Tiếp tục giới thiệu các tư liệu về tình hình tôn giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, nhằm phục vụ cho Phật sự hoằng pháp đến đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, có thể là tài liệu hữu ích cho tăng ni Phật tử Việt Nam phát nguyện làm Phật sự quan trọng này, trong nội dung dưới đây, chúng tôi xin trích giới thiệu một đoạn từ sách “Một số vấn đề về kinh tế xã hội và quan hệ dân tộc ở tỉnh Đắc Lắc”, tác giả Nguyễn Văn Tiệp (chủ biên), Bùi Minh Đạo – Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, xuất bản 2011. Phần trích gồm 3 mục trong chương 5: “Tình hình tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ”. Tuy nói về tình hình tôn giáo tín ngưỡng, nhưng hầu hết chương sách tìm hiểu về quá trình truyền bá đạo Tin Lành, sự bùng phát của đạo Tin Lành ở Đắc Lắc.
Đoạn trích có nhiều thông tin, là kết quả nghiên cứu của tập thể tác giả, rất có ích cho người quan tâm đến sinh hoạt tôn giáo ở Đắc Lắc. Đặc biệt, đoạn trích có nội dung tìm hiểu nguyên nhân phát triển đạo Tin Lành ở Tây Nguyên nói chung.
Nội dung trích dẫn cũng cho thấy Phật giáo không còn là tôn giáo lớn thứ 3 trên thế giới, mà Tin Lành đã chiếm vị trí này với 550 triệu tín đồ, hơn 300 tổ chức, hệ phái khác nhau, có mặt ở 108 quốc gia trên thế giới. Như vậy, Phật giáo đã tụt hạng trong vị trí các tôn giáo lớn trên thế giới.
Ở Đắc Lắc đạo Phật hầu như không còn dấu vết gì trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong khi Tin Lành phát triển ở mức tuyệt đối, với nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ tiềm ẩn mà còn biểu hiện ra bề mặt. Nội dung này tương tự với nội dung những bài viết chúng tôi trích giới thiệu trước đây. Tuy nhiên, lần này, chúng ta sẽ có một tài liệu nhiều thông tin chi tiết hơn, với những lý giải đi vào chiều sâu.
Đoạn trích không nói gì đến Phật giáo ở cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc, nhưng chúng ta cũng hiểu, hầu như mất trắng các cơ hội hoằng pháp và có lẽ đã quá muộn màng.
Xin trích giới thiệu từ trang 255, sách đã dẫn.
“Chương 5
Tình hình tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ
I. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ
Xã hội truyền thống các DTTSTC đang ở giai đoạn của xã hội tiền giai cấp và nhà nước. Phân hóa xã hội chưa cao và tính cộng đồng còn biệu hiện khá đậm nét. Tương ứng với xã hội đó là các hình thức tín ngưỡng đa thần. Người Thượng Tây Nguyên đều quan niệm “vạn vật hữu linh”. Theo họ, mỗi con người, động vật, cho đến cây cối, sông núi, đồ vật trong nhà đều có “hồn” hay “thần” và các lực lượng siêu nhiên này có thể chi phối vô hình đến cuộc sống của họ.
Các dân tộc coi các thần tự nhiên như thần rừng, thần nước, thần sét, thần lúa… là các thần được coi trọng. Trong ngôn ngữ của phần lớn dân tộc Thượng, yang là từ để chỉ chung các thần có thể phù hộ và cũng có thể trừng phạt con người. Với họ, ý niệm về các thần tương đối mơ hồ, nhưng là lực lượng siêu linh, không thể hiểu nổi và đáng sợ. Các dân tộc quan niệm người có hồn, khi chết thì hồn hóa ra ma nhưng vẫn luẩn quất ở trần gian với con cháu, sau khi làm lễ bò mả mới trở về thế giới bên kia, thế giới của người chết. Những quan điểm về ma lai, việc ứng xử tàn ác của cộng đồng đối với người cho là có ma lai, các quan niệm về may rủi, điềm báo… giống nhau ở các dân tộc Thượng.
Gắn liền với các tín ngưỡng tự nhiên là các lễ thức nông nghiệp với ý nghĩa cầu mùa để mong mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh. Các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp liên quan đến thần trời, thần đất, thần nước, thần lúa đều có tục cúng cầu an, các hình thức ma thuật, bói toán, kiêng cữ, đều là những nghi lễ của gia đình và cá nhân. Cúng giàng là hình thức sinh hoạt cổ truyền phổ biến, gồm nhiều cấp độ hiến sinh từ lớn đến nhỏ: lớn nhất là con trâu, sau đó là heo, gà vịt và các con vật khác. Trong xã hội của họ chưa có người hành nghề tôn giáo chuyên nghiệp.
Tín ngưỡng của các dân tộc tương đối sơ khai, tất cả đều bị chi phối bởi quan điểm đa thần giáo và với mong muốn mùa màng phong đăng hòa cốc, cuộc sống no đủ, con người làm ăn thịnh vượng, may mắn. Những tín ngưỡng sơ khai của họ rất xa lạ với những tôn giáo phương Đông và phương Tây có ở các dân tộc Việt, Chăm, Khmer…
II. Quá trình truyền bá đạo Tin lành và sinh hoạt đạo Tin lành hiện nay
1. Khái quát về đạo Tin Lành
Đạo Tin lành ra đời xuất phát từ phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu vào đầu thế kỷ XVI, là kết quả của mâu thuẫn một bên là các thế lực phong kiến lỗi thời, trì trệ mà giáo hội Thiên chúa La Mã là đại diện và một bên là các giai cấp, tầng lớp mới trỗi dậy, đứng đầu là giai cấp tư sản, đang đòi hỏi quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo cho mình.
