Hoang tàn
Cụm kiến trúc này bao gồm 2 kiến trúc chính: một đền tháp Chăm và 1 ngôi chùa Việt. Chùa này có từ thời các triều đại phong kiến Việt Nam (?), đến năm 1960 bị phá hỏng, chỉ còn chánh điện. Tháng 10/2005, với việc xây dựng chùa mới, khu chánh điện bị dỡ bỏ. Do sự chung tay của 2 làng Chiêm Sơn và Trà Kiệu trong việc tu bổ chùa từ năm 1960 đến nay, nên chùa có tên là Trà Sơn (ghép tên 2 làng). Nhưng tên gọi nguyên thủy của chùa là chùa tháp Dương Bi bởi phía sau chùa có một tháp Chăm tên Dương Bi, tháp này bị đổ hoàn toàn vào năm 1978.
Ngôi chùa Trà Sơn “hiện đại” đang thi công dở dang
Về thăm chùa Trà Sơn, du khách sẽ thấy trên một gò đất cao sau chùa, có một nền móng vương vãi gạch Chăm. Theo ông Lưu Công Minh, Trưởng ban Hộ tự chùa Trà Sơn, trên gò đất này, từ năm 1978 trở về trước có một ngọn tháp Chăm giống nguyên si tháp Bằng An ở Điện Bàn nhưng quy mô lớn hơn. Ngoài ra, cách 50m từ ngôi tháp này theo 2 hướng Bắc – Nam còn có 2 tháp nhỏ với kiến trúc tương tự, bị sụp đổ trong thời kỳ kháng Pháp. Còn về ngôi chùa, trước đây có một cổng tam quan rất đẹp, đến năm 1978 bị sụp hoàn toàn theo đà sụp đổ của tháp Dương Bi. Ngoài ra, cả cụm kiến trúc chùa và tháp này được bao bọc bởi một bức thành gạch Chăm với bề cao gần 2m, chu vi tạo thành một diện tích khoảng 5.200m. Bức thành cũng bị sụp đổ vào năm 1978, giờ chỉ còn phần móng.
Theo sự mô tả của người dân địa phương, chánh điện chùa tháp Dương Bi (tồn tại đến năm 2005) gồm 2 dãy nhà 3 gian, vòm cuốn, nối mái theo kiểu trùng thiềm điệp ốc; toàn bộ trính cột đều bằng đá xanh bóng nhẵn. Như vậy, đây là một ngôi chùa Việt. Còn tháp Dương Bi: giống hệt tháp Bằng An (Điện Bàn, Quảng Nam), hình linga, cao khoảng 30m, nền tháp hình lục giác có đường kính khoảng 20m. Mặt tháp xoay về hướng Đông, bên trong tháp rỗng, có một bệ thờ (tượng của vị thần – vua – người được thờ bị mất từ lâu).
Cụm kiến trúc tháp – chùa này tồn tại những bí ẩn: vì sao phía trước ngôi tháp Chăm lại có ngôi chùa Việt? Hai kiến trúc này có tự thời nào? Nói như bà Lưu Thị Hiền Phương, Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, tìm đỏ mắt trong các tư liệu vẫn không tìm thấy câu nào nói về cụm chùa – tháp này.
Những giả thuyết
Tháp Dương Bi rất giống tháp Bằng An. Như vậy có thể “liên tưởng” đến sự tương đồng về niên đại của 2 tháp. Nhưng niên đại của tháp Bằng An vẫn là một dấu hỏi. Tổng hợp những nhận định của các nhà nghiên cứu H.Partimentier, P.Stern, Trần Kỳ Phương, Ngô Văn Doanh sẽ có nhận định: tháp Bằng An và Tháp Dương Bi có niên đại “dao động” từ nửa cuối thế kỷ IX, khi vua Chăm Inđravarman II lập nên vương triều Indrapura (875-982) đến đầu thế kỷ XIII, tức thời kỳ đầu của vương triều Vajya (986-1470). Ở giai đoạn này, do ảnh hưởng của văn hóa Khme, trong kiến trúc Chămpa xuất hiện 1 kiểu tháp gần giống với các Prasát Khơme (phong cách Byon), với kiến trúc bên trên hình cong chứ không phân tầng, tháp Bằng An và Dương Bi là một điển hình.
Những công nhân đang thi công chùa Trà Sơn và những viên gạch Chăm vương vãi bên cạnh
Câu chuyện còn lưu truyền ở làng Chiêm Sơn: Ngày xưa, người Chăm và người Việt thi nhau dựng tháp, ai dựng tháp cao hơn thì làm chủ đất. Người Chăm dựng tháp Dương Bi, người Việt thì chặt tre, dán giấy làm thành 1 cây tháp cao hơn tháp Dương Bi. Cuối cùng, người Việt làm chủ đất Chiêm Động, còn người Chăm phải dời về phương Nam (!). Câu chuyện nói về sự hình thành tháp Dương Bi, nếu khoanh đoạn trong giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XIII sẽ khiến “liên tưởng” đến sự kiện: Năm 982, vua Lê Đại Hành thân chinh đánh Chiêm, giết vua Phê Mỹ Thuế, buộc Chiêm Thành dời đô từ Inđrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) về Vijya (Bình Định). Nhưng, đây là một chuyện nói về sự ra đời tháp Dương Bi, hay nói lên chủ quyền của người Việt đối với đất Chăm?
Ông Minh cho biết, tháng 10/2005: “Khi phá dỡ ngôi chùa cổ để xây dựng chùa mới, trong quá trình đào móng, những người thi công đã phát hiện 2 lớp móng nằm sâu dưới lòng đất: lớp móng thứ nhất xếp bằng gạch Chăm, không có mạch vữa, hình chữ nhật, bề rộng 12m, dài 20,8m. Lớp móng thứ hai xếp chồng lên lớp móng thứ nhất, bằng đá, có vôi vữa kết dính”. Rõ ràng, lớp móng thứ nhất thuộc 1 kiến trúc của người Chăm có mối quan hệ với kiến trúc tháp Dương Bi. Còn lớp móng thứ 2 thuộc 1 kiến trúc của người Việt, được xây dựng sau kiến trúc tháp. Có thể lý giải sự hình thành lớp móng thứ nhất: Thông lệ, khu tôn nghiêm của bất kỳ một đền tháp Chăm nào cũng bao gồm 1 tường thành bao bọc xung quanh, có 1 tháp trung tâm xoay về hướng Đông, có thể có 2 tháp nhỏ nằm 2 bên của tháp trung tâm theo trục Nam – Bắc; trước tháp trung tâm bao giờ bao giờ cũng có 1 kiến trúc nằm dài theo hướng Đông – Tây, là nơi chuẩn bị đồ tế thần. Cụm tháp Dương Bi cũng có một tháp trung tâm, 2 tháp nhỏ 2 bên, cũng có tường thành bao bọc. Như vậy, hẳn phần móng này chính là một phần của kiến trúc trước tháp Dương Bi dùng làm nơi chuẩn bị đồ tế lễ?
Còn lớp móng thứ 2 chắc chắn là lớp móng của kiến trúc hoàn chỉnh ngôi chùa tháp Dương Bi, bởi theo lời kể của ông Minh, lớp móng này tiếp nối và ăn khớp với lớp móng của khu chánh điện chùa bị dỡ bỏ năm 2005. Việc xếp chồng 2 lớp móng Chăm – Việt tạo một “liên tưởng”: Khi người Việt đến định cư lập làng đã phá bỏ kiến trúc dùng làm nơi chuẩn bị đồ tế lễ (hay kiến trúc này bị hư hại từ trước?) để dựng cho mình một ngôi chùa. Do sự khoan dung tôn giáo, người Việt vẫn giữ lại ngôi tháp Dương Bi, còn lấy tên tháp đặt tên cho chùa. Vậy, ngôi chùa Việt này có tự thời nào? Theo tư liệu của ông Nguyễn Đình Bảy, Phó ban hộ tự chùa Trà Sơn, chùa được dựng bằng tranh tre do cư dân vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh theo chúa Nguyễn vào Nam dựng nghiệp vào thế kỷ XVI; đến thời Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), mới được xây dựng bằng gạch đá. Nhưng theo ông Bảy, tư liệu này cũng không lấy gì làm chắc cho lắm.
Chùa Trà Sơn bây giờ có phần móng được xếp chồng lên 2 lớp móng trước đó. Như vậy, chùa có 3 lớp móng của 3 “thế hệ”: Chăm – Việt xưa – Việt nay; lịch sử ngôi chùa – tháp đã vùi lấp theo những lớp móng. Trụ trì chùa Trà Sơn, Đại đức Thích Nhuận Tường ngậm ngùi: “Cổ vật trong chùa đều bị đánh cắp, tháp Dương Bi đã không còn, chùa xưa cũng bị dỡ bỏ. Người dân tuy luyến tiếc về ngôi tháp cùng chùa này nhưng chỉ biết chúng có từ rất lâu, từ thời Chăm…”.
Huyền sử thành hoang sử. Di tích thành biệt tích. Nhìn gạch Chăm vương vãi bên một ngôi chùa đang thi công dở dang, mấy ai không chạnh lòng…