Tiếp tục loạt bài nhằm tạo sự chú ý đối với giáo dục xã hội Phật giáo, sau những bài viết về giáo dục mầm non tôn giáo, về việc có tôn giáo chuẩn bị tích cực cho việc nắm lại giáo dục xã hội, trong bài này, chúng tôi đề cập đến hình thái nhà lưu trú La San, một hình thái giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã đã được triển khai hàng chục năm nay, và trường tư thục dạy nghề La San.
Mục tiêu của bài viết này là miêu tả ghi nhận thêm một số nét trong bức tranh giáo dục xã hội đương đại, là bối cảnh cho đề xuất tăng ni Phật tử Việt Nam quan tâm nhiều hơn cho giáo dục xã hội, triển khai giáo dục xã hội bằng những hình thức thích hợp với hoàn cảnh, tích cực chuẩn bị cho hoạt động giáo dục xã hội.
Bài này cũng cung cấp tư liệu làm căn cứ đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi tên Ban Giáo dục tăng ni thành Ban Giáo dục, chấm dứt việc tự giới hạn hoạt động giáo dục chỉ trong phạm vi tăng ni, mà có những bước mở rộng tương xứng với hoàn cảnh.
Nếu chỉ giới hạn hoạt động giáo dục trong phạm vi tăng ni, một giới hạn không chỉ nội bộ mà còn chỉ người giới tu sĩ, thì Phật giáo Việt Nam sẽ bị bỏ qua một bên trong những bước phát triển sắp tới, với xu hướng rõ ràng là ngày càng cởi mở trong hoạt động giáo dục xã hội của tôn giáo.
1. Tu mà chuyên phụ trách giáo dục
La San là một dòng tu đạo Ca tô La Mã chuyên về hoạt động giáo dục xã hội. Tại miền Nam trước năm 1975, dòng tu này đã tổ chức xây dựng, điều hành nhiều trường trung học có cơ sở vật chất quy mô, có tiếng tăm trong đào tạo, nổi bật như trường La San Taberd. Các trường học La San là các trường khá điển hình cho hệ thống giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã.
Sau năm 1975, toàn bộ hệ thống trường học La San đều do nhà nước quản lý. Bị cắt rời khỏi hoạt động giáo dục, nhưng dòng tu La San vẫn được duy trì và phát triển trong những biến thể hoạt động thích hợp. Trong số những biến thể đó là nhà lưu trú và trường tư thục dạy nghề.
2. Nhà lưu trú
Chúng ta sẽ dễ nắm được vấn đề, nếu hình dung rằng, khi không thể làm giáo dục toàn phần (mở trường quy mô lớn) như trước, những tu sĩ không thể cắt rời với giáo dục sẽ làm giáo dục bộ phận, quy mô nhỏ, để làm sao có thể tồn tại, chờ đợi, chuẩn bị. Đó là tư duy để giải quyết vấn đề mà dòng tu La San chuyên về giáo dục gặp phải.
Thông qua cái cách họ giải quyết vấn đề như thế, chúng ta hình dung là giáo dục đối với đạo Ca tô La Mã là quan trọng thế nào. Chính cái cách họ quan hệ với hoạt động giáo dục đã vẫn tạo nên vấn đề tôn giáo từ giáo dục mà đối với người Phật tử ưu tư vì sự phát triển của Phật giáo phải suy nghĩ.
Người ta dù không được phép làm giáo dục, nhưng vẫn tìm cách để có học sinh, vẫn làm giáo dục dưới hình thức nào đó mà không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh các lớp, khóa dạy học ngắn hạn, văn bằng, chứng chỉ chỉ có giá trị nội bộ, thì nhà lưu trú cho học sinh được coi là một phần của hoạt động giáo dục. Bài “Nhà nội trú La San”, trang “Tỉnh dòng Lasan Việt Nam” thể hiện quan điểm giáo dục tranh thủ, giáo dục một phần nào đó như sau:
“Nhà Nội Trú, Môi Trường Giáo Dục Đức Tin Cho Người Trẻ
Trong hệ thống trường học La San, hầu hết các trường học đều có nhà nội trú, chúng ta có thể nhìn nhận nhà nội trú như là một cơ cấu trong hệ thống trường học. Nó là điều kiện để làm cho các Sư huynh sống với học sinh suốt cả ngày, Trong hoàn cảnh hiện nay, các Sư huynh không có trường, thì chính nhà nội trú là nơi có thể áp dụng ngay những giảng dạy của huấn giáo, là nơi để các Sư huynh cùng với việc đem lại cho chúng một sự huấn luyện nhân bản, rao giảng cách minh nhiên Chúa Giêsu và là nơi người trẻ có thể thử nghiệm ngay ở đó một lối sống cộng đoàn về việc cầu nguyện, đi vào mầu nhiệm phụng vụ, sống theo những đòi hỏi của sự tự do của con cái Thiên Chúa và thực thi nhiệm vụ tông dồ của người tín hữu.[1] Tại đây, mỗi ngày các Sư huynh cùng đồng hành với các em, tập cho các em năng gặp Thiên Chúa, giúp các em ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày, cùng cầu nguyện chung trong các giờ kinh, đọc và chia sẻ Lời Chúa với các em, nâng đỡ các em khi gặp những thử thách trong đời sống thiêng liêng. Các Sư huynh tổ chức các giờ sám hối chung, nhắc nhỡ và tạo điều kiện để các em siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và bí tích Thánh Thể, chầu Thánh Thể để nuôi dưỡng đời sống đức tin và gia tăng ân sủng của bí tích Thánh Tẩy Những mùa, lễ đặc biệt trong năm là dịp các Sư huynh tổ chức các hình thức cầu nguyện khác, các giờ chia sẻ cảm nghiệm thiêng liêng, học hỏi đào sâu đức tin. Hàng tuần qua giờ giáo lý Sư huynh truyền đạt những hiểu biết đức tin, hướng dẫn đời sống luân lý và các cử hành phụng vụ. Nhờ cận kề với các em trong suốt ngày, các Sư huynh tập cho các em nhìn các biến cố xảy ra bằng con mắt đức tin và dưới ánh sáng Lời Chúa, thanh luyện các mối quan hệ cho ý thật ngay lành, giúp các em dần dần khám phá những cội rễ của sự nghèo khổ đang xảy ra trong môi trường sống xung quanh, giúp các em nhạy cảm với tình trạng bất công, dấn thân phục vụ tha nhân dưới nhiều hình thức, thăng tiến công lý và nhân phẩm. Trên hết, đó là chứng từ đời sống của Sư huynh là một bài học sống động về niềm tin, lòng cậy trông, yêu mến và phó thác để dẫn đưa các em đến cùng Thiên Chúa. Hệ quả: Khi tổ chức được trong nhà nội trú một đời sống đức tin sống động, các Sư huynh làm cho người trẻ cởi mở với sự sống, cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, nhờ đó làm hoán cải, thay đổi mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau, cũng như với người khác…, đó là cách thức Sư huynh đặt phương tiện cứu độ vào tầm tay người trẻ, giúp các em đạt tới ơn cứu độ.” (Việc nhấn mạnh bằng cách in đậm theo đúng bản gốc).