Về mặt tôn giáo, mục đích của phong trào cải cách là phá bỏ những ràng buộc nặng nề của thần quyền và tổ chức giáo hội cũ, hình thành một tôn giáo mới có nghi thức đơn giản, nhẹ nhàng hơn, đáp ứng tối đa sự tư do cá nhân mà con người trong xã hội tư bản đòi hỏi. Sau quá trình đấu tranh quyết liệt với giáo hội Thiên chúa La Mã và trong nội bộ phong trào cải cách, đến cuối thế kỷ XVI, đạo Tin Lành đã hoàn toàn tách khỏi giáo hội Thiên chúa giáo La Mã, chính thức trở thành một tôn giáo mới và nhanh chóng phát triển, lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới, nhất là ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Là một tôn giáo được tách ra từ giáo hội Thiên chúa giáo nên giáo lý, giáo luật, nghi lễ của đạo Tin Lành vẫn giữ những nội dung cốt lõi của đạo Thiên chúa, tuy nhiên xuất phát từ quan điểm tư sản, muốn đưa tôn giáo đến gần hơn với cuộc sống của xã hội tư bản nên đạo Tin Lành đã có những đổi mới theo hướng đơn gian hóa.
– Về giáo lý, đạo Tin lành khẳng định uy quyền tối thượng của Kinh thánh, bao gồm 27 cuốn Tân ước và 39 cuốn (trong tổng số 46 cuốn) Cựu ước. Kinh Thánh là nền tảng giáo lý, là tiêu chuẩn căn bản duy nhất của đức tin, được sử dụng rộng rãi và mọi tín đồ đều có quyền nghiên cứu, lý giải theo suy nghĩ của mình. Đạo Tin Lành cho rằng Thiên chúa tự tỏ mình đến với mỗi tín đồ qua kinh thánh chứ không ban ân sủng thông qua một thể chế hay cá nhân đại diện nào khác, kể cả chức sắc Tin lành.
– Về giáo luật, đạo Tin lành cũng lấy 10 điều răn của Chúa làm nền tảng đạo đức cho tín đồ nhưng không mang tính gò bó như đạo Thiên chúa. Đạo Tin Lành không đề cao luật lệ trong giáo dục, răn đe tín đồ mà đề cao giá trị đức tin, hướng tín đồ tin và tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Những quy định dành cho hàng giáo phẩm cũng được tinh giản đến mức tối đa; không như giáo sĩ đạo Thiên chúa, các giáo sĩ trong đạo Tin lành được tự do trong cuộc sống cá nhân hơn, được lập gia đình và sinh con.
– Về nghi lễ, đạo Tin lành chủ trương tiến hành nghi lễ một cách đơn giản về hình thức, khác hẳn sự đề cao nghi lễ trong đạo Thiên chúa. Hầu hết các nghi lễ của đạo Tin Lành được thực hiện không nhất thiết thông qua giáo sĩ hay ở nhà thờ. Ngay cả các nghi lễ được tổ chức tại nhà thờ cũng đơn giản hơn hơn nhiều so với đạo Thiên chúa. Buổi hành lễ của đạo Tin Lành chỉ tập trung vào hình thức cầu kinh và hát thánh ca. Riêng về các phép Bí tích (Thánh lễ), đạo Tin lành chỉ thực hiện 2 phép Bí tích (so với 7 phép trong đạo Thiên Chúa) là phép Rửa tội (Báp-tem) và phép Thánh thể (Tiệc thánh).Trong thực hiện nghi thức của các phép Bí tích này, đạo Tin Lành cũng có sự đơn giản hóa đi cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của mình.
– Về mặt tổ chức, đạo Tin Lành có sự khác biệt lớn so với đạo Thiên chúa. Xuất phát từ tư tưởng không đề cao vai trò của tổ chức giáo hội nên đạo Tin Lành không chủ trương xây dựng một giáo hội mang tính quốc tế cho toàn bộ đạo Tin Lành (theo kiểu Tòa thánh Vatican của đạo Thiên chúa) mà lại hướng đến việc xây dựng những giáo hội riêng cho từng hệ phái và ở từng quốc gia.
Đa số các hệ phái Tin lành trên thế giới đều xác lập hàng giáo sĩ gồm hai chức mục sư và giảng sư (hay còn gọi là truyền đạo), trong đó mục sư là người chủ tọa các hội thánh cơ sở. Trên nền tảng giáo lý về mối quan hệ giữa Thiên chúa và tín đồ, khác với giáo sĩ đạo Thiên chúa, giáo sĩ đạo Tin lành không không phải là cầu nối liên hệ giữa Thiên chúa và tín đồ, gần như không có thần quyền đối với tín đồ, thậm chí còn phại chịu sự giám sát của tín đồ.
