Trong 5 năm qua, với sự tăng trưởng của kinh tế cùng cơ chế tương đối thoáng về quản lý thông tin – văn hóa từ phía Nhà nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các họat động về thông tin – văn hóa của Phật giáo cũng được khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn vào cảnh trăm hoa đua nở của khu vườn văn hóa Phật giáo đó, chúng ta vẫn còn quá nhiều vấn đề, những điều bất cập trong phát triển dường như vượt khỏi tầm quản lý, đặc biệt là trong việc quản lý từ phía Giáo hội để định hướng và tạo nên sự cân đối cho lĩnh vực luôn sinh động này.
Bài tham luận của Ban Văn hóa Trung ương được đúc kết từ ý kiến chung của Tăng Ni Phật tử, của các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu về văn hóa trước thực tiễn của các họat động văn hóa Phật giáo trong nhiệm kỳ V mà chúng tôi đã thu nhận được qua các hội thảo và qua các buổi tọa đàm chuyên đề cũng như qua tạp chí Văn Hóa Phật Giáo và các cơ quan báo chí khác. Những ý kiến đó, theo chúng tôi, nếu được thực hiện sẽ đem đến kết quả tốt hơn cho sự bảo tồn và phát triển của văn hóa Phật giáo, đáp ứng nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử, đồng thời hài hòa với sự phát triển chung của đất nước.
1. Cần định hướng cho sự phát triển của các họat động văn hóa và thành lập Nhà xuất bản thuộc Giáo hội:
Lĩnh vực văn hóa Phật giáo rất đa dạng, từ in ấn kinh sách, báo chí, các họat động triển lãm, văn nghệ… cho đến việc trùng tu chùa chiền, thay đổi cơ cấu thờ tự trong các chùa, các lễ hội tín ngưỡng thu hút đông đảo người tham dự ở các địa phương hay tầm khu vực, quốc gia, nhìn sơ bộ, chúng ta dễ nhận ra tính tự phát mang dấu ấn cá nhân hoặc địa phương mà chưa hề có một định hướng xây dựng và phát triển chung cho giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh nét phong phú nhưng thường không nổi trội, chính sự tự phát đó đã đưa đến tình trạng ngỗn ngang, đôi khi tùy tiện theo ý kiến chủ quan của một cá nhân hoặc một nhóm người, làm phá vỡ hoặc thay đôi đặc điểm truyền thống được kết tinh và bảo lưu qua nhiều thời đại. Điều đó được thấy rõ nhất trong công tác trùng tu các cơ sở chùa chiền, tôn tạo tranh tượng, pháp khí trên khắp đất nước ta hiện nay.
Đối với việc xuất bản kinh sách cũng thế. Hiện nay Giáo hội Phật giáo VN gần như bị bỏ ra ngoài việc quản lý nội dung tư tưởng của các sách viết/dịch về đạo Phật nói chung. Việc quản lý đó hiện nay nằm trong tay Nhà xuất bản Tôn giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, nhưng thực tế thì bất cứ nhà xuất bản nào cũng có thể cấp giấy phép xuất bản, bất cứ tư nhân nào cũng có thể liên kết với một nhà xuất bản nào đó để xuất bản sách, tạo nên một cảnh khá hỗn loạn về sách Phật giáo, trong đó có không ít cuốn sách kém chất lượng và thậm chí xuyên tạc giáo lý Phật giáo, để lại hậu quả xấu trong nhận thức của nhiều người về đạo Phật.
Công tác quản lý xuất bản của Nhà xuất bản Tôn giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ có thể nói không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác xuất bản hiện nay, vì Nhà xuất bản chỉ có một văn phòng ở Hà Nội, trong khi đó, việc gần 90% nhu cầu xuất bản của Phât giáo lại ở các tỉnh thành miền Nam và miền Trung, đó là chưa kể đến những bất cập khác trong chất lượng biên tập cũng như công đoạn cấp giấy phép cũng như chuyển gửi bản thảo còn quá nhiều nhiêu khê.
Hiện nay, nhiều hội đoàn xã hội có nhà xuất bản riêng của mình, thế nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất nước hiện nay được Nhà nước công nhận từ năm 1981, đã qua 5 nhiệm kỳ nhưng chưa hề có một Nhà xuất bản để quản lý nội dung tư tưởng các văn hóa phẩm đặc thù thuộc về tôn giáo mình, thậm chí không được tham gia vào công tác giám định hay tham khảo về nội dung mà phải tùy thuộc vào nhà xuất bản thiếu chuyên môn.
Trước tình trạng đó, theo lộ trình của WTO, chúng tôi nghĩ, Giáo hội cần có tiếng nói đề nghị Chính phủ cho phép Giáo hội sớm được thành lập một Nhà xuất bản để có thể tạo sự ổn định và thuận lợi hơn trong vấn đề xuất bản kinh sách Phật giáo và các tài liệu liên quan, đáp ứng kịp thời có điều chỉnh các nhu cầu của hàng triệu tín đồ Phật giáo.
2. Ứng dụng phương tiện truyền thông để phổ biến giáo lý Phật giáo và đường lối, chủ trương, họat động của Giáo hội đến với đông đảo Tăng Ni Phật tử:
Từ lúc thành lập năm 1981 cho đến nay, lĩnh vực thông tin truyền thông của mạng lưới Giáo hội chúng ta, từ trung ương cho đến các tỉnh thành có thể nói vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa có một sự quan tâm nào.
Mạng lưới thông tin internet là phương tiện phổ biến của thời đại, thế nhưng Giáo hội chưa có một trang nhà điện tử chính thức cho Giáo hội, nhiều họat động của Giáo hội chỉ được phổ biến qua sự phản ánh không đều đặn của vài cơ quan báo chí Phật giáo mà chưa có sự chủ động đưa thông tin đến với Tăng Ni Phật tử.
Ngoài báo Giác Ngộ thuộc Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh và tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Phân viện Nghiên cứu Hà Nội, 3 năm trở lại đây, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo thuộc Hội đồng Trị sự chủ quản, được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp giấy phép họat động báo chí đã góp phần tạo nên một sinh khí mới trong lĩnh vực truyền thông của Giáo hội, đi sát với các vấn đề xã hội nóng bỏng để góp phần điều chỉnh nhận thức của hàng chục ngàn người theo giáo lý Phật giáo, nhưng báo chí Phật giáo hiện nay cũng chỉ dừng lại ở ấn phẩm tuần báo và bán nguyệt san, trong lúc đó, các họat động của Giáo hội trung ương và các địa phương lại vô cùng phong phú, cần có một sự phản ánh và điều chỉnh kịp thời thì chưa được thực hiện.
Mặt khác, tất cả chủ trương, đường lối và thái độ của Giáo hội đối với các họat động và các hiện tượng xã hội hầu như chỉ được truyền đạt đến các nơi cần tiếp nhận bằng phương pháp truyền thống là chuyển qua đường bưu điện. Điều đó vừa chậm lại vừa dễ bị thất lạc.
Chúng tôi đề nghị, trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội cần có một trang nhà điện tử chính thức, tiến tới thành lập hệ thống liên lạc điện tử của các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, tạo nên một mạng lưới liên kết trong vấn đề truyền đạt thông tin và phổ biến các chủ trương, đường lối, các dữ liệu về lịch sử Phật giáo, về các họat động và thái độ của Giáo hội trước các hiện tượng xã hội một cách nhanh chóng và dễ dàng cho tất cả Tăng Ni Phật tử và cho những ai muốn có một thông tin chính thức về Giáo hội để tránh tình trạng dễ bị xuyên tạc không đúng sự thật.
Chi phí, sự quản ký không quá tốn kém và phức tạp mà hết sức tiết kiệm và đơn giản. Với trang nhà đó, chúng ta có thể cập nhật các thông tin về Giáo hội một cách dễ dàng bất kỳ ở đâu và lúc nào.
Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của hệ thống truyền thông ở nước ta, hằng năm vào các dịp lễ lớn của Phật giáo như Kinh mừng Phật đản, Vu Lan Báo hiếu, các đài Truyền hình đã nhanh nhạy liên kết sản xuất những chương trình phát sóng về đề tài văn nghệ Phật giáo, tuy nhiên, các chương trình đó hầu hết đều mang dấu ấn cá nhân của người liên kết với đài, báo mà chưa có kế hoạch thực hiện được đề ra và chỉ đạo bởi Trung ương Giáo hội. Manh ai nấy làm. Ngoài thông bạch hướng dẫn mang tính chung chung, Giáo hội Trung ương hầu như chưa có một chỉ đạo cụ thể nào.
Cho nên, các thông tin về các đại lễ lớn của Phật giáo, người Phật tử thì trông chờ một chương trình chính thức dành cho họ, còn phía Giáo hội lại không có động tĩnh gì, ai làm được gì thì làm, năm có năm không, lúc có lúc không rất bất thường. Chúng tôi nghĩ, Giáo hội nên có buổi làm việc chính thức về vấn đề đó với Đài Truyền hình Quốc gia, với Bộ Thông tin – Truyền thông để ấn định một số chương trình phát sóng với nội dung được đảm bảo bởi Giáo hội hoặc Ban/ ngành được Trung ương Giáo hội giao trách nhiệm thực hiện.
Hơn bao giờ hết, trong thời đại thông tin, chúng ta cần chủ động truyền thông, nếu không, chúng ta sẽ bị đẩy vào thế bị động, không đáp ứng được nguyện vọng thưởng thụ văn hóa tôn giáo của hàng triệu người Phật tử trên đất nước chúng ta.
3. Thành lập tập đoàn báo chí Phật giáo:
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có hướng cổ xúy việc thành lập tập đoàn báo chí – truyền thông. Và điều đó đang được tiến hành. Đối với Phật giáo, hiện chúng ta có tạp chí Văn Hóa Phật Giáo thuộc Hội đồng Trị sự chủ quản, báo Giác Ngộ do Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh chủ quản, tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội chủ quản cũng như hàng chục ấn phẩm là tập san, nội san thuộc các Ban, Viện, Học viện, Trường Phật học, các Ban Trị sự và các nhóm Tăng Ni Phật tử.
Với chừng ấy ấn phẩm báo chí trên số lượng tín đồ thì quả thật còn rất ít ỏi so với chuẩn trong văn hóa đọc. Hiện có quá ít, lại họat động tương đối riêng lẻ, không hề có sự gắn kết nào nhằm phân định kênh truyền truyền thông. Tình trạng ấy có thể thấy là rất manh mún, không thể phát huy sức mạnh để góp phần truyền bá thông điệp của Đức Phật đến với số đông một cách đáng và có thể có.
Trong lúc ấy, trước một sự kiện lớn của Giáo hội, các cơ quan báo chí Phật giáo lại không hề nhận được một hướng chỉ đạo thông tin nào từ phía lãnh đạo Giáo hội như thường thấy đối với Cơ quan quản lý báo chí của cục Báo chí Bộ Thông tin – Truyền thông. Trách nhiệm của báo chí Phật giáo đối với việc thông tin về các sự kiện của Giáo hội do đó cũng rất rời rạc, không có sự gắn kết nào. Vai trò chỉ đạo của Giáo hội trong thông tin cũng không có. Đường hướng thông tin do vậy cũng trở nên lạc lỏng và không đạt đến mức mà lẽ ra cần phải có.
Trước tình trạng đó, chúng tôi nghĩ, Giáo hội nên triệu tập cuộc gặp gỡ các Ban biên tập thuộc các cơ quan báo chí Phật giáo để chia sẻ những kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và quan trọng hơn cả là phân công lĩnh vực thông tin để tránh giẫm đạp lên nhau không cần thiết cũng như điều chỉnh mức độ thông tin tùy theo sự kiện nhằm có sự phù hợp, đúng mức và hiệu quả.
Đó cũng là bước chuẩn bị để tiến tới thành lập tập đoàn báo chí Phật giáo, trung tâm truyền thông Phật giáo, hoặc hiệp hội báo chí Phật giáo trong khuôn khổ pháp luật và quy định về họat động báo chí của Nhà nước hiện hành.
Đó cũng là bước để chúng ta đi ra bên ngoài, giao lưu và trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan báo chí của Phật giáo tại các nước để học kinh nghiệm nhằm xây dựng một trung tâm thông tin Phật giáo Việt Nam đa dạng, xứng với tôn giáo chủ đạo của đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
4. Biên soạn tư liệu giới thiệu về Phật giáo Việt Nam và tiến tới thành lập một bản đồ văn hóa Phật giáo Việt Nam:
Phật giáo Việt Nam có lịch sử trên 2000 năm, nhưng hiện nay, chúng ta chưa có một tài liệu nào chính thức giới thiệu về Phật giáo Việt Nam, ngoài các tác phẩm nghiên cứu của các chư tôn đức Tăng Ni, các học giả theo nhiều quan điểm khác nhau.
Chúng ta có Viện Nghiên cứu và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, điều đó nằm trong tầm tay chúng ta, nhưng đến nay, một tài liệu căn bản như thế vẫn chưa thấy khuôn mặt như thế nào. Sẽ hết sức ngạc nhiên nếu chúng ta thử đặt câu hỏi: biểu tượng của Phật giáo Việt Nam là gì? Chúng tôi nghĩ, Giáo hội cần phải có một câu trả lời chính thức về điều đó, nhất là khi Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc đã gần kề. Nên chăng, Giáo hội có một hội thảo, hoặc giao trách nhiệm cho các Viện, Ban chịu trách nhiệm lấy ý kiến chung của Tăng Ni Phật tử và các nhà nghiên cứu để sớm có câu trả lời cho những vấn đề trên.
Song song với vấn đề đó, chúng ta cần có một cuộc khảo sát lại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo Việt Nam có bề dày trên 2000 năm để xây dựng cho được một bản đồ văn hóa Phật giáo Việt Nam, nhằm bảo tồn những gì còn lại, được không thể để trình trạng chảy máu di sản tiếp diễn và sự biến dạng của các di tích quý giá qua việc trùng tu một cách tùy tiện như đã và đang diễn ra mà báo chí đã phản ánh rất nhiều nhưng chưa thấy động tĩnh gì từ phía Giáo hội.
Kính thưa Đại hội,
Những vấn đề về văn hóa cần sự quan tâm hơn nữa của Giáo hội để có sự ổn định và tránh những điều đáng tiếc khi sự đã thành còn rất nhiều. Nhưng ở đây, chúng tôi xin đề cập mấy vấn đề mang tính cấp thiết, cần làm ngay để một mặt bảo tồn những gì còn lại của di sản Phật giáo Việt Nam, mặt khác, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Phật tử và xây dựng hệ thống Giáo hội ngày một vững mạnh trong thế đi lên của đất nước, trong bối cảnh hội nhập văn hóa của thế giới mà Phật giáo không thể đứng ngoài cuộc.
Chúng tôi biết, Phật sự Giáo hội vẫn còn ngổn ngang, nhưng rất mong chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội quan tâm đến lĩnh vực này hơn nữa để Giáo hội kế thừa truyền thống lịch sử Phật giáo Việt Nam, thực sự thể hiện vai trò là đại diện duy nhất cho Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước mà Hiến chương của Giáo hội đã khẳng định.
(*) HT. Thích Trung Hậu – Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Đây là tham luận của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN tại Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI