Căn ngăn không được. Khuyên nhủ không ăn thua. Chủ nhà và những người có mặt cùng nhau tìm cách chứng minh với tôi là ăn thịt chó rất bổ, có nhiều đạm. Mà phải tự tay thịt chó để chắc chắn rằng thit được làm, tẩm ướp nguyên chất. Họ cũng cho biết, chỉ có chó tự nuôi mới đảm bảo chó sạch chứ không phải chó đánh bả thuốc độc. Cả bữa tôi không dám nhúng đũa. Đi bữa đó về mà tôi còn bâng khuâng mãi.
Ngày được mời đi giỗ mẹ người bạn lần này tôi định từ chối nhưng sau khi biết rằng không có sát sinh nên tôi đồng ý đi. Phần muốn động viên và tham gia cùng gia đình, phần muốn biết nơi đây tổ chức giỗ ra sao. Nơi tôi đến lần này là một vùng quê nơi cố đô Huế.
Trước ngày diễn ra lế giỗ, trong và sau ngày đó cả nhà cùng tụng kinh. Kinh gia đình tụng gồm Kinh cầu an, kinh cầu siêu, kinh vu lan bồn, kinh báo hiếu. Cả nhà cùng tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật. Có một thành viên đi chuông, 1 thành viên đi mõ rất chuẩn mực như 1 đạo tràng trong chùa chẳng khác. Tất cả ai cũng thành kính.
Trong 3 ngày tôi có mặt cả nhà đều ăn chay. Các món chay nấu khá giản dị và tự gia đình mua đồ về nấu. Tôi rất thích món đu đủ làm giòn gọi là dưa mắm nhưng thực ra ra là mắm chay. Các loại bánh khác như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc đều là chay. Lẩu nấm chay ăn khá ngon. Tuy nhiên mấy món mà tôi thích nhất có lẽ là món gỏi ngó sen và mít trộn, mít xào, mít kho. Ăn mãi không chán. Ăn xong tôi còn xin mang về. Trong những món mang về còn có một món mà tôi bất ngờ: trái vả trộn. Toàn là đặc sản xứ Huế.
Gia đình gia chủ thờ gia tiên, ông bà ở phía sau. Phía trước thờ Phật Bà Quan Âm. Vậy là tất cả cùng ngồi trước bàn thờ Phật Bà để tụng kinh, niệm Phât và làm các nghi lễ. Người lớn và trẻ con, già và trẻ cùng đều tụng kinh.
Một điểm thú vi là trong ngày giỗ có một sư cô khá lớn tuổi đến tham dự. Nhưng sư cô này không tham gia các buổi tụng kinh. Hỏi ra mới biết đây là người bà con trong gia đình xuất gia. Tuy nhiên tự gia đình tụng kinh chứ không cần đến sư cô. Một người con trong nhà cho tôi biết, tâm người tụng mới quan trọng. Rằng nhớ đến cha mẹ, tự con cháu tụng kinh và hồi hướng công đức đâu có thua kém các nhà sư. Hơn nữa anh cho biết, bố mẹ khi biết con cháu tụng kinh cho mình sẽ vui hơn nhiều. Hay thật.
Bữa chiều ngày giỗ, các mâm cỗ chay được sắp lên. Người bác lớn tuổi thay mặt gia đình làm lễ dâng trà và khấn nguyện. Sau đó là các con cháu vào lễ và tạ ơn cha mẹ tổ tiên. Tôi quan sát thấy ai cũng rất thành tâm. Bụng bảo dạ, thế này thì Phật nào mà không chứng cho, cha mẹ nào mà không vui.
Một việc khác với quê tôi nữa là cả nhà ra nghĩa trang, đến mộ thắp hương và tụng kinh niệm chú tại đó. Lúc chúng tôi ra trời đã tối. Tôi thấy gia đình còn đốt 1 đống củi nữa. Thấy bảo để cho nơi đây ấm áp. Hương cũng được thắp cho các ngôi mộ xung quanh. Trên đường về anh con rể cả còn kể rằng ngày mẹ mất, cả nhà cũng đốt lửa ngay cạnh nơi chôn người mới qua đời. Buổi tối đó cả nhà còn ra mộ chơi, đốt củi cho mộ ấm áp, cho người mất không bị lạnh lẽo, cho người vừa qua đời không thấy cô đơn, buồn tủi, đến đêm mới về.
Điều tôi ấn tượng nhất là lòng thành kính cùng tung kinh niêm Phật của cả gia đình. Điểm tôi thích nhất ở đây là ăn chay. Nghe nói rằng trong 7 ngày hay 49 ngày thậm chí 100 ngày sau khi người mất cả nhà cùng cúng chay, ăn chay hồi hướng cho người mất. Thật tuyệt vời làm sao.
Tôi cũng không biết các vùng quê khác ở Huế có tổ chức ngày giỗ như nơi tôi đến hay không, bởi nếu khắp nơi đều làm như vậy thì thật là tuyệt vời. Tôi ghi lại đây để mong các vùng khác trên đất nước Việt Nam chúng ta có thể biết, học theo và ứng dụng. Biết rằng làm được như ở đây, tại nhiều nơi không hề dễ. Nhưng Việt Nam ta là đất nước Phật giáo và nếu cứ học nhau dần những cái hay như thế này thì chẳng mấy lâu nữa chúng ta sẽ có những dám giỗ, đám tang văn minh và công đức.