Trang chủ Diễn đàn Từ hàng cột hiên chùa Bà Đá nghĩ về công thổ và...

Từ hàng cột hiên chùa Bà Đá nghĩ về công thổ và hòa hợp Tôn giáo trong lòng Dân tộc

121

Chuyện bốn cây cột hiên chùa Bà Đá


Ai ở Hà Nội cũng đều biết ngôi chùa có cái sân khá rộng sau cái cổng bé xíu trên phố Nhà Thờ. Chùa có mái hiên thấp được đỡ bởi bốn chiếc cột đá có kích thước kiêm nhường, tương xứng. Nhìn kỹ sẽ thấy các họa tiết chạm khắc trên cột rất tinh xảo và mềm mại, miêu tả cảnh bốn mùa như sự vĩnh hằng của thời gian và tứ quý, ẩn dụ sự hoàn mỹ của tạo hoá.


Nhưng có lẽ ít ai biết cái duyên cớ nào mà bốn cái cột lại đẹp đến thế. Theo lời của một nhà sư: đấy là món quà của Đức cha Nhà thờ lớn dâng tặng cụ Trụ trì chùa Bà Đá năm xưa, tri ân công cứu mạng.


Số là những năm nhà Nguyễn cấm đạo, các vị tu sĩ phải chốn quân, quan truy bắt, nên chạy vào tá túc trong chùa, được nhà chùa đùm bọc, che chở.


Đến khi tai qua nạn khỏi, các vị này đã về đất Ninh Bình, vùng có nhiều thợ đá giỏi, tài hoa, chọn phiến đá đẹp để dựng thành một câu chuyện hay trên đất Thăng Long xưa.


Chẳng cần thuyết giảng dài dòng, kỷ vật nhỏ bé ấy là minh chứng cho văn hoá Hà Nội bao dung, rộng lượng, vị tha, sẵn sàng hy sinh để làm điều thánh thiện, bất chấp cả những tín điều có lúc ngộ nhận là đối nghịch để cứu người trong lúc nguy nan…”(1)


Phật giáo và Công giáo trong lòng Dân tộc


Lịch sử cho biết rằng, Phật giáo truyền đến nước ta đã được trên 2.000 năm và Công giáo cũng đã hiện diện trên rẻo đất này được gần 500 năm. Đây là 2 tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất Việt Nam. Ngày nay, có hơn 6 triệu = 7% dân số là đồng bào Công giáo, còn với Phật giáo thì, theo bộ ngoại giao Hoa Kỳ ước tính, có 11 triệu Phật tử = 14% dân số, nhưng chúng ta có thể thấy, ở nước ta, trừ những người theo các tôn giáo khác, còn lại là Phật tử hoặc theo tín ngưỡng đạo Phật, ước chừng có khoảng 65 triệu người = 75% dân số.


Từ khi Công giáo truyền đến nước ta, cho dù thế này thế khác, cho dù nhiều ngôi chùa, nhiều bảo tháp, nhiều tượng Phật, nhiều đất chùa… đã bị Công giáo hành xử không công bằng, nhưng giữa 2 tôn giáo này chưa từng có chiến tranh, tranh giành lẫn nhau.


Lịch sử của Phật giáo luôn đồng hành cùng lịch sử thăng trầm của Dân tộc. Dân tộc vinh thì Phật giáo phát triển, dân tộc nhục thì Phật giáo phù trợ. Phật giáo hòa vào và làm nên máu thịt của Dân tộc Việt Nam.


Với Công giáo, Phật giáo luôn ôn hòa và tôn trọng. Trước khi là Giáo dân, đồng bào Công giáo, tổ tông huyết thống và tâm linh của họ, về cơ bản là Phật tử. Trong mọi hoàn cảnh, người Phật tử luôn ứng xử khoan dung, vị tha.


Câu chuyện bốn chiếc cột ở chùa Bà Đá ngày xưa (cách đây 125 năm) làm tôi nghĩ đến sự kiện đồng bào Công giáo hôm nay đang phơi gió nằm sương khi năm hết Tết đến trên sân Tòa Khâm sứ – khuôn viên của chùa Báo Thiên khi xưa, để cầu nguyện đòi lại khu đất mà các đấng chăn chiên của họ cho rằng “là đất của tổ tiên họ để lại”.


Trên trang mạng Phật tử Việt Nam, trong hơn 2 tuần nay, thấy có đăng một hệ thống 8 bài và 42 ý kiến về sự kiện đó. Đọc kỹ, chúng tôi thấy tuyệt nhiên ở đó các Phật tử không có ý nhân sự kiện này mà “đòi lại” khu đất ấy, cũng không có ý gây chia rẽ mất đoàn kết Dân tộc hay đề cao mình.