Tuy không có giáo hội thống nhất mang tính toàn cầu nhưng giữa các hệ phái và tổ chức Tin lành ở các nước thường xuyên duy trì mối quan hệ và hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động. Trong đó nổi lên vai trò của các hệ phái, tổ chức Tin lành ở khu vực Bắc Mỹ – nơi ra đời của hầu hết các hệ phái, tổ chức Tin lành trên thế giới hiện nay.
Như vậy, từ những đặc điểm trên đây, có thể thấy bản chất của đạo Tin Lành gắn liền với những đặc thù của xã hội tư bản như tư tưởng thực dụng, đề cao giá trị cá nhân, dễ thích nghi với sự vận động của xã hội… Đó cũng chính là nguyên nhân cơ bản giải thích vì sao tuy ra đời sau các tôn giáo khác nhưng đạo Tin lành đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới. Qua hơn 500 năm tồn tại và phát triển, đến nay đạo Tin Lành đã trở thành tôn giáo lớn thứ ba trên thế giới, sau đạo Thiên chúa và đạo Hồi, với khoảng 550 triệu tín đồ, hơn 300 tổ chức, hệ phái khác nhau và có mặt ở 108 quốc gia trên thế giới.
2. Sự truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam và Tây Nguyên từ cuối thế kỷ 19 đến 1975
Theo tài liệu lịch sử, cuối thế kỷ XIX một số giáo sĩ người Pháp cố gắng truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam nhưng không thành công. Đầu thế kỷ XX, Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp (tên viết tắt là CMA)- một hệ phái Tin lành ra đời năm 1897 ở Mỹ- bắt đầu công cuộc truyền giáo vào Việt Nam. Đến năm 1911, với việc thiết lập được cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Đà Nẵng, CMA đã đánh dấu sự có mặt chính thức của đạo Tin Lành ở Việt Nam. Quan nghiên cứu, quá trình hoạt động của đạo Tin lành ở Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn, gắn với tình hình chính trị-xã hội của nước ta.
2.1 Giai đoạn 1911-1954
Sau khi thiết lập được cơ sở đầu tiên ở Việt Nam, đạo Tin lành đẩy mạnh các hoạt động phát triển tín đồ, xây dựng và hoàn thiện bộ máy tổ chức của giáo hội. Sau Đại hội đồng lần thứ nhất vào năm 1924, đến năm 1927, tại Đại hội đồng lần 4, các đại biểu đã tiến hành bầu Ban trị sự Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Đông Pháp và soạn thảo bản Hiến chương đầu tiên của Hội thánh. Đến năm 1950, tại Đại hội đồng lần thứ 21, Hội thánh Tin lành Việt Nam. Cùng với việc phát triển tín đồ, thành lập các chi hội (hội thánh cơ sở) ở các tỉnh, thành phố, thành lập; Hội thánh Tin lành Việt Nam còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chức sắc thông qua Trường Kinh thánh Đà Nẵng và tổ chức các hội đồng bồi linh.
Do bối cảnh chính trị-xã hội ở Việt Nam lúc bấy giờ, mặc dù không cấm triệt để nhưng chính quyền thực dân Pháp thường gây khó khăn cho hoạt động của đạo Tin lành vì mối quan hệ giữa đạo Tin Lành với Mỹ; đồng thời do mới du nhập, lại có những điểm khác biệt so với nếp sống, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam nên trong giai đoạn này, đạo Tin lành phát triển tương đối khó khăn. Tính đến năm 1954, sau hơn 40 năm hoạt động ở Việt Nam, đạo Tin lành chỉ có khoảng 15.000 tín đồ, 154 chi hội (không kể các điểm nhóm nhỏ), 132 mục sư, truyền đạo (không kể số giáo sĩ CMA) trong một tổ chức chung là Hội thánh Tin lành Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự Tổng Liên hội.
2.2 Giai đoạn 1954-1975
Sau khi hiệp định Geneve được ký kết, đại bộ phận tín đồ và chức sắc Tin lành ở miền Bắc đã hòa trong làn sóng di cư vào Nam. Số tín đồ và chức sắc còn lại (khoảng 1.000 tín đồ và 20 mục sư, truyền đạo), được Nhà nước tạo điều kiện, thành lập giáo hội mới – Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) vào năm 1958. Sau khi ra đời, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã xác định đường hướng hoạt động tiến bộ, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tách khỏi ảnh hưởng của các hệ phái Tin lành ở nước ngoài và hoạt động tương đối ổn định, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng thời gian này, ở miền Nam, được sự hỗ trợ, hậu thuẫn của Mỹ và các hệ phái, tổ chức Tin lành ở nước ngoài, đạo Tin lành đã đẩy mạnh phát triển cả về số hệ phái, số lượng tín đồ và về mặt hành chính đạo. Đến năm 1975, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) – tổ chức Tin lành lớn nhất ở miền Nam- có gần 150.000 tín đồ, 530 chi hội, 190 mục sư, 167 truyền đạo, 155 truyền đạo sinh. Dưới sự chỉ đạo tập trung của Tổng liên hội, 07 địa hạt (Nam Trung hạt, Bắc Trung hạt, Trung Thượng hạt và Tây Nam hạt) đã đưa đạo Tin Lành có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thánh phố phía Nam. Ngoài ra còn có khoảng 20 tổ chức, nhóm Tin lành khác như Cơ đốc phục lâm, Cơ đốc truyền giáo, Liên hữu Cơ đốc, Bắp-tít, Ngũ Tuần, Mennonite, Chứng nhân Giê hô va, Môn đệ đấng Christ, Trưởng lão… từ nước ngoài du nhập vào hoặc từ các tổ chức Tin Lành trong nước tách ra hoạt động.
