả làm chúng tôi xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời”.


Xuân đến, cây ra lá, nhật ký 18-4-1944 chép: “Tháng Tư đến thật rạng rỡ, không nóng lắm cũng không lạnh lắm, thỉnh thoảng mưa nhẹ như sương trắng. Cây hồ đào của chúng tôi đã bắt đầu trổ lá xanh, loáng thoáng hoa từng chùm chớm nở”.


Một tháng sau, hoa nở rộ trong nhật ký 13-5-1944: “Cây hồ đào của chúng tôi nở hoa rực rỡ, từ gốc đến ngọn lá chen nhau trổ xanh, đẹp hơn cả năm qua”.


Vậy là hai năm cô sống với cây. Trước đó, khi còn là cô bé tung tăng bay nhảy trong tự do, cô không hề biết đến thiên nhiên. Khi đọc nhật ký của cô để lại, cha cô, người duy nhất sống sót trong gia đình, không nén được ngạc nhiên: “Làm sao tôi biết được Ann đã nghĩ gì trong đầu khi nhìn khung trời xanh bé nhỏ, khi ngắm bầy hải âu chao cánh, tôi đâu ngờ Ann yêu cây hồ đào đến thế vì có bao giờ con tôi quan tâm đến thiên nhiên đâu?”. Ông nói thêm: “Ann tìm mối liên hệ với thiên nhiên khi phải sống như chim trong lồng”.


Đó là lần cuối cùng cây hồ đào nở hoa cho cô gái tù ngục. Hai tháng rưỡi sau, ngày 4-8-1944, cô bị bắt.


Nhật ký để lại vẽ ra một Ann Frank bám chắc vào tin tưởng để sống. Cô không nói với ai, chỉ thổ lộ với cây: “Chừng nào tôi còn thấy, chừng nào tôi còn hưởng được những tia nắng kia với bầu trời không gợn mây ấy, chừng đó tôi không thể buồn được”. Dường như cây hồ đào ngoài kia lao xao dòng chữ của cô mỗi khi gió thoảng qua. Gió thoảng qua, cây lao xao dòng chữ khác: “Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng giữa bao nhiêu bất hạnh, thiên nhiên vẫn có thể xoá đi rất nhiều đau khổ”.


Nhưng không phải cây hồ đào chỉ reo vui toàn giọng lạc quan. Nhật ký còn gởi đến cây lo âu, run sợ, hãi hùng, khiếp đảm, mỗi khi cô gái tưởng như có lính đến xét nhà. Tháng Tám, không biết cây đã khóc thế nào khi lính xông vào nhà vì có người tố giác. Nhưng chắc chắn cây đã khóc vì cây có linh hồn, cây hiểu hết buồn vui của bất cứ ai biết nói chuyện với cây.


Tháng Tám, cây hồ đào đã khô quả. Ai đọc sách dưới gốc hồ đào đều biết: thỉnh thoảng một quả khô rơi trên vai, trên đầu, trên trang sách. Ai dám nói chắc, khi lính tống cô gái lên xe, khi cây đánh hơi thấy bên kia cửa sổ không còn mùi quen của người bạn thân nữa, khi cái gác trống trơn ảm đạm để tang người viết nhật ký, cây không thả xuống sân một quả khô, hai quả khô? Ai dám nói đó không phải là nước mắt?


Bởi vậy, từ đó đến nay, cây hồ đào của Ann Frank đã trở thành biểu tượng của hy vọng, của tự do, người làm chứng khiêm tốn mà hùng biện chống lại một chủ nghĩa phi nhân, vô đạo. Cây ấy, năm nay đã 150 tuổi, già yếu, lâm bệnh.


Suốt năm dư luận xôn xao về số phận của cây. Thị xã Amsterdam yêu cầu đốn. Nhưng ai nỡ đốn cây của Ann Frank? Các hội bạn của Ann Frank trên thế giới tìm mọi cách để cứu cây. Cứu cây như cứu con mắt của một chứng nhân lịch sử. Chuyện ấy không phải là chuyện quan trọng nhất trong năm? Có gì quan trọng hơn con mắt của Tự Do? Ai dám nói con mắt của Tự Do không biết khóc?


Nếu tôi được có đôi lời khuyên cây, tôi sẽ nói với cây thế này: là bạn của người, cây cũng phải hiểu luật vô thường như người. Hãy để cho người chiết ra, ghép ra thành nhiều cây nhỏ, trồng bất cứ nơi nào tự do bị nhốt vào tù ngục, nhất là tự do của những vầng trán thơ ngây.


Có lẽ nên trồng một cây ngay nơi bức tường mới xây, chia cắt dân tộc Palestine ra thành nhiều mảng: sẽ có những cô gái Palestine mười ba tuổi nhìn qua vòm lá bên kia bức tường để ngắm nắng long lanh từng giọt trên cành và bầu trời xanh không gợn chút mây. Tôi mơ mộng quá chăng?


Vậy thì tôi quay về thực tại để kể chuyện thứ hai.


Trong sân trường trung học Jena, tên một thành phố nhỏ ba ngàn dân nằm trong vùng Louisiana ở miền Nam nước Mỹ, sừng sững một cây cổ thụ oai nghiêm, toả bóng mát cho học sinh hàng ngày đến đó ăn trưa. Nhưng đó là học sinh da trắng, bóng mát của cây dành cho da trắng từ xưa đến giờ như một tập tục bất di bất dịch của miền Nam trắng đen phân biệt. Tựu trường 2006, một học sinh da đen cắc cớ đặt câu hỏi: “Chúng tôi có thể ngồi dưới bóng cây được chăng?”. Vài chú da đen mon men đến ngồi với bóng mát.


Ngày hôm sau, ba dây thòng lọng đu đưa trên cành, hai dây màu đen quấn quanh một dây màu vàng, màu của trường học. Thòng lọng là hình ảnh rùng rợn của trừng phạt, của tắm máu, của khủng bố Ku Klux Klan mà dân da đen là nạn nhân trong lịch sử. Ai treo? Ba học sinh da trắng.


Các bà mẹ da đen hoảng hốt. Có bà không dám cho con đến trường. Học sinh xôn xao. Ban giám hiệu họp, lấy quyết định: phạt ba chú da trắng ba ngày không được đến trường. Hình phạt quá nhẹ, một nhúm nhỏ học sinh da đen “biểu tình” dưới cây. Trong nhúm đó, có sáu vô địch thể thao của trường mà xuất sắc nhất là Mychal Bell, 16 tuổi, siêu sao của đội bóng, đối tượng mà nhiều trường đại học đang nhắm. Cảnh sát tức tốc can thiệp, tuần tiễu trong trường, báo địa phương tố cáo cha mẹ da đen xúi con làm loạn, biến một chuyện đùa không đầu thành tranh chấp chủng tộc vô căn cứ.


Ngòi lửa lịm dần, tưởng tắt hẳn, bỗng nổ tung ba tháng sau, nhân một vụ cháy trường. Trường cháy, mười bốn lớp bị thiêu rụi, thành phố náo lên, cảnh sát báo động, ẩu đả xảy ra trong trường, ngoài phố, học sinh da đen bị da trắng gây hấn, hai bên chửi bới, đánh nhau, một chú da trắng ra xe rút súng hăm doạ, một chú da đen tước súng, móc thêm một quả đấm thôi sơn vào mặt khiến xe cứu thương phải hú còi chở chú kia đi – nhưng trả chú về lại thành phố sau ba giờ thuốc thang để tái nhập giang hồ.


Sáu chú da đen biểu tình dưới cây nay bị bắt về bót, đuổi ra khỏi trường, tống vào nhà giam, lủng lẳng trên cổ cái tội “mưu sát”, láng cháng trăm năm tù ở.


