Trang chủ Tin tức Thanh Hóa: PG Sầm Sơn diễu hành xe hoa rước Phật đản...

Thanh Hóa: PG Sầm Sơn diễu hành xe hoa rước Phật đản sinh

67

Như chúng ta đã biết Đại lễ Vesak là Đại lễ Tam hợp tôn vinh Đức Phật về 3 sự kiện quan trọng trong thân thế và sự nghiệp của Ngài là Đức phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak, là tháng 4 theo lịch ấn độ, tương đương với tháng 5 theo dương lịch. Ngày 15/12/1999 theo đề nghị của 34 nước để tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình của Đức Phật, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, và là ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc, được tổ chức hàng năm tại trụ sở Liên Hợp Quốc và các trung tâm Liên Hợp Quốc ở các khu vực từ năm 2000. Tháng 5/2008, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Đại lễ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về đất nước, con người và đời sống tôn giáo Việt Nam. Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì sẽ diễn ra tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 – 12/5/2014 với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức quốc tế (ICDV) và sự giúp đỡ, bảo trợ của Chính phủ Việt Nam. Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”. Chủ đề do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất, nhằm khẳng định tín đồ Phật giáo Việt Nam cũng như toàn thế giới mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho tất cả mọi người, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại lễ Vesak 2014 và Hội thảo Phật giáo quốc tế dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, học giả Phật giáo cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và 8.500 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc. Đại lễ cũng là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tăng cường phát triển du lịch tâm linh, sinh thái; vận động để UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là Di sản thế giới.

Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với mục đích cao cả lợi ích và hạnh phúc của chúng sinh, chỉ ra con đường thoát khổ, đi đến an vui tuyệt đối. Cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của ngài từ lúc Đản sinh cho đến khi Nhập diệt là một tấm gương sáng, vô cùng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa cho nhân loại soi chung. Qua 6 năm khổ hạnh chốn rừng già, 49 ngày đêm tinh nghiêm thiền tọa thực nghiệm tâm linh, cuối cùng Ngài đã chiến thắng ma vương, tìm ra được nguyên nhân của sự khổ đau, và chỉ ra con đường thoát khổ cho muôn loài chúng sinh. Từ đó, một con người bình thường trở thành bậc phi thường, thành một bậc đại giác ngộ, xứng đáng với mười danh hiệu cao quý đó là: “ Như Lai; Ứng Cúng; Chánh Biến Tri; Minh Hạnh Túc; Thiện Thệ; Thế Gian Giải; Vô Thượng Sỹ; Điều Ngự Trượng Phu; Thiên Nhân Sư; Phật Thế Tôn” Năm nay, ngày Đản sinh đã trở về với Phật tử Việt Nam trong không khí vui tươi và phấn khởi chung của cả nước về những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời bước đầu chúng ta đã hạn chế được sự suy giảm kinh tế, ổn định về an sinh xã hội. Cả nước cũng đang hướng về kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy Năm châu, Chấn động địa cầu” ngày 19 tháng 5 kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, vị lãnh tụ kiệt xuất nhất của đất nước, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Cùng với thành tựu chung của cả tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của thị xã cũng tiếp tục ổn định và phát triển đáng mừng. Chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm đúng mức, đời sống của nhân dân được nâng lên một bước, hộ nghèo giảm dần, bộ mặt đô thị tiếp tục được đổi mới. Những thành tựu đó là có sự đóng góp tích cực của quý vị Đại đức Tăng, Ni và đồng bào Phật tử thị xã Sầm Sơn. Từ khi đạo Phật truyền sang đất nước Việt Nam gần 2500 năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hòa nhập sâu sắc về mọi mặt với truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong các thời kỳ kháng chiến, Phật giáo Việt Nam là một lực lượng quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã có những cống hiến to lớn và hy sinh rất vẻ vang. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng bào Phật giáo cả nước từ Bắc chí Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha… ”. Nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng đã từng sống, chiến đấu và hoạt động trọng sự đùm bọc, nuôi dưỡng, ủng hộ tận tình của nhiều chùa, nhiều Tăng Ni, Phật tử và của phong trào Phật giáo yêu nước. Đúng như lời của Thiền sư Mãn Giác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Đối với Sầm Sơn, giới Phật giáo thị xã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, mà chư vị tổ sư tiền bối đã để lại. Nhất là từ khi thị xã được thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự GHPG thị xã hệ thống tổ chức và sinh hoạt giáo hội Phật giáo và pháp luật nhà nước được quan tâm. Đồng thời, với tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, giới Phật giáo thị xã đã tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “ngày vì người nghèo”, công tác từ thiện xã hội, nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ mồ côi… Những việc làm thiết thực trên, đã thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, tinh thần “Lục hòa cộng trụ, vô ngã vị tha” , xứng đáng là một tổ chức thành viên tiêu biểu trong khối Đại đoàn kết của thị xã.

Chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, với những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua cả đạo và đời, chúng ta cần phải nâng cao tinh thần “Lục hòa cộng trụ”, cùng nhau sống trong đoàn kết, hòa hợp, để trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội, cùng nhau thống nhất về ý chí và hành động, thực hiện tốt hơn nữa phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, góp phần xứng đáng vào thắng lợi mục tiêu: “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”. Bằng trí tuệ và phẩm hạnh của mình, các vị Đại đức Tăng Ni và Cư sỹ Phật tử sẽ thực hiện đầy đủ như lời Đức Phật đã dạy: “ Phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật”, và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật là nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng.

Xin chia sẻ một số hình ảnh đến quý độc giả:

sam son dieu hanh xe hoa 1sam son dieu hanh xe hoa 2sam son dieu hanh xe hoa 3sam son dieu hanh xe hoa 4sam son dieu hanh xe hoa 5sam son dieu hanh xe hoa 6sam son dieu hanh xe hoa 7sam son dieu hanh xe hoa 8sam son dieu hanh xe hoa 9sam son dieu hanh xe hoa 10sam son dieu hanh xe hoa 11sam son dieu hanh xe hoa 12sam son dieu hanh xe hoa 13