Đứng trước những vấn đề như vậy, xin quý bạn đọc là tăng ni Phật tử chia sẻ cho chúng tôi bằng cách email cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected], hoặc facebook.com/cusiminhthanh . Có thể phần chúng tôi giúp ích được cho quý vị là rất giới hạn, tuy nhiên, dù sao vẫn có thêm tiếng nói góp phần giải quyết vấn đề.
Dưới đây, xin tham gia ý kiến trường hợp đầu tiên. Một bạn đọc tu sĩ cũng cấp cho chúng tôi một số thông tin trên mạng so sánh hoạt động của một số cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo và một tôn giáo khác. Ở đó, các thông tin cho thấy cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo tỏ ra có sức thu hút mọi người cùng làm từ thiện, nhân đạo kém hơn. Cơ sở từ thiện xã hội của tôn giáo khác luôn có thông tin thu hút được đông đảo người tham gia quyên góp, thăm viếng, ủng hộ dưới nhiều hình thức. Câu hỏi được nêu ra là, vậy làm sao để thu hút, lôi cuốn, vận động ngày càng nhiều người tham gia vào hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo?
Do không thể khảo sát thực tế ở trường hợp cụ thể mà bạn đọc đã cung cấp thông tin, chúng tôi chỉ xin tham gia một số ý kiến chung, về mặt lý luận, như sau:
Trong hoạt động từ thiện xã hội, điều mà người ủng hộ, tham gia quyên góp, tỏ ra rất quan tâm là việc kiểm soát, giám sát hoạt động thu chi ngân quỹ từ thiện, sao cho số tiền mà người ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, đến tay người cần giúp đỡ một cách trọn vẹn.
Ở một tôn giáo khác, cơ chế quản lý, giám sát minh bạch nguồn tài chính quyên góp được là khá bài bản, hiệu quả. Họ có bộ môn “giáo hội học”, trong đó dành nhiều sự quan tâm nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn vấn đề đã nêu. Có cơ chế hữu hiệu quản lý, giám sát, minh bạch nguồn tài chính quyên góp chính là tạo điều kiện hết sức thuận lợi để vận động, quyên góp tài chính cho hoạt động từ thiện xã hội một cách có hiệu quả. Việc minh bạch, quản lý, giám sát như thế có thực chất hay không là một việc khác, tuy nhiên khi người đóng góp tài chính cho hoạt động từ thiện thấy tiền của mình được công khai thu chi, giám sát có lẽ chặt chẽ, thì sẽ có lòng tin tưởng, thúc đẩy họ đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn và tự mình vận động nhiều người khác cùng đóng góp.
Phải thấy rằng, trong hoạt động từ thiện xã hội, cơ chế công khai, minhh bạch, giám sát chặt chẽ nguồn tài chính quyên góp là hết sức quan trọng.
Trong Phật sự chúng ta, một cơ chế như vậy ít được chú ý đến. Tất cả đều do nơi sự tin tưởng vào cá nhân thầy cô trụ trì, hoặc người chủ nhiệm chương trình từ thiện xã hội. Đó là cơ chế chung đối với hoạt động tài chính trong Phật giáo.
Việc trình bày, thể hiện, thậm chí truyền thông quảng bá cơ chế giám sát, minh bạch tài chính còn ít được chú ý hơn nữa. Phải chăng, đây là nguyên nhân chính khiến cho qua thông tin trên mạng, điều nhận thấy là hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo ở một số nơi ít thu hút được đông người tham gia hơn so với hoạt động cùng hình thức ở tôn giáo khác.
Nhân đây, chúng tôi cũng mong quý tăng ni và Phật tử chủ trì các hoạt động xã hội Phật giáo chú ý nhiều hơn đến không những việc tổ chức, mà còn là việc thể hiện cơ chế giám sát, minh bạch ngân quỹ thu chi hoạt động từ thiện xã hội. Điều này có lợi nhiều mặt, nhất là tác dụng làm cho mọi người tin tưởng rằng tiền của mình quyên góp được dùng đúng người, đúng chỗ. Từ đó, thu hút được đông người hơn nữa tham gia hoạt động từ thiện.
Hình thức giám sát, kiểm tra minh bạch có nhiều, nhưng cùng có mục tiêu chung là chứng tỏ tài chính trong quỹ đã được sử dụng đúng. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu một số hình thức truyền thông:
– Thông tin trên mạng và thường xuyên cập nhật là hình thức dễ làm hơn cả. Có thể cập nhật định kỳ hoặc cập nhật ngay khi có khoản thu chi lớn.
– In thông tin cập nhật trên thư thông tin nội bộ gửi tới những cá nhân, tổ chức lưu lại địa chỉ liên lạc khi đóng góp tài chính. Thư thông tin công khai, giám sát tài chính có thể gồm nội dung về những chương trình vận động tiếp theo, những dự án từ thiện xã hội cần ủng hộ.
– Hình thức có một hội đồng giám sát là một hình thức rất hiệu quả. Hội đồng giám sát sẽ gồm nhiều người không liên hệ gì với nhau, đặc biệt có những người giữ địa vị xã hội cao, người nổi tiếng (nhà khoa học, nghệ sĩ, quan chức…), sẽ cùng ký vào những thông tin công khai, giám sát hoạt động thu chi định kỳ. Điều này, sẽ làm số đông người thêm tin tưởng vào hiệu quả, mức độ trung thực của hoạt động từ thiện xã hội.
– Thông tin giám sát, minh bạch ngân quỹ từ thiện xã hội có thể đăng báo, gián tiếp có tác dụng vận động ủng hộ, quyên góp từ thiện xã hội.
Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về hiệu quả của truyền thông đại chúng đối với việc vận động, quyên góp trong hoạt động từ thiện xã hội.
MT