Trang chủ Tin tức Hà Nội: Khai hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi...

Hà Nội: Khai hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Sáng 15-3, tại cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, Hà Nội), Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

453

Quang lâm tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP Hà Nội, Thượng tọa Thích Đạo Thông – Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN quận Hai Bà Trưng; Ni trưởng Thích Đàm Hiếu – Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Phó BTS đặc trách Ni giới GHPGVN quận Hai Bà Trưng, Trụ trì chùa Viên Minh.

Về phía chính quyền có sự tham dự của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền.

Tham dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố và quận Hai Bà Trưng.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhân dân địa phương và khách thập phương đã tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán ra khỏi bờ cõi đất nước, khôi phục “nghiệp xưa họ Hùng”, độc lập, tự chủ cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tình cảm mỗi người dân Việt như một huyền thoại, Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí vươn lên và tinh thần quật khởi – “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Trưởng ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo, hiên ngang phủ nhận cường quyền phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa làm chấn động cả cõi trời Nam và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa lịch sử này cũng đã khắc dấu son đầu tiên, khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ Việt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm vẻ vang, rạng danh non sông đất nước.
Tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng và các danh tướng, nghĩa sĩ, khắp trên cả nước, đâu đâu cũng có di tích gắn với cuộc khởi nghĩa lịch sử, với hoạt động lễ hội kỷ niệm được tổ chức thường niên, góp phần gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục lịch sử cho các thế hệ.

Trong đó, quần thể đền, chùa, đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích đặc sắc hiếm có tại trung tâm Thủ đô, mà nổi bật là đền Hai Bà Trưng với kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trong đền hiện lưu giữ nhiều di vật quý, như: 27 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, tám pho tượng thờ, hai tấm bia đá cổ ghi sự tích Hai Bà Trưng, hai bộ kiệu thời Nguyễn. Với những ý nghĩa và giá trị về lịch sử, năm 2019, Di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng với di tích quốc gia miếu thờ Hai Bà Trưng, phường Bạch Đằng, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng là điểm tham quan thường xuyên của du khách gần xa. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn lưu mãi sử xanh. Quận Hai Bà Trưng sẽ vững bước tiến lên, mãi mãi xứng đáng là quận được vinh dự mang tên hai vị nữ anh hùng của dân tộc.

Lễ hội chính năm nay diễn ra vào ngày 15-3 (tức ngày 6 tháng Hai âm lịch) gồm các hoạt động: Lễ dâng hương và lễ cấp thủy trên sông Hồng theo truyền thống tín ngưỡng. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động vui chơi truyền thống, biểu diễn văn nghệ nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Diệu Tường – Quảng Châu