Như thế, thực chất, tuy không có trường học đạo Ca tô La Mã, nhưng vẫn có môi trường giáo dục đạo Ca tô La Mã. Thầy giáo là tu sĩ vẫn có học sinh dù không làm hiệu trưởng, không đứng lớp giảng bài chính khóa.
Nhà lưu trú học sinh là một dang trường học đặc biệt, ở đó quan hệ thầy trò, hoạt động giáo dục vẫn vận hành, trong điều kiện đạo Ca tô La Mã, về lý thuyết, vẫn đứng ngoài hoạt động giáo dục.
Nhà lưu trú tuy có vẻ thiên về tác động giữ đạo hơn là cải đạo, nhưng khi đối tượng học sinh là người các tôn giáo khác, thì sẽ nổi hẳn lên tác động cải đạo. Bài viết đã dẫn cho biết rõ mục tiêu: “Trong các nhà nội trú, việc giáo dục phải kế thừa truyền thống giáo dục Kitô và La San, các Sư huynh phải dựa trên quan điểm giáo dục của Giáo Hội và của Dòng để đem lại cho giới trẻ một sự giáo dục nhân bản và Kitô thích hợp với người trẻ hôm nay, hầu dẫn đưa chúng đạt tới ơn cứu độ.”
“Việc tổ chức các dự án giáo dục nhà nội trú phải có tính hệ thống, trước hết và trên hết, định hướng giáo dục nội trú La san “là đem lại cho giới trẻ một nền giáo dục nhân bản và Kitô theo thừa tác vụ mà Giáo Hội đã trao phó” (LD 3). Phải bảo đảm đi vào dự tính phát triển chung của toàn Tỉnh Dòng, của cộng đoàn. Tính hệ thống cũng phải được thể hiện trong sự xuyên suốt của dự án giáo dục dài hạn (trong thời gian các em ở trong nhà nội trú), những dự án ngắn hạn là nhằm thực hiện, bổ sung cho hoàn chỉnh dự tính dự án dài hạn vạch ra (kế hoạch năm, tháng, tuần).”
3. Trường dạy nghề tư thục
Trường dạy nghề tư thục cũng là một hình thức tổ chức một phần hoạt động giáo dục xã hội do dòng tu La San tiến hành. Dạy nghề là mảng hoạt động giáo dục được luật pháp cho phép tôn giáo chủ trì. Trường tư thục dạy nghề dù không dạy khoa học cơ bản, nhưng vẫn tạo nên môi trường giáo dục, cái mà đạo Ca tô La Mã rất cần. Theo chúng tôi, đây không chỉ là có môi trường, mà trước hết là có học sinh, chủ thể của hoạt động giáo dục. Trang Tỉnh dòng La San Việt Nam cho thấy cơ sở mới của một trường tư thục dạy nghề mới khá bề thế đang xây dựng ở Đà Lạt.
Có học sinh, có cơ sở vật chất là có thầy giáo, có ban giám hiệu, có hoạt động giáo dục. Từ đó, phát sinh động lực phát triển dòng tu, cơ sở để thúc đẩy hoạt động giáo dục xã hội của đạo Ca tô La Mã tiếp tục phát triển. Chúng tôi luôn nhấn mạnh bối cảnh thúc đẩy Phật giáo phát triển giáo dục xã hội đã hình thành cũng vì vậy. Ở tôn giáo khác, giáo dục xã hội đang tiến triển nhanh phù hợp với hoàn cảnh. Thế nhưng, Phật giáo Việt Nam đương đại vẫn còn loay hoay ở khâu quan điểm. E khi thống nhất được thì đã chậm chân mất rồi.
Chúng tôi không có ý so sánh để thúc đẩy Phật giáo Việt Nam vào cuộc tranh đua hoạt động giáo dục xã hội. Nhưng cũng phải thấy Phật giáo Việt Nam không tồn tại một cách biệt lập, đơn độc, mà tồn tại trong bối cảnh một nước Việt Nam đa tôn giáo. Nếu Phật giáo không chú ý phát triển hoạt động chính mình trong môi trường đa tôn giáo, bị bỏ lại bên lề sẽ là điều diễn ra cùng, với áp lực cải đạo.
MT
Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh