Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Năm dục và việc áp dụng đạo Tỉnh Thức để nhận biết...

Năm dục và việc áp dụng đạo Tỉnh Thức để nhận biết cội gốc của Tham Sân Si

298

Đang ở biển mê, chỉ cần quay đầu lại sẽ là bờ Giác. Chỉ có điều chúng ta có thật sự muốn dừng lại, quay đầu, chuyển nghiệp và sạch nghiệp hay không mà thôi! Có năm lĩnh vực gọi là “Ngũ dục” mà chúng ta cần phải Tỉnh Thức nhận ra vì ái dục cũng là cội gốc của Tham, Sân, Si và là nguyên nhân của khổ đau, đoạ lạc và luân hồi. Đó chính là: Tài, Sắc, Danh, Thực (ăn, uống), Thuỳ (ngủ, nghỉ). Sau đây xin được chia sẻ một số ví dụ thiết thực qua việc áp dụng nguyên lý Đạo Tỉnh Thức để quán chiếu một số lĩnh vực trong năm dục. Nếu ai có kinh nghiệm gì hay thì hãy chia sẻ để mọi người cùng học hỏi và làm theo.

Ví dụ, có một người chiều nào cũng đi uống rượu, riết sau sẽ thành thói quen, thành nghiệp nghiện rượu. Nếu lỡ hết tiền, chiều nào không uống thì cảm thấy rất bứt rứt khó chịu, ngáp vào thở ra, tối về không thể nào ngủ yên. Đến khi muốn bỏ rượu vì không còn tiền, vì gia đình cấm kỵ thì bỏ rất khó. Tuy nhiên, nếu người ấy biết áp dụng Đạo Tỉnh Thức thì sẽ bỏ rượu một cách dễ dàng. Dùng Đạo Tỉnh Thức soi rọi vào sẽ phát hiện ra ngay trong người ấy luôn tồn tại một con ma rượu. Ma ở đây không phải là ma quỷ mà là ma nghiệp (nội ma).          

Con ma rượu này do chính người ấy tạo ra, nuôi dưỡng và cũng chỉ chính người ấy mới có thể tiêu diệt được nó. Con ma này rất tinh quái! Nó luôn luôn sai khiến người này phải phục tùng và làm nô lệ cho nó. Nó dẫn dắt người này đi từ sai lầm này đến sai lầm khác cho đến ngày tan gia bại sản, thân tàn ma dại. Nếu Tỉnh Thức lại, người này sẽ nhận thấy ngay:

Có một ngày kia trời mưa to, quán xá gần nhà đóng cửa hết. Người này muốn uống rượu mà không biết tìm đâu ra. Con ma ấy liền xuất hiện ra rất đúng lúc và bảo: “Các quán gần nhà đóng cửa hết thì hãy ra quán bà Năm gần bên bờ sông”. Thế là phải lủi thủi đội mưa ra quán bà Năm. Nhưng khi đến quán bà Năm rồi thì cũng đóng cửa. Con ma rượu ấy lại xuất hiện và sai bảo tiếp: “Quán bà Năm bên sông do mưa to, gió giật đóng cửa thì hãy đi qua bên kia sông, quán bà Sáu, bà Bảy sẽ có rượu uống”. Thế là lại phải đội mưa, đội gió mà lặn lội thêm một lần nữa tìm qua bên kia sông để thoả mãn cho con ma rượu ấy thì mới về ngủ yên được. Rồi một ngày kia, khi tiền không còn nữa, con ma rượu ấy lại xuất hiện và bảo: “Hôm nay cháy túi hết tiền rồi phải không? Vậy ông có thấy vừa rồi người nhà ông để tiền tiết kiệm trong tủ? Ông hãy đến lén mở ra lấy đi mà uống”. Thế là liền lấy cắp tiền người thân, dẫn đến tình cảm cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng sứt mẻ. Mọi người rồi sẽ cảnh giác, xa lánh. Một ngày kia, khi cơn nghiền rượu lại nổi lên, không uống không cách gì chịu nổi. Nhưng tiền thì hết, tiền gia đình mọi người cũng đã cảnh giác cất kỹ hết rồi. Con ma rượu ấy liền xuất hiện và bày mưu tính kế: “Hôm nay không thể lấy tiền nhà được, nhưng có người vừa để xe máy sơ hở, ông lấy đi là có tiền uống rượu ngay!”. Lúc đó, cơn nghiện rượu nổi lên rồi thì đâu có còn ý thức gì đến tội ác nữa? Cuối cùng, thậm chí con ma rượu sai giết người cướp của để có tiền uống rượu thì người ấy cũng có thể làm theo?

