Có một vị đại sư cả đời làm việc thiện, quyên góp công đức, xây dựng miếu thờ, giảng kinh thuyết pháp. Khi về già, ông nhìn thấy hai con quỷ cầm lệnh bắt giữ của Diêm Vương và mang cả còng tay tra tấn đến bắt ông.
Vị đại sư thấy vậy nói: “Chúng ta thương lượng nhé? Cả đời ta xuất gia chỉ làm việc công đức mà chưa tu tâm dưỡng tính, ngươi cho ta bảy ngày, bảy ngày ngồi thiền tu thành công rồi, sẽ siêu độ cho hai ngươi trước, ta cũng sẽ đi siêu độ cho cả Diêm Vương nữa”.
Hai con quỷ bị lời nói của đại sư lay động nên đồng ý với ông. Đại sư với đức hạnh thường ngày, vừa tọa thiền thì liền buông bỏ vạn niệm, không sửa miếu nữa, cũng không làm việc gì nữa. Ba ngày sau thì không còn thấy bóng dáng vị đại sư đâu, chỉ còn lại một vầng hào quang công đức. Ngày thứ bảy, hai con quỷ đến chỗ hẹn, nhìn thấy vầng ánh sáng liền biết mình bị lừa.
Hai con quỷ nói: “Đại hòa thượng, ông nói sẽ siêu độ cho chúng tôi thì phải giữ lời chứ, nếu không khi quay về địa ngục chúng tôi sẽ bị giam vào ngục đó!” Đại sư đã quyết ý, ông không nghe thấy, cũng chẳng quan tâm. Hai con quỷ bàn bạc xem nên làm gì, đến khi thấy một vệt đen trong vầng sáng đó, chúng liền biết hòa thượng này vẫn còn một điểm chưa đắc đạo.
Bởi vì vị hòa thượng này có công đức lớn, nên Hoàng Đế phong cho ông làm quốc sư, tặng ông cái bát khất thực bằng vàng, áo cà sa dát vàng. Đại sư không quan tâm đến những lễ vật được ban thưởng, duy chỉ thích chiếc bát khất thực bằng vàng kia, ngay cả khi ngồi thiền ông cũng cầm trên tay, vạn duyên buông bỏ, vậy mà vẫn khăng khăng giữ lấy bát vàng.
Hai con quỷ nhận ra vị hòa thượng đã không còn tâm niệm gì, chỉ là lòng tham vẫn còn đó. Thế là chúng biến thành chuột đi cắn chiếc bát, chuột vừa cắn bát, hòa thượng liền động lòng.
Vừa động lòng thì ánh sáng biến mất, hòa thượng lại về nguyên hình dạng, hai con quỷ liền còng tay ông lại. Hòa thượng cảm thấy kỳ lạ, cho rằng mình vẫn chưa đắc đạo, hai con quỷ liền thuật lại câu chuyện cho ông nghe, nghe xong hòa thượng ném bát vàng xuống đất. Hòa thượng nói: “Được! Ta cùng các ngươi đi gặp Diêm Vương!”
Câu chuyện này cho ta thấy được sự khó khăn khi buông bỏ lòng tham. Con người nếu không khống chế được ham muốn thì ham muốn sẽ khống chế tâm trí chúng ta.
Con người không nên quá đặt nặng tiền bạc, quá yêu tiền bạc sẽ khiến tâm trí trì trệ, bệnh cũng không dễ mà bình phục, một khi coi tiền bạc là vật ngoài thân thì tự khắc thấy lòng mình bình thản, không sinh bệnh tật. Cảnh giác với lòng tham luôn là một trong mười điều răn của Phật giáo. Động tác chắp tay trong Phật giáo ngụ ý người trong thế gian đừng để đồng tiền ăn mòn nội tâm.
Tiền thực sự quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, mục đích của việc kiếm tiền là làm cho cuộc sống tốt hơn. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng tiền không phải một vị thần, mà là một người hầu.
Nếu một người bị đồng tiền khống chế, người đó sẽ trở thành nô lệ của tiền bạc. Chúng ta lại không thể nắm bắt và kiểm soát tiền. Vậy thì càng nhiều tiền, càng gây hại cho chúng ta. Hãy hiểu rằng tiền không phải toàn bộ cuộc sống và cuộc sống có nhiều thứ quan trọng hơn đồng tiền.
Tống Mặc