Trang chủ Diễn đàn Người ta đã lấy những giá trị của đạo Phật…

Người ta đã lấy những giá trị của đạo Phật…

68

Sau việc nhà thờ tổ chức cơm chay mà chúng tôi có dịp ghi nhận trong một bài viết trước đây, hay khái niệm “thiền công giáo” mà trên các diễn đàn mạng đã từng nói đến, để ý, chúng tôi nhận thấy một điều, là dường như, các từ có nội dung Phật giáo được sử dụng nhiều hơn trong những cố gắng cải đạo tín đồ Phật giáo.

Người ta cố gắng tiếp cận với tín đồ Phật giáo đã đành, nay dường như có biểu hiện muốn thể hiện tôn giáo đích của cải đạo luôn luôn hàm chứa trong đó những giá trị ưu việt của Phật giáo. Tức là, cải đạo thì không hề bỏ Phật giáo, mà là theo Phật giáo trong lòng một tôn giáo mới.

Cải đạo “để trải nghiệm an lạc”

An lạc là một khái niệm của Phật giáo. Ảnh hưởng của khái niệm an lạc từ Phật giáo đối với xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI trở nên hết sức sâu đậm với trước tác của Thiền sư Nhất Hạnh. Một số không ít người đã đến với đạo Phật từ động cơ tìm lấy sự an lạc cho chính mình. Khái niệm an lạc trở thành một thế mạnh của Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Nhà thờ dạy thiền, các tôn giáo trước đây coi thiền như một thứ xa lạ, dị giáo, nay khi đã nói đến thiền, thì không thể không nói đến an lạc như là một kết quả của thiền.

Nay chúng tôi không chỉ đọc thấy an lạc trong các sách vở tài liệu của các tôn giáo không phải là đạo Phật, mà từng đã được khuyên hãy tin vào một tôn giáo khác để tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn (?). Có những đoạn người gặp tôi thuyết phục cải đạo nói y như… sách của thầy Nhất Hạnh. Có khác chăng là khác nguyên nhân đưa tới sự an lạc. Một đàng thì tự mình hành trì mà có, một đàng thì đến từ… tình yêu của thượng đế. Người thuyết phục tôi cải đạo thường xuyên lặp lại lời khuyên cứ thử nghiệm an lạc trong việc tham gia những sinh hoạt với họ, gồm có cả điều mà họ miêu tả là không khác gì thiền, chỉ là có thêm tình yêu của thượng đế mà thôi.

Đọc một số tài liệu của các tôn giáo khác để lý giải chuyện này, chúng tôi đã có thể có những phát hiện bước đầu cơ chế của sự việc.

Tình trạng các cơ sở tôn giáo ở phương Tây ngày càng thưa vắng tín đồ, hiện tượng “khô đạo”, “nhạt đạo” ở các nước Âu Mỹ trở nên phổ biến được lý giải là do việc quá chú trọng vào hoạt động phụng vụ, tức làm các bí tích, có thể hình dung là đơn thuần chỉ lo cúng tế, lễ lạc, thờ phụng, không quan tâm đến nhu cầu của người theo đạo. Họ cho rằng thành công bước đầu của các tôn giáo du nhập gần đây vào phương Tây là do hoạt động của các tôn giáo đó đặt nặng lợi ích của người theo đạo. Vì vậy, cần có sự chuyển hướng tích cực trong các hoạt động, nếu họ muốn bảo tồn và phát triển.

Kết quả là như ta đã thấy, thánh đường cũng có cơm chay như chùa, cũng nói đến thiền, cũng gom vào cả mục tiêu an lạc hiện tiền, an lạc bây giờ ở đây…

Chắc chắn, những cái gì hay, gì hơn sớm muộn cũng được họ lấy đi. Nhưng đưa vào nguyên vẹn thì không coi được, cho nên phải có cải biên, biến đổi đôi chút. Mục tiêu hướng đến cũng là những người có biết qua những cái hay của đạo Phật thì cũng thấy những giá trị đó có trong tôn giáo mục tiêu của cải đạo.

Việc chuyển hướng này diễn ra từ từ, nhưng đã bắt đầu định hình khá rõ ràng Phật giáo là một tôn giáo được công nhận là từ bi. Đó là điều hiển nhiên, không thể nói khác đi được. Vì vậy, hơn hết là lấy đi những giá trị của nó làm thành của mình, vì vậy, thay vì cho Phật giáo là tà đạo như cách nói của các tăng lữ đến từ phương Tây từ những thế kỷ trước đến đầu thế kỷ XX, nay người ta nói lại rằng Phật giáo cũng là sự mầu nhiệm của thượng đế theo địa phương, giống như Ấn Độ giáo, tôn giáo mà trong đó đức Phật biến thành một trong những vị thần của họ. Điều đó, mở đường để lấy đi những giá trị của Phật giáo.

Từ “vật dưỡng nhân” đến con người là huynh trưởng muôn loài theo ý thượng đế

Trước đây, một số tôn giáo phê phán tinh thần từ bi với chúng sanh muôn loài của đạo Phật. Đối với họ, chỉ có con người, còn lại là “vật dưỡng nhơn”, tức trời sinh muôn vật để làm thực phẩm cho con người. Việc ăn thịt là đúng theo ý thượng đế, coi đó là tội lỗi là điều sai lầm. Chính tôi khi từ chối ăn thịt chó trong một cuộc liên hoan vào một dịp lễ tôn giáo thì được giải thích một cách rất độc đáo bằng câu hỏi lại “vậy anh nói tại sao thượng đế lại sinh thịt chó ngon đến vậy?”.

Bây giờ, người đi thuyết phục cải đạo không tán dương món thịt chó nữa, mà đã nói đến tinh thần “bác ái muôn loài”. Người ta vẫn dùng chữ “bác ái”, chưa thể thay bằng chữ “từ bi”, nhưng đã mở rộng ra. Một cách lấy đi giá trị từ bi của Phật giáo một cách khéo léo, kín đáo. Trong bối cảnh phương Tây gia tăng mối quan tâm đến việc bảo vệ sự sống loài vật, càng không chấp nhận việc giết chó ăn thịt “vì trời sinh thịt chó ngon”, đã có ngày càng nhiều người ăn chay vì môi trường, thì quan điểm “vật dưỡng nhân” phải thay đổi. Có điều không thể dùng ngay khái niệm từ bi của Phật giáo. Quan điểm mới là con người phải là người anh của muôn loài, chăm sóc cuộc sống muôn loài. Còn môi trường sống là do thượng đế ban cho nên phải gìn giữ. Người đi thuyết phục cải đạo cũng nói trời không khác gì Phật, cũng bác ái muôn loài…

Thiền, an lạc, từ bi (dưới một cụm từ khác), mới chỉ là một vài ví dụ cụ thể cho một tính toán mang tính chiến lược, cao tay, khôn ngoan. Nó đã được đưa vào kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo trong những năm gần đây. Chúng ta cần thận trọng khi nghe những lời khen đại loại như đức Phật là một vị thánh, vì có thể sau đó là lời nói về việc ngài… giữ nhiệm vụ triển khai sứ mệnh của thượng đế ở vùng Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á, cũng vì tinh thần an lạc, bác ái cho muôn loài. Tinh thần đó nay có thể tiếp xúc từ nguyên gốc (!?).

Thế đó, đảo lộn trước sau, chủ khách, lấy cái của người làm cái của mình, rồi trở lại giải thích ngược gốc ngược ngọn. Một cách lấy đi những giá trị của đạo Phật rồi hạ thấp đạo Phật một cách tinh vi.

MT