Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Sống đẹp, chết đẹp

Sống đẹp, chết đẹp

90

Như chúng ta đều biết, cái chết chắc chắn sẽ đến. Không ai tránh được. Dù đó là những người phát triển về tâm linh như Đức Phật cũng không tránh được. Chưa có ai trường sinh bất tử. Không ai sống mãi, dù người ấy già hay trẻ, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo hoặc là một người có trí tuệ cao vời. Nhưng thay vì tránh né ý nghĩ về cái chết, chúng ta nên dành thời gian làm một cái gì đó cho mình nếu chúng ta nhìn vào những gì sắp đến, hay, ít ra là tưởng tượng về cái chết. Điều này không những giúp chúng ta giảm bớt nỗi sợ hãi, mà còn đặt cơ sở để chúng ta tận dụng cơ hội chuyển hoá quá trình chết thành quá trình giác ngộ. Và nếu chúng ta không hoàn thành được điều ấy thì, ít ra, cũng có một cái chết tốt đẹp hơn.


Ý niệm về cái chết


Dù sức sống ban đầu của chúng ta có mạnh mẽ đến đâu chăng nữa thì chúng ta cũng không thể kéo dài thêm cuộc đời và ngày ngày qua đi, tháng tháng, năm năm qua đi, sẽ làm giảm bớt kho dự trữ sức sống mà chúng ta có được lúc ban đầu. Một ngày nào đó, nó sẽ như hồ nước cạn khô khi nước đã bốc hơi hết. Những điều kiện sống của chúng ta có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết một cách dễ dàng. Các hoá chất trong cơ thể chúng ta biến đổi theo chiều hướng xấu. Thực phẩm không tốt hoặc thuốc uống sai lầm có thể gây ra tác dụng xấu.


Chúng ta phải chấp nhận ngay từ bây giờ. Nếu đợi cho đến khi chúng ta thật sự hấp hối thì sẽ quá trễ để làm được gì. Thế nên ta phải chấp nhận rằng ta chắc chắn sẽ ra đi và cái chết chắc chắn sẽ đến với ta. Không ai biết khi nào. Vì không ai biết khi nào nên có thể là tuần tới, tháng tới, năm tới. Ta không biết chắc thậm chí là ngày mai hay một giờ nữa.


Vậy thì nếu ta hiểu tình hình sẽ là như thế thì ta quyết tâm sử dụng thì giờ còn lại để làm cho sân hận, luyến ái, bản ngã của ta ngủ yên. Khi ta chết, tâm thức rời khỏi thể xác, cái gì ta có thể đem theo ngoài dấu vết của nghiệp tốt và xấu. đạo đức và vô đạo đức, thiện và bất thiện? Quả thật ta chỉ muốn đó thuần chỉ nghiệp tốt. Nhưng nếu điều đó không thể được thì, ít ra, ta cũng muốn kết nối với nghiệp tốt trước khi kết nối với nghiệp xấu mà ta đã tạo tác.


Mặc dù cái chết chẳng có gì khác hơn là sự tách tâm thức ra khỏi thân xác mà chúng ta đã dùng trong một kiếp để đi sang kiếp khác, thì các cảm xúc mạnh mẽ sẽ nổi dậy vào giờ phút lâm chung. Cái chết là sự chấm dứt mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc đời này, dù xấu hay tốt. Chúng ta sẽ đau khổ với ý nghĩ không còn nhìn thấy hay cảm thấy gì nữa, không có thể gần gũi hay trò chuyện với những người thân yêu. Không chịu buông bỏ là vấn đề lớn nhất của chúng ta. Hãy nói cho hết những đều muốn nói với những người thân hoặc viết ra cho hết những điều cần viết. Nhưng ngoài ra, nếu cứ bám giữ sự chống cự hay luyến ái mạnh mẽ thì không tốt, cho cả người chết lẫn những người ở lại. Điều quan trọng là bạn phải dùng sự hiểu biết và ý chí để cắt bỏ các cảm giác không tốt, và tốt hơn là, buông xả tất cả.


Lúc tại thế, Đức Phật có một số đệ tử xuất sắc, trong đó có Mục Kiều Liên. Một trong số học trò của Mục Kiều Liên bị ràng buộc trong vòng luyến ái rất chặt, thế nên Mục Kiều Liên quyết định đưa hai người học trò đi một chuyến hành trình khác thường. Trước tiên, Ngài dẫn học trò đến một đống xương lớn. Một người học trò hỏi, “Cái gì đây?” Mục Kiều Liên đáp, “Đây là đống xương từ cơ thể của các con trong kiếp trước”. Rồi Mục Kiều Liên chỉ cho người học trò nhiều luyến ái thấy bộ xương có một con rắn đang luồn qua lại trong hốc mắt, xương sườn, lên, xuống, và khắp mọi khúc xương. Mục Kiều Liên nói với học trò, “Đây là con trong một kiếp trước. Vì lòng luyến ái thân xác quá mạnh cho nên con không buông bỏ được nó, và con tái sinh thành con rắn sống trong bộ xương ấy”. Đấy là một câu chuyện xưa và có thể chỉ là một câu chuyện cổ tích thôi, nhưng nó cho bạn một hình ảnh về những gì mà sự luyến ái có thể gây nên.


Chúng ta bắt đầu chuẩn bị như thế nào?


Việc làm hay nhất để chuẩn bị cho cái chết là chúng ta thực tập kham nhẫn, tình thương và lòng từ bi trong cuộc sống hàng ngày. Thực hành kham nhẫn để sân hận đừng phát sinh; thực tập yêu thương để luyến ái đừng trỗi dậy, kiểm soát bản ngã để cho nỗi sợ hãi bị tiêu diệt, và cố gắng hết sức để phát triển tình thương và lòng từ bi vô điều kiện. Nếu làm như thế hàng ngày thì bạn sẽ không còn hoảng sợ trong giờ phút lâm chung. Những ý nghĩ thiện lành sẽ trở thành một thói quen và sẽ nổi lên trong giờ phút ấy một cách tự nhiên. Và nếu tình cờ bạn ở bên cạnh một người hấp hối thì hãy giúp cho người ấy bằng cách nói những điều mình biết.


Hãy nhìn lại cuộc đời của mình và xem có gì tốt. Chúng ta là những người bình thường, cho nên thường hay lầm lỗi. Trong khi thực tập tâm linh chúng ta cũng phạm sai lầm; thế nên chúng ta mới gọi là thực tập. Thế thì hãy nhớ đến những điều tốt. Chúng ta đã cố gắng sống đạo đức trong cuộc đời của mình – có nghĩa là chúng ta cố gắng không gây tổn hại cho ai, chúng ta cố giữ những lời thệ nguyện. Nhưng dù chúng ta có tạo ra nghiệp bất thiện gì đi nữa thì nó cũng không thường hằng. Nó đều có thể đổi thay. Ta không cần phải mang theo những dày vò, ân hận nếu như thật lòng hối lỗi, nếu như quyết tâm không lặp lại sai lầm, nếu như bạn đã thực hành thiền định như một liều thuốc chữa trị, và nếu bạn đã có một số đền bù về tâm linh cho những người mình đã gây thương tổn.


Nếu bạn đã thực hiện những hành động gây tổn hại cho người khác hoặc cho chính mình, thì cũng đừng phóng đại chúng lên. Trường hợp có hồi ức về những hành động ấy xuất hiện ám ảnh bạn, thì hãy gạt sang một bên. Hãy nhớ rằng suốt cuộc đời bạn đã cố gắng để trở thành một người tốt, vậy thì đây không phải là lúc nhớ nghĩ về những hành động sai trái. Đừng để chúng quấy nhiễu bạn. Bạn đã chăm sóc chúng bằng cách tịnh hóa và bằng những ý nghĩ khác mà bạn đang thực tập, và rồi chúng sẽ cân bằng với nhau.


Với nghiệp tốt đã tạo, hành động tốt đã làm, hãy nghĩ rằng chúng là vô lượng. Hãy nghĩ đến từng việc tốt đã làm dù rất nhỏ trong cuộc đời và nghĩ rằng chúng là vô biên. Điều này sẽ nâng đỡ bạn. thế nên hãy nghĩ đến chúng, nhớ đến chúng. Thậm chí là điều rất nhỏ nhặt cũng tưởng tượng rằng chúng là vô tận.


Đừng sợ hãi. Nỗi sợ đã hành hạ chúng ta suốt đời rồi. Nó chỉ là tiếng nói của bản ngã, chuyện bịa đặt của bản ngã. Hãy nghĩ rằng bạn đã thấy và hiểu  đều này một cách rõ ràng. Bạn đã đập tan bản ngã rồi. Nếu cái sợ xâm chiếm bạn, thì phải nhớ đó chỉ là một tri giác sai lầm. Đó là trò chơi của ngã, và ngã là sai lầm. Nhớ tự bảo rằng bản ngã đã không còn.


Đừng ngạc nhiên về những gì sẽ trải qua. Mỗi và mọi hiện tượng đều không thường hằng. Thế cho nên dù điều gì xảy ra cho bạn trong quá trình này thì cũng nhớ rằng chúng đều vô thường và hoàn toàn bình thường. Luôn nhớ như thế trong suốt quá trình hấp hối sẽ chuẩn bị cho bạn một sự trung chuyển sang kiếp khác tốt hơn.


Thực tập tâm linh là ngủ với nó, sống với nó, chết với nó. Đó là cách làm cho cuộc đời mình thay đổi. Chừng nào mà việc này vẫn còn xa xôi, vẫn còn ở nơi thánh thiện trên cao đâu đó thì nó chẳng có ích lợi gì cho bạn. Các cảm xúc bất thiện sẽ ở lại với bạn chừng nào mà “điều thánh thiện” vẫn còn lư lửng ở một nơi nào đó, xa lắc lơ, và không có ích lợi gì cho bạn. Nếu bạn lâu lâu mới cầu nguyện thì làm sao mong đợi nó có tác dụng gì? Các bạn thỉnh thoảng được ban phước lành hay dự vài nghi lễ thì nó cũng có thể tạo ra tác động tốt một thời gian, nhưng nó có thể có tác dụng chừng đó thôi. Nó làm gì hơn được nữa? Không, nó không làm gì được đối với các cảm xúc bất thiện của bạn. Để đối phó với các cảm xúc bất thiện, bạn phải sống, ăn, ngủ, và chết trong sự thực hành – đó là cách tạo ra sự khác biệt.
 
Cái chết tốt đẹp


Trước khi bạn chết, hãy bảo đảm rằng môi trường xung quanh không có những xáo động nào có thể tạo ra những cảm xúc bất thiện. Hãy kiểm soát sự luyến ái và sân hận. Trong trường hợp của Allen, anh muốn chết giữa nhiều người. Còn người khác thì muốn chết một cách lặng lẽ. Môi trường xung quanh nên được như bạn mong muốn, và ước muốn của bạn phải được xem là ưu tiên so với ước muốn của gia đình.


Hãy chăm lo cho những điều cần phải chăm lo để bạn không phải bận tâm về những gì để lại sau lưng, để bạn giống như con chim đang đứng trên tảng đá sẵn sàng bay đi không có gì níu kéo lại. Bạn muốn cho ai cái gì hay để lại gì thì hãy làm trong khi còn khỏe mạnh và minh mẫn. Nếu có thể hãy tự mình làm lấy chứ đừng để phó mặc cho một luật gia chuyên về thừa kế. Tốt hơn là bạn nên nói rõ cho con cái và gia đình biết mọi chuyện bạn muốn sắp xếp như thế nào để họ bót khó khăn sau khi bạn ra đi. Dù bạn cho ai cái gì thì đừng cho với bất kỳ sợi dây ràng buộc nào. Đừng để cho sự luyến ái hay sân hận ảnh hưởng đến quyết định của mình. Nó sẽ ám ảnh bạn và tạo ra hiểu lầm giữa những người bạn yêu thương. Quan trọng là phải rộng lượng. Nó sẽ giúp bạn cởi bỏ sự luyến ái.


Chúng ta thường có luyến ái mạnh mẽ đối với thức ăn, quần áo, và danh tiếng, hay nói một cách giản dị, là chúng ta bị ràng buộc vào những người hâm mộ chúng ta. Buông bỏ thức ăn hay tài sản khá dễ dàng nhưng buông bỏ tiếng tăm lại khó hơn. Thậm chí một người thiền định ở một nơi vắng vẻ cũng hy vọng rằng một người chăn cừu lẻ loi nào đó sẽ tìm ra ông ta và kể cho dân làng biết.


Nếu có gì níu kéo bạn lại thì hãy buông bỏ ngay lập tức nếu không nó sẽ xuất hiện vào lúc bạn bắt đầu ra đi. Nó có thể can thiệp vào quá trình ấy.


*   *   *


Dù chuyện gì xảy ra trong quá trình chết hay dù bạn đang trải qua việc gì, cũng đừng quên giữ tâm trí trong trạng thái tích cực với tình thương và lòng từ bi. Đừng để cho sự đau đớn hay lo âu làm phân tán sự tập trung. Nếu bạn thực tập ngay bây giờ thì vào lúc cái chết đến bạn sẽ quen đi. Những người thực hành tonglen luôn luôn, ban phát tình thương và nhận lấy khổ đau, có thể chết với tonglen. Bạn có thể thấy khó mà nhận lấy sự đau khổ của người khác để dẹp trừ bản ngã bên trong. Nó nghe có vẻ đáng sợ, nhưng thật ra là bạn chưa quen với ý nghĩ đó thôi. Trên thực tế, bạn không cho đi cái gì cũng không nhận cái gì – đó chỉ là một cách rèn uyên tâm trí để thích nghi với bất cứ điều gì có thể xảy ra. Khi bạn quen rồi thì bạn sẽ thấy dễ chịu, thư giãn và vui nữa. Nó sẽ làm cho bạn thậm chữa cảm thấy hạnh phúc.


Mặc dầu bạn có thể đã săn sóc mọi thứ rồi, giận dữ và luyến ái vẫn có thể nổi lên, đặc biệt là giận dữ. Người ta thường tự hỏi. Tại sao lại là mình? Tại sao mình phải chết trong khi mình đã sống một cuộc sống thiện lành? Bạn chết vì điều đó không thể tránh khỏi. Hãy tự nhắc nhở mình rằng cái chết là  điều tự nhiên, thế nên chẳng có gì bất thường xảy ra cả. Khi các bạn bình tĩnh, yên lặng và chấp nhận chết, thì bước kế tiếp là tác động lên tâm trí bằng những ý nghĩ tích cực.


Nếu bạn tin tưởng vào Thượng đế thì  hãy nghĩ đến sự vĩ đại của Thượng đế và chết với tư tưởng đó. Nếu bạn theo đạo Phật, hãy nghĩ đến Đức Phật. Hay nghĩ đến vị thấy tâm linh của bạn, người gắn liền với Đức Phật. Hãy nghĩ về tình thương và lòng từ bi. Nếu không thì với một tâm trạng sẵn sàng và phấn khởi, hãy nghĩ về một cõi nước đẹp đẽ nơi mọi thứ đều vô hạn, mênh mông và có nhiều chúng sinh đẹp đẽ, đang chờ đón bạn. Hãy giữ ý nghĩ này trong tâm trí cho đến khi bạn mất ý thức. Hình dung ra những thứ này sẽ giúp cuộc sống tương lai của bạn tốt đẹp hơn.