Xuống sân bay Phú Bài, chúng tôi bắt taxi về thẳng An Bằng. Mặc dù An Bằng chỉ là 1 thôn của xã Vinh An, huyện Phú Vang nhưng anh lái taxi biết rất rõ về đại danh này và sẵn sàng đưa chúng tôi đi. Quãng đường 18 km từ sân bay, theo như lời anh, thì còn gần hơn từ Nội Bài về Hà Nội nên chúng tôi không suy nghĩ gì và lên xe.
Trên đường anh lái taxi kể vanh vách về ngôi làng An Bằng này không khác gì một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Khi tôi khen thì anh nói rằng, bất cứ lái xe nào cũng biết rất rõ về ngôi làng đặc biệt này và người dân An Bằng luôn rất thích đi xe của hãng anh bởi xe mới và dịch vụ tốt. (Điều này tôi công nhận khi chuyến đi kết thúc).
Ngạc nhiên đầu tiên của tôi là có rất nhiều lăng mộ ở 2 bên đường. Những lăng mộ này là của dân và đươc xây từ xưa. Tôi nhận ra rằng, nếu như ở ngoài bắc, “nơi ở” của những người quá cố chỉ là những ngôi mộ, to nhỏ khác nhau, thì hình như dân Huế thích “xây nhà” cho tổ tiên, ông bà bằng lăng mộ. Tôi cũng khá ngạc nhiên với điều thứ 2 – nhà dân ở lẫn với lăng mộ, người sống ở lẫn với người chết. Hỏi ra mới biết rằng đó là từ thời xưa, khi có người mất đi, gia đình chôn chất ngay trong khuôn viên vườn ruộng nhà mình.
Chúng tôi đến An Bằng khi trời đã sắp tối. Tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm tham quan 1 vòng ngắn “thành phố” đặc biệt này. Dù đã nghe nói nhiều và vốn luôn tự hào là người đi lắm, biết nhiều, nhưng đến tận nơi tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Tôi không thể tưởng tượng ra những lăng mộ xây nguy nga, lộng lẫy đến vậy. Tôi không thể ngờ rằng nhiều lăng mộ đến vậy. Tôi không tin vào tổng diện tích “thành phố lăng” An Bằng mênh mông đến thế. Tiếc thay trời đã muộn và không mang theo máy ảnh nên tôi không chụp được bất cứ 1 tấm ảnh nào bằng máy. Tuy nhiên, hàng chục tấm rất đẹp, rất rõ nét đã được chụp vào não của tôi. Những bức ảnh sống động đến mức sau khi rời An Bằng, cứ nhắm mắt lại là chuỗi ảnh lại hiện về rất thật, rất hoàng tráng, rất ấn tượng.
Đêm ở An Bằng tôi khó ngủ. Trong tôi 2 suy nghĩ khác nhau hiện lên: sự lãng phí tiền bạc – như những ý kiến của biết bao người đã nói trước đây khi đến nơi này và những điểm tích cực của “thành phốlăng” mà tôi đang ở bên cạnh, cách chỗ tôi nằm chưa đến 100 mét. Theo anh Danh cho biết thì ở đây có đến 3.000 lăng mộ, có những lăng lên đến trên 1 tỷ đồng (giá của nhiều năm trước đây) và ít cũng phải vài trăm triệu, tôi nhẩm ngay ra số tiền đã được rót vào đây. Một con số khủng!
Đêm đó trời mưa. Biển động ầm ầm. Và thật không may, cả hôm sau trời vẫn mưa. Không sao, được anh chị là “hướng dẫn viên du lịch” nghiệp dư người địa phương dẫn đường, chúng tôi khoác áo mưa, đội ô, lên đường. Lại thêm những kỷ niệm khó quên của người con phương bắc đi tham quan nghĩa địa miền trung trong mưa dầm! Tôi thật sự muốn ngắm kỹ những công trình tuyệt diệu thông qua những đôi bàn tay người thợ trạm trổ, điêu khắc, khảm sành sứ vẫn đang sống quanh chúng ta.