Trong bối cảnh chung của sự truyền bá đạo Tin lành trong cả nước, với một tôn giáo có đặc trưng riêng là phát triển rất thuận lợi và có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở vùng dân tộc thiểu số, thì khi đến Việt Nam đạo Tin lành đã nhanh chóng được truyền bá đến vùng đồng bào các DTTSTC Tây Nguyên trong đó có Đắc Lắc.
Những nhà truyền giáo Tin lành ngoại quốc đầu tiên lên Tây Nguyên vào những năm cuối cùng của thập niên 20 của thế kỷ 20. Trong nửa đầu thập kỷ 30, hai trung tâm truyền bá đạo Tin lành đầu tiên được hình thành ở Buôn Mê Thuột và Đà Lạt. Tính đến năm 1945, sau 15 năm tích cực hoạt động truyền giáo, cả hai tổ chức Liên hiệp Cơ đốc và truyền giáo (Mỹ) và Hội Tin lành Việt Nam Đông Pháp mới tập hợp chưa đầy 1000 tín đồ trong 11 dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ở Đắc Lắc, từ năm 1932 giáo sĩ Gioan On Nyth người Canada thuộc hệ thống Tin Lành New York cùng với bà mục sư Bùi Tấn Lộc và Phạm Xuân Tín đến truyền đạo chủ yếu trong vùng đồng bào các dân tộc. Thời gian đầu họ tổ chức học tiếng Ê Đê và dịch bốn cuốn kinh thánh Tin lành ra tiếng Ê Đê (gồm Giăng, Luca, Mathe và Hakoa) để rao giảng kinh thánh cho đồng bào dân tộc. Từ năm 1938 Tin lành dần dần phát triển tín đồ ở các vùng M’Đrắc, Lắc, Bản Đôn. Tổ chức Tin lành tỉnh Đắc Lắc nằm trong Tổng liên hội thánh Tin lành miền Nam. Do đặc điểm lịch sử và địa lý cư dân ở Đắc Lắc hình thành hai hệ phái Tin lành: Phái Tin lành người Kinh và phái Tin lành người Thượng. Phái Tin lành người Thượng thuộc địa hạt Trung thượng Hạt bao gồm số tín đồ các DTTSTC của 12 tỉnh (cũ) từ Đắc Lắc trở ra Bình Trị Thiên.
Như vậy, trước năm 1945 cả hai phái Tin Lành đã xuất hiện ở Đắc Lắc.
Trong kháng chiến chống Pháp, CMA tăng cường lên Đắc Lắc, một số mục sư người Việt và người nước ngoài mở rộng địa bàn truyền đạo ra một số vùng xung quanh thị xã, đồng thời xúc tiến đào tạo giáo sỹ người dân tộc tại chỗ. Lúc này Đắc Lắc chưa có nhà thờ chỉ có một nhà sàn do ông bà mục sư Gioan On Nyth làm ở buôn Alea dùng để giảng kinh thánh cho tín đồ.
Năm 1946 Hội thánh Tin lành cử thêm mục sư Nguyễn Hậu Nhượng đến tăng cường cho Đắc Lắc. Năm 1947 có thể ông bà giáo sỹ người Đức tên là Zie6men đến giúp cho Gioan On Nyth đào tạo giáo sỹ DTTC. Năm 1951, dưới sự chỉ đạo của CMA, Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam lấy ra địa hạt Thượng du do mục sư Hasan (người Cơ ho, Lâm Đồng) làm chủ nhiệm và Maugham (người Mỹ) làm cố vấn. Cũng trong năm 1951, Hội thánh Tin Lành thành lập Trường Kinh thánh Buôn Mê Thuột để đào tạo giáo sỹ, lập bệnh viện phong Eana do mục sư Lê Khắc Cung phụ trách, in kinh thánh bằng tiếng Ê Đê, M’ nông, Giarai, Cơ ho đẩy mạnh truyền đạo vùng dân tộc, từng bước kiện toàn hội thánh cơ sở.
Từ năm 1945 đến 1954, việc truyền bá đạo Tin lành ở Tây Nguyên được Hội thánh Tin lành Việt Nam và các giáo sĩ nước ngoài tổ chức theo quy mô và phương thức mới. Một thiết chế truyền giáo được lập ra dành riêng cho các DTTSTC Tây Nguyên như: “Bào ngoại bố đạo đoàn” (năm 1949 đổi thành “Đoàn truyền giáo Tin lành Việt Nam”). Các trường Kinh thánh ở Buôn Mê Thuột và Đà Lạt, bệnh viện phong ở Buôn Mê Thuột, nhiều phương tiện mới như đài phát thanh, máy chiếu hình, các ấn phẩm, đĩa ghi âm được huy động phục vụ cho hoạt động truyền giáo; một đơn vị hành chánh đạo dành riêng cho các DTTSTC Tây Nguyên là “Hạt Thượng du được thành lập năm 1951. Nhờ những nỗ lực truyền giáo đó, số tín đồ Tin lành của các DTTSTC Tây Nguyên đã tăng từ 1000 lên 7.300 người năm 1954. Họ sinh hoạt trong 70 chi hội, dưới sự hướng dẫn của 50 chức sắc tôn giáo là người DTTSTC cùng với sự hỗ trợ của mục sư người Kinh và người phương Tây (Nguyễn Thanh Xuân và Nguyễn Văn Nghĩa, 430, 61).
Trong thời kỳ từ 1954-1974, CMA lợi dụng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ các tổ chức Tin Lành đã tập trung toàn lực vào công cuộc phát triển đạo Tin Lành miền Nam, cung cấp tài chính cho việc xây dựng các cơ sở tôn giáo, tăng cường giáo sĩ CMA vào Việt Nam, kết hợp đào tạo giáo sỹ người bản xứ, nhằm đẩy mạnh quy mô, tốc độ của công cuộc truyền giáo. Cùng với việc tích cực truyền giáo của MCA, hàng trăm tổ chức từ thiện nước ngoài quyên góp tiền bạc và hơn 60 tổ chức cử người đến làm việc trực tiếp trong khuôn khổ các chương trình từ thiện, nhân đạo ở miền Nam Việt Nam. Trong số này các hội từ thiện tôn giáo chiếm tỉ lệ khiêm tốn (25%) nhưng đoạt 3 nhất: 1. Đến Việt Nam sớm nhất; 2. Có ngân sách hoạt động lớn nhất; 3. Là công cụ đắc lực nhất cho các mục tiêu của chính quyền Mỹ ở miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Oanh, 1977, 163A:104). Thời kỳ này có 40 hệ phái Tin Lành nước ngoài, chủ yếu là Tin Lành Mỹ, vừa hoạt động từ thiện, xã hội, vừa truyền giáo ở miền Nam Việt Nam. Hoạt động truyền giáo ở Tây Nguyên gắn liền với việc phân phối diện trợ của Mỹ và được triển khai mạnh mẽ trong các khu dinh điền, định cư, các ấp chiến lược, trại tỵ nạn, là nơi chính quyền Sài Gòn dồn dân từ các buôn làng và cưỡng bức cư trú. Ở những nơi này, không gian xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc không còn nguyên vẹn. Mọi hoạt động của con người bị kiểm soát gắt gao, nhưng đó là nơi mà các nhà truyền giáo ngoại quốc như J. Fleming và Phillips “mừng trụt đầu gối”, bởi nhận ra rằng: “Nhiều bộ tộc đã đến khu định cư mới, các thần linh cũ càng giảm uy lực ấy là cơ hội để thay thế vào đó một hệ thống thần linh mới – chỗ cho Đức Kyto được dọn sẵn” (Đỗ Quang Hưng, 2002, 91A:525). Các nhà truyền giáo cùng với các đồng sự đã sốt sắng và nhiệt thành biến các khu định cư, các ấp chiến lược, các trại tị nạn thành các khu công nghiệp truyền giáo để biến dân bản xứ thành các ứng cử viên của Hội thánh vô hình với bổn phận đóng góp 1/10 thu nhập cho Hội thánh hữu hình. Đó là những chĩnh gạo nhỏ nhưng góp lại thành chĩnh gạo lớn cho hoạt động của các nhà truyền giáo Tin Lành. Những cách truyền giáo kiểu này được triển khai và mở rộng song hành với các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Phương thức truyền đạo của Tin Lành cũng rất đa dạng và thực dụng. Để truyền đạo các mục sư phải học tiếng dân tộc, phiên âm tiếng dân tộc để dạy giáo lý, mở các lớp học bên cạnh nhà thờ, nhà giảng để lôi kéo thanh niên dân tộc là đối tượng chủ yếu mà nhà truyền giáo nhắm tới. Những bệnh nhân là đối tượng mà nhà truyền giáo dễ đi đến thành công. Bên cạnh nhà thờ, nhà giảng là các trạm xá. Vừa xâm nhập riêng lẻ vào các buôn làng để truyền đạo vừa tách đồng bào dân tộc theo đạo ra khỏi xã hội cũ để lập những buôn làng mới. Từ năm 1965 việc truyền bá đạo Tin Lành diễn ra trên quy mô lớn. Chính quyền Sài Gòn bốc dân từ những buôn làng xa xôi về định cư theo các trục lộ giao thông chiến lược, hay quanh các thị xã thị trấn, rồi bắt theo đạo. Đó là trường hợp các ấp Đạme, Suối Thông A, Tu T’ra Kin Blanhon ở Lâm Đồng. Đạo Tin lành chọn một số dân tộc ở Tây Nguyên làm hạt nhân trong việc truyền giáo như người Chil, Chu ru ở Lâm Đồng, người Ê Đê ở Đắc Lắc.
So với Công giáo, Tin lành năng động hơn trong việc truyền đạo. Từng cặp vợ chồng mục sư được phân công sống và truyền đạo trong từng dân tộc. Cùng với các truyền đạo sinh người dân tộc, vào mùa khô, họ tới các buôn làng truyền đạo và thăm hỏi, mùa mưa thì rút về vùng thị trấn, các trường kinh thánh vừa dạy vừa dịch kinh thánh, lễ nhạc ra tiếng dân tộc. Bằng lối truyền đạo thực tiễn và cấp tốc, Tin lành đào tạo hàng loạt truyền đạo sinh người dân tộc từ hai trường Kinh thánh ở Đà Lạt và Buôn Mê Thuột.
