Trang chủ Blog chùa Cảm nhận từ khóa tu Một Ngày An Lạc tại Tịnh viện...

Cảm nhận từ khóa tu Một Ngày An Lạc tại Tịnh viện Pháp Hạnh

132

Về đây như được về cõi Tịnh của trần gian. Từng chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ đến từng chiếc bàn, chiếc ghế… đều được Thầy chăm sóc tỉ mĩ.. Tôi lặng yên ngồi nơi nhà trà lục giác mà cảm nhận tất cả đều bình yên đến lạ kỳ. Một làn gió thoảng qua chuyên chở bao giai điệu nhiệm mầu của thiên nhiên; tiếng róc rách của những dòng suối bên đài Phổ Đà Sơn vọng lại như dòng tâm thức ta mãi trôi, nụ cười từ bi trên gương mặc thanh thoát của Bồ Tát Mẹ Hiền Quán Thế Âm mãi ngự trị nơi kia, như một minh chứng thực tiễn của “hiện pháp lạc trú” thường hằng nơi cõi Tịnh…

Đúng 7g30’ ba hồi chuông trống rền vang, đại chúng trang nghiêm trước chánh điện, Thầy trú trì quang lâm khai mạc khóa tu. Thầy đã dâng hương bạch Phật, đảnh lễ Tam Bảo, hướng dẫn Phật tử trì danh Lục Tự Di Đà, kinh hành và tĩnh tọa niệm Phật. 

Đúng 9g00’ thời thuyết pháp chủ đề “tu mau kẻo trễ” do Thượng tọa Thích Phước Niệm, ủy viên Ban Văn Hóa GHPGVN Tp.HCM chủ giảng. Thượng tọa giảng thao thao bất tuyệt, đại chúng nghe say mê đến quên cả thời gian. Thú thật, tôi không phải là một Phật tử thuần thành nhưng thỉnh thoảng có đọc sách và nghe giảng Kinh Phật. Giáo lý đạo Phật quả là cao sâu vĩ đại, khó hiểu vô cùng. Thế nhưng hôm nay, ngồi nghe thời pháp này, tôi mới cảm nhận giáo lý Đạo Phật thật gần gũi và giản dị biết bao. Sau khi Thượng tọa giảng sư khai thị và cảnh tỉnh vô thường một cách sinh động và thực tế. Rằng: “vô thường là một sự thật của pháp thế gian mà đức Thế Tôn đã giác ngộ và giải bày cho chúng ta. Vô thường không hàm chứa ý nghĩa bi quan mà người ta thường nghĩ. Vô thường là một chân lý sinh động giúp chúng ta trân quý sự sống nhiệm mầu của con người và vạn vật. Một người con Phật “BIẾT TU” thì trước tiên phải biết trở về an trú nơi chính mình trong từng phút giây của thực tại. Từ đó ta nhận diện các pháp hiện hữu trong và ngoài thân tâm của mỗi chúng ta, rồi vận dụng năng lượng tỉnh giác của chính mình mà từ từ điều phục và chế ngự. Nếu không trở về nhận diện và điều ngự thân tâm thì ta tu cái gì!?” Thượng tọa giảng sư đã khéo léo phân tích và vận dụng nhiều câu chuyện thực tế đời thường giúp cho Phật tử nhận biết thực tướng vạn pháp quanh mình. TT nói: “Nếu một người luôn có ý thức tỉnh giác thì pháp nào trong thế gian cũng đều là Phật Pháp, đều có khả năng giúp cho tự thân tâm chúng ta giải mê khai ngộ để thành tựu an lạc và hạnh phúc ngay trong đời này. Sự vãng sanh tịnh độ hay đọa vào tam đồ ác đạo không phải sau khi chết ta mới thọ lãnh nghiệp quả thiện ác ấy. Mà ngay trong đời này ta đã và đang chứng kiến và thọ lãnh rồi, phải gấp rút chuyển hóa tất cả bằng chính năng lực tỉnh giác của chính mình. Quý Phật tử thử nhìn xem, Hàn Băng địa ngục, A Tỳ Địa ngục ở đâu? Nó ở ngay trong tủ đông lạnh của nhà ta, ở ngay nơi cảnh chiên xào nấu nướng thịt chúng sanh. Cảnh giới Ngạ Quỷ và Bàng Sanh cũng thế, đều có hiện tướng giữa thế gian. Và thậm chí ngay trong tâm thức của chúng ta, pháp giới lục đạo luôn diễn hành một ngày không biết bao nhiêu bận. Tâm niệm rên la, than thở, ích kỷ, cố chấp, ganh tỵ đấu đá, si mê trong tình ái..v..v.. chẳng phải là tâm niệm của chúng sanh ở Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La… hay sao !? Và dĩ nhiên, bên cạnh đó cảnh giới của 4 quả Thánh cũng đều có hiện tướng ngay giữa thế gian này, ngay trong thân tâm này. Chẳng phài đó chính là sự tỉnh thức vẹn toàn, sự nhận biết rốt ráo căn nguyên của phiền não, là trạng thái niết bàn tỉnh lặng, an lạc, hạnh phúc… hay sao! Nếu quý vị “nhận biết” tất cả nhân – duyên – quả của thiện ác đều có hiện tướng vận hành trong và ngoài thân tâm ta thì những hành động: ăn, uống, tắm giặt, quét rác, lau nhà..v..v.. đều là pháp thế gian để ta an trú quán chiếu bằng chính năng lượng Chánh Niệm (NIỆM) và tỉnh giác (PHẬT) của ta, để thành tựu quả vị an lạc hạnh phúc trong hiện tại.”

Cuối cùng, TT giảng sư động viên và sách tấn các Phật tử: “trái đất luôn quay, dòng thời gian luôn chảy, vạn sự vạn vật đến đi, được mất chuyển biến không cùng, không chờ đợi ai, đừng đợi đến lúc một hơi thở ra hít vào khó khăn mới biết ăn năn, hối tiếc là mình chưa TU đủ cho chính mình…” Còn nhiều và nhiều điều tôi tâm đắc nữa, mà một lời không thể diễn tả cho cùng tận được. Một tuần dành một ngày về Tịnh Viện Pháp Hạnh tu học An Lạc quả là bổ ích biết bao. Buổi trưa đại chúng ăn quá đường rồi chỉ tịnh. Buổi chiều tiếp tục trì danh Lục Tự Di Đà, tỉnh tọa niệm Phật, kinh hành, lễ sám hối và hồi hướng. Mọi người đã ra về với một nguồn pháp lạc mãi dư âm trong lòng.

Sau đây là những hình ảnh của khóa tu….