Đất đai không của riêng ai


Sự thật là, không chỉ Công giáo chiếm đất chùa, mà sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, đất ở không ít chùa cũng bị Nhà nước trưng dụng làm nơi công ích như trường học, nhà kho, chia cho nhân dân làm nhà ở hay dùng vào việc này việc khác, hoặc bị dân chúng lấn chiếm. Nhưng dường như các lực lượng Phật giáo không đấu tranh giành lại, nếu có thì thông qua Nhà nước giải quyết, hoặc kiên trì chờ đợi, không thì thôi.


Khi chúng tôi hầu chuyện Đức Đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ, nhân dịp về chùa Ráng – Hà Tây hôm Rằm tháng Chạp vừa qua, khi trao đổi về vấn đề này, Cụ nói: “Người Phật tử chúng tôi quan niệm, đất đai là của Quốc gia, chùa tháp là của làng – thập phương tín thí xây đắp, người tu hành mượn cảnh Bụt để mà tu thôi. Ngày xưa có câu “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” là vì thế. Chứa chấp, tích lũy tài sản thế gian thực là không hay đối với Phật giáo. Tài sản thật sự mà Phật tử cần phải có, phải giữ đó là Phật Tâm.


Ngày nay, ở đâu đó, Nhà nước có cấp cho Giáo hội Phật giáo vài mảnh đất để xây cất Thiền viện, chùa tháp thì đất đó vẫn là công thổ quốc gia, nếu Nhà nước cần thu hồi vì ích quốc lợi dân, thì chúng tôi tin chắc là Giáo hội sẽ trả lại nhanh chóng, chẳng cần có ý kiến gì.


Các công trình xây dựng thì cũng là tài sản của Quốc gia, của nhân dân, phục vụ tất cả nhân dân, chứ chẳng phải sở hữu tư hữu. Nếu Phật giáo có đứng ra tổ chức sự kiện gì đó thì đề nghị Nhà nước và nhân dân chung sức, chung lòng giúp đỡ. Nhà nước và nhân dân ủng hộ nhiều thì làm to. Do còn khó khăn, túng thiếu mà ủng hộ ít thì làm tùng tiệm thôi. Thời nào cũng thế.


Ngày nay chúng tôi tin là, với các Phật sự ích nước lợi dân, Nhà nước và nhân dân sẽ ủng hộ. Với các hoạt động ích nước, lợi dân của các tôn giáo bạn, chúng tôi tin chắc là nhà nước cũng sẽ ứng xử bình đẳng như thế.”


Tôn giáo vì nhân sinh và hòa hợp


Viết đến đây, chúng tôi lại suy nghĩ về sự kiện đang diễn ra ở tòa Khâm sứ Hà Nội. Đã mấy tuần nay, Hà nội thật rét. Rét đậm, rét hại. Nhiệt độ ban đêm ngoài trời mưa phùn gió bấc xuống đến 5 – 7 độ C. Không biết các đức cha nhân từ nghĩ sao khi huy động hàng trăm đồng bào, cũng là xương là thịt, cả các cụ già và trẻ em thức thâu đêm, hết ngày dài đến đêm thâu, dãi dầu mưa gió để cầu nguyện đòi lại tài sản cho giáo hội. Rồi lại xảy ra chuyện phá cổng, đập vỡ tấm biển Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm, chuyện cắm thánh giá đánh dấu chủ quyền…


Không biết các đức cha hiểu biết có nghĩ về câu chuyện 4 cây cột đá tại chùa Bá Đá năm xưa, nghĩ về lịch sử, về truyền thống trên mảnh đất mà họ đang đòi, nghĩ về niềm tin, niềm tự hào và niềm đau một thuở của người Phật tử và dân tộc Việt Nam khi ngôi chùa Báo Thiên linh thiêng bị triệt hạ, mảnh đất Thăng Long ngàn năm bị đô hộ.


Dù là Phật tử, là Giáo dân hay là gì chăng nữa, dù đã hành xử thế này hay thế khác, dù có hay không có tài sản này hay tài sản khác thì tất cả chúng ta đều là đồng bào, đều là con dân của nước Việt phương Nam, và giang sơn này, Tổ quốc này, dân tộc này, đất nước này, Nhà nước này là của chung của tất cả chúng ta, do Tổ tiên Việt Nam truyền lại, do chúng ta – quá khứ, hiện tại và tương lai – gây dựng nên.


Không biết rồi Nhà nước sẽ giải quyết vụ việc này ra sao, và rồi không biết sau sự kiện đó thì đồng bào Công giáo, dẫn đầu là các đấng bề trên sẽ suy nghĩ và hành xử với Quốc gia, Dân tộc, với đồng bào phi Công giáo ra sao, nhưng chúng tôi tin chắc là Phật giáo và Phật tử Việt Nam trước sau như một, kiên trì đồng hành cùng dân tộc, bao dung, vị tha, từ bi, hỉ xả và luôn là người bạn nhân từ thật sự của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Công giáo.


——————————


(1) Trích từ bài báo Trong Hà Nội “lọ lem” có một Hà Nội kháchttp://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/2680/index.aspx


Xem thêm bài liên quan: