Khách mời tham dự buổi tọa đàm có quý vị khách quý đại diện Thành ủy, UBND, UB MTTQ và lãnh đạo Ủy ban hòa bình Việt Nam cùng các cơ quan chức năng thành phố, quý vị nhân sĩ trí thức cùng các học giả hiểu biết và yêu mến Hà Nội. Đại diện GHPG Việt Nam Thành phố Hà Nội tham dự và đóng góp tham luận tại buổi tọa đàm có Đại đức Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban hòa bình TP. Hà Nội.
Trong thời gian diễn ra chương trình, các đại biểu tham dự đã trình bày các tham luận với chủ đề về Thủ đô Hà Nội và hòa bình, tiến trình để Hà Nội được vinh dự đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cách đây 15 năm, cùng với đó các đại biểu cũng bày tỏ và đóng góp các ý kiến để giữ gìn và phát huy tinh hoa của một Thủ đô ngàn năm văn hiến – Thành phố vì hòa bình và văn hóa, con người Hà Nội tài hoa thanh lịch.
Đóng góp tham luận với chủ để “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” và phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại đức Thích Chiếu Tuệ đã thể hiện tinh thần “Phật giáo gắn bó với dân tộc như hình với bóng”:
“Dân tộc Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn bạo đến từ phương Bắc. Nhưng người Việt từ bao đời vẫn nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, độc lập tự chủ để dân cường nước thịnh. Đạo Phật ngay từ khi du nhập vào Việt Nam đã đồng cam cộng khổ cùng với những thăng trầm lịch sử của dân tộc.Vì vậy con đường giác ngộ của các cá nhân đều bắt đầu từ sự an nguy và bình yên của dân tộc. Chỉ có sống yên bình, con người mới có thể tu tập và làm những việc lợi ích cho chúng sinh.
Nhận thức được giá trị đó, người Phật tử Việt Nam trong mọi thời đại đều coi vận mệnh quốc gia dân tộc chính là vận mệnh của Phật giáo. Dân tộc thịnh thì Phật giáo thịnh, dân tộc suy thì Phật giáo suy. Mỗi khi đất nước nguy biến trước các thế lực thù địch,người Phật tử cũng phải có trách nhiệm với vận mệnh của đất nước và có những hành động đúng đắn phù hợp với đạo và đời để bảo vệ vững chắc chủ quyền của dân tộc.”
Bên cạnh đó, Đại đức cũng bày tỏ ý kiến về việc cộng đồng Tăng ni, Phật tử nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung cần phải gìn giữ và phấn đấu không ngừng cho một nền hòa bình trường tồn của dân tộc và của toàn thế giới. Theo Đại đức, Hà Nội cần phải luôn đi đầu trong các cuộc thực hiện cho sự phát triển nền văn hóa hòa bình để xứng đáng với danh hiệu và truyền thống Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình trong hiện tại và mãi về sau; luôn là một thành phố năng động và phát triển, cùng với con người và đất nước Việt Nam ngày càng hội nhập với bạn bè quốc tế.