Anh Danh kể rằng, An Bằng ngày xưa là một làng chài nghèo. Người dân sinh sống nhờ nghề đánh cá. Khá nhiều dân An Bằng vượt biên. Tôi nhớ lại như in, anh lái taxi có nói với tôi rằng An Bằng có tỷ lệ vượt biên cao nhất Việt Nam. Mà thời đó muốn vượt biên phải tuyệt đối giữ bí mật đến phút chót. Phải chuẩn bị đủ dầu để tầu có thể chạy vượt biển mà món này thời xưa thì hiếm hơn cả máu. Anh cũng nói rằng dân An Bằng đoàn kết cũng nhất nhì đất nước.
Theo câu chuyện của anh Danh và chị Thúy thì những lăng mộ hoành tráng này hoàn toàn là tiền của Việt kiều gửi về. Ở đây, không nhà ai không có người thân định cư ở nước ngoài. Từ ngày nhận được tiền từ ngoại quốc gửi về thì An Bằng đổi thay mỗi ngày. Nói có mách, sách có chứng, chúng tôi được 2 vợ chồng anh chị đưa đi thăm lăng mộ của chính gia đình. Ngỡ ngàng!
Người dân An Bằng ngày xưa nghèo lắm. Mà cái lạ là đã nghèo lại đông con. Ngay như gia đình chị Thúy cũng có đến 9 anh chị em. Cũng như nhưng gia đình khác, chị có 2 người anh đang định cư tại Mỹ và đây là nguồn tài chính để xây dựng lên lăng mộ cho bố mẹ và ông bà.
Tôi hiểu rằng đây là 1 cách báo hiếu của con cháu. Ngày xưa bố mẹ, ông bà lam lũ, vất vả, đói khát và rồi chết đi cũng trong thiếu thốn. Con cháu nay đã khá giả nghĩ đến tổ tiên. Nhà này làm, nhà khác thấy hay học theo. Nhà này làm to, nhà khác làm to hơn, tùy theo tài chính và điều kiện. Tôi nghĩ đến tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt, đến “tứ ân” trong đạo Phật của chúng ta.
Tôi đội mưa ngắm những hoa văn đẹp đến kỳ lạ. Có những cây cột to như cột chùa, cột đình. Có những hoa văn đẹp đến kỳ lạ. Theo quan sát, tôi thấy những lăng mộ ở thôn An Bằng lấy mẫu thiết kế từ lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn, nhất là lăng Khải Định. Nhiều lăng mộ nguy nga không kém lăng vua ngày xưa. Tôi thỏa sức ngắm những cổng tam quan, những mái ngói lưu ly, những câu đối, bia đá, những trụ biểu, la thành… Tôi thầm biết ơn những nghệ nhân tài ba nơi đây. Chính họ đã góp phần giữ lại được “di sản” quý báu của dân tộc – tài năng, sự khéo léo trong nghệ thuật kiến trúc nói chung và xây dựng trang trí lăng mộ nói riêng.
Khi gõ những dòng chữ này tôi phải mở sổ ghi chép ra: Diện tích “thành phố lăng” An Bằng rộng 40 héc ta, được chia làm 4 khu là Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ. An Bằng ngày nay có 44 họ tộc nhưng tất cả các họ tộc này chỉ xuất phát từ 3 con người với 3 dòng họ bạn đầu cách đây quãng 5 thế kỷ. Chúng tôi di mỏi chân mà thấy mình vẫn chưa tham quan được bao nhiêu. Toàn những lăng mộ lớn, công sức vô biên, trí lực bạt ngàn. Thật sự lớn và đẹp. Công sức vô biên. Tự nhiên nhìn lên màn hình facebook thấy câu nói của chị Tạ Bích Loan, VTV6 “Cái gì chất lượng đều đòi hỏi sư nỗ lực phi thường”. Ngẫm lại thấy quá đúng. Nếu không có những nỗ lực phi thường của cả hàng ngàn hàng vạn con người, nhất là những nghệ nhân khéo tay và tâm huyết thì làm sao có được một công trình vĩ đại đến thế này.
Một góc khác của “thành phố lăng” An Bằng là biết bao công ăn việc làm đã được tạo ra. Đâu chỉ có những nghệ nhân mà biết bao thợ nề, phụ nề có việc. Nhiều người có nghề chở cát, đá, gạch bằng xe trâu. Nghe chị Thúy nói, nhiều người còn kiếm sống bằng nghề cắt cỏ bán cho trâu ăn. Một công trường mênh mông được xây dựng trong cả chuch năm thì biết bao nhân vật lực. Tôi nhắm mắt lại và vẫn chưa tưởng tượng ra bao nhiêu ngày công đã được tạo ra cho người dân nơi đây từ ngày “thành phố lăng” bắt đầu được khởi công đến nay.
