Những ngôi chùa Khmer Tây Nam Bộ hầu hết xây dựng ở vùng nông thôn, gắn liền với những địa phương cụ thể là làng mạc. Ngôi chùa Khmer Tây Nam Bộ, ngoài chức năng tôn giáo, còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục xã hội, y tế, an sinh và hoạt động nông nghiệp của địa phương nông thôn.
Vị sư Nam tông Khmer đồng thời là thầy giáo dạy văn hóa, là thầy thuốc nam, là người tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội cho địa phương, làng xã, trợ cấp cho các đối tượng khó khăn. Chùa Khmer là nơi vừa tổ chức lễ hội Phật giáo, vừa là nơi tổ chức lễ hội dân gian, là trường học, là nơi tàng trữ thư tịch, cổ vật, là nơi họp bàn tổ chức hoạt động công ích, là nơi bào chế thuốc và chữa bệnh, là nơi cúng tế, lưu trữ hài cốt người quá cố ở địa phương…
Tính chất nông thôn, nông nghiệp, địa phương làng xã chi phối sâu sắc ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Và ngược lại ngôi chùa Nam tông Khmer là trung tâm sinh hoạt nhiều mặt của một địa phương làng xã Khmer cụ thể ở Tây Nam Bộ, giữ vai trò quan trọng cốt yếu đối với từng địa phương nông thôn. Chùa Nam tông Khmer Tây Nam Bộ, do đó, cũng là một thiết chế gắn liền với hoạt động nông nghiệp. Như vậy, yếu tố nông thôn của Phật giáo Nam tông Khmer hình thành từ cả 2 chiều kích: từ sinh hoạt nông nghiệp của người dân Khmer và từ địa phương nông thôn của ngôi chùa Khmer. Nói cách khác, Phật giáo Nam tông Khmer là Phật giáo nông nghiệp vì tín đồ là nông dân, và còn vì địa bàn sinh hoạt nông thôn.
Ở miền Tây Nam Bộ có một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer xây dựng ở các tỉnh lỵ, và cả ở thành phố lớn, như tại Cần Thơ. Nhưng các chùa này vẫn mang yếu tố nông dân, nông nghiệp, nông thôn đậm nét. Sinh hoạt ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ ở các tỉnh lỵ và thành phố ở đây vẫn giữ sinh hoạt như các chùa Phật giáo Nam tông Khmer nông thôn, không có khác biệt lớn.
Đối tượng Phật tử của các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh lỵ thành phố Tây Nam Bộ vẫn là người nông dân dân tộc Khmer, nên vẫn gắn với địa bàn nông thôn, dù tọa lạc ở đô thị. Điều này diễn ra trong bối cảnh làng mạc của người Khmer là nông thôn ngoại ô của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc tại tỉnh lỵ hay thành phố Tây Nam Bộ, có cự ly tương đối gần, chỉ trong vài km cách chùa.
Một tình huống hoàn toàn khác đã diễn ra vào thế kỷ XX, khi người Khmer bắt đầu nhập cư vào thành phố trung tâm Nam Bộ là Sài Gòn. Điều này dẫn đến nhu cầu xây dựng chùa Khmer ở Sài Gòn, đến nay đã có 2 ngôi chùa, trong đó, chùa Chantarangsay giữ vai trò quan trọng. Trong bối cảnh như thế, một hình thái Phật giáo Nam tông Khmer đô thị đã hình thành.
Chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Sài Gòn – TPHCM không còn gắn với một địa phương nông thôn cụ thể, Phật tử cũng không còn là người nông dân và hầu như cắt rời ra khỏi những hoạt động nông nghiệp. Do bối cảnh đã hoàn toàn khác, nên sinh hoạt ở chùa Phật giáo Nam tông Khmer tất yếu phải có sự điều chỉnh. Bài viết này đặt vấn đề cần phải nghiên cứu về những điều chỉnh đó, chủ động đưa ra những định hướng điều chỉnh thích hợp, vì mục tiêu thúc đẩy sự hưng thịnh của Phật giáo Nam tông Khmer, một bộ phận của Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Trước hết, cần nhận thức về môi trường, đối tượng của Phật giáo Nam tông Khmer đô thị, mà cụ thể là TPHCM:
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị không còn là nông dân, mà làm nhiều nghề: trí thức, doanh nhân, tiểu thương, công nhân, lao động phổ thông…, hầu hết không còn liên hệ gì với lao động nông nghiệp.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị sống trong môi trường đa văn hóa, đa tôn giáo, hoàn toàn khác biệt với môi trường văn hóa Khmer Tây Nam Bộ và môi trường Phật giáo Nam tông Khmer tương đối thuần khiết ở nông thôn Tây Nam Bộ.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị đã có mặt bằng kiến thức cao hơn so với đại đa số Phật tử Nam tông Khmer nông dân nói chung. Tại TPHCM có một số sinh viên Khmer lưu học. Đã có một số trí thức Khmer.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị do giao tiếp hàng ngày và do nhu cầu công việc, đã sử dụng tiếng Việt nhiều hơn.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị gồm một số không ít người hôn phối với người Kinh, và có một thế hệ sinh ra, lớn lên ở thành phố.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị có một tỷ lệ thanh niên và trung niên đông đảo hơn.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị sử dụng phương tiện truyền thông nhiều hơn (báo giấy, truyền hình, nhất là internet) và cũng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ phương tiện truyền thông.
– Phật tử Nam tông Khmer đô thị có những đặc trưng riêng trong nhu cầu y tế, an sinh xã hội, sinh hoạt cộng đồng.
– Cự ly nơi cư trú của Phật tử Nam tông Khmer đô thị so với chùa Khmer tại TPHCM có thể rất lớn (vài chục km, so với chỉ vài km ở hoàn cảnh nông thôn).
– Chùa Phật giáo Nam tông Khmer đô thị có diện tích nhỏ hẹp hơn so với chùa Phật giáo Nam tông Khmer nông thôn và cũng không thể tổ chức đầy đủ những hoạt động lễ hội truyền thống dân tộc Khmer như đua ghe ngo chẳng hạn.
Trên đây chỉ là một số nét phác thảo có tính chất gợi ý cho việc xây dựng Phật giáo Nam tông Khmer đô thị. Quá trình nghiên cứu sẽ là quá trình bổ sung những nhận thức cần có.
Do những đặc trưng riêng về đối tượng Phật tử Nam tông Khmer đô thị như đã nêu ở trên, chúng tôi thấy cần có những đề xuất như sau:
1. Lịch thời gian sinh hoạt trong năm của chùa Phật giáo Nam tông Khmer đô thị đến loại bỏ những yếu tố quy định từ sinh hoạt nông nghiệp, và thay vào đó là lịch sinh hoạt theo hoàn cảnh đô thị. Cụ thể, chuyển các sinh hoạt hàng tháng vào các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật.
2. Nâng cao và đa dạng hóa phương thức hoằng pháp, sao cho phù hợp với trình độ Phật tử Nam tông Khmer đô thị. Thay vì chỉ tổ chức các hoạt động Phật giáo như hoạt động tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục đối với cộng đồng làng xã nông thôn, thì chú trọng triển khai các hoạt động hoằng pháp, truyền bá giáo lý, tu học. Cụ thể: Tổ chức các buổi thuyết pháp, lớp giáo lý, khóa tu bên cạnh những nghi lễ Phật giáo truyền thống.
3. Chú trọng khai thác, tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, đặc biệt là internet vào hoạt động tôn giáo.
4. Triển khai các hoạt động truyền thống của chùa Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ trên các lãnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, từ thiện, an sinh, sinh hoạt cộng đồng với những đặc trưng đô thị, không mang tính chất địa phương nông thôn, hướng đến cộng đồng Phật tử Khmer nói chung. Đặc biệt, nghiên cứu những hình thức hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, từ thiện, an sinh mới, như cho vay đến đối tượng khó khăn; học bổng, nơi cư trú tạm cho sinh viên…, thay cho hoạt động chữa bệnh bằng thuốc Nam, trợ giúp bằng hiện vật như gạo, nhu yếu phẩm cho đối tượng khó khăn…
5. Hoạt động giáo dục không chỉ là giảng dạy tiếng Khmer như các chùa nông thôn Tây Nam Bộ mà lưu ý đến bối cảnh song ngữ Việt – Khmer ở vùng đô thị
6. Tổ chức hoạt động xuất gia có thời hạn cho thanh niên không nhằm vào địa phương cụ thể, mà hướng đến tất cả thanh niên dân tộc Khmer lao động nhập cư và định cư đô thị sao cho những thanh niên Khmer đô thị có thuận lợi xuất gia có thời hạn như Phật tử thanh niên Khmer ở nông thôn.
7. Tích cực hướng tới việc xây dựng thêm chùa Phật giáo Nam tông Khmer đô thị sao cho phù hợp với mức độ gia tăng Phật tử Khmer nhập cư lao động và định cư ở các đô thị lớn, đặc biệt là TPHCM.
8. Có hoạt động thống kê và nghiên cứu nhằm nắm được số lượng Phật tử, yêu cầu nguyện vọng của Phật tử, đề ra được những hoạt động mới phù hợp với bối cảnh sinh hoạt đô thị, đa tôn giáo, đa văn hóa. Đặc biệt chú trọng đến việc cải đạo sang tôn giáo khác.
9. Chú trọng đến đối tượng thanh niên, vốn là đối tượng có tỷ lệ cao trong cộng đồng Phật tử Khmer lao động nhập cư và định cư đô thị, thay vào hoạt động không có trọng tâm lứa tuổi như các chùa Phật giáo Nam tông Khmer nông thôn.
10. Xác định chùa Phật giáo Nam tông Khmer đô thị đặc biệt ở TPHCM là chùa Khmer ở nơi cư trú mới, ổn định, lâu dài, thay cho cách hiểu chùa Khmer đô thị chỉ là cơ sở phục vụ hoạt động tôn giáo tạm thời cho người Khmer đến đô thị làm việc có thời hạn. Cần tính đến thực tế số Phật tử Khmer định cư thành phố tăng lên, do tìm được việc làm thích hợp, có khả năng sở hữu nhà ở, hôn phối với người dân tộc Kinh cũng như sự gia tăng đối với thế hệ được sinh ra và lớn lên ở thành phố.
11. Tạo thuận lợi cho Phật tử Khmer tổ chức hôn lễ, tang lễ ở chùa theo truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer, vượt qua trở ngại về cự ly đến chùa. Các vị tăng sĩ chấp nhận đi xa chùa đề hiện diện trong các buổi lễ của Phật tử, sao cho việc thỉnh mời tu sĩ Phật giáo dễ dàng, dù không trong cự ly ngắn như chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở nông thôn.
12. Chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở đô thị còn giữ vai trò quảng bá, giới thiệu hình ảnh Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ đến với cộng đồng các dân tộc, du khách nước ngoài. Đây là vai trò mới, chùa Phật giáo Nam tông Khmer nông thôn không có. Vì vậy, cần chú trọng hoạt động đối ngoại, nghiên cứu, biên soạn phát hành văn hóa phẩm như một cấp độ mới trong hoạt động văn hóa.
Trên đây cũng chỉ là những đề xuất bước đầu trong một bài viết chỉ có giới hạn đặt vấn đề. Quá trình nghiên cứu là quá trình tìm ra những phương thức mới để xây dựng Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ, một bộ phận của Phật giáo Việt Nam, trong hoàn cảnh mới đô thị hóa với những bước tiến mới.
MT
Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh.