Trang chủ Diễn đàn Có nên tổ chức tiệc chiều trong chùa?

Có nên tổ chức tiệc chiều trong chùa?

91

Qua ảnh đăng trong bài “Chùm ảnh: Chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang” chụp bảng thông tin về “Chương trình chi tiết đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng”, chúng tôi bất ngờ vì trong dịp đại lễ này của hệ phái Khất sĩ chương trình công bố có 2 bữa tiệc chay.

Phật tử chúng ta đều biết, tăng già khất sĩ chủ trương trở về truyền thông giới luật chân truyền của Phật giáo, khất thực độ ngọ và không ăn phi thời, tức là không ăn sau 12 giờ trưa. Người khất sĩ cũng là người tu hành hạnh ăn vừa đủ. Tất nhiên là sẽ không có tiệc tùng. Đã làm người khất sĩ (xin ăn), thì làm gì còn yến tiệc (1).

Ở đây cả hai yếu tố: tiệc và thời gian tổ chức tiệc đều không thích hợp với người khất sĩ. Ở đây có vấn đề giữ giới không ăn phi thời. Chính nhờ việc giữ giới nghiêm nhặt này mà hệ phái khất sĩ đã có được tình cảm quý kính từ Phật tử. Trong “Chương trình chi tiết Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng” cũng có “Khất thực truyền thống”, từ 7g-8g30 ngày 29 tháng giêng (28/2/2014).

Có “khất thực”, nhưng lại có “tiệc” thì thành ra trái ngược nhau, hơn nữa đó lại là tiệc chiều, phi thời.

Phật giáo Bắc Tông cho phép người tu sĩ được ăn chiều, nhưng phải coi là “dược thực”, tức là ăn như uống thuốc, để cốt giữ sinh mạng. Quan niệm như vậy thì người tu hành cũng không có ăn chiều về danh nghĩa, càng không thể có tiệc chiều.

Trong Phật giáo, việc tổ chức ăn chiều như buổi chính là điều rất tránh, càng tránh gọi đó là tiệc. Tôi chưa thấy nhà chùa tổ chức chiêu đãi ăn chiều linh đình bao giờ, cũng như gọi là tiệc trong các văn bản. Thiết nghĩ, điều này càng giữ nghiêm bội phần trong hệ phái khất sĩ. Ngày càng nhiều vị tu sĩ Bắc tông cũng không ăn chiều, huống nữa là mở tiệc.

Nếu nhà chùa mở tiệc chiều thì người tu sĩ cũng phải ăn tiệc, cho dù là đãi khách. Vì vậy, nên ở đây xin nêu câu hỏi.

Tiệc chiều là việc xa lạ với đạo Phật. Theo tôi nghĩ, ngay cả chùa Bắc tông cũng tránh, đối với hệ phái Khất sĩ thì còn hơn thế nữa, vì việc đề cao nghiêm trì giới luật. Thiết tưởng trong các văn bản phổ biến rộng rãi, thì buổi ăn chiều trong chùa nên giữ từ “dược thực”. Trong các buổi lễ và trong truyền thông đến đông đảo công chúng, thì gìn giữ truyền thống càng nên được chú trọng, nhằm thể hiện hình ảnh đẹp về Phật giáo.

MT

(1)Tứ y pháp của tăng già Khất sĩ có điều 2 là nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội thuyết pháp, đọc giới bổn được ăn tại chùa. Yếu tố ăn trước ngọ được quy định chặt chẽ là khi đi khất thực nếu ai về không kịp ngọ lỡ quá trưa thì phải độ nơi chỗ vắng, gốc cây xa đường lộ, phố xá chợ đông. Phải tránh những chỗ dơ dáy bụi bặm cấu trược ồn ào vì thế sẽ làm nhẹ thể pháp Phật. Như vậy, độ thực ở chỗ đông người ồn ào cũng không được.