Nhưng nói một cách công bằng, Đại hội kỳ này thành công cũng nhiều mà thất vọng thì không phải không có. Và mọi người vẫn đang chờ đợi một cuộc họp tổng kết thực sự để được lắng nghe những người lãnh đạo mới lên tiếng về những mặt được và chưa được đã diễn ra ở đại hội vừa qua…
Chúng ta đã nghe nói nhiều về vấn đề trẻ hóa lãnh đạo từ những bậc lãnh đạo giáo hội trên các phương tiện truyền thông trước khi đại hội diễn ra. Đặc biệt qua những con số cơ cấu có phần khá ấn tượng: 30% là bậc Hòa thượng, 40% là bậc Thượng tọa, 30% là bậc Đại đức trẻ. Nhưng khi nhìn vào danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ VI (2007-2012) được công bố mới thấy hết dư vị của những lời phát biểu đó. Danh sách HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VI gồm 195 thành viên (147 thành viên thường trực, 48 ủy viên dự khuyết).
Trong 195 thành viên có 80 Hòa thượng, 64 Thượng Tọa, 33 Đại đức, 6 Ni trưởng, 3 Ni sư, 1 Sư cô, 7 Cư sĩ và 1 Giáo sư. Tính riêng các bậc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức thì có 177 thành viên: 80 HT = 45%, 64 TT = 36%, 33 ĐĐ = 18,6%. Không kể số Cư sĩ là quá ít ỏi (7 vị, không có nữ cư sĩ), trong khi nhiệm vụ đưa Phật giáo vào nhân gian đáng lý phải được đặt trong trách nhiều hơn nữa ở nơi họ.
Nhìn vào con số 10 vị Ni (6 Ni trưởng, 3 Ni sư, 1 Sư cô) mới thấy chúng ta chưa thực sự khuyến khích giới Ni mạnh dạn hơn nữa trong việc dấn thân phụng đạo. Giáo hội rất cần có những hội thảo nghiêm túc về những con số qúa giới hạn này của Ni giới và cư sĩ. Bởi đó là “3/4 Chúng” quan trọng của Giáo hội ở bất kỳ thời đại nào.
Trở lại với con số 45% HT, 36% TT, 18,6% ĐĐ trong nhiệm kỳ này mới thấy nó cách rất xa với những phát biểu ban đầu. Và đáng lý ra khi công bố danh sách này, chúng ta cũng không nên tiết kiệm quá để cho một năm sinh, chức vụ kèm theo để mọi người tiện theo dõi.
Bỏ qua những điều vừa kể trên, chúng ta không thấy được tâm điểm thực sự nổi bật của Đại hội kỳ này, ngoài những bài phát biểu tâm huyết của một số cá nhân, đặc biệt một số bài viết của các cư sĩ trí thức. Đại hội kỳ VI vẫn còn đó những bài diễn văn kể lể, ca ngợi công đức và một chương trình hành động không có nhiều điểm mới nổi bật, mang tính chiếu lệ. Người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, và mọi người vẫn trông chờ sẽ có một cú hích vừa và đủ để con tàu Giáo hội có thể ra khơi trong một cuộc du hành mới.
Điều đáng khích lệ ở đại hội kỳ này là chức danh Phó chủ tịch HĐTS đã xuất hiện ở vài ba vị Hòa thượng, Thượng tọa có tuổi đời còn khá “trẻ” như Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Quảng Tùng.
Đó là những điều mong muốn “nếu” phép màu xảy ra. Còn hiện tại thì đã rồi, không thể thay đổi được. Điều đáng nói là GHPGVN vẫn chưa thực sự khuyến khích một thái độ từ chức. Bởi vì Giáo hội không phải là nơi để đề cao danh lợi, không phải là chỗ để tìm kiếm quyền hành chức vụ. Đó là nơi để cống hiến những giải pháp văn hóa tâm linh, để phụng sự chúng sinh và cúng dàng chư Phật.
Nhiệm kỳ 5 năm tuy ngắn ngủi so với một đời người, nhưng trong tốc độ phát triển nhanh chóng ở một nước đang phát triển như Việt Nam thì 5 năm là một thời gian quá dài, nhiều biến động khôn lường. Thời cơ chính là ở ngay thời điểm này đây, nếu không có những điều chỉnh và vận động mạnh mẽ từ bây giờ thì chỉ 5 năm thôi cũng đủ để chúng ta tụt hậu so với xã hội.