Sự phát triển cuả đạo Tin lành gắn liền với sự thành lập các ấp chiến lược, các kế hoạch bình định, dành dân, lấn đất của chính quyền Sài Gòn, gắn liền với chính sách đô thị hóa cưỡng bức do các cố vấn Mỹ, hàng tiêu dùng và một số tư liệu sản xuất như phân hóa học, máy cày, thuốc trừ sâu được phân phối qua mục sư truyền đạo và số tín đồ Tin lành có thế lực cũng góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân. Với những phương tiện đó, phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền của đồng bào cũng thay đổi. Đồng bào bắt đầu làm rẫy định canh, làm cả ruộng nước và trồng các cây chuyên canh như chè, cà phê, các cây họ đậu… Tại các vùng này, lối sống của đồng bào đã thay đổi nhanh chóng. Dưới những tác động nêu trên, đạo Tin lành góp phần tạo nên một cuộc sống vật chất tốt hơn và được giảng giải như là ân huệ của Chúa. Trong bối cảnh đó, các hệ phái Tin Lành đã có cơ hội bằng vàng để đưa đồng bào dân tộc theo đạo, trở về với Chúa. Lợi dụng ưu thế của kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển cao và bằng cách phân phát của cải vật chất của người Mỹ đã tạo ra một tầng lớp xã hội mới đông về số lượng trong đồng bào các dân tộc ít người. Đó là các chức sắc Tin lành, sĩ quan quân đội, viên chức được hình thành gắn bó với Mỹ. Các xã trưởng, ấp trưởng ở các ấp chiến lược theo đạo Tin Lành, các mục sư có từ 3 đến 5ha ruộng, có máy cày. Ngoài ra hàng năm tín đồ Tin Lành phải nộp 1/10 hoa lợi của mình bằng lúa gạo hay bằng tiền để nuôi các mục sư và thầy giảng. Vì vậy, cuộc sống của họ trở nên khá giả hơn, từ đó họ xa rời lao động, thích hưởng thụ và đặc biệt gắn bó với chế độ cũ.
Trong các ấp chiến lược, đạo Tin lành thông qua cách phân phối vật chất đã tạo nên một lối sống ăn bám, ích kỷ, tạo nên tâm lý sùng Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, đạo Tin Lành được truyền bá một cách quy củ hơn, sinh hoạt tôn giáo sống động hơn. Sinh hoạt tôn giáo dành cho các tầng lớp xã hội thuộc các lứa tuổi khác nhau các hình thức sinh hoạt phong phú như: cầu nguyện, sám hối tập thể, ca hát, thi hiểu biết thánh ca, kinh thánh. Các nhà truyền đạo rất linh hoạt khi thu hút đông đảo thanh niên dân tộc theo đạo. Sinh hoạt tập thể truyền thống của buôn làng được thay thế bởi sinh hoạt tôn giáo. Nhà thờ Tin Lành thay thế cho nhà rông trong sinh hoạt cộng đồng. Thi tìm hiểu Thánh kinh và sinh hoạt ca đoàn thay thế cho cuộc thi tài, múa hát tập thể trước đây trong các dịp lễ hội. Lễ Noel, Phục sinh thay thế cho lễ cúng cơm mới, lễ năm mới cổ truyền. Tục đâm trâu cổ truyền đượm màu sắc dân tộc giảm đi, có nơi không còn thực hiện nữa. Tin Lành còn đòi hỏi các tín đồ phải bỏ tục uống rượu và hút thuốc nhưng trên thực tế không mấy thành công. Các nghi lễ đời người thì Tin lành cũng buộc phải chấp nhận nhưng đã khéo léo đòi hỏi có sự hiện diện của các thầy giảng, mục sư.
Để thích nghi với xã hội Tây Nguyên đạo Tin lành cũng đã được dân tộc hóa và địa phương hóa cho phù hợp với phong tục tập quán văn hóa các dân tộc ở đây. Họ đã bản địa hóa các cách truyền đạo, ngôn ngữ của Kinh thánh và các truyền thuyết trong Kinh Thánh nơi mà họ truyền đạo. Ví dụ, các tín đồ người Ê Đê theo đạo Tin Lành đều có cuốn kinh Tân ước và Cựu ước bằng tiếng Ê Đê, Đức mẹ Maria được gọi là H’ Maria, Chúa Giê su được gọi là Yang Giê su, v.v… Hệ thống tín ngưỡng dân gian theo đa thần giáo được dần dần biến thành hệ thống độc thần mà vị thần tối cao là Yang Giê su.
Việc xây dựng chữ viết và phát triển giáo dục phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc là một trong những âm mưu của chủ nghĩa thực dân mới gắn liền với việc phổ biến đạo Tin Lành. Đóng vai trò quan trọng trong công tác này là Hội những người dịch Kinh thánh mà người ta thường biết dưới danh nghĩa Viện nghiên cứu ngôn ngữ mùa hè (SIL). Hội này chính thức hoạt động ở miền Nam từ năm 1957 đã cải tiến chữ viết Latinh hóa và biên soạn sách giáo khoa song ngữ cho các lớp tiểu học của các dân tộc thiểu số. Riêng kinh Tân ước và Cựu ước cũng đã được dịch ra 22 ngôn ngữ dân tộc và sách giáo khoa có nội dung phổ biến đạo Tin Lành. Đạo Tin lành cũng có các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc. Từ năm 1965, mục sư Phạm Văn Nam tiếp tục tổ chức chương trình phát thanh bằng các thứ tiếng Ê Đê, Giarai, M’nông trên đài Buôn Mê Thuột. Chủ trương gắn liền tôn giáo với chữ viết là hết sức khôn khéo nhằm kết hợp chặt chẽ tình cảm tôn giáo với tình cảm dân tộc trong vòng mê tín và siêu linh.
Riêng ở Đắc Lắc, sau năm 1954, CMA dựa cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã tập trung toàn lực vào công cuộc phát triển đạo Tin lành, nhất là cung cấp tài chính, xây dựng cơ sở tôn giáo, tăng cường giáo sĩ, kết hợp đào tạo giáo sĩ bản xứ, nhằm đẩy mạnh quy mô, tốc độ của công cuộc truyền giáo. Ở Đắc Lắc CMA đã đầu tư rất nhiều tiền của cho việc mở rộng các địa bàn hoạt động của Tin lành, xây dựng hàng chục nhà thờ, kiện toàn trên 40 chi hội và hội thánh các buôn, đào tạo hàng chục giáo sĩ chuyên nghiệp.
Mục sư Lê Khắc Cung (nguyên là đại diện của Tổng Liên hiệp Hội thánh Tin lành Việt Nam tại địa hạt Thượng du) đã thừa nhận rằng: “Các giáo sĩ Mỹ luôn tìm cách xen vào để lãnh đạo, chi phối mọi công việc của giáo hội Tin lành ở Tây Nguyên, kể cả các hoạt động từ thiện – xã hội, tôi thấy rõ ý đồ của họ muốn đưa Tin lành ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung ra khỏi sự kiểm soát của Tổng Liên hội và đã nhiều lần báo cáo việc này lên Tổng liên hội” (22A). Do mâu thuẫn nội bộ trong ban chủ nhiệm địa hạt Thượng du và cũng là nằm trong âm mưu của Mỹ, năm 1969 Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam chia hạt Thượng du thành hai hạt: từ Lâm Đồng trở vào Nam là Nam Thượng hạt; từ Quảng Đức trở ra là Trung Thượng hạt, văn phòng của Trung Thượng hạt đặt tại buôn Ale B, thành phố Buôn Mê Thuột. Trong toàn Trung Thượng hạt có trên 20 ngàn tín đồ là người dân tộc thiểu số gồm: Ê Đê 9000 người, M’Nông 3.900; Giarai 4.800, Bana 1.500; Bru- Vân Kiều 700, H’rê 600 người.
Tính riêng tỉnh Đắc Lắc tới thời điểm 1975 đạo Tin lành trực thuộc Trung Thượng hạt gồm có 11 ngàn tín đồ, 47 chi hội-hội thánh buôn, 32 nhà thờ, 1 trường thánh, 1 bệnh viện phong. Chức sắc Tin Lành có 8 mục sư và 36 truyền đạo viên.
Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số lượng các Hội thánh buôn là 38 hội thánh. Ngoài Hội thánh tên, còn có bộ phận Tin lành người Kinh thuộc Nam Trung hạt có 8 chi hội, 8 nhà thờ, 4 mục sư, 5 truyền đạo viên với 1.160 tín đồ và bộ phận Tin lành thuộc phái Liên hữu Cơ đốc Phục Lâm có 3 Hội thánh buôn, 3 nhà thờ, 4 truyền đạo viên.
Từ việc tìm hiểu trên đây về sự truyền bá và phát triển của đạo Tin lành ở Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng, có thể rút ra những nhận xét sau:
Với tư cách là một tôn giáo, Tin lành truyền bá và phát triển ở Tây Nguyên và Đắc Lắc là một thực tế lịch sử phải được ghi nhận; nó trải qua hơn 40 năm hoạt động mang tính chất truyền giáo theo những mục tiêu mà CMA đặt ra là “đem Đức tin đến những nơi mà chưa từng được nghe danh tiếng của chúa Giesu”. Đây là quá trình hoạt động của một tôn giáo có tổ chức, có đường hướng, có kết quả cụ thể bao gồm việc truyền bá tín ngưỡng, đào tạo, huấn luyện giáo sĩ, xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng cơ sở Hội thánh. Do vậy, sự tồn tại của đạo Tin lành là một thực thể mang đầy đủ những yếu tố của một tôn giáo. Xét trên góc độ tín ngưỡng, mặc dù tín đồ vào đạo với những động cơ khác nhau, có thể để tìm nguồn an ủi, có thể bị lôi kéo lợi dụng nhất thời, song không thể không thừa nhận tín ngưỡng Tin lành trở thành nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng là người DTTS và cơ sở trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định, trong nhận thức và tâm lý của đồng bào dân tộc tỉnh Đắc Lắc.
3. Sự phát triển của đạo Tin lành ở Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng có những thay đổi lớn. Các chương trình hoạt động từ thiện, các chương trình truyền giáo đồ sộ và các khoản tài chính vật chất khổng lồ bắt nguồn từ việc trợ nuôi chiến tranh của Mỹ không còn nữa. Các tổ chức từ thiện xã hội tôn giáo, các nhà truyền giáo và chức sắc tôn giáo người nước ngoài rời khỏi Việt Nam. Sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo theo hướng thích nghi với điều kiện xã hội mới sau giải phóng.
Từ sau 1975, đạo Tin lành vẫn được phép hoạt động bình thường như các tôn giáo khác. Nhưng lúc bấy giờ một vấn đề chính trị phức tạp tại Tây Nguyên, nhất là tai hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai, là tập trung đối phó với âm mưu hoạt động phá hoại của tàn quân FULRO. Bọn FULRO rút vào rừng xây dựng lực lượng vũ trang, gây bạo loạn, gây tình hình căng thẳng. Mặc dù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giữa FULRO và ban lãnh đạo Tin lành Trung thượng hạt có những liên hệ về chính trị, nhưng không phải vì lý do đó mà chính quyền cách mạng phân biệt đối xử với Tin lành. Đạo Tin lành vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Hệ thống tổ chức giáo hội vẫn tồn tại, nhà thờ mở cửa sinh hoạt, chức sắc tiếp tục hành đạo, Tin lành vẫn được thừa nhận như là tôn giáo hợp pháp.
Để đảm bảo an ninh chính trị, trong quá trình đàn áp bọn FULRO, chính quyền đã phát hiện ra những hoạt động có sự cấu kết của một số nhân vật của hệ thống Tin lành địa phương với tổ chức FULRO ở Đắc Lắc. Ba mục sư và 16 truyền đạo viên khác tham gia giữ các chức vụ khác nhau trong tổ chức này. Một số nhà thờ Tin Lành trở thành nơi cất dấu vũ khí, truyền đơn và tài liệu của FULRO. Với những bằng chứng đó, đạo Tin lành đã bị chính quyền cách mạng đình chỉ hoạt động. Vì vậy, từ năm 1977 đến giữa năm 1980 trong điều kiện Hội thánh bị giải tán, nhà thờ đóng cửa, mục sư truyền đạo viên bị đi tập trung cải tạo, sinh hoạt tôn giáo được thích nghi trong hoàn cảnh mới. Sinh hoạt tín ngưỡng tổ chức tại gia. Số lượng tín đồ cũng giảm dần do có nhiều người nhạt đạo, bỏ đạo; một số tín đồ thực sự có tín ngưỡng chân chính vẫn tiếp tục giữ đạo dưới hình thức thờ phụng trong gia đình. Trong giai đoạn này, ảnh hưởng của đạo Tin lành không đáng kể.
Từ sau công cuộc Đổi mới, hoạt động của đạo Tin lành trong cộng đồng các DTTSTC ở Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng có những chuyển biến bất thường đáng chú ý. Trong khi chưa được phép hoạt động bình thường như các tôn giáo khác, các chức sắc Tin lành còn lại ở vùng dân tộc đã lén lút hoạt động tập hợp nhiều hộ dân tộc lại để sinh hoạt tôn giáo thường xuyên. Tình trạng này được coi là truyền đạo trái phép và diễn ra ở nhiều nơi với nhiều phương thức hoạt động linh hoạt tinh vi. Đặc biệt, việc phát triển Tin lành có sự tham gia của nhiều đối tượng là người ngoài tỉnh, một số là người nước ngoài.
Các hình thức truyền đạo của giai đoạn này được vận dụng một cách tổng hợp và có tính toán kỹ cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh cụ thể. Truyền giảng đạo từ hải ngoại kết hợp với việc phân phát máy thu thanh cho các gia đình dân tộc để nghe giảng đạo của đài “Nguồn sống”.
Những việc làm trên dẫn đến một hệ quả là, mặc dù chưa được phép hoạt động với tư cách pháp nhân, nhưng pham vi, địa bàn hoạt động của đạo Tin lành liên tục mở rộng và số lượng đồng bào dân tộc ít người theo đạo tăng lên nhanh chóng theo từng năm. Theo số liệu thống kê tháng 6 năm 1997 cho thấy có 141/192 xã, phường trong toàn tỉnh có Tin lành hoạt động. Tính theo đơn vị buôn, thôn có 461/719 buôn, thôn có người theo đạo Tin lành (chiếm 74,8%) tăng gần 292 buôn, thôn so với thời điểm 1992.
Về số lượng đồng bào dân tộc theo đạo Tin Lành, số liệu thống kê vào thời điểm trên cho thấy toàn tỉnh có 15.527 hộ gia đình với 82.532 khẩu. Về mức độ tăng tín đồ so với thời điểm 1992, số lượng tín đồ đã tăng lên trên 50.000 người và so với thời điểm 1987 số lượng tín đồ tăng lên gần 70.00 người. Tính trung bình trong vòng 10 năm 1987-1997, mỗi năm Tin lành phát triển được 7000 người vào đạo. Số liệu thống kê riêng huyện K rông Pách cho thấy các xã có tín đồ Tin lành tăng từ 5 đến 15%.
Theo báo cáo của Hội đồng dân tộc của Quốc hội năm 1999, ở Đắc Lắc, đồng bào Ê Đê theo đạo Tin lành chiếm 33,66%, M’nông – 42%.