Quang lâm chứng minh có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên thường trực HĐCM, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN, trụ trì chùa Tam Chúc; Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban từ thiện xã hội TW; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Minh Quang – Ủy viên thư ký HĐTS, Phó chánh Văn phòng TW GHPGVN, Phó trụ trì thường trực chùa Tam Chúc cùng chư Tôn đức giáo phẩm GHPGVN và chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam.
Đến dự Lễ Khai Xuân năm nay phía Trung ương có bà Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Hà Nam có các bà Lê Thị Thủy – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Đinh Thị Lụa – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trương Quốc Huy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các ông bà Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, cùng đông đảo du khách thập phương về dự lễ.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, khôi phục Lễ hội chùa Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm là niềm mong muốn của nhân dân, đồng bào phật tử địa phương; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, các giá trị văn hóa của quê hương, tạo điều kiện để nhân dân và Phật tử trong, ngoài nước đến với Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc.
Năm 2024 là năm thứ 6 chùa Tam Chúc tổ chức Hội Xuân. Năm nay, du khách được tham dự nhiều sự kiện đặc sắc, trong đó có đêm biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa mừng Đảng, mừng Xuân tại Trung tâm hội nghị quốc tế – Khu du lịch Tam Chúc đêm 20/2 (đêm ngày 11 âm lịch) và được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, các gian hàng đồ cổ, làng nghề truyền thống…
Phát biểu chào mừng lễ hội, ông Trương Quốc Huy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Với phương châm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, chủ trương phát triển du lịch đã được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề, các quy hoạch, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng với đó, tỉnh Hà Nam cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch thông qua việc tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế…
Trong bức tranh tổng quát về văn hóa, du lịch Hà Nam, danh lam thắng cảnh Tam Chúc là di sản tiêu biểu, độc đáo, có giá trị nổi bật và tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị văn hóa. Với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, khu du lịch Tam Chúc đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo bước đột phá cho ngành du lịch Hà Nam, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển du lịch của tỉnh.
Tại Lễ khai hội chùa Tam Chúc Xuân Giáp Thìn năm 2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Cup Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) lần đầu vinh danh tỉnh Hà Nam là một trong những điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023.
Sau phần khai hội, chư Tôn đức cùng quý vị lãnh đạo và toàn thể đại chúng đã thực hiện nghi thức thỉnh chuông, trống và lễ dâng hương cầu cho quốc thái dân an. Ngay sau đó, đoàn thực hiện lễ rước nước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc.
Chùa Tam Chúc là quần thể du lịch – văn hóa – tâm linh lớn nối liền giữa bốn tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình và Hòa Bình. Căn cứ vào một số di vật được tìm thấy dưới lòng hồ Tam Chúc và các câu chuyện dân gian còn được lưu truyền tại địa phương, cách đây hơn 1.000 năm vào thời Nhà Đinh, nơi đây là vùng đất Phật, với ngôi chùa Tam Chúc cổ kính, uy nghiêm và nhân dân địa phương hàng năm vào dịp đầu Xuân đều tổ chức lễ hội để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là chốn hội tụ của Tăng ni, Phật tử thập phương.
Một trong những nghi thức tâm linh quan trọng nhất là nghi thức rước nước – thể hiện lòng thành kính, tri ân chư Phật, thần, thánh, mẫu và nguyện mong mưa thuận gió hòa. Bắt đầu từ bến thuyền Trung tâm hội nghị quốc tế Vesak di chuyển ra giữa hồ Tam Chúc, chư tôn giáo phẩm và quý đại biểu thực hiện nghi thức lấy nước thiêng sau đó chuyển lên xe rước nước đến 3 địa điểm là Điện Tam thế, chùa Ngọc và chùa cổ Ba Sao.
Những nghi lễ truyền thống tại Lễ hội chùa Tam Chúc tiếp tục khẳng định Phật giáo luôn gắn kết giữa đạo với đời và đồng hành cùng dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước.
Được biết, trước giờ khai mạc Lễ hội xuân Tam Chúc, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã cùng quý chư Tôn đức giáo phẩm GHPGVN làm lễ dâng hương tại Điện Tam Thế chùa Tam Chúc.
Tổng hợp từ nhiều nguồn