Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc...

Hà Nội: Hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc trở về chùa Bằng tu tập và tham dự lễ Phật đản PL.2568

87

Đúng 7h30, Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên thường trực, Phó văn phòng Ban Hoằng pháp TW đã thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật yết Tổ cầu nguyện, sau đó cung thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Phước – Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực ban Hoằng Pháp TW, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế quang lâm ban bố thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng với chủ đề “Ý nghĩa Đản sinh – bảy bước chân Phật” trong ngày tu tập nhân mùa Phật Đản PL.2568.

Trong bài giảng, Hòa thượng đã giảng giải về ý nghĩa sự kiện đản sinh của Đức Phật. Ngài là con người lịch sử, bằng xương bằng thịt, không phải trong truyền thuyết, sinh ra giữa cuộc đời đem lại niềm vui, hân hoan cho chúng sinh, cho khắp thế gian, làm cho cuộc đời tươi sáng hơn. Kể từ thời điểm đó đến nay, nhờ giáo lý, giá trị minh triết về đạo đức nhân văn trong Phật giáo làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngày càng phát triển tốt đẹp, bằng ý nghĩ – lời nói – hành động mà làm xã hội tốt đẹp phát triển hơn. Gần đây nhất, ngày Phật đản Vesak đã được nhà nước và thế giới công nhận là Ngày Lễ hội Tôn giáo Thế giới nhằm tôn vinh giá trị nhân văn sâu sắc vì hòa bình của Phật giáo. 

Khi Thái tử được sinh ra, ở vườn Lâm Tỳ Ni, Ngài bước bảy bước, bước thứ bảy thì dừng lại, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn”.

Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh về ý nghĩa của 7 bước chân khi Đức Phật ra đời:

– Bước thứ nhất: Bồ tát chỉ phương Đông và bảo rằng Phương đông ấy là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lĩnh vực. Đức Phật lấy Phương đông là phương mặt trời mọc để phát huy trí tuệ. Đức Phật chú trọng phát triển trí tuệ vì điều này rất quan trọng. Từ phàm phu tới Thánh hiền nếu không có trí tuệ thì rất nhiều lần dễ vấp phải lỗi lầm, chuốc lấy khổ đau đọa đày. Nếu nghiệp lực tạo tác khiến ta bị chi phối đọa vào ba đường ác. Chỉ có con người không có trí tuệ mới chịu khổ đau, vì vậy cần cố gắng giữ Giới, Thiền định để phát sinh trí tuệ.

– Bước thứ hai: Bồ tát chỉ phương Nam và bảo rằng phương Nam chính là ruộng phúc an lành cho chúng sinh gieo hạt. Ngài dạy chúng ta bỏ ác làm lành, làm việc phúc đức nhằm mang lại phúc lành cho chính mình và tất cả mọi người. Gieo việc thiện không gieo ác nghiệp. Khi đã gieo hạt như vậy, Tâm ngày càng phát triển những chủng tử tốt đẹp. Có trí tuệ, có cơ hội quy hướng mình bằng nghiệp nhân tốt đẹp. Khi ta gặp được Tam Bảo, cơ hội hy hữu này, chúng ta cố gắng nắm lấy, tu tập để cuộc sống mỗi ngày được an lành, giải thoát. 

– Bước thứ ba: Bồ tát chỉ phương Tây và bảo phương Tây là chỉ cho chúng sinh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sinh thân cuối cùng. Từ buổi sáng đến chiều, biết bao nhiêu sự kiện trong cuộc đời của chúng sinh, từ khi sinh ra đến chấm dứt cuộc đời luân hồi trong sáu nẻo. Động cơ trong sinh tử luân hồi: tham lam, sân giận, si mê, tà kiến…và lặn ngụp trong khổ đau. Nếu ta không rũ bỏ những điều trên thì mãi mãi luân hồi như thế. Phải rũ bỏ tam độc trong con người và phát triển những đức tính tốt đẹp: Từ bi hỷ xả. Khi nào vô tham, vô sân, vô si và những đức tính tốt đẹp phát triển mạnh mẽ thì đây là cơ hội tốt nhất để có cuộc sống an lạc hạnh phúc thật sự. Như vậy ta rất gần gũi với cảnh giới an lành của Đức Phật. 

– Bước thứ tư: Bồ tát chỉ phương Bắc và bảo phương Bắc chỉ cho chúng sinh đức Phật thành được Vô thượng chính đẳng chính giác. Quả vị này không phải tự nhiên hay tranh giành với chúng sinh mà có. Đây là sự nỗ lực tinh tấn tu tập. Nếu ta cũng cố gắng nỗ lực thì cũng sẽ có được kết quả tốt đẹp. Nếu không có sự tinh tấn, mọi việc không thể tốt đẹp. Làm thế nào để phúc đức trí tuệ ngày càng tăng lên mỗi ngày? Ngoài việc hoàn thiện nhân cách, Đức Phật còn hạnh nguyện đi vào cuộc đời giáo hoá chúng sinh.

– Bước thứ năm: Bồ tát nhìn phương Dưới và bảo rằng, Đức Phật sẽ giúp chúng sinh để chinh phục ma lực thoát ra ngoài khổ đau.  Tâm Đức Phật hoàn toàn trong sáng, tràn đầy từ bi, bao dung, cao thượng. Còn ta tâm phàm phu, sân, si, hẹp hòi, nhỏ nhen, tham lam, ích kỷ… Ta cần điều chỉnh và mở rộng tâm rộng lớn. Học Phật thì phải theo Phật. Ngày nào còn giữ những tâm trên thì ta mãi mãi là phàm phu và phải chịu nhiều khổ đau. Hãy cùng lan tỏa, chia sẻ hạnh phúc của mình đến mọi người xung quanh. Để gia đình bạn bè cùng biết tu, xã hội đều biết tu, mọi người đều sửa thì gia đình, xã hội sẽ hạnh phúc, văn minh.

– Bước thứ sáu: Bồ tát chỉ phương Trên và chỉ rằng: chỉ có phương Trên là nơi Đức Phật sống đúng nhân cách và đang tu tập thập thiện nghiệp đạo. Năm nhân cách của chúng ta là năm Giới căn bản của người Phật tử: Không sát sinh – Không trộm cướp – Không tà hạnh –  Không nói dối – Không uống rượu. Và tu tập Thiện nghiệp từ nơi thân khẩu ý của mỗi người. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một con người Việt Nam, bằng dòng máu lạc hồng đã lan tỏa tư tưởng tu tập Thiện nghiệp này với thân khẩu ý. 

– Bước thứ bảy: Đức Phật chỉ tay lên trời, chỉ tay xuống đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn”. Điều này có nghĩa Đạo Phật là vô ngã. Tinh thần tư tưởng quan điểm của Phật giáo là vô ngã, vị tha. Đức Phật không phải tự cao tự đại. Trong kinh A Hàm có ghi:

“Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử”.

Nghĩa là vượt qua khỏi sinh tử luân hồi mới là “Duy ngã độc tôn”. Đức Phật là người duy nhất vượt ra khỏi sinh tử luân hồi. Biết tu tập, thực hành ứng dụng trong cuộc sống của mình trong A Tăng kỳ kiếp mới đạt được điều này. Vượt ra ngoài sinh tử khổ đau mới có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc. 

“Ngã” vượt ra ngoài tứ đại của chúng ta, là Phật thân, Pháp thân vĩnh hằng bất tử, không sinh không diệt. “Đời tranh với ta. Ta không tranh với đời”.

Hoà thượng cũng sách tấn đến toàn thể đạo tràng: “ Chúng ta cố gắng thực tập như Đức Phật. Chúng ta ai cũng có cha mẹ, học bạn bè, học thầy học cô. Thầy mẹ cho chúng ta tấm thân này. Thầy bạn cho ta sự hiểu biết, trình độ, kiến thức đi vào cuộc đời. Cha mẹ là thiêng liêng vô cùng, là Phật tại thế trong nhà. Còn Thầy ở trong đạo cho chúng ta đạo nghiệp thầy trò thiêng liêng vô cùng. Một người thầy có trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, dạy dỗ hàng Phật tử xuất gia, tại gia. Nên Ân đức của bậc Thầy lớn lao như vậy. Thầy cho ta trí tuệ để thực sự rũ sạch khổ đau.  Sống trong không khí mùa Phật đản yêu thương và hiểu biết. Ngày 19/5 còn là ngày sinh nhật Bác. Cả dân tộc Việt Nam và thế giới vô cùng yêu quý và tôn vinh Bác là Danh nhân văn hóa thế giới. Bác luôn luôn mong muốn giải tỏa nô lệ xiềng xích ở đất nước, giúp nhân dân thoát khỏi khổ đau. Bác luôn tôn trọng tất cả các tôn giáo. Tư tưởng quan điểm của Bác ảnh hưởng rất lớn tới đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong mùa Phật đản chúng ta tin Phật, làm việc theo lời dạy của Người và sống đất nước này, ta sống và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ta ơn Phật, ơn cha mẹ, ơn quốc gia xã hội. Nếu rời đi những ân đức này, ta không xứng đáng là người con Phật.”

Trong ngày tu an lạc này, đại chúng đã thành kính tụng kinh Phổ Môn để cầu nguyện Quốc thái dân an, Phật pháp xương minh.

Chư Tăng và Phật tử thực hiện nghi thức cúng Ngọ

Đến đầu giờ chiều, toàn thể đại chúng đã cùng vân tập về sân lễ để cử hành Đại lễ Phật Đản PL.2568 – DL.2024. Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh của HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN TP. Hà Nội, Trụ trì chùa Bằng; HT. Thích Huệ Phước –  Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó Trưởng ban Thường trực  BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trụ trì chùa Từ Lâm (TP. Huế); TT. Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó BTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Hà Nội; TT. Thích Tâm Hoan – Ủy viên HĐTS, Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Kinh tế tài chính GHPGVN TP. Hà Nội cùng chư Tăng bản tự và sự tham dự của quý vị khách quý, cùng với hơn 3000 Phật tử đạo tràng chùa Hòe Nhai, đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc, các cụ cao niên trong khu Bằng Liệt và đông đảo nhân dân thập phương tham dự.

Tại buổi lễ, sau nghi thức niêm hương bạch Phật, HT. Thích Bảo Nghiêm tuyên đọc Thông điệp Phật đản PL.2568 của Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão HT. Thích Trí Quảng. Đức Pháp chủ kêu gọi toàn thể Tăng, Ni và tín đồ Phật tử trong và ngoài nước trân kính và nỗ lực thực hành những lời dạy quý báu của Đức Thế Tôn trong việc xây dựng một thế giới an bình, nhân văn, đạo đức. Tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật; tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tam độc tham, sân, si thành tam vô lậu học giới, định, tuệ; kiến tạo chính báo trang nghiêm thanh tịnh để hình thành y báo hòa bình, an lạc như kinh Duy Ma Cật đã dạy: “Tâm bình thế giới bình”.

Tiếp đến, toàn thể đại chúng lắng nghe HT. Thích Huệ Phước tuyên đọc Diễn văn Phật đản PL.2568 của Hòa thượng chủ tịch HĐTS GHPGVN Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn. Toàn thể hội chúng chắp tay trang nghiêm, lắng nghe những lời dạy vàng ngọc của Đức Hoà thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN và nguyện khắc cốt, ghi tâm và thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài.

Sau bài diễn văn Phật đản của HT. Thích Huệ Phước, chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã trang nghiêm thực hiện nghi thức trì tụng kinh Chuyển Pháp Luân và làm lễ tắm Phật trong tiếng niệm “Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” âm vang chốn già lam.

Tiếp theo là chương trình rước kiệu Phật của chư Tăng và nhân dân, Phật tử. Được biết, đây là năm thứ 8 chư Tăng Phật tử chùa Bằng kết hợp cùng chùa Hòe Nhai trong chương trình rước Phật đặc biệt kính mừng ngày đản sinh của Đức Thế Tôn.Năm nào buổi lễ cũng để lại những dấu ấn sâu đậm, những kỷ niệm khó quên đối với chư Tăng, Phật tử 2 ngôi tổ đình cũng như người dân địa phương. 

Đặc biệt, trong năm nay, chương trình rước kiệu Phật tại chùa Bằng còn có sự góp sức của chính quyền và nhân dân làng Triều Khúc (Hà Nội). Sự kết hợp đặc biệt này đã đem đến một buổi rước trang nghiêm, ấn tượng và chan chứa nhiều cung bậc cảm xúc.

BBT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới quý độc giả.

Diệu Tường – Minh Bảo – Minh Đức