Đấy! Các bạn thấy không? Nếu người nghiện rượu kia muốn bỏ rượu vì trời mưa hay vì không có tiền thì bỏ rất khó. Nhưng nếu biết áp dụng Đạo Tỉnh Thức thì người ấy sẽ nhận ra ngay bản chất của con ma rượu kia chính là Nghiệp. Rồi liền gọi tên nó ra vạch trần tội lỗi của nó và mạnh mẽ tuyên bố rằng: “Thì ra từ bấy lâu nay ta đã làm nô lệ cho ngươi, ngươi đã làm cho ta thân tàn ma dại, gia đình tan nát, vào vòng lao lý… Kể từ ngày hôm nay ta sẽ đích thân tiêu diệt ngươi. Ta sẽ là chủ chứ không phải là người làm nô lệ cho ngươi!”. Nếu ý thức mạnh mẽ như vậy thì người này sẽ từ bỏ nghiệp nghiện rượu một cách dễ dàng. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng, hai tháng thử hỏi cuối cùng có con ma nào lại không bị tiêu diệt phải không các bạn?

Như vậy, chính nhờ sự Thức Tỉnh và hiểu biết này có thể giúp đỡ chúng ta rất nhiều trên bước đường diệt khổ. Từ thời xa xưa, lúc khởi đầu Đức Phật đâu có bảo chúng ta phải học điều gì cao siêu lắm đâu? Trong suốt cuộc đời giáo hoá độ sinh của Ngài, nếu có ai hỏi đến một vấn đề gì huyền bí, thần thông thì Đức Phật không trả lời. Mặc dù từ khi chứng được quả vị Phật thì Ngài đã dùng Phật nhãn nhìn thấy hết tất cả Tam thiên Đại thiên thế giới. Nhìn thấy hết tất cả các cảnh giới, quốc độ cùng tồn tại song song với chúng ta và thấu rõ được tất cả các hiện tượng thành hoại của vũ trụ. Trong Kinh, Phật cũng từng đưa ra ví dụ khi nói với hàng đệ tử là những gì Phật nói ra chỉ: “Ít như những chiếc lá trong lòng bàn tay” và những gì Đức Phật đã chứng đắc thấy được thì: “Nhiều như lá ngoài rừng”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng, nếu nói điều này sớm không giúp ích được gì cho hàng đệ tử tu hành. Tốt hơn cứ để họ tập quán chiếu, tu thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và diệt trừ tham sân si trước. Một khi nhân duyên hội đủ, cái ngục tù vô minh ắt sẽ bị phá vỡ, tên chủ ngục kia bị tiêu diệt thì trí tuệ sẽ bừng sáng, chính họ sẽ chứng quả và khôi phục lại toàn bộ bổn lai diện mục xưa nay của mình. Và đến lúc ấy tự họ sẽ nhận thấy được tất cả sự thật, kể cả sự cảm ứng và có được đầy đủ thần thông.

Con ma rượu vừa rồi chính là con ma của cõi Thực (ăn, uống). Bây giờ các bạn hãy mở rộng sự quán chiếu lại mình xem thử hiện tại có đang làm nô lệ cho con ma nào không? Vì chỉ có bạn mới biết được rõ con ma nào là đang tồn tại trong mình mà thôi! Nếu không làm nô lệ cho con ma nào thì quả thật bạn là một con người rất hoàn hảo. Bạn đã thành công một bước quan trọng trên con đường hướng tới những cảnh giới tốt đẹp hơn của người, trời rồi đấy! Nếu nỗ lực tiến đến không còn dính mắc thì bạn có thể sẽ giác ngộ và tiến đến cảnh giới của Thánh nhân! Giải thoát, trước tiên có thể hiểu như vậy! Vì có giải thoát từng phần và giải thoát toàn phần.

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đi vào và tìm hiểu thêm một lĩnh vực nữa trong năm dục. Đó là: Tài.

