Trang chủ Diễn đàn Hướng đến những tôn giáo khởi nguyên từ Phật giáo

Hướng đến những tôn giáo khởi nguyên từ Phật giáo

79

Trong ngày Tết, truyền thông Phật giáo đưa tin thăm viếng lẫn nhau giữa các vị lãnh đạo tôn giáo là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trên Giác Ngộ online có một tin khá đặc biệt, đó là tin BTS TƯ GHPG Hòa Hảo đã đến thăm và chúc Tết HT. Thích Trí Quảng, PCT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TPHCM, Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM vào ngày 29/1/2014. Bản tin có những từ như “đạo tình”, “đạo vị”.

Qua bản tin này, người đọc được biết, trước đó, ngày 26/1/2014, HT. Thích Giác Toàn, PCT HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện PGVN tại TPHCM đã dẫn đầu đoàn Hội đồng điều hành Học viện đến thăm BTS TƯ GHPG Hòa Hảo, tại trụ sở trung ương GHPG Hòa Hảo (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang). Cuộc viếng thăm được bản tin miêu tả là có dâng hương lễ Phật tại An Hòa Tự, dâng hương tưởng niệm Đức Huỳnh giáo chủ, cơm chay thân mật.

Điều chắc chắn, là qua các cuộc viếng thăm, quan hệ giữa 2 tôn giáo, Phật giáo và Phật giáo Hòa Hảo, sẽ trở nên gắn bó hơn, thân thiết hơn. Như thế là tạo môi trường tốt đẹp hơn để hoằng truyền chánh pháp của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đấng mà không chỉ Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo mà nhiều tôn giáo khác khởi nguyên từ Phật giáo, hoặc có liên hệ mật thiết với Phật giáo đều tôn thờ.

Vì vậy, nhân sự kiện hoan hỷ như trên, đây chính là lúc đặt vấn đề xây đắp mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tiến đến mức đặc biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo, có liên hệ sâu xa với Phật giáo, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hoằng truyền giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Chúng ta đều biết, ở nước ta, tập trung nhiều ở Nam Bộ, có nhiều tôn giáo nội địa phát sinh từ nguồn gốc Phật giáo, giữ lại từ “Phật”, “Phật giáo” trong tên gọi, hay có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo, vẫn kính ngưỡng Phật, kỷ niệm vía Phật, hay giữ lại một số nội dung giáo lý Phật giáo. Có dịp, tín đồ của các tôn giáo này đến chùa lễ Phật. Họ cũng rất trọng tăng, có thể dễ dàng đọc kinh sách Phật, nghe dĩa giảng Phật pháp. Tại TPHCM kinh, sách, báo Phật giáo có thể được phát hành hay lưu truyền ở các cơ sở tôn giáo như vậy. Khác biệt danh xưng tôn giáo là ngăn cách chính giữa số tín đồ các tôn giáo có nguồn gốc Phật giáo hay có liên hệ mật thiết với Phật giáo. Nhưng tương đồng trong việc thờ Phật, dung hợp giáo lý, có thể một phần nghi lễ, đã giữ mối liên hệ giữa những tín đồ tôn giáo đó với Phật giáo.

Ở đây, chúng tôi lưu ý mối liên hệ đó, xem đó là vốn quý của Phật giáo và các tôn giáo liên hệ, vốn quý của quan hệ đoàn kết tôn giáo, và vốn quý của việc xiển dương giáo pháp Đức Thế Tôn.

Vốn quý đó là sự tương đồng gần gũi, gắn bó. Quý hơn nữa đó là tiềm năng nhấn mạnh hơn sự tương đồng, từ đó đưa tới sự gần gũi, gắn bó, đoàn kết mật thiết hơn nữa. Cụ thể, điều tôi muốn nhắm đến là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo hay có liên hệ mật thiết với Phật giáo. Trong mối quan hệ đoàn kết tôn giáo đặc biệt đó, Phật giáo Việt Nam, vốn là tôn giáo truyền thống lâu đời, tôn giáo giữ vai trò nguồn gốc, đương nhiên sẽ giữ vai trò là hạt nhân gắn kết.

Từ trước đến nay, mối quan hệ vốn quý đó ít được Phật giáo chú ý. Các tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo, có từ Phật trong danh xưng, có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo và chính Phật giáo ít có quan hệ, hầu như sinh hoạt tách rời. Nay đã đến lúc có thể nghĩ đến những hình thức liên kết, từng bước thích hợp, tạo sự đoàn kết ngày càng mật thiết hơn, tạo quan hệ đặc biệt, ngày càng nâng cao mức chất lượng quan hệ đặc biệt đó.

Đoàn kết, quan hệ gần gũi thắm thiết đương nhiên sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên hệ.

Phật giáo, với thế mạnh là tôn giáo truyền thống dân tộc, tôn giáo khởi nguyên, có nhiều vị tăng sĩ uyên thâm Phật học, có thể giữ vai trò đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của các tôn giáo có nguồn gốc từ đạo Phật hay có liên hệ mật thiết với đạo Phật. Sự hiểu biết nhiều hơn về Phật pháp của tín đồ các tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo hay có liên hệ mật thiết với Phật giáo sẽ giúp họ gắn bó nhiều hơn với Phật giáo. Từ đó, lại thúc đẩy quan hệ liên hoàn tiếp theo, càng hiểu càng gắn bó, càng gắn bó càng tìm hiểu nhiều hơn.

Ngược lại, tu sĩ và tín đồ Phật giáo cũng học hỏi từ các tôn giáo gần gũi với mình sự ứng dụng nhân tố Phật giáo vào các điều kiện hành đạo cụ thể. Ở đây, cũng là tác động liên hoàn càng hiểu càng gắn bó, càng gắn bó càng tìm hiểu nhau nhiều hơn…

Phật giáo và các tôn giáo như đã nói ở trên đều có chung nhân tố Phật, nên cái lợi trên hết sẽ là mặt trời Phật pháp tỏa sáng, pháp luân thường chuyển, giáo pháp có nhiều cơ hội lưu thông.

Phật là nhân tố đoàn kết thì Phật cũng là nhân tố lợi ích. Lợi ích cụ thể sẽ đi vào việc hành trì, việc tu tập của mọi tín đồ. Lợi ích bao quát là sự đoàn kết của các tôn giáo quanh hạt nhân Phật, mà Phật pháp làm nền tảng.

Sự bột phát các tôn giáo nội sinh tại Việt Nam đầu thế kỷ XX là kết quả của quá trình suy thoái Phật giáo. Chính suy thoái Phật giáo đã khiến phát sinh nhu cầu các tôn giáo mới từ Phật giáo hay vẫn mang ảnh hưởng Phật giáo. Cũng do vì không chấp nhận một Phật giáo suy thoái, nên một số tín đồ Phật giáo tìm đến một số tôn giáo hình thành trong nước đầu thế kỷ XX, mà trong đó, người tín đồ xuất thân từ Phật giáo vẫn có thể tìm thấy ở đó yếu tố ưu việt của Phật giáo.

Vì vậy, nay không gì hơn là lấy cái yếu tố Phật giáo trong các tôn giáo nội sinh để đoàn kết quanh hạt nhân Phật pháp, thúc đẩy xiển dương Phật pháp. Đó là vừa ích nước, tức nâng cao tính đoàn kết. Vừa lợi nhà, tức là hoằng truyền giáo lý Phật đà đến mọi người tu Phật.

Vì vậy, đây cũng là tiến trình chấn hưng Phật giáo.

Tiến trình đoàn kết quanh nhân tố Phật pháp là tiến trình chấn hưng hướng tâm. Tiến trình này ngược với tiến trình phân hóa, ly tâm vốn là nét cơ bản của thời kỳ suy thoái Phật giáo, diễn ra vào đầu thế kỷ trước.

Có khó khăn nào nảy sinh ở đây? Tất nhiên, trước hết là do khác biệt tôn giáo. Nhưng cũng thấy rằng yếu tố đoàn kết trên nền tảng Phật pháp mới là cái thuận lợi cơ bản.

Chúng ta có nói đến các từ “đạo tình”, “đạo vị” trong bản tin mà báo Giác Ngộ đưa về chuyến viếng thăm và chúc tết từ đoàn lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo.

Tất nhiên, chỉ có đạo tình, đạo vị khi hai bên cùng có chung một nền đạo. Thấy được, cảm được “đạo tình”, “đạo vị” như là đã tìm thấy giá trị của chính mình, tìm lại được anh em của mình.

Các cuộc đi thăm đạo tình đạo vị như thế nên là những bước khởi đầu quan trọng cho một tiến trình tiếp theo, chứ không nên chỉ dừng lại ở đây. Và nên diễn ra đồng thời với các tôn giáo khởi nguồn từ Phật giáo hay có liên hệ mật thiết với Phật giáo, không dừng lại ở tôn giáo nào.

Sau bước thăm viếng, nên là bước trao đổi diễn giả, trong đó Phật giáo có thế mạnh giảng sư qua đào tạo Phật học, thì nên gánh trách nhiệm đáp ứng nhiều hơn cho nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của đông đảo tín đồ các tôn giáo có liên hệ Phật giáo.

Việc tăng cường giao lưu có thể có rất nhiều hình thức, như hội thảo khoa học, xuất bản các ấn phẩm chung, trao tặng sách vở, báo chí Phật pháp, tổ chức phát hành các xuất bản phẩm của nhau, tổ chức du lịch tâm linh giao lưu đến các cơ sở tôn giáo của nhau, học viện Phật giáo giúp đào tạo Phật học cho chức sắc tôn giáo liên hệ đến Phật giáo, tổ chức nghiên cứu sự tồn tại và vận dụng Phật pháp ở các tôn giáo liên hệ đến Phật giáo.

Các bộ phận chuyên trách trong Phật giáo và các tôn giáo khởi nguyên từ Phật giáo, có liên hệ mật thiết đến Phật giáo sẽ nghiên cứu nhiều hơn nữa các hình thức thích hợp để phát triển quan hệ giữa các bên.

Chuyến đi thăm tết do HT. Thích Giác Toàn dẫn đầu về An Giang có giá trị như một sự khởi động cho bước phát triển quan hệ mới tốt đẹp hơn nữa giữa 2 tôn giáo. Đó là một chuyến đi có nhiều gợi ý, mà ý tưởng là xây dựng quan hệ đặc biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khởi nguyên từ Phật giáo hoặc có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Như vậy, hòa thượng đã ở vào một tình thế, mà bằng những cố gắng tương tự, có thể mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Quan hệ tốt như vậy nên được đưa vào chiều sâu, cũng như phát triển ra với nhiều tôn giáo khác có yếu tố tương tự. Chuyến đi của HT. Thích Giác Toàn đã thúc đẩy chuyển động tốt đẹp tiếp theo đó, và sẽ càng đáng quý hơn nếu nó trở thành một sự kiện khởi đầu cho cả một tiến trình có ảnh hưởng đến chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Cùng trong cách nghĩ như vậy, nếu kết quả cũng như những gợi ý của chuyến đi đó không được chú ý đúng mức và mọi việc chỉ đến mức như đã diễn ra mà thôi, không có được thêm những hy vọng cho tương lai. Phật tử chúng ta có thể chờ đợi bước đi tiếp tục của HT. Thích Giác Toàn.

MT