Toà xử ngày đầu vào tháng 6-2007. Mychal Bell đầu đảng da đen ra toà trước hết với một đoàn bồi thẩm toàn trắng, thẩm phán trắng, 17 nhân chứng trắng tinh, chỉ luật sư là đen, nhưng là luật sư được chỉ định, ù ù cạc cạc, hồ sơ bết bát, nói năng biện hộ chẳng ra hồn, cái cây trong sân cũng chẳng biết.


Toà xử biến cố vừa xảy ra, đâu có xử chuyện xa xôi kia, mắc mớ gì trở lại với cây cho bóng, cành treo lủng lẳng ba dây thòng lọng? Huống hồ, công tố viện đã tỏ ý khoan hồng, không quy tội “mưu sát” nữa, chỉ kết tội “đả thương trầm trọng” và “âm mưu” thôi, 100 năm sụt xuống còn 22 năm tù, đâu có mọt gông!


Phiên toà sẽ kéo dài trong ba tháng. Mà tháng Sáu là tháng mùa hè. Mùa hè ở miền Nam nước Mỹ nóng ẩm, có gì thích hơn là ngồi ghế xích đu hưởng chút hơi mát buổi chiều trước hiên nhà? 85% dân số ở Jena là da trắng, trật tự đã vãn hồi, chuyện ẩu đả là chuyện hàng ngày, mấy thằng da đen đánh người thì phải đi tù thôi, đâu có vấn đề đen trắng ở Jena!


Ông thị trưởng, ông sếp cảnh sát, bộ máy hành chánh, giới thượng lưu, giới trung lưu, hầu hết dân da trắng lim dim với buổi chiều nồng, ly rượu đá trong tay, nghe gió thổi hơi nóng trong cây lá. Mychal Bell và đồng bọn, sáu đứa nằm trong ngục tạm giam, cũng nghe hơi nóng uể oải của mùa hè thổi vào vụ án, hứa hẹn một phiên toà xử như bao nhiêu phiên toà đã xử nơi miền Nam trắng đen kỳ thị này.


Nhưng chuyện lạ đã xảy ra! Chuyện lạ xảy ra giữa thành phố Jena hầu hết trắng! Ngày 29-6-2007, sau khi toà họp phiên đầu, vẫn chỉ có ngần ấy người trương biểu ngữ trước toà thôi: các bà mẹ và bạn của các bà mẹ có con bị bắt. Dần dà, các hội đoàn bảo vệ công lý, bảo vệ công dân, bảo vệ quyền bình đẳng chủng tộc, luật gia, mạng lưới internet, mục sư, bao nhiêu tổ chức khác tham gia phản đối, 200.000 người ký tên kêu gọi Thống đốc Louisiana can thiệp. Thành phố Jena bỗng chốc trở thành thời sự nóng.


Giữa tháng Tám, tờ Newsweek viết một bài dài lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc; các tên tuổi lớn trong giới da đen đổ xô về Jena. Vang dội khắp nước khẩu hiệu: “Tất cả hãy lấy xe buýt về Jena ngày 20-9!”, 20-9 là ngày toà sẽ tuyên án Mychal Bell.


Một tuần trước đó, ngày 13, ứng cử viên tổng thống Barack Obama lên tiếng, tố cáo ba cái dây thòng lọng treo trên cành: “đây không phải là chuyện của Jena, đây là chuyện của chính nước Mỹ”. Hillary Clinton đâu để yên, tuyên bố: “không thể tha thứ được cách toà án đã đối xử với giới trẻ như vậy”.


Ngày 20-9-2007, một biển người tràn ngập Jena; thành phố bé con ấy không chứa nổi 30.000 người đổ về từ rất xa, từ miền Bắc, miền Đông, miền Tây. Trong một ngày, Jena là trái tim của nước Mỹ. Đến nỗi Tổng thống Bush cũng phải lên đài loan báo đã chỉ thị cho Bộ Tư pháp theo dõi sự việc. Và sự việc kết thúc như một chuyện đời xưa: ngày 27, Mychal Bell ra tù.


Cũng như trong thành phố, trật tự đã vãn hồi đâu vào đấy trong trường Jena từ trước mùa hè. Chỉ khác một điều: cây cổ thụ biến mất! Lợi dụng trường đóng cửa nghỉ hè, ban giám hiệu đã lén lén đốn cây, thủ tiêu nhân chứng của ba dây thòng lọng, thủ tiêu tang chứng, thủ tiêu vết tích của kỳ thị, xoá đi mất cái bóng mát không được quyền ôm ấp mọi làn da. Thêm một chứng nhân mất con mắt. Nhưng đâu có phải mất con mắt thì Tự Do không biết khóc? Không biết nhìn?


Tôi còn thì giờ để kể chuyện thứ ba không?


Chắc chắn đây là chuyện quan trọng nhất trong năm không ai chối cãi, nhất là đối với độc giả Phật tử. Tôi xin kể ngắn để khỏi làm mất thì giờ quý báu.


Ngày 26-9-2007, các ông tướng cầm quyền ở Miến Điện tấn công chùa chiền, bắt hàng chục ngàn Tăng, thiết quân luật, triệt hạ chống đối của dân chúng bất mãn. Nói rằng sư làm chính trị là tự mình che mặt không nhìn thực tế trước mắt.


Ở Miến Điện, sư đi khất thực từng nhà, bởi vậy họ biết rất rõ đời sống khó khăn của từng nhà do giá lương thực lên cao, kinh tế lụn bại. Sư và dân gặp nhau ngay nơi cái bát: miếng ăn của sư là khổ cực của dân. Ai nói lên nỗi lòng đó của dân nếu không phải là những người bưng bình bát trong tay, đứng trước cửa nhà dân?


Ngày 26-9-2007 ở Miến Điện giống y như ngày 20-8-1963 ở miền Nam Việt Nam trước đây, lúc ông Diệm tấn công chùa chiền, bắt Tăng Ni, thiết quân luật, triệt hạ chống đối của sinh viên, hăm doạ quần chúng phẫn uất. Phong trào chống độc tài Ngô Đình Diệm khởi đầu sáng ngày 8-5-1963 từ chùa Từ Đàm, nơi cây bồ đề hùng vĩ, uy nghi, lấy giống từ cây mẹ ở Ấn Độ, toả bóng mát xum xuê xuống hàng ngàn Phật tử tập trung trong sân để mừng Phật đản.


Miến Điện là nước Phật giáo; Phật giáo là cây bồ đề toả bóng mát xuống cả nước. Cây bồ đề đó khóc khi tướng tá lãnh đạo không biết tựa lưng vào cây, xa căn cứ địa của chính mình, xa dân. Sẽ không có ai khác treo ba cái thòng lọng trên cành; chính các ông đang treo cho chính các ông, chính các ông đang treo cho dân tộc các ông. Hãy nhìn ông Diệm ở miền Nam của chúng tôi trước đây.


Giá có ai nói với ông ấy trong đêm 20-8-1963 rằng ông đang treo cái thòng lọng cho chính ông nơi cây bồ đề trước chùa Từ Đàm, chắc ông sẽ cười bể Dinh Gia Long, bể cả một nửa cầu Bến Hải. Lâu hay mau, sớm hay muộn, kẻ nào cai trị mà không nhìn xa hơn lòng tham của mình, kẻ ấy tự thắt thòng lọng cho mình và cho dân tộc mình.


Ngày 26-9-2007, không có ai để ý, nhưng tôi biết: cây bồ đề trước chùa Từ Đàm chảy nước mắt với sương đêm. Cây thương dân Miến Điện hiền hoà chất Phật. Và cây nhớ kỷ niệm ngày nào. Một ngày trăng tròn, tháng Tư, cách đây bốn mươi bốn năm.