Trang chủ Tuổi trẻ Hải Phòng: Đôi ban trẻ đầu tiên về chùa Lại Sơn tổ...

Hải Phòng: Đôi ban trẻ đầu tiên về chùa Lại Sơn tổ chức lễ Hằng Thuận

247

Sáng nay, ngày 08 tháng 07 năm 2024 (nhằm ngày 03/06 năm Giáp Thìn), tại chùa Lại Sơn (Khu 6, thôn Đông Cầu, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng), lần đầu tiên diễn ra lễ Hằng thuận của đôi bạn trẻ, Tân lang: Đào Duy Đức (Pháp danh: Phúc Trí) và Tân nương: Phạm Thùy Linh (Pháp danh: Tịnh An).

Quang lâm chứng minh và tham dự lễ Hằng thuận có sự hiện diện của chư tôn đức Tăng Ni trụ trì một số chùa nội, ngoại thành của thành phố Hải Phòng; Sư cô Thích Diệu Ngọc – Ủy viên ban Từ thiện – Xã hội GHPGVN thành phố Hải Phòng, trụ trì chùa Lại Sơn, trưởng Ban tổ chức buổi lễ, cùng hai bên gia đình nội ngoại, thân bằng, quyến thuộc, bạn bè của đôi tân lang, tân nương, các em thanh thiếu niên Phật tử và đại diện Phật tử đang tu học tại chùa Lại Sơn.

Trước khi chính thức diễn ra lễ hằng thuận, chư tôn đức Tăng Ni đã cùng các Phật tử, đôi tân lang, tân nương, đại diện hai bên gia đình và toàn thể đại chúng đã vân tập tại chính điện lễ Phật cầu gia bị, cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, cầu nguyện cho buổi lễ hằng thuận được thập phần viên mãn và cầu nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho đôi bạn trẻ sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.

Đôi Tân Lang và Tân Nương về chùa Lại Sơn tổ chức lễ Hằng Thuận

Tại buổi lễ, đôi Tân lang – Tân nương đã lắng nghe Đại đức Thích Từ Trí chia sẻ về nguồn gốc, cũng như ý nghĩa của lễ Hằng Thuận trong Phật giáo, Ngoài ra, Đại đức cũng đã giảng giải về đạo lý vợ chồng mà Đức Phật đã chỉ dạy trong kinh Thiện Sinh. Theo đó, đức Phật đã chỉ dạy về bổn phận của người vợ và người chồng trong gia đình, 5 điều người vợ và chồng phải thực thực hành khi thành vợ, thành chồng để có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Đại đức  đã căn dặn đôi bạn trẻ phải sống sao cho tốt, đúng với bổn phận của người làm vợ và người làm chồng, bổn phận của người con trong gia đình, bổn phận của cha mẹ đối với con cái, bên nội cũng như bên ngoại. Người chồng phải hết mực yêu thương vợ và người vợ cũng phải rất mực yêu thương chồng, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh, hay bất kỳ lý do gì, thì vợ chồng cũng phải luôn sát cánh bên nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình.

Đại đức Thích Từ Trí chia sẻ và căn dặn đôi bạn trẻ tại buổi lễ Hằng Thuận

Bên cạnh đó, đôi bạn trẻ cũng hiểu thêm được về 6 pháp  Lục Hòa mà Đức Phật đã chỉ dạy thông qua sự chia sẻ của Đại đức chứng minh. Đó là: Thân hòa đồng trụ ( thân hòa cùng ở chung); Khẩu hòa vô chánh ( lời nói hòa hợp không tranh cãi); Ý hòa đồng duyệt ( ý hòa cùng vui); Giới hòa đồng tu ( giới hòa cùng tu tập); Kiến hòa đồng giải ( thấy biết giãi bày cho nhau hiểu) và Lợi hòa đồng quân ( lợi hòa cùng chia). Trước khi dừng lời, Đại đức cũng nhắc lại 5 giới căn bản của người Phật tử tại gia mà đôi bạn trẻ cần phải thực hành để có một cuộc sống gia đình an vui, hạnh phúc và chúc cho đôi bạn trẻ: “ Trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê

Dưới sự gia hộ của mười phương Chư Phật, cũng như sự chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni hiện tiền, đôi Tân lang – Tân nương đã làm lễ tạ ơn Tam Bảo, lễ thụ ân cha mẹ, lễ mời trà tri ân công sinh thành dưỡng dục của hai đấng song thân. Đồng thời, để thể hiện sự kính trọng, bình đẳng, tôn kính lẫn nhau trên tinh thần Từ bi – Vô ngã – Vị tha của Đạo Phật, đôi bạn trẻ đã lễ lạy nhau thông qua nghi thức: “ Lễ bình đẳng”.

Đôi bạn trẻ dâng lời phát nguyện trước Tam Bảo

Một kỷ vật không thể thiếu trong mỗi lễ cưới hay mỗi buổi lễ hằng thuận. đó là đôi nhẫn cưới. Dịp này, Đại đức Thích Long Thành đã chia sẻ cho đôi bạn trẻ hiểu về nguồn gốc, xuất  xứ và chất liệu tạo ra nhẫn cưới, cũng như ý nghĩa của đôi nhẫn cưới, ý nghĩa của chữ “Nhẫn” đối với hạnh phúc gia đình. “ Nhẫn” ở đây được hiểu là sự nhẫn nhịn, vợ chồng phải biết nhường nhịn, nhẫn nhịn nhau, tôn trọng nhau; “Nhẫn” còn là sự tu dưỡng đạo đức và tu dưỡng phẩm hạnh. Một gia đình có đươc ấm êm, có được hòa thuận hay không, phần lớn là do sự nhẫn nhịn quyết định.

Đôi bạn trẻ ký ” Giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận” tại chùa Lại Sơn trước sự chứng minh của chư tôn đức Tăng Ni và hai bên gia đình

Trước sự chứng minh của chư tôn đức và sự chứng kiến của hai bên gia đình, đôi bạn trẻ đã ký vào “ Giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận”. Sau đó, lần lượt Tân Lang và Tân Nương đã đối trước Tam Bảo, dâng lên lời phát nguyện từ sâu thẳm đáy lòng, hứa sẽ luôn yêu thương nhau, luôn tôn trọng nhau, luôn bảo vệ cho hạnh phúc gia đình được trường tồn mãi mãi và nguyện sẽ hành trì theo đúng lời Phật dạy trong kinh Thiện Sinh mà Đức Phật đã chỉ dạy, đồng thời sẽ cố gắng tu học để trở thành những người phật tử tinh tấn hộ trì đắc lực cho Tam Bảo.

Tân Lang và Tân Nương mời trà tri ân cha mẹ

Trong niềm hoan hỷ của toàn thể đại chúng, Sư cô Thích Diệu Ngọc – Trụ trì chùa Lại Sơn, trưởng Ban tổ chức buổi lễ đã trao “ Giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận” cho đôi bạn trẻ, cùng với đó là món quà chúc phúc đầy ý nghĩa nhân sự kiện trọng đại này, chúc cho đôi bạn trẻ sống yêu thương nhau cho đến hết cuộc đời.

Sư cô Thích Diệu Ngọc – Trụ trì chùa Lại Sơn trao Giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận cho đôi bạn trẻ

Trước khi kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức Tăng ni, đôi Tân lang – Tân nương, gia đình nội ngoại hai bên. cùng toàn thể đại chúng đã cử hành khóa lễ tụng kinh “Thiện Sinh”, cầu nguyện chư Phật chứng minh, gia hộ cho đôi tân lang, tân nương được cát tường, thường lạc, luôn hạnh phúc an lành trong ánh sáng và tình thương của mười phương chư Phật.

Đôi bạn trẻ và đại diện hai bên gia đình chụp hình lưu niệm cùng chư tôn đức chứng minh

Buổi lễ hằng thuận đã kết thúc trong không khí hoan hỷ, đầy xúc động của Chư tôn đức Tăng Ni, đại diện hai bên gia đình và toàn thể đại chúng có mặt tại buổi lễ.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Thành Trung