Thông qua buổi pháp thoại Đại Đức giảng sư đã giới thiệu hình ảnh đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc qua bản kinh A Di Đà. “Từ đây về phương Tây trải qua mười muôn ức cõi Phật, có đất nước tên là Cực Lạc, nơi đó có đức Phật A Di Đà đang ngày đêm thuyết pháp”. Đức Phật A Di Đà tiền thân là vua Vô Tránh Niệm, có phát 48 đại nguyện, trong đó nội dung chính là xây dựng một quốc độ hết sức trang nghiêm, đẹp đẽ và mở rộng lòng đón nhận tất cả chúng sanh các cõi đến đấy tu học cùng Ngài. A Di Đà có ba nghĩa là Ánh sáng vô lượng, Thọ mạng vô lượng và Công đức vô lượng. Ba nghĩa này hàm ý bản chất chung của vị Phật đà, tức là có sự hiểu biết lớn, tình thương lớn, và việc làm ban vui cứu khổ đạt mức toàn mỹ, toàn bích.
Thế giới Cực Lạc chỉ có sự an vui, không hề có sự biểu hiện của khổ đau, thậm chí danh từ khổ còn không có tồn tại, thật sự là môi trường lý tưởng để tu tập. Tuy nhiên, nếu xét theo không gian trong kinh dạy, thì đường về cõi Cực Lạc quá xa, không có phương tiện cơ giới hay khả năng thần thông nào có thể bay tới nơi đó được. Một hành giả muốn sinh về cõi Cực Lạc, trước hết phải xây dựng đời sống trang nghiêm đối với cả tự thân và tạo lập môi trường tốt, đó chính là thắp sáng tự tánh Di Đà trong trái tim mình, và xây dựng thế giới Cực Lạc ở ngay trong đời sống này. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị hành trang đủ để bắt đầu hành trình tâm linh tiến về thế giới Tịnh độ trong tự tâm, đó là: Lòng tin, Phát nguyện và Hành động.
Tin sâu sắc rằng có đức Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc, và tin chắc có một hạt giống A Di Đà trong tự tâm của chúng ta. Nguyện tha thiết được sống trong trạng thái tâm thức tĩnh lặng và toàn bích của Tịnh độ. Có phát nguyện tha thiết sinh về thì mới hạ thủ công phu. Chúng ta khẳng định chắc chắn là đức Phật A Di Đà sẽ đón nhận chúng ta về làm dân chúng ở nước Ngài, nhưng sẽ thật sự khó khăn nếu sinh về thế giới của ngài mà không biết sống ra sao, không hiểu được tiếng ngài thuyết pháp (theo giáo lý Tịnh độ gọi là hạ phẩm hạ sinh). Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy thắp sáng và nuôi lớn hạt giống Phật A Di Đà trong tự tâm của mình.
Trong kinh cũng có khái niệm “nhất niệm vãng sinh”. Đây chính là nói về trạng thái tâm thức: niệm trước là khổ đau, niệm sau là hạnh phúc, niệm trước là uế độ, niệm sau là tịnh độ. Dứt bỏ niệm ác, khởi lên niệm thiện, đó là vãng sinh. Ý nghĩa vãng sinh này không có ý chỉ một con người đi từ chỗ này đến chỗ kia, mà vẫn là con người đó, vẫn chúng sinh đó, nhưng tâm thức phiền não của niệm trước đã chết để chuyển sang (vãng sinh) tâm thức giác tỉnh của niệm sau.
Xây dựng tự thân trang nghiêm, tức là sống theo định hướng của Giới (những nguyên tắc đạo đức mà đức Phật đã dạy), Định (giữ tâm an trú trong chánh niệm), và phát huy Tuệ (trí giác để nhìn nhận các pháp theo đúng bản chất của nó là vô thường, là yếu tố gây khổ đau, và là sự tác hợp của nhiều yếu tố nhân duyên khác). Trong khi chờ đợi kết thúc đời sống này để sinh về cảnh giới Cực Lạc xa xôi, chúng ta nỗ lực tự mình thắp sáng ngọn đèn tâm, hiển lộ được đức Phật Di Đà của tự tánh. Khi nội tâm đã được thuần khiết và luôn sống trong trạng thái thanh tịnh, tịch mặc, thì thế giới xung quanh cũng mặc nhiên trở nên tốt đẹp, bởi hình ảnh của thế giới xung quanh được lưu lộ ngang qua dòng chảy của tâm thức. Tâm thế nào thì hiện ra cảnh thế đó.
Quá trình tìm về tự tánh Di Đà, như vậy cũng chính là công đoạn quan trọng của sự tu tập, gạn lọc tâm tư, thanh tịnh hoá tâm hồn. Một khi ý thức được trong ta có hạt giống Di Đà, thì mỗi niệm mỗi niệm luôn nhất tâm trì chí không lãng xao, không buông câu Phật hiệu, sáu chữ Di Đà luôn hiện hữu trong ta.
Đêm nay tại nơi bổn tự chùa Ban Phúc đã diễn ra đêm hoa đăng mừng khánh đản đức từ phụ A Di Đà PL:2557 – DL: 2013
Xin chia sẻ một số hình ảnh đến quý độc giả: