Tuy nhiên, sự sống của mỗi người phát triển theo lực tác động của nghiệp nhân quá khứ và hiện tại của chính họ, đồng thời cũng chịu sự chi phối của gia đình, của xã hội, cho nên cuộc sống của mỗi người lại phát sinh thêm nhiều nghiệp mới.
Thật vậy, thực tế cho thấy khi con người sinh ra, tâm hồn trẻ thơ rất hồn nhiên trong sáng, nhưng từ khi biết tiếp xúc với cuộc đời, tình thương trong sạch này đã bị hoàn cảnh xã hội và các nghiệp tập bao bọc lại, khiến người ta luôn sống với những gì xã hội tác động, sống với những gì nghiệp lực thúc bách. Từ đó, tình cảm trong sáng của tình thương chân thật đã bị biến dạng, trở thành tình cảm xấu ác như tham lam, hung dữ, si mê, cố chấp, vụ lợi, kiêu ngạo, đố kỵ, ganh ghét, v.v…
Theo Phật, từ khởi nguồn, bản chất của tình thương hoàn toàn trong sạch, không nhiễm ô, không có tội phước; nhưng vì chúng sinh sống trong sinh tử luân hồi, thân tâm bị nghiệp, phiền não và hoàn cảnh chi phối, cho nên tình cảm thương yêu đáng lẽ làm cho người ta an vui, hạnh phúc, lại làm cho đời sống nội tâm con người chuốc lấy phiền muộn, bất an.
Ví dụ như sự thương hại làm cho người ban phát tình thương trở nên kiêu căng, còn người được thương thì bị mặc cảm, buồn tủi … Hoặc tình yêu nam nữ, hay tình yêu của những người đồng phái có tính chất khát ái, ích kỷ, lợi dụng, nô lệ hóa; cho nên tình thương của họ phát triển thành tình đam mê ái dục, ghen tuông, hận thù, giết chóc … làm khổ lẫn nhau.
Ngài Trí Giả gọi tình thương theo thế gian như vậy là ái kiến đại bi. Ái kiến là tình thương bị hoàn cảnh và nghiệp nhân tác động xấu, khiến người ta hành xử lệch lạc, sai lầm, kết thành cái quả bất tịnh, khổ đau; còn đại bi là tình thương trong sáng, rộng lớn, chân thật, hướng thượng.
Vì vậy, Đức Phật dạy trên bước đường tu, trong giai đoạn đầu, chúng ta nên cắt bỏ ái kiến, vì nó làm trở ngại cho tình thương trong sáng. Người tu cắt ái ly gia là từ bỏ gia đình thế tục và cắt bỏ ái kiến để nuôi dưỡng tình thương thuần khiết, chân thật, hướng thượng, rộng lớn. Cắt bỏ ái kiến tức bỏ ái nghiệp và phiền não là chính.
Đức Phật dạy Thanh văn tu hành, trong sạch hóa tâm, gạn lọc ái kiến, dứt hết phiền não bằng cách quán sát mọi việc, mọi người trên cuộc đời này là Không, không có gì đáng bận tâm. Vì vậy mà nhiều người tưởng lầm rằng người tu không có tình thương.
Không phải người tu không có tình thương, nhưng ở giai đoạn tu Thanh văn, nếu sử dụng tình thương thì sẽ khó tiến tu; vì tình thương làm cho chúng ta phải cưu mang cái nghiệp của người khác, trong khi trí tuệ và phước đức chúng ta còn yếu kém, không thể gánh vác thêm nghiệp.
Biết rõ tình thương không giúp ích gì được cho người, mà chỉ làm khổ người và mình, nên cắt bỏ ái kiến này, nhưng giữ lại cốt lõi của tình thương là tâm từ bi.
Kinh Pháp Hoa gọi đó là thệ nguyện an lạc, nghĩa là bây giờ chúng ta chưa giúp được người, nên hẹn lại khi nào thành tựu đạo quả sẽ trở lại cứu giúp chúng sinh. Xưa kia, Đức Phật trên bước đường tìm chân lý, chưa đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác, Ngài cũng từng thệ nguyện sẽ cứu độ tất cả chúng sinh hữu duyên.
Trên bước đường tu, chúng ta quán pháp Không, trở thành vô tâm, để trở về với tâm trong sáng, thuần tịnh gọi là bạch tịnh thức. Từ bản thể thanh tịnh đó, chúng ta mới phát tâm đại bi, tức tình thương cao tột thuần khiết thương yêu muôn loài một cách bình đẳng. Nhờ gạn lọc phiền não nhiễm ô, tâm trở thành thanh tịnh, trong sáng, tương thông được với tâm thánh thiện của chư Phật, chư Bồ tát, thì tình thương của chúng ta cũng được phát huy theo hướng cao quý của các Ngài.
Bấy giờ, lưu xuất từ bản thể thuần khiết mà nhìn xuống thế giới sinh diệt khổ đau của chúng sinh, chúng ta cũng khởi tâm đại bi, thương yêu tất cả chúng sinh muôn loài như Đức Phật và chư Bồ tát vậy. Đó là tình thương trong sáng, không có ái kiến, không nhiễm ô, chỉ muốn cứu giúp tất cả mọi người mà không có đòi hỏi nào cho riêng mình; khác với trước kia, thương người nhưng muốn người phải lệ thuộc mình, buộc người phải làm lợi cho mình, nên mình và người đều bực tức, phiền muộn, khổ đau.
Câu chuyện sau đây nói lên năng lực kỳ diệu của tình thương trong sáng mà Đức Phật đã hướng dẫn các vị Tỳ kheo thực tập để hóa giải tâm sân hận và nỗi sợ hãi. Một hôm, Đức Phật bảo một nhóm tu sĩ vào rừng Thiền định.
Rất nhiều vong linh ở trong khu rừng đó đã nổi giận vì sự có mặt của các tu sĩ này; vì thế, họ đã hiện ra những hình dáng ghê sợ với mùi hôi thúi và những tiếng gào thét kinh khủng để dọa nạt và đuổi các vị này ra khỏi khu rừng.
Các tu sĩ đã hoảng sợ và chạy về xin Đức Phật cho đến khu rừng khác để Thiền định. Đức Phật dạy những vị này phải trở lại khu rừng đó để thực tập từ bi quán. Kết quả là năng lượng từ bi của các vị tu sĩ đã cảm hóa được các vong linh một cách nhẹ nhàng. Họ đã chuyển đổi tâm sân hận thành sự săn sóc, phục vụ các vị Tỳ kheo này một cách nhiệt tình.
Tóm lại, tâm của Đức Phật và chư Bồ tát hoàn toàn thuần khiết, vô ngã vị tha và việc làm của các Ngài trên cuộc đời chỉ nhằm phục vụ chúng sinh với tất cả tấm lòng thương yêu vô bờ bến. Các Ngài đã dồn tâm trí và năng lực vào việc giúp người trưởng thành, thăng hoa tri thức, đạo đức, tạo thành quyến thuộc Bồ đề mỗi ngày nhiều hơn, phát triển Tịnh độ của các Ngài tốt đẹp hơn, rộng lớn hơn. Tất cả những công đức vô lượng này thành tựu nhờ phát xuất từ tâm đại bi, tức tình thương cao tột thuần tịnh của bậc đại giác.
Ngày nay bước theo dấu chân Phật, chúng ta ý thức sâu sắc rằng bản chất của tình thương hoàn toàn trong sáng, chỉ vì nghiệp tham sân si và hoàn cảnh bên ngoài tác động, tình thương của con người bị biến chất, nhiễm ô, dẫn đến hành động sai lầm, khổ đau.
Để trở về bản thể của tình thương thuần khiết, cao thượng, chúng ta thể nghiệm giáo pháp Phật, sẽ thanh tịnh hóa được thân tâm, cho đến phát huy được tâm thuần tịnh, từ đó lưu xuất tình thương trong sáng, rộng lớn như Đức Phật và chư Bồ tát.
Và khi chúng ta thành tựu quả vị Phật, tình thương cao quý tột đỉnh này sẽ tỏa ra năng lực cảm hóa chúng sinh trong mười phương Pháp giới một cách kỳ diệu, vượt ngoài không gian và thời gian. Vâng, đó chính là tâm đại bi của Đức Phật Thích Ca trải qua hơn 25 thế kỷ đã, đang và mãi mãi vẫn là chỗ nương tựa thật sự bình an, giải thoát và tràn đầy hỷ lạc cho cả nhân loại.