Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Hình thức hoằng pháp phù hợp với xã hội ngày nay (*)

Hình thức hoằng pháp phù hợp với xã hội ngày nay (*)

265

Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, hòa trong niềm vui của toàn thể Tăng Ni – Phật tử cả nước hướng về Đại hội Phật giáo toàn quốc Nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dưới sự chứng minh của Chư Tôn Giáo Phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Long An chúng con vô cùng vinh dự được chư Tôn đức cho phép được bày tỏ niềm hân hoan hướng về Đại hội cũng như hướng về Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc PL 2552 – 2008.


Lời đầu tiên, chúng con kính gởi đến Chư Tôn đức Giáo Phẩm TW GHPGVN, chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni, Quý Đại Biểu lời chào đại Hoan hỷ, đại Kiết tường.


Kính thưa Đại hội,


“Về đây dưới ánh Đạo Vàng
Mừng Đại hội VI – tưng bừng niềm vui !
Năm năm Đại hội Trung ương
Dân Tộc – Đạo pháp gắn liền đi lên
Một lòng trưởng dưỡng Đạo tâm
Trang nghiêm Giáo hội – Hoằng truyền Pháp âm”


Nhớ lại cách đây 25 thế kỷ, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, Ngài đã cùng hàng đệ tử đi chu du khắp mọi miền Ấn Độ để hoằng dương Chánh pháp, cứu độ chúng sanh. Giáo pháp của Ngài đã đem lại niềm hỷ lạc và giải thoát cho cả Tăng tín đồ, Đức Phật thường dạy: “Này các Tỳ Kheo, hãy đi truyền bá Chánh pháp khắp hết thảy mọi nơi. Hãy đi một nơi một người, đừng đi một nơi hai người, hãy nổ lực truyền bá Chánh pháp không biết mỏi. Làm cho Chánh Pháp của Như Lai ăn sâu vào tâm thức của mọi loài chúng sanh”.


Lời dạy ấy trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động và cũng là sứ mạng của Tăng Ni.


Để tiếp nối sự nghiệp Hoằng pháp của người đệ tử Phật, Hoằng pháp không chỉ là nhiệm vụ của một chuyên ngành, mà chúng con thiết nghĩ Hoằng pháp đã trở thành nhiệm vụ chung của cả xuất gia lẫn tại gia, phải có trách nhiệm làm cho ánh sáng của Đạo Phật lan tỏa khắp nơi. Đây là một nhiệm vụ vô cùng cao quý.


Và trong nhiệm kỳ vừa qua, với xu thế phát triển và hội nhập của xã hội, ngành Hoằng pháp Long An chúng con luôn nổ lực hoàn thành trách nhiệm: “Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự” mà Trung ương giao phó, đã và đang thắp sáng giáo lý Phật Đà. Nhưng muốn cho ngành Hoằng pháp thật sự hoạt động hữu hiệu, ắt hẳn phải ứng dụng những phương thức phù hợp với hoàn cảnh hiện đại.


Trước tiên, các thành viên của Ban Hoằng pháp cần ghi nhớ và noi theo khẩu hiệu của ngành Hoằng pháp là: “Nơi nào chúng sanh cần ta đến. Nơi nào Đạo pháp cần ta đi. Chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc”


Mỗi vị Giảng Sư trong Ban Hoằng pháp phải luôn tâm niệm: Quyết tâm làm Phật pháp xương minh, giúp mọi người thâm hiểu giáo lý của Đức Phật để đạt được sự an lạc, giải thoát và hoàn thiện đạo đức cá nhân nhằm xây dựng một Tịnh độ nhân gian, khẳng định giá trị Chân – Thiện – Mỹ của người đệ tử Phật trong việc đem Đạo vào đời, xây dựng con người có tình thương, có ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng, đúng với phương châm: Đạo Pháp gắn liền với Dân Tộc.


Thực tế, nếu Ban Giáo Dục Tăng Ni lo đào tạo đội ngũ kế thừa, Ban kinh tế tài chánh lo kinh phí để bộ máy Phật giáo vận hành được ổn định thì Ban Hoằng pháp có trách nhiệm truyền thừa kiến thức, đạo đức và hướng dẫn Phật tử phân biệt rõ đường lối pháp môn tu tập, đem Đạo Phật phổ cập vào cuộc sống, làm lợi lạc chúng sanh.


Làm thế nào để công tác Hoằng pháp phát triển rộng rãi trong thiên niên kỷ nầy?


Thiết nghĩ đó là nổi ưu tư không chỉ của Ban Hoằng pháp Long An chúng con


Thứ nhất: kết hợp giữa Từ thiện xã hộiHoằng pháp để thực hiện chương trình Hoằng hóa, nhận thấy rằng đa số người dân Việt Nam sống bằng nông nghiệp là chính, đời sống của người dân tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thế nên, phải là một người Phật tử có tín tâm kiên cố mới có thể đến chùa lễ Phật, nghe pháp.


Trong hoàn cảnh nầy, mong Ban Hoằng pháp các tỉnh thành kết hợp cùng từ thiện xã hội, kêu gọi các nhà hảo tâm, đúng lúc kịp thời truyền bá tinh thần Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật để góp phần xây dựng Chân – Thiện – Mỹ cho cuộc đời, kêu gọi các nhà hảo tâm hổ trợ các nhu cầu cơ bản về đời sống để họ có thể an tâm chăm lo đời sống tín ngưỡng của mình.


Thứ hai: Ngành Hoằng pháp nên có sự kết hợp với Ban Nghi Lễ trong các dịp kỳ an, kỳ siêu, lễ mừng thọ v.v… để hướng dẫn Phật tử tìm hiểu giáo lý của Đức Phật, hoặc thực hiện hiếu hạnh một cách đúng nghĩa, giúp mọi người tin sâu nhân quả và sống Chánh tín hơn theo tinh thần Phật giáo.


Bên cạnh đó, cần tổ chức thuyết giảng vào các dịp Lễ truyền thống của Phật giáo như lễ Phật đản sanh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân, Niết bàn và lễ Vu lan hay những ngày lễ lớn của năm như Rằm tháng Giêng, Bảy, tháng 10, vì đây không chỉ là cơ hội để Tăng Ni và Phật tử hiểu được ý nghĩa các ngày lễ lớn của Phật giáo và Dân tộc mà còn là cơ hội để Tăng Ni và Phật tử thể hiện tinh thần tri ân, báo ân đối với Đấng Từ Phụ cũng như các bậc sanh thành giáo dưỡng.


Thứ ba: Ngành Hoằng pháp nên kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử để nắm bắt được nhu cầu học tập giáo lý của Phật tử ở từng trú xứ và từ đó có kế hoạch giảng dạy giáo lý và hướng dẫn tu tập phù hợp, nhất là đối tượng thanh thiếu đồng niên.


Thứ tư: Trong việc phát triển ngành Hoằng pháp, chúng con đã hướng công tác Hoằng pháp đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới. Điều nầy chúng con cũng quan tâm và kính trình lên một số vấn đề như sau:


– Tiếp tục đào tạo đội ngũ Tăng Ni trẻ sẳn sàng về những nơi xa xôi, thiếu vắng Phật pháp để hướng dẫn, truyền bá giáo lý của Đức Phật phổ cập cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Mở khoá bồi dưỡng Trụ Trì tạo nồng cốt giúp cho vị Trụ trì có thể làm tốt công tác Hoằng pháp, thuyết giảng tại chùa của mình, thay thế Giảng sư những khi vì công việc đột xuất mà vị Giảng sư  phải vắng mặt.


– Chúng con cũng cố gắng trang bị củng cố thêm cho đội ngũ kế thừa ngoài kiến thức Phật học, thế học, kinh nghiệm Hoằng pháp, còn cung cấp thêm những thông tin cần thiết về phong tục tập quán từng địa phương trong tỉnh mà vị Giảng sư đó sẽ về để việc Hoằng pháp được thuận lợi hơn trong việc khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ.


– Ban Hoằng pháp từng đơn vị Tỉnh Thành nên tạo điều kiện hỗ trợ những Giảng sư đi giảng vùng sâu, vùng xa, (bằng kinh phí của Tỉnh, Thành Hội, của Tự Viện đến thuyết giảng nếu Bổn Tự có khả năng, hay có thể kêu gọi những Mạnh Thường Quân) ủng hộ về xa phí, về kinh sách báo, băng đĩa để lập tủ Thư Viện cho Phật tử vùng sâu có thể mượn nghiên cứu, tìm hiểu giáo lý của Đức Phật.


– Ngoài ra, với tình hình cần cầu học pháp hiện nay của Phật tử, chương trình Hoằng pháp trên Internet ngày nay cũng một phần nào hỗ trợ cho công tác Hoằng pháp, giúp cho Phật tử ở khắp nơi hoặc những vị không có điều kiện đến các đạo tràng học pháp nắm bắt, học hiểu, thực hành lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày.


– Nên có chương trình Hoằng pháp, có kế hoạch rõ ràng, lưu tâm đến thế hệ trẻ, đó là đội ngũ các em thiếu nhi. Chúng ta phải chuẩn bị lớp người kế thừa, đi đúng theo quỹ đạo của xã hội: “Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai”.


Và qua quá trình làm đạo tại tỉnh nhà, chúng con mạo muội kính đề đạt lên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội : HÌNH THỨC HOẰNG PHÁP mà chúng con đã đút kết được để ngành Hoằng pháp ngày càng hoạt động hiệu quả hơn trong hoàn cảnh xã hội ngày càng phát triển hiện nay, có thể nói tắc là: THÂN – THUYẾT – THƯ –  THÔNG


1. THÂN:   Thân giáo:   – Hình ảnh của Tăng Ni 
                                   – Lời nói                       Phải như thế nào?
                                   – Giới hạnh.


2. THUYẾT: Thuyết giáo:   – Lời giảng               Phải có sự đầu tư,
                                        – Chuẩn bị dàn bài     chuẩn bị.


3. THƯ: Thư giáo: Viết thành tập, sách những bài giảng thuyết hoặc ngày nay chúng ta có Báo Giác Ngộ, Nguyệt San, hoặc chuyển tải lời Phật dạy từ những quyển sách Phật giáo phổ biến rộng rãi hiện nay, gửi đến Phật tử.


4. THÔNG: Thông giáo:


– Kết hợp thâu băng, ghi tiếng, hình, để vị Giảng Sư rút kinh nghiệm lần sau và nếu đã hoàn tất thì có thể phổ biến cho  Phật tử dễ ghi nhớ và tiếp thu thời giảng tốt hơn.


– Hoằng pháp trên mạng Internet (xa lộ thông tin), tạo điều kiện cho Phật tử học tập, nghiên cứu và hành trì lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống.


Kính thưa Đại hội !


Trên đây là một vài thiển ý của chúng con đối với sự nghiệp Hoằng pháp, kính mong được chư Tôn đức chứng minh, Ban Hoằng pháp tỉnh Long An xin được đảnh lễ cầu sự chỉ giáo và giúp đỡ của chư Tôn đức để hoạt động Hoằng pháp ngày thêm tốt đẹp.


Thành kính tri ân và kính chúc chư Tôn đức Chủ toạ đoàn, chư Tôn đức Giáo phẩm, chư Tôn đức các Ban Trị sự cùng toàn thể Tăng Ni, Quý Đại biểu được “VÔ LƯỢNG QUANG – VÔ LƯỢNG THỌ – VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM”.


Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.


(*) Tham luận của Thượng tọa Thích Minh Thiện – Phó Ban trị sự THPG Long An tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI