Trang chủ Nghiên cứu "Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 13)

"Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 13)

105

Tiếp tục giới thiệu các tư liệu về tình hình tôn giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, nhằm phục vụ cho Phật sự hoằng pháp đến đồng bào dân tộc thiểu số, có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho tăng ni Phật tử Việt Nam phát nguyện làm Phật sự quan trọng này, dưới đây, chúng tôi xin trích giới thiệu bài nghiên cứu “Hiện tượng gia tăng các “Hội thánh tư gia” Tin Lành hoạt động độc lập – Những tiếp cận và nghiên cứu ban đầu” của tác giả Nguyễn Xuân Hùng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong sách “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc”, tổ chức biên soạn: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Trung Sơn – Trung Quốc, nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa, 2011.

Bài nghiên cứu này không giới hạn bối cảnh tôn giáo ở phạm vi cao nguyên, nhưng cũng lưu ý “đạo Tin Lành tại Việt Nam đã phát triển khá nhanh về số lượng tín đồ và thành phần giáo hội giáo phái. Đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều nhóm Tin Lành độc lập với danh xưng tự gọi là các “Hội thánh tư gia””.

Như vậy, Hội thánh tư gia Tin Lành là một hiện tượng chung, không giới hạn ở khu vực địa lý nào. Tuy nhiên, do tính chất linh động, uyển chuyển của nó, đây vẫn là một loại hình tôn giáo có mặt vùng cao nguyên. Trong một bối cảnh tôn giáo như vậy, khi hoằng pháp ở Tây Nguyên, tăng ni Phật tử sẽ gặp hình thái tôn giáo này. Ở miền đô thị, đồng bằng, đây là một dạng hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo khá mạnh mẽ. Cho nên, việc tìm hiểu hiện tượng tôn giáo này là điều cần thiết trong quá trình tìm hiểu về bối cảnh hoạt động tôn giáo nói chung, điều không thể không làm trong hoạt động hoằng pháp.

Bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Hùng cho chúng ta thấy một hiện tượng tôn giáo đặc biệt, mới lạ trong hình thức tồn tại, đạt tới cao điểm sự thèm khát tín đồ, có nhiều vấn đề bề trái đáng lưu ý.

Hiện tượng “Hội thánh tư gia” phát triển như thế có thể là cũng có tác động nào đó đối với việc hình thành các đạo tràng tại gia tự phát của Phật giáo. Chúng ta sẽ trở lại điều này trong một bài nghiên cứu khác, so sánh 2 hiện tượng tôn giáo.

Cơn khát tín đồ cực điểm của những hội thánh tư gia được bài viết đề cập đến là điều rất đáng chú ý. “Cạnh tranh, tranh giành tín đồ” được đề trong bài, tất nhiên, sẽ không chỉ giới hạn trong nội bộ đạo Tin Lành, dù bài viết nhấn mạnh đó như một vấn đề nội bộ. Bài viết cũng nói đến việc “Nhận tài trợ từ bên ngoài, truyền giáo bằng mọi phương cách với nhiều cách thức ra ngoài các quy định hiện hành…” (trang 239) sẽ có tác động lên mọi tôn giáo, trong đó có Phật giáo, tôn giáo tuân thủ nghiêm pháp luật, chính sách quy định…

Các “hội thánh tư gia” cũng đi đầu trong việc “tuyên bố chống lại con rồng và quyền lực của nó” (sách đã dẫn, trang 239), công khai xâm phạm truyền thống dân tộc. Hơn nữa, điều này diễn ra một cách kín đáo “tư gia” nhưng phổ biến. Đối kháng biểu tượng con rồng dân tộc, dạng “hội thánh tư gia” cũng đã tạo thế đối kháng trực diện với Phật giáo, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Vì vậy, khi hoằng pháp, tăng ni Phật tử không thể không biết đến điều này.

Hiện nay, từ sau “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (1/2/2005), tất cả các nhóm hệ phái được phép hoạt động miễn là không vi phạm pháp luật” (sách đã dẫn, trang 239). Đây là một diễn biến cũng rất quan trọng. Chắc chắn là trong bối cảnh như vậy, cộng với sự bùng phát “hội thánh tư gia”, việc cải đạo tín đồ Phật giáo sẽ được đẩy mạnh, nhưng vẫn trong tinh thần thầm lặng, của các “giáo hội thầm lặng”. Đối với Phật giáo, ngày càng trở thành vấn đề lớn, nhưng tăng ni Phật tử sẽ khó nhận ra, vì nó tuy “bùng phát”, nhưng “thầm lặng”, lại có tài trợ từ nước ngoài.

Với hình thức tôn giáo đặc biệt: “các nhóm Tin Lành tư gia” cho phép tín đồ thoải mái ca hát, nhảy múa vỗ tay, cầu nguyện, chia sẻ trong buổi thờ phụng và được tự do hơn trong các quy định bắt buộc của đời sống tín đồ, ví dụ, như vấn đề quan hệ nam nữ, hút thuốc, uống rượu (vốn để thu hút tín đồ không bỏ đi nhóm khác)” (sách đã dẫn, trang 239) sẽ có tác dụng mạnh mẽ đối với hoạt động tôn giáo của giới trẻ.

Dưới đây, xin trích giới thiệu bài viết “Hiện tượng gia tăng các “Hội thánh tư gia” Tin Lành hoạt động độc lập – Những tiếp cận và nghiên cứu ban đầu” của tác giả Nguyễn Xuân Hùng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong sách “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc” (từ trang 226):

“1. Sự gia tăng số lượng các hệ phái, nhóm Tin Lành “tư gia” trong thời gian qua và nguyên nhân xã hội, văn hóa, tôn giáo của hiện tượng này

Khởi đầu từ năm 1911, cho đến nay tại Việt Nam, đạo Tin Lành đã có lịch sử truyền giáo gần 100 năm. Quá trình truyền giáo của tôn giáo này cũng có những nét đặc trưng riêng với 1 Hội Truyền giáo đóng vai trò chủ chốt là Hội C.M.A có xuất xứ từ Mỹ.

Cho đến năm 1975, đạo Tin Lành chỉ có một giáo hội lớn duy nhất là Hội Thánh Tin lành Việt Nam, sản phẩm truyền giáo của các giáo sĩ Hội C.M.A với số tín đồ, chức sắc ước chừng khoảng 200 nghìn người cùng gần 10 hệ phái Tin Lành khác với con số tín đồ không đáng kể.

Thời gian qua, ngoài tổ chức hệ phái lớn nhất – Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) bức tranh toàn cảnh về Tin Lành tại Việt Nam càng trở nên phức tạp và đa dạng với sự góp mặt của vài chục nhóm phái mới xuất hiện bên cạnh các hệ phái đã tồn tại từ trước 1975 như: Báp-tít, Ngũ Tuần, Cơ Đốc Phục Lâm, Nhân chứng Giê-hô-va, Cơ đốc Truyền giáo, Mennonite…

Bắt đầu từ những năm 1988-1989, từ trong nội bộ cộng đồng Tin Lành xuất hiện nhiều nhóm, phái mới, giới chức Tin Lành gọi đây là “phong trào Hội thánh tư gia”.
Hiện tại, theo nghiên cứu và phân tích, đạo Tin Lành tại Việt Nam hiện có tới hơn 70 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành khác nhau tồn tại độc lập. Theo sự tự nhận về nguồn gốc tín lí cùng danh xưng tự gọi, có thể tạm phân thành một số nhóm sau:

–    Nhóm theo giáo phái Ngũ Tuần: có hơn 50 nhóm.
–    Nhóm tự xưng theo giáo phái báp-tít: khoảng 10 nhóm.
–    Giáo phái Cơ đốc Phục Lâm: 02 tổ chức.
–    Giáo phái Mennonite: 02 tổ chức.
–    Giáo phái Trưởng Lão: 02 tổ chức.
–    Giáo phái Giám Lý (Metodism): 02 tổ chức.
–    Giáo phái Chứng nhân Giê-hô-va: 01 tổ chức.
–    Các nhóm pha trộn tín lí, không xác định tính chất giáo phái: khoảng 10 nhóm.

Trong đó, số mới xuất hiện gần đây chiếm tới gần 60 nhóm, hệ phái.

Nguyên nhân

–    Thời điểm từ 1988-1989, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mở rộng giao lưu quốc tế, dân chủ hóa đời sống xã hội. Các tổ chức, giáo phái Tin Lành quốc tế bằng nhiều con đường đã mốc nối, tài trợ cho các cá nhân, nhóm Tin Lành bung ra hoạt động.

–    Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tổ chức giáo hội lớn duy nhất đang ở trong tình trạng trì trệ về tổ chức, nhân sự. Với nội quy giáo luật, kỷ luật chặt chẽ nhưng đang ở trong tình thế không có sự quản lý có hiệu lực đối với chức sắc, tín đồ.