Trời đã về chiều, chúng tôi đi bộ ra biển. Biển cách “thành phố lăng” chỉ quãng 200 mét. Ở nơi đó có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất nguy nga và ấn tượng. Ngài nhìn ra biển ra xăm. Trời vẫn mưa tầm tã. Lần đầu tiên tôi cảm nhận thế nào là “mưa trên phố Huế”. Tôi thầm nghĩ khi đứng trước Ngài, rằng liệu đây có phải là nước cam lồ mà Ngài rải xuống cho dân làng An Bằng nói riêng và dân Việt Nam nói chung để chúng con bớt khổ, để chúng con bớt đi tham sân sy, để chúng con ngộ ra và giải thoát từng bước. Con người ta sống biết khổ thì nhắc nhau tu tập cho bớt khổ, để khi từ bỏ thân xác này được sinh về cõi lành.
Tôi đi một vòng quanh những ngôi nhà An Bằng. Đất ở đây toàn cát. Chỉ thấy dừa và phi lao là lớn được. Mà diện tích đất mỗi nhà cũng không lớn. Nghèo là đúng thôi. Tuy nhiên nhiều biệt thự đang bỏ hoang. Hỏi ra mới biết là do các gia đình Việt kiều xây để đấy, hoặc có những gia đình mới đi định cư theo diện đoàn tụ ở phía bên kia đại dương. Dù sống đang ở đâu, việc quan trọng của mỗi Phật tử chúng ta là tu tập, là giác ngộ và giải thoát chứ không phải là nhà cao, tiền nhiều. Tài sản của Phật tử chúng ta là Phật là Pháp chứ không phải là vật chất.
Tôi lên xe rời An Bằng khi trời đã về đêm, nhà nhà đã sáng đèn. Trên xe, anh lái taxi kể rằng nhiều nghệ nhân và thợ nề sau khi thực hiện những công trình tại “thành phố lăng” này đã xuất ngoại. Họ được mời đi các nước thực hiện các công trình xây dựng đòi hỏi sự khéo tay và tính mỹ thuật cao. Chợt tôi chột dạ nhớ rằng, năm 1999 khi xây nhà của chính mình tại Hà Nội, đến phần hoàn thiện, cần trang trí, nhóm thợ Thanh Hóa đã mời nhóm thợ Đà Nẵng – Huế vào làm. Và tôi nghĩ, biết đâu, chính những ngươi thợ đã góp công xây dựng “thành phố lăng” An Bằng đang vừa làm việc, vừa hoằng pháp bên trời tây. Bởi lẽ, Huế là vùng đất có tỷ lệ Phật tử cao nhất Việt Nam. Bởi, tính Phật khi đã ngấm vào máu thịt chúng ta thì mỗi suy nghĩ, lời nói và viêc làm dĩ nhiên đã tự nhiên rất Phật.
Anh Danh, chị Thúy, mọi người dân An Bằng mà tôi đã gặp, kể cả anh lái taxi (không biết quê ở đâu) đều nói với tôi rằng, đường đang được mở để đón khách du lịch. Mà quả thật, tại sao An Bằng không là một điểm du lịch mới của cố đô Huế, khi bạn phải dành cả ngày cũng không khám phá hết “thành phố lăng”. Tuy nhiên nếu về đây, bạn nhớ đi bộ ra thắp 1 nén nhang nơi tượng Phật Bà Quan Âm nhé. Dân làng nói rằng linh thiêng lắm. Và nếu bạn về đây mùa hè, thì sẽ được tắm biển. Biển An Bằng hoang dã và tinh khôi như những con người nơi đây. Tôi tin rằng bạn sẽ giống tôi – đến 1 lần và muỗn quay lại nữa.
Từ ngày được đến thăm thành phố của người chết đặc biệt này tôi luôn nhắc mình tu tập tốt hơn và dành nhiều thời gian hơn cho tu tập. Mình không thể chết an lành nếu không sống tốt.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà