Trang chủ Blog chùa Hải Phòng: Khai mạc Lễ hội xuân Giáp Thìn và Đại lễ...

Hải Phòng: Khai mạc Lễ hội xuân Giáp Thìn và Đại lễ tưởng niệm Thánh tổ Non Đông tại chùa An Hồng

332

Sáng nay 22/02/2024 ( nhằm ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại chùa An Hồng ( Tổ đình Đông Sơn), xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã diễn ra buổi lễ khai mạc Lễ Hội Xuân “ Con về bên Phật” năm Giáp Thìn – 2024 và Đại lễ tưởng niệm Thánh tổ Non Đông Hạc giá quy Tây. 

Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Đại đức Thích Giác Hảo – Trưởng ban Ban Hoằng Pháp GHPGVN huyện An Dương, trụ trì chùa An Hồng, trưởng BTC đại lễ, cùng chư tôn đức Tăng Ni một số chùa trong và ngoài thành phố Hải Phòng, chư tôn đức trong chốn trụ xứ chùa An Hồng.

Về phía khách mời chính quyền có ông: Nguyễn Văn Sơn – Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch HĐND xã An Hồng; ông: Nguyễn Đức Lập – Chủ tịch UB MTTQVN xã; ông: Hoàng Văn Nguyên – Phí Bí thư thường trực Đảng ủy xã; ông: Vũ Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND xã, các ông bà đại diện cho HĐND, UBND, UB MTTQVN xã An Hồng, đông đảo qúy Phật tử gần xa, du khách thập phương và nhân đân địa phương.

Toàn cảnh đại lễ

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, Đại đức Thích Chánh Đức đã lên Phát biểu khai mạc Lễ hội xuân “Con về bên Phật” năm Giáp Thìn – 2024 và Đại lễ tưởng niệm Thánh tổ Non Đông PL. 2567 – DL. 2024. Theo đó, lễ hội xuân sẽ được tổ chức trong 3 ngày 22,23 và 24 tháng 2 năm 2024 ( tức ngày 13,14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Cụ thể trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, Ban tổ chức sẽ tổ chức khóa cộng tu, kinh hành, niệm Phật và tối rằm tháng Giêng sẽ diễn ra Đêm hội hoa đăng cầu nguyện Quốc thái dân an, thực hiện theo đúng thông bạch số 10/TB-HĐTS-VP1 ngày 08/01/2024 của Hội đồng trị sự GHPGVN và thông bạch số 21/TB-BTS ngày 02/02/2024 của Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng về việc tổ chức đón tết Nguyên đán Giáp Thìn – 2024. Đồng thời, toàn thể đại chúng đã ôn lại công lao của Thánh tổ Non Đông đối với đạo Pháp và Dân tộc. Để ghi nhớ công lao đó, chư Tăng Phật tử chùa An Hồng long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm Thánh tổ Non Đông hạc giá quy Tây.

Đại đức Thích Chánh Đức phát biểu khai mạc Lễ hội xuân “Con về bên Phật” năm Giáp Thìn – 2024

Dịp này, Ban Tổ chức đã cung tuyên tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của Thánh tổ Non Đông: Thiền Sư Tuệ Nhẫn nguyên là Vương Thiên Huệ, hiệu Quán Viên, pháp hiệu Tuệ Nhẫn, biệt hiệu là Thánh tổ Non Đông, quê tại Dưỡng Mông, Kim Thành. Cha mất sớm nhưng ngài có ý chí từ nhỏ, rất chăm chỉ học hành, thấu triệt các sách. 19 tuổi đi tu ở chùa Báo Ân, thụ giới với Thiền sư Nghĩa Trụ, Chân Giám . Không những là một vị cao tăng, thạc đức, Thánh Tổ còn là một lương y đã từng chữa khỏi bệnh đau mắt cho Vua Trần Minh Tông nên được phong là ông Mộng Đại Thánh. Ngài có công xây dựng nhiều chùa lớn như: Vĩnh Nghiêm (Chí Linh), Siêu Loại (Bắc Ninh), Đông Khê, Do Nha (Hải Phòng).

Đại đức Thích Giác Hảo – Trưởng Ban tổ chức ban đạo tử và chia sẻ cùng đaị chúng về công trạng của Thánh tổ Non Đông

Cuộc đời Thánh tổ được gắn với nhiều truyền thuyết huyền bí như chuyện Ngài phóng sinh cáy (Phóng Kỳ bồ tát), hay trong một đêm cất dựng 72 ngôi chùa (Thất thập nhị sở). Trong đó, chùa An Hồng là một trong số 72 ngôi chùa được Ngài xây dựng, hay chuyện Ngài báo hiếu mẫu thân, rồi chuyện Ngài cưỡi hạc về Tây (Hạc giá tây quy) khi Ngài vừa tròn 69 tuổi.

Gắn với ngày Ngài hạc giá Tây Quy, 72 ngôi chùa đều lần lượt tổ chức Lễ hội kỷ niệm để hướng về ngày hội Chùa Muống vào ngày 27 tháng Giêng hàng năm. Chùa An Hồng (Tổ đình Đông Sơn) là một trong những chùa đầu tiên tổ chức lễ hội đầu xuân và tưởng niệm ngày Thánh tổ Non Đông hạc giá quy Tây.

Chư tôn đức cử hành nghi lễ dâng hương, bạch Phật cầu nguyện Quốc thái dân an.

Ban đạo từ tại buổi lễ, Đại đức Thích Giác Hảo – Trưởng Ban tổ chức đã nói lên vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển chung của toàn xã hội trên phương châm “Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc” mà GHPGVN đã đề ra từ nhiều năm qua. Đồng thời, Đại đức đã kể lại những câu chuyện cảm động về Thánh tổ Non Đông. Đặc biệt là câu chuyện về hành động báo hiếu Thân mẫu của Ngài. Không những chỉ dưỡng thân – dưỡng tâm – dưỡng trí cho cha mẹ mà còn phải lo dưỡng huệ mạng cho cha mẹ ở kiếp sau. Đo đó, mỗi chúng ta cần phải học, nguyện noi theo hạnh của Ngài để trở thành những người con có hiếu; nguyện siêng năng, tinh tấn tu học, cống hiến, hộ trì hết mình cho Đạo pháp và Dân tộc.

Kinh hành niệm Phật tại chính điện chùa An Hồng

Trước khi kết thúc buổi lễ, toàn thể đại chúng đã tổ chức nghi lễ dâng hương bạch Phật, niệm Phật kinh hành tại chính điện cầu nguyện Thế giới hòa bình, Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, đất nước phồn vinh, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Sau đây là những hình ảnh ghi nhận:

Thanh thiếu niên Phật tử chùa An Hồng chuẩn bị cung nghinh chư tôn đức quang lâm

Cung nghinh chư tôn đức quang lâm tham dự buổi lễ

Niệm Phật cầu gia bị

Chư tôn đức Tăng Ni chứng minh

Đại biểu chính quyền

Đông đảo Phật tử về tham dự buổi lễ khai mạc

Đại đức Thích Chánh Đức tuyên đọc Diễn văn Khai mạc

Sư chú Thích Long Hạnh cung tuyên tiểu sử thành tổ Non Đông

Văn nghệ chào mừng

Toàn cảnh đại lễ

Dâng luc cúng dàng

Phật tử Thanh Sơn dẫn chương trình buổi lễ

Đại đức Thích Giác Hảo ban đạo từ tại buổi lễ

Phật tử xem trực tiếp lễ khai mạc màn hình lớn

Phât tử ngồi 2 bên cánh gà

Chư tôn đức cử hành nghi lễ dâng hương, bạch Phật

Kinh hành niệm Phật tại chính điện chùa An Hồng

Thực hiện: Thành Trung