Những người này thật ra không đạo đức giả, mà chỉ tự mâu thuẫn.
Chẳng qua họ vừa muốn thỏa mãn dục vọng ngon miệng vừa có chút lòng xót thương thành thật, không nỡ thấy con vật bị đau đớn, nhưng nếu đề nghị họ thay đổi lối sống, như chuyển từ ăn mặn sang ăn chay chẳng hạn, thì họ cũng không có quyết tâm thực hiện…
Hơn hai ngàn năm trước, Mạnh Tử (372-289 TCN) cho rằng ai cũng có lòng trắc ẩn (trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi), “nghe tiếng các loài chim thú bị giết kêu la đau đớn mà không nỡ ăn thịt chúng”, rồi bảo người quân tử phải tránh xa chuyện bếp núc, thì nghe còn khó xuôi tai hơn!
Thực tế cho thấy, loài người xưa nay vẫn quen sát hại các loài động vật hoang dã và động vật nuôi nhà (như dê, bò, heo, gà, vịt, cá…) bằng phương pháp giết mổ thủ công gây đau đớn để phục vụ cho đời sống của mình một cách rất tự nhiên nhi nhiên mà ít khi đặt vấn đề thắc mắc…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của nhận thức, loài người đi từ dã man đến văn minh đã có những giai đoạn phản tỉnh, phần nhiều do sự phát hiện của các phần tử ưu tú (giáo chủ, thánh nhân, hiền triết, các nhà khoa học, triết học, thần học…), đã nhận ra được mối tương quan hữu cơ cộng sinh giữa sự tồn tại của mình với muôn loài động-thực vật khác, từ đó nảy sinh ý thức ngày càng rõ rệt hơn về nhu cầu phải bảo vệ sự sống, bằng cách tôn trọng luôn cả sự tồn tại của những loài sinh vật không phải người.
Với nhận thức này, khởi đầu bằng lương tâm, lòng trắc ẩn, bộ phận loài người văn minh hiện đại đã thấy được rằng việc thương yêu bảo vệ các loài sinh vật không phải người cũng thuộc trách nhiệm của mình. Đây cũng là một phần lý do sự xuất hiện của một ngành đạo đức học mới gọi là Đạo đức sinh học (Bioethics), với phạm vi khảo sát rất rộng, trong đó có vấn đề quyền động vật (animal rights) đã được đặt ra một cách nghiêm túc từ những năm nửa cuối thế kỷ trước.
Phải công tâm thừa nhận rằng, về quyền động vật, Phật giáo từ lâu đã có thái độ rõ rệt, dứt khoát hơn hẳn những tôn giáo, trường phái tư tưởng khác, thể hiện qua chủ trương ăn chay, cấm sát sinh, và khuyến khích phóng sinh.
Theo quan điểm Phật giáo, tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Con người không nên sát sinh vì mọi sinh vật đều có sự sống và đều ham sống sợ chết, biết đau buồn, kể cả các loài nhỏ nhít như ruồi, muỗi, kiến, gián…. “Lý tưởng cao nhất và phổ quát nhất của Phật giáo là cố gắng không ngừng để vĩnh viễn chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sanh chứ không chỉ cho loài người” (xem Ronald Epstein, “Một quan điểm Phật giáo về quyền động vật”, Quảng Giải trích dịch, Văn Hóa Phật Giáo số 179, tr. 26).
Còn theo các nhà chủ trương giải phóng động vật hiện đại và từ đó công nhận quyền động vật, thì vấn đề đạo đức khi xem xét đến các loài động vật không phải người, là chúng có đau khổ hay không, và khả năng đau khổ cũng như vui sướng như là những đặc điểm tạo cho một sinh vật quyền để được xem xét bình đẳng (xem Agneta Sutton, Đạo đức sinh học Kitô giáo, bản tiếng Việt của Giuse Phạm Ngọc Thành và Biển Đức Tạ Quang Hùng, NXB Thanh Niên, 2012, tr. 176).
Peter Singer, một người tích cực ủng hộ quyền động vật, trong quyển Animal Liberation (Giải phóng động vật) đại khái cho rằng những quyền lợi của động vật phải được xem xét bình đẳng với các quyền con người.
Trong quyển sách đã dẫn trên của Agneta Sutton, một nữ giáo sư chuyên khoa Đạo đức sinh học, ở đoạn cuối chương “Đối xử và không đối xử với động vật như thế nào?”, tác giả đã nêu rõ kết luận về cách sử dụng và đối xử nhân đạo với động vật: “…Hầu hết, nếu không phải là tất cả, các xã hội con người đều cho phép sử dụng các động vật… làm thực phẩm. Chúng ta được cho phép để làm như vậy, nhưng phải tránh những biện pháp tàn ác của việc giết mổ và những tập quán chăn nuôi tàn ác… Sự tàn ác một cách bừa bãi và việc hủy hoại không cần thiết đời sống động vật không bao giờ có thể lý giải được” (sđd., tr. 193).
Tuy nhiên, trên thực tế thế giới, nếu tính theo số đông, nghĩa là sau khi trừ bớt một thiểu số chừng vài trăm triệu người xuất gia ăn chay theo đạo Phật (trên tổng số dân số thế giới 7,7 tỉ người), loài người hầu như không thể không ăn thịt những loài động vật khác, dưới hình thức động vật hoang dã (sơn hào hải vị) hoặc vật nuôi (gia súc, tôm cá, ếch nhái…). Vì vậy, trong khi vẫn chưa vượt khỏi quy luật cạnh tranh sinh tồn khắc nghiệt (cá lớn nuốt cá bé…), chỉ có thể giải quyết vấn đề quyền động vật một cách thực tế ra sao thôi, ở mức độ chấp nhận khuyến khích dừng bớt sự sát hại động vật, chứ không thể ngăn cấm việc sử dụng động vật làm thức ăn.
Tại một số quốc gia tiền tiến, với nền kinh tế và giáo dục phát triển cao, vấn đề quyền động vật từ trên dưới một thế kỷ nay đã được các nhà cầm quyền giải quyết tương đối ổn thỏa, sát thực tế, bằng cách đưa ra những đạo luật cấm hành hạ súc vật, cũng như không được giết mổ nhiều loại con vật theo cách có thể làm cho chúng bị đau đớn. Ngoài ra, súc vật nuôi nhà hoặc nuôi chuồng trại cũng phải được bảo vệ trong chừng mực có thể, cấm người nuôi không được làm cho chúng phải ở trong tình trạng khó chịu, khổ sở, kể cả trong lúc vận chuyển, và phải có sự chăm sóc y tế thích hợp…
Ở Vương quốc Anh, theo các đạo luật bảo vệ động vật ban hành từ năm 1911 đến năm 2000, ngoài những quy định về giết mổ, chăm sóc súc vật chuồng trại với yêu cầu đại khái như trên, người ta còn cấm cả việc đấu chọi động vật để tiêu khiển (như Luật đá gà năm 1952), hay dùng động vật làm mồi cho bất kỳ động vật nào khác…
Việc săn thú, từ lâu đã bị nhiều quốc gia hạn chế tối đa bằng luật pháp nghiêm nhặt. Thậm chí, việc dùng con vật để thí nghiệm chữa bệnh cho người mà làm cho chúng đau đớn, cũng đã có luật pháp điều chỉnh, và từng có những vụ biểu tình để phản đối.
Tại Mỹ, quyền động vật được thể hiện rất cao, tính đến số phận của cả con chó, con mèo. Ngoài ra, theo luật định, người ta còn có quyền đòi bồi thường thương tích cho chó mèo hay cho một số súc vật khác khi chúng bị tai nạn.
Gần nửa thế kỷ nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã thực thi Luật Chăm sóc Động vật 1966 (Animal Welfare Act 1966) (gọi tắt Luật AW) để bảo vệ một số động vật nhất định tránh khỏi thái độ thờ ơ và sự đối xử vô nhân đạo của con người. Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật này và do Tổng thống Lyndon B. Johnson ký ban hành vào ngày 24.8.1966, có sửa đổi bổ sung qua các năm 1970, 1976, 1985, 1990, đặt dưới sự quản lý, giám sát thi hành của Cơ quan thanh tra sức khỏe động thực vật (APHIS).
Luật AW đưa ra những quy định tối thiểu về chăm sóc và đối xử với những động vật nhất định được nuôi để bán, sử dụng trong nghiên cứu, vận chuyển thương mại, hay trưng bày nơi công cộng. Các cá nhân đang hoạt động trong những lĩnh vực trên phải được cấp giấy phép hoặc đăng ký với APHIS; phải đảm bảo động vật của họ được đối xử và chăm sóc đầy đủ về chỗ ở, điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nước, chăm sóc thú y và được bảo vệ trong điều kiện thay đổi của thời tiết; nghiêm cấm các cuộc đấu chó, đánh bả gấu và những cuộc đấu động vật tương tự. Ngoài ra, APHIS còn có trách nhiệm thẩm tra những cơ sở không đăng ký hoặc không có giấy phép. Nhằm đảm bảo những cơ sở đã được cấp giấy phép hoặc đã đăng ký tiếp tục tuân thủ luật, APHIS sẽ tổ chức các đợt thanh tra không báo trước những cơ sở này ít nhất mỗi năm một lần. Nếu phát hiện có sai phạm, thanh tra viên sẽ hướng dẫn sửa sai trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu những sai sót này vẫn không được chỉnh sửa trong lần kiểm tra đột xuất tiếp theo, APHIS sẽ lưu hồ sơ những sai phạm này và xem xét việc xử lý bằng luật pháp (xem bài “Luật Animal Welfare (Hoa Kỳ)” do Thu Hiền dịch từ tiếng Anh, đăng trên trang Web ANIMAL WELFARE của Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội và Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới-World Society for the Protection of Animals).
Mặc dù đã có những tiền lệ và tấm gương tiên tiến từ nước ngoài nêu trên, sự nhận thức cũng như tình hình chấp nhận quyền động vật ở nhiều nước thuộc Châu Á và Châu Phi, đặc biệt ở những xứ sở nghèo đói, xem ra có vẻ khó khăn chậm lụt hơn nhiều. Tại những nơi này mà người ta còn phải vật lộn với cuộc sống để kiếm ăn, thiếu thốn mọi bề, ngay cả quyền con người cũng chưa được đảm bảo, chẳng những đa số dân chúng không ai nghĩ đến chuyện bảo vệ loài vật, mà còn coi việc giết thịt để ăn bằng biện pháp thủ công gây đau đớn là tự nhiên, chẳng cần phải cân nhắc.
Riêng tại Việt Nam, tình hình cũng không có gì khả quan hơn. Khái niệm Đạo đức sinh học liên quan vấn đề đối xử với động vật dường như rất ít được biết đến. Lẻ tẻ một vài trang trên mạng Internet dành cho chủ đề liên quan tuy đã được thiết lập (như Vietnam Animal Welfare Organisation, Animal Welfare Officer…), phần nhiều do người ngoại quốc chủ trương, nhưng rất ít ai chú ý và hầu như chưa gây được một ảnh hưởng gì đáng kể.
Cho tới hiện nay, Việt Nam tuy đã có luật bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm, nhưng việc thực thi còn rất hạn chế, nếu không muốn nói hầu như chẳng đạt kết quả gì cụ thể. Tình trạng sát hại, ngược đãi, mua bán động vật hoang dã chẳng những không giảm mà còn ngày một gia tăng, bất chấp luật pháp và mọi sự cảnh báo của các tổ chức bảo vệ môi trường.
Về phần súc vật nuôi nhà hoặc nuôi chuồng trại để giết thịt, Việt Nam còn thờ ơ hơn. Hiện chỉ mới có một số văn bản quy định lẻ tẻ ở cấp tỉnh về giết mổ theo hướng nhằm vào mục đích đảm bảo vệ sinh-an toàn thực phẩm, tránh ô nhiễm môi trường, chứ hoàn toàn chưa có những văn bản pháp quy về bảo vệ động vật theo nghĩa quyền động vật hiện đại, để ngăn cấm việc giết mổ động vật bằng những biện pháp thủ công lạc hậu gây đau đớn. Đây cũng là một trong những lỗ hổng không nhỏ trong hệ thống luật pháp ở nước ta hiện nay, cần được bổ sung.
Trong điều kiện ý thức về quyền động vật ở Việt Nam còn rất mờ nhạt, việc giáo dục quần chúng bằng cách sớm đưa nội dung quyền động vật vào sách giáo khoa là rất cần thiết. Song song đó, việc thúc đẩy, vận động, đánh động lương tâm nhằm tiến tới soạn thảo một dự luật thích hợp thông qua Quốc hội trong tương lai có lẽ trước hết thuộc về trách nhiệm của các giáo hội đang hoạt động hợp pháp (Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…), dưới sự hợp tác tích cực của các cơ quan, đoàn thể chức năng như Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ban tôn giáo Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc…
Không nên biện luận cho rằng nền kinh tế đất nước chưa giàu mạnh thì nghĩ chi đến quyền động vật, vì chất lượng cuộc sống không thể chỉ đơn giản bao gộp trong việc giải quyết vấn đề bao tử, mà còn cần hướng tới những giá trị văn hóa, nhân bản cao hơn. Người Việt Nam tuy nói chung còn nghèo nhưng giàu lòng nhân ái, lại phần lớn tín ngưỡng đạo Phật ở nhiều mức độ khác nhau, nên thiết nghĩ việc thể chế hóa quyền động vật bằng luật chăm sóc động vật tương tự như ở một số nước tiền tiến sẽ là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.