Tài: Là tiền tài, là của cải vật chất. Tiền của thì ai cũng cần thiết cho cuộc sống này, nhưng chúng ta phải làm ra bằng chính sức lao động chân chính của mình, không trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn hại đến lợi ích hay sinh mạng của chúng sanh khác. Nhất định chúng ta sẽ không làm giàu bằng mọi giá, bằng cách chà đạp lên công lý và đạo đức, bằng cách lợi ta mà hại người. Và đặc biệt là nhất định không bao giờ còn si mê mà làm nô lệ cho Con ma tài như người nghiện rượu kia đã từng làm nô lệ cho Con ma rượu trong suốt một thời gian dài. Tiền tài vật chất nói về đủ thì không biết bao nhiêu là cho đủ các bạn ạ! Kinh Pháp Cú dạy:

                      “Dầu mưa bằng tiền vàng,
                        Các dục khó thoả mãn.
                        Dục đắng nhiều ngọt ít,
                        Biết vậy là bậc Trí.”

Phật còn ví: “Người chạy theo ngũ dục thì chẳng khác gì người khát mà uống nước muối. Càng uống càng thấy khát”. Và kết cục thì như Kinh dạy, chỉ như là: “Người nhặt các loài hoa. Ý đắm say ý nhiễm. Các dục chưa thoả mãn, đã bị chết chinh phục”. Chúng ta hãy tự xét lại cuộc đời mình có đúng như vậy không?

Bởi vậy, Phật thường dạy là phải biết: “Thiểu dục, tri túc”. Tức là: “Ít muốn và biết đủ”. Khi nào chúng ta cảm thấy nó đủ thì sẽ đủ, cảm thấy chưa đủ thì bao nhiêu cũng chưa đủ và thậm chí cho đến lúc chết cũng vẫn chưa thấy đủ. Kinh Viên Giác dạy: “Ái dục là cội gốc của luân hồi”. Hầu như tất cả những khổ đau, tội ác trên thế gian này là do ái dục và tham lam mà ra.  

Gia đình tôi trước đây khi chưa biết đến Đạo cũng vậy! Có một thì muốn hai, có hai rồi muốn ba… và còn muốn nhiều hơn thế nữa! Ví dụ, trước đây có chiếc xe đạp, chúng ta mơ ước có xe máy. Khi có được xe máy rồi thì lại muốn có ô tô. Thấy người ta đi xe ô tô hiện đại hơn, ta lại muốn có xe ô tô hiện đại kia. Nhưng thưa các bạn! Chắc gì lòng tham của mình sẽ chịu dừng lại ở đó? Vì chắc gì chiếc ô tô hiện đại kia đã là bậc nhất rồi. Tương lai sẽ không còn chiếc xe nào hiện đại hơn thế nữa? Vì lòng tham là vô tận. Đến lúc chết mà có người cũng không bao giờ cảm thấy cái gọi là: “Đủ”. Người ta thường nói: “Lòng tham vô đáy”. Mà dân gian lại có câu: “Tham thì thâm”. Vậy, để thoả mãn năm con ma dục kia thì chỉ còn cách chúng ta phải lao đầu vào gian khổ để tranh giành hơn thua và tạo thêm nghiệp đoạ lạc trong ba đường ác sau này mà thôi! Nói như vậy không phải là bi quan để rồi không còn cố gắng làm ăn nữa. Chúng ta vẫn làm, nhưng phải biết kiềm chế lòng tham để không phải khổ sở suốt đời vì nó và phải biết “Thiểu dục, tri túc” như lời Phật dạy là vô cùng bổ ích.

Hơn nữa, tiền của tuy cần thiết cho cuộc sống nhưng đâu phải lúc nào nó cũng mang lại hạnh phúc và an lạc cho chúng ta đâu? Thực tế cho thấy, có những gia đình lúc còn gian khổ thì mọi người sống rất hoà thuận, vui vẻ nhưng khi khấm khá lên thì tình cảm anh em, quyến thuộc lại sức mẻ. An lạc hay không là do nơi tâm mình chứ không hẳn do nơi tiền của và không phụ thuộc vào cảnh sắc bên ngoài. Kinh dạy: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Nếu tâm thanh tịnh thì dù sống bất cứ nơi đâu cũng sẽ an lạc. Ngược lại, nếu tâm ô nhiễm, động loạn thì dù đi đâu, ở đâu cũng cảm thấy khó chịu và không hài lòng. Do vậy, tu hành mục đích chính là phải tu tâm thanh tịnh. Bên cạnh đó còn phải biết hành thiện, tích đức để lợi ích chúng sanh và tạo phước báu bao bọc gia đình thì mới mong tai qua nạn khỏi, căn lành mới tăng trưởng, nghiệp chướng mới tiêu trừ và đạo nghiệp sẽ chóng viên thành. Ông bà chúng ta cũng thường dạy, làm ăn nên để lại phước đức cho con cháu sau này:

“Bởi chưng kiếp trước khéo tu
Ngày nay con cháu võng dù thênh thang.”

Vậy, chúng ta nên để lại cho con cháu mình một nền giáo dục chân chính, một cách sống có tỉnh thức và một đạo đức làm người. Sau này có nghề, có đạo đức thì dù sống đâu chúng nó cũng sẽ thích hợp cả. Và cũng đừng quên rằng, con cháu mỗi đứa cũng đều có phước lực riêng của chúng do nhân quả của đời trước. Chúng ta cứ lo lao lực bòn mót của cải suốt đời mà không lo cho con cháu nền tảng đạo đức thì bao nhiêu tiền của để lại chúng nó cũng sẽ tiêu sạch. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình giàu có kếch sù mà vẫn còn ngày đêm lao vào làm tiền không chán, lúc nào cũng cái câu: “Sợ không có thời gian”… Rồi con cái họ đến lúc sa ngã hoặc vào tù mới phát hiện thì đã quá muộn màng. Họ thật là thảm thương phải không các bạn? Hãy cho con cháu bạn thử nếm một chút Pháp Vị của Đạo Tỉnh Thức. Tôi chắc chắn rằng, không cần phải nói nhiều, dạy nhiều mà tự nhiên con cháu các bạn lớn lên sẽ có lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, đối xử tốt đẹp với bạn bè và mọi người.       

Đức Phật luôn đề cao chữ Hiếu lên trên, sau đó mới đến việc đạo. Đạo Phật luôn đề xướng: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là ơn đầu tiên trong bốn cái ơn đấy mà chúng ta có thể đền đáp được khi làm theo lời Phật dạy. “Dưới cứu khổ ba đường” là: Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Biết đâu ông bà, người thân chúng ta quá cố bị rơi vào những cảnh giới đau khổ ấy? Vậy làm sao để cứu họ? Chúng ta sẽ đề cập đến trong phần sau: “Tu hành có ý nghĩa gì cho cha mẹ, ông bà Cửu huyền Thất tổ?”.

Trong nhiều Kinh điển (Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Kinh Báo ân Cha Mẹ v.v…) không biết bao nhiêu lần Đức Phật đã từng nói đến đạo lý ân nghĩa này! Hiếu Đạo cũng là nền tảng của Đạo Phật. Người mà không có hiếu thì khó có thể vào Phật đạo. Phật đã dạy đến mười một tiêu chí cho người tu hành, chia làm ba phần được gọi là “Tam phước” trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ thì tiêu chí đầu tiên trong mười một tiêu chí ấy chính là: “Hiếu dưỡng cha mẹ”. Các bạn đã bao giờ xem qua băng đĩa hay sách vở về Phật pháp chưa? Một số lượng rất lớn băng đĩa, sách Phật pháp là nói về giáo dục đạo đức làm người đấy! Trong một thư viện Phật pháp tại Hồng-Kông từ thời tổ sư thứ mười ba của Tịnh Độ tông- Ngài Ấn Quang Đại Sư, người ta tìm thấy rất ít sách Ngài ấn tống là sách về Phật giáo. Đa số sách tại đây là sách không phải của Đạo Phật mà là những sách dạy về đạo đức để làm người như:“Cảm Ứng Thiên”, “Liễu Phàm Tứ Huấn”… thì được Ngài ưu tiên ấn tống với số lượng lớn hơn nhiều so với sách Phật giáo.

Cả đời Ấn Quang Đại Sư, tất cả tiền cúng dường của đại chúng Ngài đều dành hết vào việc ấn tống Kinh sách, làm từ thiện xã hội. Sách “Làm Chủ Vận Mệnh” do Thích Minh Quang biên dịch cũng là phiên bản của “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Sách này cổ nhân dạy chúng ta bỏ ác làm thiện, tu tâm tích đức và làm chủ vận mệnh chính mình. Trong sách đã nêu ra ví dụ về “Cuốn sổ tay trị tâm” rất hay! Cũng như đã chỉ dạy rất cụ thể về cách làm thiện như: “Sao gọi là việc thiện có đúng có sai? Sao gọi là việc thiện phân nửa và trọn vẹn?” v.v… Các bạn nên tìm đọc sách này sẽ rất nhiều lợi ích.

Nhân đây tôi và gia đình cũng xin giới thiệu đến quý vị và các bạn sách: “Tu là chuyển nghiệp” Hoà thượng Thích Thanh Từ, NXB Tôn Giáo; “Đường Xưa Mây Trắng” HT Thích Nhất Hạnh, NXB Tôn Giáo; “Tam Quy Ngũ giới” Thượng toạ Thích Chân Tính, NXB Phương Đông; “Tích truyện Pháp Cú” Viên Chiếu dịch, NXB Tôn Giáo; “Lịch sử Đức Phật bằng tranh” Lý Thái Thuận và Trương Quân, NXB Tôn Giáo v.v…   Đây là những cuốn sách mà tôi đã từng đọc qua và nghĩ rằng rất phù hợp với những người mới học Phật như chúng ta. Sách có mặt hầu hết tại các quầy sách Phật pháp. Nếu không tìm được thì gia đình tôi sẽ tuỳ duyên kính tặng. Đọc những sách này trước sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về nhân quả, tiền kiếp… Hiểu về cuộc đời, đạo nghiệp của Đức Phật cùng những lời Phật dạy. Qua đó, nhằm học tập những phẩm hạnh vô cùng cao quý của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và để định hướng chính xác hơn cho việc học Phật, tu hành của mình.

Như vậy, bên cạnh Tài ra, chúng ta còn phải tiếp tục quán chiếu và Thức Tỉnh bốn lĩnh vực còn lại của Ngũ Dục là: Sắc, Danh, Thực và Thuỳ thì mới mong diệt trừ bớt được tham sân si vì do ái dục mà ra.

Ngủ (Thuỳ) cũng vậy các bạn ạ! Nếu các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần ngủ 7-8 tiếng/ngày đêm là đủ thì chúng ta cũng ngủ 7-8 tiếng thôi. Ngủ sớm dậy sớm tốt thì chúng ta cũng làm vậy! Giờ ngủ thì đi ngủ và giờ làm việc thì làm việc. Nếu không tỉnh thức để nhận ra thì không thể thấy được Con ma ngủ nên giờ niệm Phật, hành thiền nó bắt ta ngủ. Giờ làm việc hay giờ lái xe trên đường nó cũng lại bắt ta ngủ thì tiêu rồi? Như vậy, tất cả các con ma: Tài, Sắc, Danh, Thực, Thuỳ chúng ta phải áp dụng ánh sáng Đạo Tỉnh Thức mà soi chiếu vào để lần lượt tiêu diệt tất cả chúng nó từng con, từng con một cho đến khi nhổ sạch tận gốc rễ mới thôi.

Tuỳ hoàn cảnh mỗi người mà làm. Theo tôi thấy Tài và Sắc là hai lĩnh vực nguy hiểm nhất. Thăng hay đoạ cũng đều do đây mà ra. Nếu không Thức Tỉnh được thì hai con ma này sẽ âm thầm kéo chúng ta xuống tận Địa Ngục từ lúc nào mà ta không hề hay biết đấy các bạn ạ! Hiểu được đạo lý này rồi thì chắc các bạn sẽ không bao giờ còn chịu làm nô lệ cho chúng nó nữa và xem như bạn đã thành công rất nhiều trên bước đường diệt khổ. Như vậy là bạn đã chiến thắng chính mình rồi đấy! Cổ nhân có nói: “Không chiến thắng nào vinh quang hơn bằng chiến thắng chính mình”. Phật cũng dạy: “Chiến thắng muôn vạn quân không bằng tự thắng lòng mình. Chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất!”…

Trích từ sách Khuyên người học Phật