Chúng ta cứ thử đưa ra một con số thống kê trong 80 vị Hòa thượng trong HĐTS có bao nhiêu vị có thể hàng ngày tiếp cận được với công nghệ thông tin để xử lý các tình huống quan trọng của Phật giáo? Có bao nhiêu những thông tin báo chí, những lời đề xuất, đề nghị lọt được vào tai của những nhà lãnh đạo và được chuyển thành những chương trình hành động cụ thể? Có bao nhiêu những sáng kiến, sáng tạo xây dựng các mô hình từ hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, nghi lễ được trở thành những bản thảo quan trọng nằm trên bàn làm việc của những nhà lãnh đạo Phật giáo để từ đó tìm ra một hướng đi thiết thực hơn, sinh khởi hơn…
HĐTS phải là nơi quy tụ những ý kiến đóng góp (dù đôi khi trái chiều, nghịch nhĩ) thì mới có thể có những điều chỉnh thích hợp. Thực sự chúng ta vẫn chưa có những “đánh giá”, “thẩm định” hiệu quả hoạt động của những Ban Trị sự tỉnh thành để mạnh dạn điều chỉnh lại nhân sự tại những nơi có BTS hoạt động không hiệu quả, gây nhiều tai tiếng tiêu cực. Hàng năm, các BTS tỉnh thành cần phải có những chương trình hành động cụ thể chứ không phải hết một nhiệm kỳ, đại hội tỉnh thành diễn ra qua những báo cáo đơn điệu như một công thức của các ban, tiểu ban.
Nhiều những gương mặt trẻ trong nhiệm kỳ VI này cũng là những gương mặt khá quen thuộc với chúng ta. Tuy chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy cơ cấu nhân sự vẫn còn mang nặng tính “cha truyền con nối”, nhưng chúng ta vẫn trông chờ vào những điều mà các cụ xưa nói “con hơn cha là nhà có phúc”…
Và chúng ta có quyền hy vọng những người lãnh đạo trẻ có thể thoát ra khỏi “cái bóng” của chính mình để mạnh dạn hơn trong những ý kiến phát biểu, cống hiến ý tưởng để xây dựng giáo hội.
Đã không có những thay đổi từ bên trên thì tất yếu phải có những thay đổi từ bên dưới. Không có những thay đổi từ Giáo hội thì sẽ có những thay đổi tự phát ngoài Giáo hội. Thời đại sẽ thúc đẩy điều đó. Trọng trách nằm ấy trong tay những Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử trẻ năng động, sáng tạo, có tâm huyết với giáo hội và dân tộc.
Cho nên những gương mặt mới của giáo hội nhiệm kỳ VI có thể cũ về hình thức nhưng nhất định không thể cũ về nội dung. Thời đại không cho phép chúng ta tiếp tục cũ nữa. Bởi giáo hội không phải là nơi để chạy trọt chức vụ. Chức vụ là trọng trách, là nơi thực hiện những tâm nguyện rộng lớn, để dám nói dám nghĩ và dám làm, nếu không phải như vậy thì những người trẻ nên từ chối nó càng sớm càng tốt.
Bởi nếu không chúng ta lại giẫm theo bước của người đi trước, cứ ngồi hết năm, hết một nhiệm kỳ, hết hai ba nhiệm kỳ, và rồi chúng ta lại trở thành những người già nua trong tuổi tác, còm cõi trong nhận thức và cách làm, để lại những tổn thương niềm tin và tinh thần nơi 80% dân số là những người con Phật Việt Nam.
Hy vọng “bình cũ, rượu mới” sẽ xảy ra không chỉ ở những gương mặt trẻ mà ở tất cả những nhà lãnh đạo GHPGVN. Hy vọng ấy được đặt vào năm 2008 với Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và những chương trình hành động thiết thực sau đó.
Mọi người vẫn mong đợi Đại lễ ấy không chỉ là nơi tôn vinh Đức Phật và những giải pháp Phật giáo cho sự tiến bộ, hòa bình thế giới mà còn là dịp để tất cả mọi người chung sức đồng lòng, đoàn kết trợ giúp nhau, sáng tạo phục dựng lại một lễ hội vui tươi, nhộn nhịp có tuổi đời nghìn năm trên đất nước chúng ta. Để Đại lễ Phật đản thực sự trở thành Lễ hội tôn giáo, lễ hội đường phố mang tính tâm linh lớn nhất trong năm của người Việt.
Tương lai của GHPGVN đang nằm trong tay những nhân sự mới. Chúng ta đang đón chờ những điều chỉnh mạnh mẽ gần nhất và cụ thể nhất.