Một bộ phận chức sắc, tín đồ bật mãn vì chức vụ, vị trí quyền lợi trong khi các chi hội lớn đã quá tải, các chi hội mới không được mở, việc phong chức, điều chuyển, bổ sung nhân sự bị ách tắc, v.v…

Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ly khai, chia rẽ, xuất hiện nhiều nhóm phái Tin lành từ trong cộng đồng chức sắc, tín đồ Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam).

–    Ngoài ra, chắc chắn rằng tình hình Tin Lành tại Việt Nam không tách rời những xu hướng trong thế giới Tin Lành với hiện tượng phổ biến trong các thập niên gần đây là hiện tượng gia tăng số lượng các cộng đồng phi giáo phái, các nhóm phái Tin lành tự do, với quy mô nhỏ, lúc hợp lúc tan.

Tổ chức giáo hội, giáo phái của đạo Tin Lành rất đa dạng và phức tạp, có thể theo từng giáo hội, giáo phái, có hình thức liên giáo phái, liên khu vực. Có các tổ chức chuyên biệt hỗ trợ truyền giáo theo từng lĩnh vực, lại có tổ chức chỉ chuyên môi giới truyền giáo. Đó là đặc trưng của một tôn giáo điển hình trong xã hội tư bản Âu Mỹ.

Tin lành tại Trung Quốc và vài nét so sánh

Năm 1807, giáo sĩ người Anh Robert Morrison thuộc “Hội Truyền giáo Luân Đôn” đến Quảng Châu, khởi đầu việc truyền giáo Tin lành tại Trung Hoa đại lục. Như vậy, đạo Tin Lành truyền giáo vào Trung Quốc sớm hơn tại Việt Nam khoảng 100 năm.

Sau hơn 200 năm truyền giáo, Tin Lành hay Cơ Đốc giáo tại Trung Quốc có đặc điểm là quy tập những giáo hội, giáo phái lớn, đóng góp nhiều vào đời sống văn hóa, giáo dục Trung Quốc thời cận hiện đại.

Sau thời điểm 1949, đặc biệt trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, Tin Lành cũng như các tôn giáo khác khủng hoảng nặng nề. Tuy nhiên, năm 1954 đã cho thành lập “Ủy ban vận động tam tự yêu nước” tập hợp các tổ chức cá nhân Cơ đốc giáo nhằm vận động đoàn kết và tự lực, ái quốc.

Năm 1980, “Hiệp hội Cơ Đốc giáo Trung Quốc” được thành lập – đây là tổ chức giáo vụ mang tính toàn quốc của đạo Tin Lành. Tất cả các giáo phái, tổ chức đều chịu sự chỉ đạo chung của tổ chức này.

Thời kỳ mở cửa, đặc biệt tại các khu kinh tế mở và vùng duyên hải phía Nam, chưa kể đến Hồng Công và Ma Cao, các giáo phái Tin lành cũng lại đua tranh hoạt động truyền đạo, lập nên các “giáo hội thầm lặng”, các mạng lưới tư gia. Theo nhận định của giới Tin lành từ bên ngoài: con số tín đồ Tin lành tại Trung Quốc hiện phải gấp 3, 4 lần số 15 triệu người mà “Hiệp hội Cơ đốc giáo Trung Quốc” công bố”.

2. Tổng quan về sinh hoạt tôn giáo của nhóm Tin lành “tư gia” và một số nét đặc trưng về thần học giáo thuyết của họ.

Tổ chức và thành phần lãnh đạo của các nhóm, phái Tin Lành

Lãnh đạo các nhóm phái “Hội thánh tư gia” phần nhiều xuất thân từ tầng lớp chức sắc của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam). Một số trường hợp bị kỷ luật, cách chức (phạm tội tà dâm, tham nhũng, bè phái, theo tà giáo, v.v…), còn lại là do bất mãn, li khai.

–    Một số ít được đào tạo tại các trường Thần học, đa phần học bổ túc, và chức vị tự phong.

–    Hoạt động tự do, không có quy định tổ chức chặt chẽ, các nhóm sát nhập hay tách ra thường xuyên do ý định chủ quan hay mâu thuẫn của các lãnh đạo nhóm bởi vậy không có sự ổn định.

Sinh hoạt tôn giáo

–    Ngoại trừ một vài nhóm Tin Lành vốn thuộc các giáo phái nổi tiếng với đường nét giáo thuyết lễ nghi riêng biệt như: Cơ đốc Phục Lâm, Nhân Chứng Giê-hô-va, Mormon… đa phần số hệ phái, nhóm Tin Lành “Hội thánh tư gia” thực hành theo trình tự và nghi lễ thờ phụng chung một cách đơn giản như Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tuy có sửa đổi ở một vài chi tiết, đó là:

Trái ngược với quy định khắt khe về tính trang nghiêm trong buổi nhóm lễ, với yêu cầu là không vỗ tay, diễn xướng kịch trong buổi thờ phụng cùng quy định về lối sống tín đồ của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), các nhóm “Tin lành tư gia” cho phép tín đồ thoải mái ca hát, nhảy múa, vỗ tay, cầu nguyện, chia sẻ trong buổi thờ phụng và được tự do hơn trong các quy định bắt buộc của đời sống tín đồ, ví dụ như vấn đề quan hệ nam nữ, hút thuốc, uống rượu (vốn để thu hút tín đồ không bỏ đi nhóm khác).

Nét đặc trưng về thần học, giáo thuyết, nghi lễ

Điểm chú ý đặc biệt là hầu như tất cả các nhóm, hệ phái “Tin lành tư gia” tại Việt Nam đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của thần học Ngũ Tuần, khuynh hướng Ngũ Tuần, hay còn gọi là “phong trào ân tứ”.

Từ một giáo phái ra đời vào đầu thế kỷ XX tại nước Mỹ, với giáo thuyết cổ vũ cho sự tìm  cầu một nghi lễ thờ phụng, cách tiếp cận với Chúa Trời thu hút hơn, linh nghiệm hơn với kiêng ăn, cầu nguyện, nói tiếng lạ, chữa bệnh, nói lời tiên tri và các ân tứ thiêng liêng giống như thời các xứ đồ. Giờ đây, khuynh hướng Ngũ Tuần và phong trào ân tứ đã thu hút hơn 450 triệu tín đồ Tin Lành trên toàn thế giới trong hầu hết các giáo hội, giáo phái và trở thành phong trào tôn giáo mạnh mẽ chỉ đứng sau Giáo hội Công giáo mà thôi.

Bởi chịu ảnh hưởng này, các nhóm Tin lành “Hội thánh tư gia” trong nghi thức thờ phụng thường chú ý đến tìm cầu việc: nói tiếng lạ, và đặc biệt là chữa bệnh bằng ân tứ của Đức Thánh Linh với các mức độ khác nhau.

–    Ngoài điều đó ra, nhìn chung, khó tìm thấy sự nổi bật, khác biệt về đặc trưng giáo lý, tín điều, hệ thống tổ chức của các nhóm Tin lành này nếu so sánh với các giáo phái quốc tế đã có danh.

Hoạt động truyền giáo

–    Hoạt động truyền giáo bằng hình thức cạnh tranh, tranh giành tín đồ của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và tranh giành lẫn nhau, sống nhờ nguồn tài trợ truyền giáo ngắn hạn, theo từng chiến dịch, hỗ trợ truyền giáo từ các tổ chức Tin Lành bên ngoài là đặc trưng hoạt động truyền giáo của các nhóm Tin Lành này.

Trong một diễn đàn của giới chức Tin Lành, một diễn giả đã nhận định và đánh giá về vấn đề hệ phái (giáo phái) và các mối quan hệ trong “gia đình Tin Lành tại Việt Nam” như sau:

“Có bao giờ các bạn giật mình khi nghe thống kê tại đất nước Việt Nam mình có đến 150-200 hệ phái Tin lành khác nhau không? Tôi thật không hiểu nổi tại sao có quá nhiều người “đua nhau” thành lập những hệ phái khác đến như vậy trong khi trên thế giới xu hướng chung là hợp nhất lại với nhau?

Bằng ấy hệ phái có làm cho công việc Chúa phát triển vượt bực không? Một khía cạnh khác mà nói ra thì sẽ đụng chạm đến nhiều điều tế nhị. Xin thử hỏi tại sao nhiều người muốn lập hệ phái riêng, phải chăng vì chức tước và các quyền lợi vật chất khác? Bình thường một mục sư đáng kính phải hầu việc Chúa 30-40 năm mới vào chức vụ lãnh đạo trong giáo hội, thế mà anh em mới bước vào chức vụ không lâu đã muốn lập hệ phái này nọ để được làm lãnh đạo, được làm Hội trưởng! Rồi muốn được lãnh đạo thì phải có thuộc cấp, thế là không ít trường hợp những tín hữu được điều động theo các lớp “Thần đạo mì ăn liền” sau vài tháng gặp lại đã trở thành “Mục sư thực thụ được tấn phong hẳn hoi”! Tuyệt chiêu hơn nữa có những hệ phái mà Hội Trưởng là chồng, vợ là Phó, vài người con làm thành viên, v.v… thật hết biết! Rồi các “hệ phái” này đua nhau đi “dụ dỗ hoặc ăn cắp chiên”, và nhất là có tài “cổ động tài chính” từ các nguồn ở hải ngoại bằng nhiều hình thức “quái chiêu” như: đến Nhà thờ hoặc nhà riêng của tín hữu chụp hình sinh hoạt về nói là tín đồ của mình, người ta cho tiền xây dựng Nhà thờ, xây giếng nước thì đi chụp hình Nhà thờ khác, giếng nước nhà nọ về làm sổ sách là do mình xây dựng nên, v.v… thật không thể nào tả nổi “Thử hỏi có quá nhiều” hệ phái “kiểu như vậy thì làm sao đòi hỏi người khác chấp thuận mình, dự phần với mình và còn đòi làm ngang hàng hoặc lãnh đạo lại người khác?”.

Nhìn chung, tại Việt Nam các hệ phái, nhóm Tin lành tư gia cho đến nay vẫn chiếm thiểu số so với Hội thánh Tin lành Việt Nam, tổ chức có lịch sử gần 100 năm nay.
Trong một tương lai gần thì các hệ phái, nhóm Tin Lành tư gia khó có khả năng phát triển thành các tổ chức giáo hội, giáo phái lớn.

Tư cách pháp lý

Hiện tại, qua việc triển khai thực hiện “Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo” năm 2004 và chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ (1.2.2005), tất cả các nhóm, hệ phái Tin Lành tư gia đều được phép đăng ký hoạt động miễn phí là không vi phạm pháp luật. Các hệ phái lớn, có thời gian hoạt động tương đối lâu, có hiến chương, điều lệ rõ ràng… được nhà nước cấp phép đăng ký hoạt động trên toàn quốc và được công nhận tổ chức tôn giáo hợp pháp.

Tình hình tại Trung Quốc

Phong trào Ngũ Tuần đang ảnh hưởng trong toàn thế giới Tin lành, vì vậy, tại Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.

Theo một số liệu từ bên ngoài, tư tưởng Ngũ Tuần đã được giáo sĩ gốc Hoa tiền phong Nghê Thác Thanh đem vào truyền bá tại Trung Quốc từ những năm 20 của thế kỷ XX.

Một vài tổ chức Tin Lành tư gia lớn hiện nay như: Liên Hữu Phương Thành (Fencheng Fellowship), Liên Hữu Đường Hà (Tanghe), Phong trào Tái sinh (Born Again Movement)… đều thực thi đường hướng thần học Ngũ Tuần, thần học ân tứ…

Thông tin về các nhóm đạo “lahet1”, nhóm tà giáo “Tia chớp Phương Đông” càng khẳng định nhận định trên.

3. Một vài nhận định và những vấn đề đặt ra. (thay phần kết luận)

Sự phát triển của đạo Tin lành, sự ra đời của các nhóm nhánh Tin Lành trong thời gian qua cho ta thấy:

Một mặt, hiện tượng này ghi dấu ấn đậm nét trong sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam thời kỳ mở cửa, hội nhập. Bước đầu, cộng đồng Tin lành cũng đã có những đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức xã hội, tham gia tích cực vào các lĩnh vực từ thiện, y tế, xã hội…

Tuy nhiên, hoạt động của các hệ phái, nhóm Tin lành này cũng gây ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, tôn giáo, đó là:

–    Tính quá khích, cực đoan trong học thuyết và nghi thức hành đạo gây ảnh hưởng xấu trong dân chúng (la hét, khóc lóc, chữa bệnh bằng các phương pháp không được kiểm chứng), đả kích, bài xích các tôn giáo khác, gây mất đoàn kết trong dân cư (tuyên bố chống lại con Rồng và quyền lực của nó, nghi thức của các tôn giáo khác…).

–    Nhận tại trợ từ bên ngoài, truyền giáo bằng mọi phương cách với nhiều cách thức ra ngoài các quy định hiện hành, cạnh tranh truyền giáo, lôi kéo tín đồ của nhau… gây nên nhiều vấn nạn xã hội và văn hóa.

Sự bùng phát của phong trào giáo phái “Hội thánh tư gia” trong đạo Tin lành thời gian gần đây tại Trung Quốc và Việt Nam là hiện tượng tôn giáo xã hội rất đáng chú ý. Phải chăng với hình thái này, giới chức Tin Lành đang tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh “biến đổi xã hội” trong tương lai gần như họ từng tuyên bố?
Lí giải và trả lời câu hỏi trên đang là yêu cầu khoa học đặt ra đối với giới nghiên cứu tôn giáo – xã hội chúng ta”.

MT (giới thiệu)