Trang chủ Đời sống Một gia đình với hai tấm lòng Phật Chúa

Một gia đình với hai tấm lòng Phật Chúa

104

Thì ra hai vợ chồng biết đến quán chay dinh dưỡng này nhờ bài viết mới đây của tôi. Hóa ra bác Phong là “đệ tử” của thiền sư Thích Nhất Hạnh dù chưa một lần gặp mặt. Ngạc nhiên hơn nữa khi tôi biết rằng bác và người vợ yêu quý của mình, bác Ly, sống với nhau từ năm 1976 đến nay mặc cho người là con Phật, người là con Chúa.

Bác Ly nói liên hồi những lời cám ơn tôi vì những bài viết về đạo Phật. Bác hết mình khen ngợi thầy Thích Nhất Hạnh, bởi những cuốn sách hay và cách hướng dẫn thực tập giản dị của thầy. Tôi giật mình khi thấy 1 người theo đạo Chúa mà ca ngợi một vị sư Phật giáo như vậy và lại biết rất rõ những bài viết của tôi, một Phật tử.

Tâm sự với hai bác, tôi tìm ra nguyên nhân của hạnh phúc trong 1 gia đình 2 tôn giáo này. Hóa ra cả hai đều quan niệm rằng tôn giáo không thể làm mất hạnh phúc gia đình. Rằng tôn chỉ của tôn giáo luôn là tình yêu thương.

Chiều nay tôi gọi điện đến thăm hai bác. May thay tôi có được số điện thoại của cả 2 người để có 2 cuộc nói chuyện riêng đầy thú vị. Bác Phong nói về việc ăn thực dưỡng. Rằng bác bị xoang nặng từ lúc 20 tuổi. Tuy nhiên, nhờ ăn thực dưỡng lúc tuổi ngoài 30 mà sau đó khỏi hẳn, đến nay không hề tái phát lại, trong khi trước đó phải uống biết bao kháng sinh mà không đỡ.

Bác Phong kể rằng mẹ bác là 1 Phật tử, quy y tại chùa, có pháp danh và tại nhà có thờ một tượng Phật nhỏ. Bác tâm sự rằng mới biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh cách đây có hơn 3 năm sau khi tình cờ mua được cuốn “Nẻo về của ý”. Đọc thấy hay, dễ hiểu nên mua tiếp những cuốn khác của thiền sư về đọc. Rồi bác liên tục vào trang nhà Làng Mai. Rồi bác biết đến các bài viết của tôi. Cứ thế lần mò ra để đọc thêm nhiều cuốn sách của thầy Nhất Hạnh. Cứ vậy đọc hết tất cả các bài viết của tôi trên mọi tờ báo trên internet. Bác tâm sự rằng, sự thay đổi thật lớn lao.

Bác Phong cho biết rằng vợ bác đi nhà thờ đều đặn mỗi cuối tuần. Bác hay kể những câu chuyện Phật giáo, những nội dung hay từ những cuốn sách. Thấy bác gái thích thú, bác cứ thế kể tiếp. Trước đây bác Ly không biết gì về Phật giáo nhưng bây giờ bác ấy đã khá rành. Quý hóa vô cùng.

Tâm sự với bác Phong, bác thú nhận rằng trước đây hay hờn, giận, nóng tính, bực tức, và tự làm khổ mình. Tuy nhiên nhờ những cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh bác đã dần tự chuyển hóa mình, giúp mình tự thay đổi bản thân và thấy sống bình an và hạnh phúc hơn hẳn.

Bác nói khá nhiều về tôi, rằng khi mới gặp cũng ngại, bởi những vị tiến sỹ hay chủ tịch thường không dễ gần. Bác nói rằng chính sự ăn mặc giản dị của tôi làm cho bác thấy gần gũi và tiếp xúc thoải mái hơn hẳn. Bác cũng bất ngờ khi tôi gọi điện nói chuyện, cứ tưởng tôi chỉ xin điện thoại chơi vậy mà thôi. Tôi giật mình: Thì ra cách ăn mặc mộc mạc, giản dị cũng có nhiều cái lợi khi giao lưu bên ngoài.

Trong khi nói chuyện với bác Ly, tôi chủ yêu nghe những nụ cười nhẹ nhàng rất dễ thương và những âm thanh “dạ dạ, thưa thầy…”. Nếu không tu tập nghiêm túc làm sao có thể có những nụ cười vui, nhẹ nhàng và tràn đầy năng lượng đến vậy. Bác kể rằng trong gần 40 năm chung sống, không tránh khỏi những lúc này khác. Tuy nhiên vào những lúc đó bác luôn cầu nguyện Phật và Chúa che chở và giúp bác vượt qua.

Bác Ly tâm sự với tôi rằng từ ngày biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh, chồng bác bớt nóng tính hơn hẳn. Bác Phong đã thật sự biết nhẫn nhịn, biết mang lại niềm vui cho cuộc đời và những người xung quanh. Bác bảo rằng bác rất ấn tượng với câu nói của tôi được đăng trên báo, rằng nếu yêu thương ai đó thì phải mang niềm vui cho người ta, phải để cho người mình thương được hạnh phúc. Cấu nói này nghe ra có vẻ rất giản đơn nhưng làm thay đổi cả gia đình bác. Tôi giật mình.

Điều mà bác Ly tâm huyết nhất trong đạo Phật là luật nhân quả. Bác đã biết rằng nếu gieo nhân gì sẽ gặt quả đó. Bác tâm sự rằng, chính bác đã phát hiện ra mình trồng mấy cây ớt. Ớt thì lại cay. Và bác đã quyết tâm nhổ mấy cây ớt đó đi để trồng xoài. Bây giờ bác đang thu hoạch xoài ngọt. Bác chia sẻ thêm rằng vào chính lúc này bác đang chăm sóc 3 đứa cháu của mình. Vui lắm. Bác lấy “xoài ngọt” cung cấp và nuôi dưỡng các con, cháu mình.

Bác Ly nói rằng 2 bác đã xem kỹ đĩa “Hoa mặt trời” do tôi tặng. Bác bảo, Phật hay Chúa thì vẫn là 1 mà thôi, vẫn dạy chúng ta sống trong yêu thương. Bác nhắc lại đã nghe tôi đã nói trong đĩa rằng tôi đã từng đến nhà thờ nghe cha giảng và sau này mới là Phật tử. Vậy nên dù là con Phật hay con Chúa thì quan trọng nhất vẫn là sống tốt, sống thiện.

Khi gõ những dòng chữ này tôi vẫn nhớ như nguyên khuôn mặt hiền từ của hai bác khi gặp trong quán chay dinh dưỡng. Tôi vẫn thấy vang vảng những nụ cười và giọng nói hiền từ, khiêm nhường của 2 bác. Tôi vẫn nhớ câu cuối cùng trước khi tắt máy “Con gái tôi cũng lấy chồng Phật giáo đấy thầy Hùng ạ. Mà chúng nó hạnh phúc lắm”.

Tôi mỉm cười thật tươi và vào phòng thờ Phật thắp 1 nén hương thơm. Cầu mong cho xã hội có thêm nhiều gia đình hạnh phúc như vợ chồng 2 bác Phong – Ly. Cầu mong cho Phật Pháp nhiệm màu lan tỏa khắp năm châu. Con thành tâm kính lễ Đức Phật và các quý thầy, nhất là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bao cuộc đời đã được đổi thay rồi. Con mừng quá đi thôi.