Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Chính – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Minh Tín – Ủy viên HĐTS, Phó BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Hiệu trưởng Trường trung cấp Phật học Hà Nội; Thượng tọa Thích Trí Như – Ủy viên thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường trung cấp Phật học Hà Nội; Thượng tọa Thích Minh Tuấn – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Cố vấn Ban giám hiệu Trường trung cấp Phật học Hà Nội; Thượng tọa Thích Đạo Phong – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Minh Trí – Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban thông tin truyền thông GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Đạo Thịnh – Ủy viên dự khuyết HĐTS, Phó trưởng Ban hướng dẫn Phật tử TW cùng chư tôn đức Tăng Ni thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Ban giám hiệu trường Trung cấp Phật học Hà Nội, chư tôn đức nghiệp sư của các vị Tăng Ni sinh và sự tham dự của chư vị Tăng Ni sinh khóa IV lớp sơ cấp trường Trung cấp Phật học Hà Nội.
Mở đầu chương trình, Thượng tọa Thích Trí Như – Phó hiệu trưởng thường trực Trường Trung cấp Phật học Hà Nội đã đọc diễn văn khai mạc và báo cáo tóm tắt tuyển sinh sơ cấp khóa IV.
Theo đó, nhà trường đã làm thủ tục nhập học cho 101 Tăng Ni sinh và chia làm 2 lớp: Lớp Tăng 50 vị và lớp Ni 51 vị. Có 94 Tăng Ni trong thành phố và 7 vị là Tăng Ni các tỉnh bạn gửi theo học. Thời gian học sơ cấp là 2 năm, với tổng mỗi năm học khoảng 405 tiết, tương đương 81 buổi học.
Lớp sơ cấp là cơ sở, tiền đề cho hệ Trung cấp Phật học sau này. Vì vậy chương trình giảng dạy cần phù hợp với thời gian, đối tượng, tránh sự chồng chéo. Đối tượng tham dự lớp sơ cấp Phật học chủ yếu là hình đồng mới hoàn tất thủ tục xuất gia. Người mới sơ tâm xuất gia cần được dạy bảo, hướng dẫn về uy nghi phép tắc, các thời khóa tụng niệm cơ bản của thiền gia…nhưng cũng cần có sự kèm cặp thường xuyên của Thầy Tổ. Để phù hợp cho việc học tập, đi lại của Tăng Ni sinh, các lớp Sơ cấp khóa IV mỗi tuần chỉ học 3 buổi (thứ 5, thứ 7 và chủ nhật) có thể thay đổi theo lịch của giảng sư để đảm bảo chương trình.
Trong không khí hân hoan của lễ khai giảng, Thượng tọa Thích Minh Tín đã đánh những hồi trống khai trường như báo hiệu cho toàn thể tăng, ni sinh biết khóa IV đã bắt đầu, đòi hỏi các tăng ni sinh cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công tác tu học để có thể làm lợi lạc tự thân, góp phần xây dựng Giáo hội và đem lại lợi lạc cho chúng sinh.
Tiếp theo, Tăng sinh Thích Nhật Trí đã đại diện cho chư vị Tăng Ni sinh lớp sơ cấp đối trước chư tôn đức chứng minh và chư tôn đức Ban giám hiệu nhà trường dâng lời phát nguyện tu học tinh tấn, quyết tâm hoàn thành khóa học xuất sắc nhất.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới đại chúng, bày tỏ niềm vui mừng khi Phật giáo Hà Nội đang làm được nhiệm vụ mà Đức Phật và chư Tổ đã giao phó đó là “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”. Đây cũng chính là một tín hiệu tốt lành cho thấy Phật giáo vẫn đang phát triển từng ngày khi liên tục hiển lộ những mầm non tương lai của Phật pháp. Hòa thượng chúc mừng các vị nghiệp sư đã phát bồ đề tâm vì sự hoằng truyền chính pháp của Đức Thế Tôn mà kham nhẫn tiếp độ cho những thiện nam tín nữ xuất gia. Hòa thượng cũng tri ân Thượng tọa Viện chủ chùa Đại Từ Ân, cũng như tán thán công đức của Ban giáo dục Phật giáo thủ đô và Ban giám hiệu Nhà trường đã thay mặt cho chư vị nghiệp sư làm người Thầy giáo dục Tăng Ni sinh trên giảng đường. Hòa thượng mong muốn quý chư tôn đức Ban giám hiệu Nhà trường cùng Ban giáo dục Phật giáo thủ đô cố gắng hi sinh “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Bởi lẽ đây chính là việc “Thiệu long thánh chủng”, để Phật pháp được trường tồn nơi thế gian. Đặc biệt, Nhà trường và chư vị nghiệp sư cần có sự kết nối thường xuyên, qua sổ liên lạc để cập nhật tình hình tu học của các Tăng Ni sinh.
Hòa thượng cũng nhấn mạnh “Nhà trường chỉ dạy được các cháu ở trường học. Còn chư vị nghiệp sư là thay cha mẹ chăm sóc và dạy dỗ các cháu từ khi mới bắt đầu vào chùa. Khi các thiện nam tín nữ phát nguyện xuất gia đều phải từ thân cắt ái. Vì vậy, mỗi vị nghiệp sư đều phải cố gắng hết lòng vì con trẻ, là người cha, người mẹ và người thầy mẫu mực. Nuôi dạy đệ tử ngoan và trở thành vị Tăng tài xây dựng GHPGVN phát triển, đồng hành cùng dân tộc”.
Đối với các vị Tăng Ni sinh lớp sơ cấp, Hòa thượng sách tấn “mình phát bồ đề tâm xuất gia thì phải giữ tâm kiên cố, tu tới nơi tới chốn, giới đức trang nghiêm. Cần noi gương chư Phật, chư Tổ để nỗ lực tu và học, đừng phản bội chí nguyện xuất gia của mình. Người xuất gia ăn thanh đạm, mặc nâu sòng, tâm thảnh thơi. Các con bỏ cha mẹ đi thì phải coi thầy như cha mẹ. Các thầy cũng phải coi các con như con của mình, thầy trò thương nhau. Trò phải nghe thầy, phụng sự Phật hầu thầy. Các con đi vào nhà trường thì phải tuân thủ nội quy của nhà trường, luôn giữ giới luật trong từng oai nghi đi đứng nằm ngồi, cố gắng tranh thủ tuổi trẻ để chăm chỉ học tập, làm sao để sống có ích cho đạo cho đời”. Cuối cùng, Hòa thượng mong muốn nhà trường, nghiệp sư và các tăng ni sinh tuy 3 mà là 1, tất cả phải cùng nhau kết hợp nỗ lực phát bồ đề tâm tinh tiến, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức để xây dựng nền giáo dục Phật giáo vững mạnh, phát triển.
Diệu Tường