Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Giải pháp gia tăng ảnh hưởng của đạo Phật tới thanh niên...

Giải pháp gia tăng ảnh hưởng của đạo Phật tới thanh niên Khmer nhập cư TP.HCM

189

1. Đặt vấn đề

Chúng tôi đã có dịp đề cập đến yêu cầu cần phải gìn giữ đạo Phật ở thanh niên Khmer lao động xa quê ở một bài viết. Trong bài viết này, xuất phát từ yêu cầu nói trên, chúng tôi sẽ nêu ra một số giải pháp, nhằm vào mục tiêu gia tăng ảnh hưởng Phật giáo đối với cộng đồng thanh niên Khmer lao động nhập cư ở một địa phương rất điển hình là TPHCM.

Như chúng tôi đã có dịp trình bày, lao động xa quê, mà trường hợp tìm hiểu cụ thể ở đây là TPHCM, thanh niên Khmer dễ rơi vào hoàn cảnh sống như những người không có tôn giáo. Hiện trạng đó do những nguyên nhân:

–    Xa chùa. TPHCM chỉ có 2 chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở 2 quận là quận 3 và quận Tân Bình. Trong khi thanh niên người Khmer nhập cư lao động phân tán khắp cả TPHCM, và ở 2 tỉnh lân cận là Bình Dương và Đồng Nai. Vì thế, đối với số đông thanh niên Khmer là lao động nhập cư, chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở rất xa nơi họ cư trú. Trong khi đó, là lao động làm thuê, tất nhiên phần đông thanh niên không có phương tiện di chuyển riêng. Vì vậy, việc đến chùa Nam tông Khmer là rất khó khăn với đại đa số thanh niên Khmer lao động nhập cư TPHCM, và càng khó khăn hơn nữa khi người lao động làm việc ở các tỉnh lân cận.

–    Chùa Phật giáo Bắc Tông tuy có nhiều, nhưng hoàn toàn không thể thay thế chùa Phật giáo Nam tông Khmer do khác biệt lớn về hệ phái.

–    Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở TPHCM vẫn chưa có nhiều hoạt động tích cực thu hút thanh niên Khmer nhập cư TPHCM.

2. Tìm giải pháp dựa trên những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng

2.1    Chủ động vạch kế hoạch và tích cực thực hiện các hoạt động thu hút Phật tử thanh niên Khmer là khả năng trong tay các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM. Mục tiêu trước mắt là làm sao người thanh niên Khmer nhập cư lao động tại TPHCM giữ được liên hệ với chùa chiền. Đó là tiền đề để hướng vào mục tiêu trên hết là gìn giữ nếp sống Phật tử ở đông đảo thanh niên Khmer nhập cư TPHCM.

Trong đạo Phật, người ta thường chia ra phương cách hành trì Phật giáo bình dân và phương cách hành trì Phật giáo bác học. Theo đạo Phật một cách bác học, người Phật tử có thể không cần đến chùa, thậm chí không thờ Phật, thay vào đó là việc thường xuyên tìm hiểu, hành trì kinh điển, chăm lo nghiên cứu sách vở Phật học.

Đối với phương cách hành trì đạo Phật bình dân, thì nhất thiết người Phật tử phải đến chùa, thực hiện nghi thức Phật giáo. Hầu như tất cả thanh niên Khmer nhập cư đều có xuất xứ từ Phật giáo bình dân. Nghĩa là phải có chùa cho họ, họ phải đến chùa. Không đến chùa nữa họ không còn là Phật tử đúng nghĩa. Giải pháp nằm trọn trong cụm từ đến chùa.

Nếu đến chùa chỉ để dâng hương lễ Phật, thì một năm 3 lần lễ hội, là có thể đủ đối với riêng nhiều thanh niên nhưng không đủ để giữ gìn đạo Phật ở họ. Đó là tình trạng hiện nay. Vì vậy, đến chùa ở đây phải hiểu là đến chùa thường xuyên.

Như vậy, chùa Khmer ở TPHCM phải thu hút và giữ chân được thanh niên Khmer nhập cư. Vấn đề nằm ở chỗ này: Đến chùa thường xuyên.

Cần thiết phải có nhiều hoạt động bên cạnh nghi lễ: lớp giáo lý, lớp dạy chữ Khmer, thuyết pháp, khóa tu, du hành dã ngoại, sinh hoạt thanh niên, ẩm thực, văn nghệ, giao lưu, tương trợ, giúp đỡ đối tượng khó khăn hoàn cảnh thắt ngặt… Tất cả các hình thức sinh hoạt thanh niên cần được tính đến. Điều này phù hợp với lứa tuổi người lao động Khmer nhập cư, chủ yếu là thanh niên.

Nếu chùa Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ đã là một trung tâm văn hóa giáo dục theo truyền thống, theo phong tục, thì các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM phải trở thành trung tâm văn hóa giáo dục hiện đại, tập họp thanh niên Phật tử Khmer bằng những phương thức mới. Trong đó, như đã nói, do độ tuổi người lao động nhập cư Khmer tại TPHCM, yếu tố thanh niên cần đặc biệt lưu ý.

Để tổ chức thành công hoạt động thanh niên, đi kèm với tổ chức hoạt động luôn cần đến triển khai cổ động. Khi viết bài này, tìm bằng từ khóa tên ngôi chùa Khmer lớn nhất tại TPHCM, chúng tôi chưa thấy trang web. Hiện nay, đối với thanh niên Khmer nhất là khi đã nhập cư TPHCM, internet đã trở nên hết sức phổ biến. Vì vậy, cần khai thác triệt để internet vào mục tiêu cổ động đi chùa, gồm cả web, blog, facebook…

Điện thoại di động cũng là một phương tiện hữu hiệu cổ động đi chùa. Việc phổ biến của phương thức thông tin này đã chuyển điện thoại di động từ phương tiện liên lạc cá nhân sang truyền thông đại chúng mà tin nhắn đồng loạt là phương cách nhanh chóng, rất có hiệu quả với số đông. Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM nên thu thập số điện thoại di động thanh niên Phật tử Khmer mỗi khi diễn ra lễ hội lớn. Từ đó, nhắn tin đồng loạt thông báo rộng rãi đến các số điện thoại di động về hoạt động của chùa và mời gọi tham dự.

Số thanh niên Khmer tại TPHCM về chùa dự 3 lễ hội lớn hàng năm lên đến nhiều chục ngàn người. Nếu tỷ lệ đáp ứng lời mời về chùa dự sinh hoạt khác theo tin nhắn dù là 1/100, thì vẫn thu hút được một số lượng đông đảo thanh niên Khmer. Chúng tôi tin rằng, nếu các chùa Nam tông Khmer tại TPHCM thông báo đề nghị thanh niên Phật tử Khmer để lại số điện thoại di động để duy trì liên lạc, kết nối với nhà chùa, thì chắc chắn số đông sẽ đáp ứng. Tổ chức được hoạt động tôn giáo tín ngưỡng văn hóa, tương trợ thu hút thanh niên, duy trì được kết nối thường xuyên, tổ chức được truyền thông cổ động, 3 yếu tố trên là những bảo đảm đáng tin cậy cho việc đưa thanh niên Khmer nhập cư TPHCM đến chùa. Mà đã đến chùa thường xuyên là đã duy trì ở họ nếp sống Phật tử, gìn giữ đạo Phật nơi họ.

2.2    Một giải pháp nữa phải tính đến là giải quyết vấn đề địa lý, đường đến các chùa Nam tông Khmer quá xa trong bối cảnh người Khmer nhập cư làm việc phân tán trên địa bàn thành phố, khắp cả quận huyện. Nếu chùa Phật giáo Nam tông Khmer có tổ chức được nhiều hoạt động thu hút và thông tin đầy đủ đến đông đảo thanh Phật tử đi nữa, thì cũng chỉ thuận lợi số thanh niên cư trú ở các quận trung tâm TPHCM. Nếu không có xe riêng, thì khó có thể vượt quãng đường trên chục km đến chùa sinh hoạt thường xuyên.

Giải pháp được đề xuất ở đây, là có thể, chư tăng Khmer mượn các chùa Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam (Nam tông Kinh) để tổ chức sinh nhật. Cũng là Phật giáo Nam tông, các chùa Phật giáo Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam có những nét tương đồng lớn với Phật giáo Nam tông Khmer về giáo lý, kiến trúc, thờ tự, y phục tu sĩ, nghi lễ, sinh hoạt tự viện…, điều mà các chùa Phật giáo Bắc tông không thể có được. Thực chất, đây là giải pháp triển khai các điểm sinh hoạt chi nhánh của chùa Nam tông Khmer tại TPHCM, do chính những vị sư Nam tông Khmer chủ trì. Số lượng chùa Phật giáo Nguyên thủy có thể không rải đều khắp thành phố, nhưng việc tập họp Phật tử Khmer sinh hoạt ở nhiều chùa hơn trải ra trên địa bàn thành phố cũng góp phần giải quyết được vấn đề đường xa ngăn trở việc đến chùa thường xuyên. Tín đồ của tôn giáo khác chỉ cần căn nhà tín đồ đã hình thành điểm nhóm. Vì vậy, những chùa Phật giáo nguyên thủy Việt Nam mang những nét tương đồng căn bản với Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ là một thuận lợi lớn để xây dựng những chi nhánh sinh hoạt đều khắp. Như thế, thì vẫn đạt được mục tiêu đến chùa thường xuyên đối với thanh niên Phật tử Khmer nhập cư TPHCM mà chúng ta đã trình bày ở trên. Một thuận lợi nữa là hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ và hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đều chung trong một Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, việc sử dụng cơ sở của nhau để tập họp Phật tử là điều rất dễ dàng. Trong hoàn cảnh như vậy, các vị sư Nam tông Khmer có thể tập họp thanh niên đến chùa hàng tuần, vào ngày chủ nhật hay một ngày thuận lợi cho số đông mà tập thể cùng lựa chọn để duy trì sinh hoạt định kỳ đều đặn, thường xuyên.

Một giải pháp nữa để giải quyết vấn đề khoảng cách địa lý là thuê xe đưa đón tập thể. Đây là phương thức mà những tôn giáo có quan điểm truyền đạo mạnh mẽ sử dụng vận dụng vào Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM, thì thanh niên Phật tử Khmer ngoại thành chẳng hạn có thể đến chùa Chantarangsay hàng tuần qua những chiếc xe khách đưa đón tại những điểm hẹn theo giờ.

2.3.    Ảnh hưởng của Phật giáo có thể sâu đậm hơn nữa đối với thanh niên Khmer nhập cư khi nhà chùa có trách nhiệm nhiều hơn trong việc giúp đỡ những trường hợp Phật tử khó khăn. Người lao động nhập cư vào các thành phố lớn bao giờ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Được nhà chùa giúp đỡ khi khó khăn, đau ốm, cô độc, bị đuổi việc không chỗ ở, bị đối xử tàn nhẫn, bị bạo hành… thì người Phật tử nào cũng sẽ gắn bó hơn với nhà chùa. Điều đó càng có ý nghĩa đối với thanh niên Khmer, thường là gia đình khó khăn, phải tìm cách lên thành phố mưu sinh. Ở trên chúng tôi đã nói đến việc chùa tổ chức hoạt động tương trợ (tức tạo môi trường giúp đỡ lẫn nhau), thì đến đây chúng tôi nhấn mạnh hoạt động từ thiện xã hội từ nhà chùa. Theo đó, nhà chùa  có thể cho người không tìm được chỗ ở tá túc có hạn định, giúp cho mượn những khoản tiền nhỏ cho người bệnh tật, tai nạn… Những hoạt động từ thiện xã hội tổ chức ngay tại chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM như thế hoàn toàn phù hợp với giáo lý nhà Phật, lại vừa đem đến lợi ích lâu dài, tạo sự gắn bó giữa Phật tử và nhà chùa.

2.4.    Một đối tượng tuy chưa được nhắc đến nhưng không thể bỏ qua, là sinh viên Khmer lưu học tại TPHCM. Thành phần này dù không phải người nhập cư lao động, nhưng cũng có nhiều nét tương đồng với người Khmer nhập cư: trẻ tuổi, sống xa nhà, xuất xứ gia đình Phật giáo, phần nhiều đời sống khó khăn. Họ chỉ khác thanh niên lao động nhập cư ở trình độ học vấn cao hơn, thời gian lưu học có hạn (so với thời gian lưu trú thành phố của thanh niên nhập cư thường không xác định).

Quá trình thu hút sinh viên Khmer lưu học tại TPHCM đến chùa có thể tiến hành đồng thời với thanh niên Khmer lao động nhập cư, cũng có thể tổ chức riêng rẽ, nhưng vẫn vận dụng những phương thức đưa thanh niên Khmer lao động nhập cư đến chùa. Sinh viên Khmer lưu học TPHCM đều nắm vững tiếng Việt, do đó, nên chú ý đến việc sử dụng kinh sách để gia tăng ảnh hưởng Phật giáo đối với họ.

Tặng học bổng định kỳ nhiều lần đương nhiên là một phương thức hữu hiệu để duy trì mối liên hệ giữa sinh viên Khmer lưu học với chùa Khmer tại TPHCM. Học bổng có thể không lớn, cốt để khuyến khích, hỗ trợ một phần sinh hoạt, duy trì quan hệ, nhà chùa có thể vận động từ Phật tử. Trong khi đó, sinh viên Khmer với ưu thế về trình độ học vấn cao có thể đóng vai trò hạt nhân tập họp thanh niên Khmer lao động nhập cư đến chùa, hỗ trợ các nhà sư tổ chức các sinh hoạt thanh niên, các khóa tu học.

2.5.    Cuối cùng, chúng tôi  xin đề xuất quan điểm nền tảng, là không nên coi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM là những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer bình thường, chỉ khác những  ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ ở nơi tọa lạc, mà chỉ chú trọng đến hoạt động tu học. Chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM gắn liền với cộng đồng thanh niên Khmer lao động nhập cư và cả sinh viên Khmer lưu học, nên nó có vai trò đặc biệt hơn rất nhiều so với các ngôi chùa Khmer khác. Bên cạnh chức năng là địa điểm tu học, thờ phượng tôn giáo theo truyền thống, chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM còn có chức năng giữ gìn đạo Phật ở người thanh niên Phật tử Khmer xa quê trong môi trường hoạt động cải đạo diễn ra căng thẳng. Vì thế, trách nhiệm của chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TPHCM là hết sức nặng nề. Một trách nhiệm như thế đòi hỏi nhà chùa nỗ lực lớn lao trong việc phát triển khả năng thu hút Phật tử đến chùa. Trên đây chỉ mới là phác thảo những đề xuất nhằm giải quyết một vấn đề hết sức khó khăn và rất mới trong bối cảnh người Khmer lao động nhập cư tại TPHCM ngày càng tăng cao.

MT

Thông tin, thảo luận riêng: [email protected], facebook.com/cusiminhthanh.