Đây là một lễ giỗ theo truyền thống, nhưng trong quá trình tổ chức đã được phát triển bằng nhiều hình thức tổ chức hiện đại.
Lễ giỗ truyền thống đặc trưng bằng các nghi lễ tụng kinh, cúng ngọ…
Phần hội mở rộng cuộc lễ với nhiều hình thức như thuyết pháp, hoa đăng, văn nghệ lễ cầu quốc thái dân an, khất thực truyền thống.
Yếu tố hiện đại có thể được thấy qua một hội thảo khoa học tổ chức vào ngày khai mạc, những ngày tiếp sau đó có tiếp khách…
Nghi lễ có tính chất hành chính, với tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, “lược sử tưởng niệm”, đạo từ của các vị lãnh đạo… cũng đã được tổ chức.
Hoạt động triển lãm thư viện ảnh như một hoạt động văn hóa bổ sung có lẽ là một trong những triển lãm Phật giáo lớn nhất trong thời gian gần đây ở TPHCM.
Địa điểm tổ chức, pháp viện Minh Đăng Quang, quận 2, về vị trí, tọa lạc ở cửa ngõ quan trọng dẫn vào TPHCM, nơi một giao lộ lớn vào bậc nhất của thành phố. Kiến trúc pháp viện đang trong thời gian hoàn thiện, nhưng những hạng mục chính đã được đưa vào sử dụng, diện tích nội thất và sân bãi rộng rãi, có thể đón nhiều chục ngàn người về tham dự.
Và thực tế đã có nhiều chục ngàn người tham dự, gồm cả tăng ni Phật tử. Chúng tôi đến pháp viện Minh Đăng Quang tối ngày khai mạc, thấy người tham dự lễ đến chật sân chùa. Đặc biệt, việc phục vụ ẩm thực chay miễn phí với nhiều món tự chọn kéo dài đến 22 giờ, có lúc phục vụ hàng trăm lượt người dùng. Hoạt động phục vụ ẩm thực kéo dài đến tận khuya này có lẽ rất hiếm có ở các chùa tại TPHCM (thường chỉ phục vụ miễn phí bữa trưa). Đồng thời, chúng ta cũng thấy ở đây dáng dấp những lễ hội lớn ở Nam Bộ, nơi người đến dự hội được chăm sóc ẩm thực hết sức chu đáo.
Tại lễ hội của hệ phái Khất sĩ này, từ người Phật tử trí thức cho đến người Phật tử bình dân đều tìm thấy hoạt động thích hợp của mình trong danh mục chương trình lễ hội đa dạng, phong phú, sáng tạo, đột phá, đạt đến một tầm cao mới về mặt tổ chức.
Ưu thế về địa điểm tổ chức lễ hội đã được chú ý khai thác bên cạnh việc tổ chức nhiều hoạt động vệ tinh mới, xoay quanh trọng tâm lễ giỗ cổ truyền.
Xét việc tổ chức lễ hội Phật giáo tại một địa điểm ở TPHCM, lễ hội tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang do hệ phái Khất sĩ tổ chức tại pháp viện Minh Đăng Quang là lễ hội Phật giáo lớn nhất được tổ chức tại TPHCM. Lễ hội được tổ chức kéo dài trong 6 ngày, quy tụ đông đảo tăng ni Phật tử ngay từ ngày đầu đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc tổ chức lễ hội Phật giáo.
Lễ Tưởng niệm Tổ sư được gọi là “đại lễ” do hệ phái Khất sĩ tổ chức thành công mỹ mãn, diễn ra ngay trước thềm Đại lễ Vesak 2014, đặc ra những yêu cầu mới cho toàn Phật giáo Việt Nam, cũng như Phật giáo PHCM trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản.
Việc chỉ một hệ phái, phần nào có tính chất địa phương, tổ chức thành công mỹ mãn với quy mô chưa từng có lễ giỗ của một vị tổ sư, cho thấy Phật giáo, nhất là Phật giáo TPHCM, không phải là không có khả năng tổ chức những lễ hội tôn giáo lớn. Thành tích của hệ phái Khất sĩ cho thấy rõ ràng khả năng đó.
Vấn đề là các nhà lãnh đạo Phật giáo có chịu khó, chịu cực tổ chức những lễ hội Phật giáo hay không. Phật giáo TPHCM đâu chỉ có tư duy hẻm cụt, đường cùn.
Sáu ngày lễ hội tưng bừng, thành kính, đông vui, ấm áp ở mặt tiền cửa ngõ vào loại lớn nhất TPHCM cho thấy Phật giáo vẫn có một tư duy về cơ hội địa điểm có thể tập trung hàng trăm ngàn lượt người, với nhiều hình thức sinh hoạt tôn giáo, văn hóa sinh động, vừa cổ truyền vừa thời đại, bao gồm từ cúng bái, lễ nghi, tái hiện phục cổ đến diễn giảng, văn hóa, khoa học… Khả năng đó của Phật giáo, nếu quyết tâm khai thác, khai thác đúng cách, đúng tầm, sẽ đưa tới thành quả mỹ mãn như đã thấy.
Điểm cần lưu ý thứ hai, là được tổ chức trong bối cảnh tiến tới Đại lễ Vesak 2014, Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang do hệ phái Khất sĩ tổ chức thành công mỹ mãn đã đề ra những tiêu chuẩn mới cho lễ hội Phật giáo. Đó là điều hiển nhiên, đặt tăng ni Phật tử, nhất là tăng ni Phật tử TPHCM, trước một yêu cầu mới, trách nhiệm mới, cao hơn mà cũng nặng nề hơn. Đại lễ tưởng niệm Tổ sư của một hệ phái được tổ chức đến mức quy mô như thế, thì Đại lễ Vesak 2014 đương nhiên không thể tổ chức với quy mô thấp hơn, đơn giản hơn. Yêu cầu này đối với Phật giáo TPHCM và Phật giáo cả nước là một phát sinh tự nhiên sau kết quả tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang do hệ phái Khất sĩ chủ trì.
Hầu hết các vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo TPHCM đều tham dự Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang và tận mắt chứng kiến thành công đại lễ với số tăng ni tham dự hết sức đông đảo, với chương trình đại lễ vô cùng phong phú, tại một địa điểm hết sức thuận lợi. Mặc nhiên, những thành công đó đã trở thành chuẩn mới cho lễ hội Phật giáo tại TPHCM, mà những lễ hội Phật giáo tiếp sau tất phải tham khảo.
Rõ ràng sẽ không thể chấp nhận Đại lễ Phật đản có quy mô không bằng lễ kỷ niệm một vị tổ sư. Khi Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang tại pháp viện Minh Đăng Quang khép lại là khi mở ra một giai đoạn mới về yêu cầu tổ chức lễ hội cho Phật giáo TPHCM.
Chuẩn tổ chức lễ hội Phật giáo mới có từ Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang năm 2014 không chỉ là chuẩn để lễ hội Phật giáo đạt tới, mà còn là chuẩn để đánh giá, nhận xét. Công luận, truyền thông sẽ từ thành công Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng do hệ phái Khất sĩ tổ chức để nhận xét, bình luận, đánh giá những lễ hội Phật giáo tổ chức sau đó là thành công hay không thành công.
Chỉ một hệ phái mà còn tổ chức thành công đạt mức như thế, thì nữa là toàn thể Phật giáo, do nhiều hệ phái, tông phái hợp lại. Sự so sánh của truyền thông trong bình luận, nhận xét như thế đối với việc tổ chức lễ hội Phật giáo sẽ là điều đương nhiên, ắt phải. Chỉ tiêu mới đánh giá lễ hội Phật giáo với sự so sánh này sẽ đặt việc tổ chức lễ hội Phật giáo ở tình thế chỉ phát triển hơn lên, không được phép trở lùi thấp hơn thành quả mà đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang đạt được, nếu không muốn để bị công luận, truyền thông phê phán. Khi một hệ phái đã đưa việc tổ chức lễ giỗ một vị tổ sư trở thành một sự kiện tôn giáo trọng đại, đông đảo người dự ở mặt tiền cửa ngõ thành phố, thì tất yếu sẽ không còn chỗ cho tư duy tổ chức Phật đản theo kiểu hẻm cụt, đường cùn, bế tắc, tự ti…
Bên cạnh tiêu chuẩn tổ chức lễ hội Phật giáo mới, Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang do hệ phái Khất sĩ tổ chức còn đem lại một hình mẫu tổ chức lễ hội Phật giáo. Đó là hình mẫu kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, giữa tôn giáo và văn hóa, giữa nội bộ và mở rộng, giữa tưởng niệm và liên hoan, giữa trang nghiêm nghi lễ và đông vui ẩm thực, đoàn tụ, gặp gỡ… Tất cả đều đem lại lợi ích lớn lao cho việc hoằng truyền chánh pháp nếu khéo léo áp dụng.
Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang vừa rồi của hệ phái Khất sĩ đã cống hiến những sáng tạo mới vào lễ hội Phật giáo. Một lễ giỗ vốn bình thường với việc cúng kiến, sẽ trở thành lễ hội náo nức, vui vẻ, đoàn tụ của hàng trăm ngàn tăng ni Phật tử, cuộc gặp của học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, trở thành thời điểm sinh hoạt quan trọng cuả toàn giáo hội. Đại lễ mở ra cơ hội đến với đạo Phật của rất nhiều người, trở thành một dịp có nhiều thuận duyên để hoằng truyền chính pháp. Kinh nghiệm lồng ghép nhiều hình thức lễ hội lại với nhau trong dịp Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang mang lại kinh nghiệm tổ chức sự kiện quý giá cho Phật giáo Việt Nam, Phật giáo TPHCM. Những kinh nghiệm đó ắt sẽ giúp ích chung cho việc tổ chức sự kiện của Phật giáo sau đó.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Đại lễ Vesak 2014 với tiêu chuẩn, hình mẫu, kinh nghiệm tổ chức mà Đại lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang mang lại, chắc chắn việc tổ chức Đại lễ Phật đản tại TPHCM sẽ tiến lên một bước mới, tương xứng với thành công đã có được, bỏ lại phía sau giai đoạn hẻm cụt, đường cùn.
MT