Bài viết “Hai ngôi chùa lớn…” của tôi là một bài thử nghiệm trình bày các vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện đại bằng thể ký, một thể loại có thể coi là nằm ở khoảng giữa báo chí và văn học.
Bài viết theo thể ký đó lại khá thành công, được nhiều bạn đọc quan tâm, phản hồi, bình luận với nhiều ý kiến nhiều chiều, phong phú, đa dạng. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ dành một tỷ lệ thích hợp bài viết của mình theo thể ký, để tìm một hướng mới phục vụ bạn đọc, tạo được sự quan tâm của công chúng, góp phần phát hiện và giải quyết Phật sự, bồi đắp tích lũy công đức.
Dưới đây xin giới thiệu một bài ký mới.
1
Hoàng hôn xuống, đó là lúc ngày tàn. Hoàng hôn tự nó luôn mang trong nói một nỗi buồn vãn cuộc, tàn tạ, cô quạnh, mất mát. Càng buồn hơn khi hoàng hôn xuống trên mái những ngôi chùa. Nắng chiều làm quạnh quẽ, u liêu, trầm tịch hơn những mái chùa cong rêu phong, nghiêng ngã với thời gian.
Chùa Ấn Quang, ngôi chùa thân yêu của tôi quay mặt về hướng đông, nên nắng chiều tắt sớm. Trời vừa ngã xế, nắng chiều le lói hai bên hành lang, rồi yếu ớt rơi nhanh với những bóng nắng cuối cùng trên cổng. Mái chùa không nắng lặng buồn.
Nhưng chùa Ấn Quang có hoàng hôn tươi vui, rộn ràng, hứng khởi. Đó là hoàng hôn đêm trước ngày Phật đản, hoàng hôn ngày 14 tháng tư âm lịch hàng năm. Hoàng hôn chờ đón xe hoa Phật đản. Hôm ấy, càng về chiều, sân chùa Ấn Quang càng đông dần lên. Rồi hoàng hôn ngày 14 tháng tư âm lịch là lúc chùa Ấn Quang đông vui nhất. Đó là lúc các xe hoa Phật đản bắt đầu lên đèn rồi tập họp về trước cổng chùa.
2
Tôi được dẫn đi chùa từ bé và rất thích đi chùa. Điểm đi chơi đầu đời của tôi là những ngôi chùa, không phải công viên, khu giải trí, siêu thị… như trẻ em bây giờ. Ý thức về những chuyến đi đầu tiên của tôi là ý thức về tượng Phật. Tượng Phật uy nghi chùa Ấn Quang. Tượng Phật hiền từ ở chùa Từ Nghiêm. Tượng Phật A Di Đà gần gũi trong sân chùa Pháp Hoa…
Nhà tôi gần chùa Từ Nghiêm, mà cũng gần chùa Ấn Quang. Tôi thích đi chùa Ấn Quang hơn, vì chùa có sân khá rộng, có thể chạy giỡn, nô đùa. Chùa Ấn Quang lúc nào cũng tấp nập, không lặng lẽ, kín đáo như chùa Từ Nghiêm, là một chùa Ni. Bà ngoại tôi thương tôi, cũng muốn dẫn tôi đi chùa Ấn Quang, nhưng vì cậu hai tôi không bằng lòng, nên bà đành dẫn đi chùa Từ Nghiêm ngày rằm, mồng một, ngày sám hối và cả những ngày chủ nhật.
Bà tôi khi sống với gia đình tôi, khi sống với gia đình cậu hai tôi, nên đành nghe theo lời cậu. Cậu tôi là người cải đạo và do đó rất khó chịu với Phật giáo lúc bấy giờ.
Cậu tôi cải đạo sang một tôn giáo mới là Thông thiên học. Ông là giáo viên Anh văn trung học, mở trường tư, cộng tác với Tin lành để mở đại học của đạo này là Đại học Tri Hành. Khi theo Thông thiên học, ông cũng là một chức việc gì đó, có thuyết giảng ở trụ sở Hội Thông thiên học đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, thường ép bà tôi đi nghe giảng. Bà tôi lại không thích tôn giáo mới này, muốn đi chùa lễ Phật và chiều ý tôi, đến Ấn Quang.
Thế là cậu tôi cấm, vì khi đó ở Ấn Quang thường xảy ra biểu tình và có mâu thuẫn với Việt Nam Quốc Tự. Cứ thấy bà ngoại tôi định đi chùa thì cậu tôi ngăn cản, bài xích. Cậu hai tôi căm ghét Phật giáo Ấn Quang tột độ, cứ nói thầy chùa phái Ấn Quang “giả dối”, “làm chính trị”, “mê hoặc người”, “kích động”, “lường gạt”…, rồi “thầy chùa lửa”, “thầy chùa cọp”. Bà tôi muốn dẫn tôi đi chùa Ấn Quang thì phải đi lén, nói đi chùa Từ Nghiêm rồi dẫn tôi đi cả chùa Ấn Quang. Bà tôi lẳng lặng chịu đựng, tin kính Tam Bảo
Gia đình tôi chịu sự bất hạnh chia rẽ tôn giáo nặng nề do cải đạo. Những người trong thân tộc cải đạo lại là những người bài Phật giáo cực đoan nhất. Mợ tôi cũng cải đạo sang Thông thiên học, lại đồng thời theo một tôn giáo mới khác là đạo “vô vi cô Năm”. Bà cũng bài xích đạo Phật, tăng ni, mà mê lên đồng, nhập bóng, giáng cơ.
