Chùa Linh ứng tọa lạc trên mảnh đất rộng chừng 1 ha, ngược dòng lịch sử hơn 100 năm về trước mảnh đất này là một cồn đất nổi do biển phù sa bồi đắp. Khu đất chùa nổi lên một cồn cát rất cao, những người dân cư các nơi đến đây khai đê lấn biển, khai khẩn đất đai và lập nên một ngôi miếu thờ nơi đây.
Năm 1936, Hòa thượng Thích Thanh Quảng (quê ở xã Hải Châu, đi xuất gia tu hành ở tỉnh Thái Bình) về đến nơi đây và thấy bên cạnh dòng sông Ninh Cơ có ngôi miếu thiêng liền thỉnh Phật về thờ mà cải miếu thành chùa, đặt tên hiệu là chùa Linh ứng (Linh có nghĩa là linh thiêng, ứng có nghĩa là ứng hiện).
Chùa Linh ứng được nhiều người biết đến không chỉ bởi phong cảnh hữu tình mà đây còn là một địa chỉ nhân đạo, một ngôi nhà chung của hàng trăm số phận bơ vơ không nơi nương tựa. Người khởi xướng hoạt động này là Ni sư Thích Đàm Bích – Trụ trì chùa Linh ứng. Sinh năm 1955, mồ côi cha mẹ từ sớm và xuất gia từ năm 13 tuổi, nên Ni sư rất thấu hiểu sự thiếu thốn tình yêu thương của gia đình và luôn mong muốn được làm thật nhiều việc từ thiện. Ni sư cho biết, nhà từ thiện của chùa luôn sẵn sàng mở rộng cánh cửa cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Chia sẻ cùng đoàn tiền trạm chúng tôi, Ni sư Thích Đàm Bích tâm sự: “Sau 25 năm mở nhà từ thiện, nhà chùa đã cưu mang hàng trăm con người, mang lại mái nhà bình yên cho hàng chục cụ già tàn tật, bất hạnh. Hiện tại, nhà chùa đang nuôi dưỡng 5 em học đại học, 12 em từ mẫu giáo đến lớp 10 và 15 người già neo đơn. Mỗi số phận trong ngôi nhà chung này đều có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau. Nhiều trường hợp, các con bị bỏ lại trước cổng chùa chỉ có một mảnh vải màn mỏng manh quấn quanh người, có con thì thiểu năng trí tuệ, gia đình không nuôi nổi đem đến đây gửi nhà chùa nuôi, xót xa lắm”.
Việc nuôi trẻ sơ sinh với nhiều bà mẹ đã rất khó khăn, với người đã xuất gia tu hành thì việc chăm bẵm cho các cháu còn khó khăn hơn nhiều, nhất là trong điều kiện vật chất của chùa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay nhà chùa đang nuôi dưỡng các con trong độ tuổi được đi nhà trẻ, mẫu giáo đúng quy định, vì vậy các sư cô và Phật tử phải thay nhau chuẩn bị sách vở, quần áo, dụng cụ học tập để đưa các con đến trường.
Dù nắng, mưa, lũ, bão nhà chùa vẫn duy trì đều đặn công việc này, chủ yếu không để các con mặc cảm là trẻ mồ côi bị xã hội kỳ thị, bỏ rơi, rất mừng là các con được nuôi dưỡng tại đây đều khỏe mạnh, và vui vẻ đoàn kết, kể cả các con bị tật nguyền và thiểu năng trí tuệ, tâm sự của sư cô Thích Diệu Hương.
Sư cô Thích Diệu Hương vào chùa đến nay đã gần 10 năm. Thời còn học phổ thông, khi mua báo về bọc bìa sách, tình cờ biết đến ngôi chùa mang tên Linh ứng là ngôi nhà chung nuôi dưỡng những trẻ thơ mồ côi cha mẹ, phần vì muốn dành trọn cuộc đời nương theo hạnh nguyện của đức Phật từ bi, phần vì trăn trở khi nghĩ về hình ảnh những đứa trẻ đáng thương tội nghiệp, sư cô đã xin phép gia đình và viết thư cho Ni sư Thích Đàm Bích xin được xuất gia tu học và đỡ đần Ni sư trong các công việc hộ duyên chánh Pháp, nuôi dưỡng trẻ thơ. Trước khi đi tu hành nương nhờ cửa Phật, sư cô từng thi đậu trường Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Được biết ngoài việc nuôi dưỡng các trường hợp trong nhà từ thiện, nhà chùa còn nhận đỡ đầu, trợ cấp, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn ở trong và ngoài tỉnh để các cháu có thể tiếp tục đến trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song giúp đỡ được hoàn cảnh nào thì đó là công việc cao cả mà nhà chùa nên làm.
Đối với Ni sư Thích Đàm Bích thì mệt mỏi, vất vả là thế, nhưng với người xuất gia tu hành thì công việc giúp đỡ cho đời cũng chính là trách nhiệm của bản thân, coi các con như con của mình để chăm sóc, lo lắng. Sau này, nhiều Phật tử ban ngày cũng vào chùa giúp đỡ nhà chùa chăm sóc các cụ già hay quét dọn chùa chiền, vườn tược. Nhà chùa cũng có 5 sào vườn trồng lạc, trồng rau để cải thiện thêm bữa ăn và có thêm thu nhập giúp đỡ các trường hợp khó khăn.
Dù Ni sư không nói ra như một sự kể công, nhưng chúng tôi hiểu có được kết quả ấy là cả một quá trình vun đắp yêu thương giữa những con người rất đời thường nhưng cũng rất phi thường. Một cuộc chạy đua để dành lại sự sống cho hàng trăm trẻ thơ đã là điều quá khó, nhưng giáo dục, chăm sóc, rèn luyện trí và thể lực, hướng chúng nên người hữu ích, không mặc cảm, tự ti lại là điều khó hơn gấp nhiều lần. Vậy mà họ đã làm được rất nhẹ nhàng, thanh thản, bao dung.
Hơn 25 năm qua, gần 130 con người được Ni sư cưu mang, giúp đỡ. Nhiều trẻ mồ côi được nhà chùa chăm sóc đã trưởng thành, các cụ già bệnh tật, cô đơn được chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Lo lắng cho từng con người, ngoài cái tâm, Ni sư và các sư cô trong chùa còn phải nỗ lực lao động: mở xưởng sản xuất hương, trồng rau, trồng sắn, khoai…và nhờ vào lòng hảo tâm của cộng đồng để đảm bảo các chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Ông bà ta thường nói “cứu một mạng người hơn xây bảy tháp chùa”. Tấm lòng Ni sư Thích Đàm Bích và những sư cô đang tu hành tại chùa Linh Ứng cùng Phật tử nơi đây đối với những đứa trẻ mồ côi, người già bất hạnh thật sự không gì có thể so sánh được…
Họ, những con người rất kiệm lời, không ai kể về sự hy sinh lặng thầm rất đời thường và cũng rất phi thường của chính họ. Chỉ lung linh thoang thoảng đầu đây những tấm lòng nhân ái đang tỏa ánh hào quang tiềm ẩn như tấm lòng dung dị của đức Phật từ bi.
Khung cảnh tĩnh mịch, yên bình ở chùa Linh Ứng trong bao năm qua có thêm sự ấm áp lan tỏa từ tình yêu thương của những con người nơi đây. Giống như ni sư Thích Đàm Bích vẫn luôn nói với phật tử thập phương “Cuộc đời con người luôn tuân theo luật nhân quả, khi mất đi sẽ trở về với cát bụi, chỉ còn tấm lòng thiện nguyên là còn mãi với đời”.
Cần lắm những tấm lòng nhân ái đến với lũ trẻ hồn nhiên, cụ già không nơi nương tựa ở chùa Linh Ứng…
CLB Hà Nội 14 Chữ sẽ về Chùa Linh Ứng trao quà và triển khai các hoạt động từ thiện vào ngày 20/4/2014
Các hoạt động sẽ diễn ra:
+ Tham gia nghi thức tụng kinh tại chùa.
+ Trao tiền nuôi dưỡng các em nhỏ mồ côi, người già không nơi nương tựa.
+ Nấu cơm chay và ăn chay tại chùa cùng các em.
+ Tổ chức sinh hoạt các trò chơi cùng các em nhỏ
+ Ra biển tham quan.
Chi phí tham dự: 350.000/ Thành viên (Chi phí thuê xe + Mua đồ nấu ăn chay tại chùa) chưa bao gồm phát tâm ủng hộ các bé.
Phương thức đăng ký tham gia:
Liên hệ trực tiếp Ban thư ký chương trình:
+ Thư ký Hương Giang: 0972 488 765
+ Thư ký Liên Hà: 0936 312 793 – 0167 308 0752
Phương thức tham gia ủng hộ trực tiếp:
Quý vị có thể ủng hộ về chương trình thông qua việc đóng góp trực tiếp các hạng mục cấp thiết mà Chương trình đang phát động tại địa chỉ Trụ sở CLB Hà Nội 14 Chữ:
ĐC: Số 66 Ngõ 20, Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội
Phụ trách: Ban Thư Ký chương trình
+ Thư ký Hương Giang: 0972 488 765
+ Thư ký Liên Hà: 0936 312 793 – 0167 308 0752
Phương thức tham gia ủng hộ tài khoản:
Quý vị có thể ủng hộ về chương trình thông qua việc đóng góp từ xa qua các hình thức sau:
TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CÂU LẠC BỘ HÀ NỘI 14 CHỮ
1, Ngân hàng TechcomBank
Chủ tài khoản: LƯU THU HÀ
Mã số TK: 1902 7545 39 1992 – Ngân hàng Techcombank – Chi nhánh Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Nội dung chuyển khoản: Chùa Linh Ứng
2, Ngân hàng VietcomBank
Chủ tài khoản: LƯU THU HÀ
Mã số TK: 0011 00414 0727 – Sở giao dịch Vietcombank tại Hà Nội
Nội dung chuyển khoản: Chùa Linh Ứng
3, Ngân hàng VietinBank
Chủ tài khoản: LƯU THU HÀ
Mã số TK: 711A58998891 – Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội
Nội dung chuyển khoản: Chùa Linh Ứng
4, Ngân hàng AgriBank
Chủ tài khoản: LƯU THU HÀ
Mã số TK: 2200205308483 – Chi nhánh Hà Tây.
Nội dung chuyển khoản: Chùa Linh Ứng
5, Số Tài khoản Ngoại tệ:
Chủ tài khoản: LƯU THU HÀ
Mã số TK: 0011 374140730 – Sở giao dịch Vietcombank tại Hà Nội
Nội dung chuyển khoản: Chùa Linh Ứng
_(())_ NAM MÔ THƯỜNG HOAN HỶ BỒ TÁT MA HA TÁT _(())_