Đáng sợ hơn, cậu mợ tôi không chỉ căm ghét, mà khinh miệt tăng ni, nhất là những nhà lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang. Anh chị cô cậu hầu như bị cấm đến chùa, mua sách thầy Nhất Hạnh về xem cũng không được, nên không ai theo đạo Phật. Chỉ có bà tôi thầm lặng dẫn tôi đi chùa Ấn Quang.
Cho đến khi xảy ra sự kiện “tái chiếm Việt Nam Quốc Tự”, có Phật tử thiệt mạng, bà tôi rất buồn và không dẫn tôi đi chùa Ấn Quang nữa. Chùa Ấn Quang đối với tôi trở thành một nỗi nhớ, một hoài niệm.
3
Nhưng trừ ngày trước lễ Phật Đản, bắt đầu từ hoàng hôn, vì xe hoa Phật đản các nơi tập họp về chùa Ấn Quang. Buổi chiều 14 tháng tư âm lịch tôi được bà ngoại dẫn đi chùa Ấn Quang. Cậu mợ tôi ngăn cản quyết liệt. Nhưng bà ngoại tôi cũng kiên quyết không kém. Một năm mới có một lần. Từ trưa, tôi đã nôn nao, thay quần áo, mường tượng đến những chiếc xe hoa lộng lẫy, rực rỡ, với hình tượng đức Bổn sư sơ sinh tươi vui, ,mỉm cười nhìn xuống mọi người, một nụ cười an lạc, hoan hỷ, chia sẻ. Rồi những chiếc xe hoa trang trí đủ kiểu dáng, đủ màu sắc chầm chậm lướt qua cổng chùa. Chao ôi, không có gì tuyệt hơn thế, vui hơn thế. Mỗi năm có một ngày.
Những dịp Phật đản đi chùa Ấn Quang bà tôi rất vui. Bà tôi dẫn tôi đứng hàng giờ trước lễ đài với nhiều chục ngàn người nghe Hòa thượng Thiện Hoa thuyết pháp.
Dù còn nhỏ, trong dịp lễ Phật đản khoảng năm 1971 hay năm 1972, tôi vẫn hiểu được lời hòa thượng giảng. Hòa thượng nêu vấn đề là người lãnh đạo tôn giáo thì trước hết phải vì tăng ni Phật tử. Hòa thượng đưa ra một ví dụ rất dễ hiểu, xưa Đức Phật bỏ lên rừng tu hành thành đạo, nay tại sao hòa thượng không thể làm như thế cho không vướng mắc? Câu trả lời là chính vì trách nhiệm trước tăng ni Phật tử, vì nguyện vọng của tăng ni Phật tử. Do đó, Hòa thượng phải ở lại đây giữa phố phường chật hẹp xô bồ, để thuyết giảng, để tổ chức đại lễ Phật đản, để làm lễ đài, xe hoa.
Ngày đó, đêm 14 tháng tư âm lịch, sau khi xe hoa đã đi, đoạn đường Sư Vạn Hạnh trước chùa Ấn Quang được dành hết cho người nghe pháp có lẽ vài chục ngàn. Tiếng người niệm Phật, hoan hô hòa thượng Thiện Hoa vang trời…
Bà ngoại tôi vô cùng kính trọng Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Bà nói một người toàn tài, còn một người toàn đức. Bà lo sau này khi nhị vị hòa thượng đã viên tịch rồi, thì liệu Phật giáo sẽ còn sinh khí, với hàng chục ngàn người nghe pháp, với đoàn xe hoa làm sáng rực thành phố?
4
Năm Phật giáo TPHCM tái lập xe hoa Phật đản, tôi khấn trước bàn thờ bà tôi: “Ngoại ơi, đã lại có xe hoa Phật đản rồi, chắc là đẹp lắm, sáng lắm, không kém gì hồi ngoại còn sống đâu. Ngoại về xem nhé”. Đến chùa Ấn Quang lúc hoàng hôn đêm trước ngày Phật đản, tôi có cảm giác ngoại tôi đi bên cạnh, mắt sáng rỡ chắp tay nhìn đoàn xe hoa Phật đản ngời sáng trong bóng hoàng hôn Ấn Quang. Đẹp quá! Hoan hỷ quá!
5
“Ngoại ơi, năm nay chùa Ấn Quang không còn xe hoa Phật đản nữa. Không hiểu sao mà các thầy lại làm thế? Chắc ngoại biết điều này thì sẽ buồn lắm. Con biết, ngoại sẽ nhắc tới thời của Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa…
Một hoàng hôn buồn sẽ phủ trên Ấn Quang đêm trước ngày Phật đản. Trong ánh nắng chiều tà, sẽ chẳng còn rực lên ánh đèn xe hoa Phật đản, mà sẽ chỉ là bóng đêm.
“Ngoại ơi, lần này mình không đi được chùa Ấn Quang, không coi được xe hoa Phật đản chẳng phải vì người cải đạo cấm cản, ngăn trở bà cháu mình mà vì chính các thầy tự hủy bỏ xe hoa Phật đản. Ngoại ơi!”…
MT
(1) Rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến cho bài bút ký này. Nội dung trao đổi riêng tư, xin email [email protected] hoặc facebook.com/cusiminhthanh. Xin chân thành cám ơn.